Chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi là gì năm 2024

Hơn 130 năm qua, các quốc gia trên thế giới đã sử dụng ba hệ thống tỷ giá hối đoái khác nhau. Từ 1879-1934, hầu hết các quốc gia sử dụng chế độ bản vị vàng, mặc nhiên tạo ra tỷ giá hối đoái cố định. Từ 1944 đến 1971, hầu hết các quốc gia tham gia vào hệ thống Bretton Woods, một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định gián tiếp gắn liền với chế độ bản vị vàng. Và từ năm 1971, hầu hết đều sử dụng tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát, một sự kết hợp giữa tỷ giá hối đoái linh hoạt với các biện pháp can thiệp tiền tệ thường xuyên. Vấn đề trọng tâm ở đây là hệ thống tỷ giá hiện hành. Tuy nhiên, lịch sử của các hệ thống trước đây và lý do chúng bị sụp đổ rất hấp dẫn.

Hệ thống tỷ giá hối đoái quốc tế hiện nay (1971-hiện tại) là hệ thống “gần như” linh hoạt được gọi là tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát. Tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chính được tự do thả nổi để đạt đến mức cân bằng thị trường, nhưng thỉnh thoảng các quốc gia lại sử dụng các biện pháp can thiệp tiền tệ trên thị trường ngoại hối để ổn định hoặc thay đổi tỷ giá hối đoái thị trường.

Thông thường, các quốc gia thương mại lớn cho phép tỷ giá hối đoái được thả nổi lên hoặc xuống đến mức cân bằng dựa trên cung và cầu của thị trường ngoại hối. Họ nhận ra rằng những thay đổi của điều kiện kinh tế giữa các quốc gia đòi hỏi phải tiếp tục thay đổi tỷ giá hối đoái cân bằng để tránh liên tục bị thâm hụt hoặc thăng dư các khoản thanh toán. Họ dựa vào việc hoạt động thị trường ngoại hối tự do để thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Kết quả là tỷ giá hối đoái biến động đáng kể hơn so với thời kỳ Bretton Woods.

Nhưng các quốc gia cũng nhận ra rằng một số xu hướng chuyển động của tỷ giá hối đoái cân bằng có thể dẫn đến các mâu thuẫn với mục tiêu quốc gia hoặc quốc tế. Do vậy, thỉnh thoảng các quốc gia can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua hoặc bán một lượng lớn các loại tiền tệ cụ thể. Bằng cách này, họ có thể “quản lý” hoặc ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách tác động đến cầu và cung tiền tệ.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia G8 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Nga, Vương quốc Anh, và Mỹ) thường xuyên gặp gỡ để thảo luận về các vấn đề kinh tế và tìm cách phối hợp các chính sách kinh tế. Đôi khi họ cùng nhau can thiệp để giữ ổn định tiền tệ. Ví dụ, năm 2000 họ bán đồng đô la và mua euro với nỗ lực ổn định lại giá trị đồng euro so với đồng đô la đang giảm. Trong năm trước, đồng euro (€) bị định giá thấp từ 1 euro = 1.17 USD sang 1 euro = 0.87 USD.

Như vậy, hệ thống tỷ giá hối đoái hiện nay là hệ thống tỷ giá hối đoái “gần như” linh hoạt. “Gần như” tức là chủ yếu đề cập đến các biện pháp can thiệp tiền tệ định kỳ của các chính phủ, nó cũng đề cập đến một thực tế là hệ thống thực tế phức tạp hơn so với hình dung. Trong khi một số đồng tiền chính như đô la, euro, bảng Anh, và đồng yên biến động đáp lại sự thay đổi của cung và cầu, một số nước đang phát triển neo giá đồng tiền của họ theo đồng đô la và cho phép đồng tiền của họ dao động so với các đồng tiền khác. Tương tự, một số quốc gia khác neo giá trị đồng tiền của mình với một “rổ” hoặc nhóm các đồng tiền khác.

Những người ủng hộ hệ thống tỷ giá thả nổi có kiểm soát tranh luận rằng hệ thống này đã hoạt động tốt hơn nhiều so với mức các chuyên gia dự đoán. Những người hoài nghi cho rằng hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ làm giảm thương mại và tài chính thế giới. Nhưng trong thực tế hoạt động thương mại thế giới khi thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát đã phát triển rất lớn trong vài thập kỷ qua. Hơn nữa, những người ủng hộ cũng nhanh chóng xác định các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico và Đông Nam Á trong nửa cuối những năm 1990 không phải là kết quả của hệ thống tỷ giá thả nổi. Nguyên nhân chính là do đồng tiền mất giá đột ngột và việc định giá thấp là do các vấn đề nội bộ của quốc gia, cộng với xu hướng neo tỉ giá giữa đồng nội tệ với đồng đô la hay một giỏ tiền tệ nào đó. Trong một số trường hợp, tỷ giá hối đoái linh hoạt sẽ thực hiện những điều chỉnh dần dần.

Những người ủng hộ cũng chỉ ra rằng việc thả nổi có kiểm soát đã giúp khắc phục những bất ổn kinh tế nghiêm trọng mà nguyên nhân có thể là do hệ thống tỷ giá cố định mang lại. Các sự kiện như là dầu tăng giá bất thường giai đoạn 1973-1974 và 1981-1983, suy thoái do lạm phát ở một số quốc gia vào giữa những năm 1970, các cuộc suy thoái kinh tế lớn của đất nước trong đầu những năm 1980, thâm hụt ngân sách rất lớn của Mỹ vào những năm 1980 và nửa đầu những năm 1990, tất cả đều đưa đến sự mất cân bằng đáng kể trong thương mại và tài chính quốc tế, cũng như làm cho Mỹ bị thâm hụt ngân sách lớn hơn và giá dầu mỏ thế giới tăng cao hơn vào giữa thập niên đầu của những năm 2000. Tỷ giá linh hoạt cho phép hệ thống điều chỉnh khi các sự kiện này xảy ra, trong khi đó các sự kiện tương tự đặt ra những áp lực không chịu nổi lên hệ thống tỷ giá cố định.

Hiện vẫn còn nhiều người ủng hộ sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Họ càng ủng hộ hệ thống tỷ giá cố định thì càng thấy ra nhiều vấn để của hệ thống tỷ giá hiện nay. Người ta cho rằng sự biến động quá mức của tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát đe dọa sự thịnh vượng của những nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Một số cuộc khủng hoảng tài chính ở các quốc gia (ví dụ như Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Nga và Brazil) đã xảy ra là do những thay đổi đột ngột của tỷ giá hối đoái. Những cuộc khủng hoảng này đã đưa đến những gói “cứu trợ” hàng loạt từ các quốc gia thông qua các khoản vay từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đến lượt mình, các gói cứu trợ của IMF khuyến khích các quốc gia thực hiện các chính sách kinh tế đầy rủi ro và không phù hợp vì họ biết rằng, nếu cần thiết, IMF sẽ đến giải cứu. Hơn nữa, các biến động tỷ giá hối đoái đã xảy ra ngay cả khi các điều kiện kinh tế và tài chính của quốc gia tương đối ổn định, điều này cho thấy sự đầu cơ đóng một vai trò quá lớn trong việc xác định tỷ giá hối đoái.

Những người hoài nghi cho rằng việc thả nổi có quản lý về cơ bản là một hình thức tỷ giá “phi hệ thống”; các hướng dẫn liên quan đến việc mỗi quốc gia có thể hoặc không thể làm gì được với tỷ giá hối đoái của nước mình chưa đủ cụ thể để giữ cho hệ thống hoạt động trong thời gian dài. Các nước sẽ phải can thiệp vào thị trường ngoại hối, không chỉ đơn thuần là để làm rút ngắn khoảng cách biến động của tỷ giá hối đoái mà còn để hỗ trợ cho đồng tiền của họ khi đồng tiền bị yếu vị thế hoặc thao túng tỷ giá hối đoái để đạt được mục tiêu ổn định trong nước.

Tỷ giá hối đoái linh hoạt không hoạt động hoàn hảo nhưng chúng cũng không bị thất bại thảm hại. Cho đến nay chúng vẫn được sử dụng và cũng có vài cú sốc lớn đối với hệ thống thương mại quốc tế. Trong khi đó, phần “có kiểm soát” của hệ thống thả nổi đã cho phép các quốc gia có thể kiểm soát được số phận nền kinh tế của họ. Để cân bằng, hầu hết các nhà kinh tế học ủng hộ tiếp tục sử dụng hệ thống tỷ giá “gần như” linh hoạt hiện nay.

Nguyễn Lê Giang Thiên, dịch từ sách của McConnell, C. R., Brue, S. L., & Flynn, S. M. (2017). Macroeconomics, 21th Edition. Boston, US: McGraw-Hill/Irwin