Chủ nghĩa xã hội khoa học là hệ thống lý luận

Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội khoa học có chức năng và nhiệm vụ trang bị những tri thức khoa học, đó là hệ thống lý luận chính trị - xã hội và phương pháp luận khoa học mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã phát hiện ra và luận giải quá trình tất yếu lịch sử dẫn đến hình thành, phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chức năng này cũng thống nhất với chức năng của triết học Mác-Lênin và kinh tế chính trị học Mác-Lênin, nhưng trực tiếp nhất là trang bị lý luận nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Không làm được chức năng này, chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ không thể cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp nhận thức về chính trị - xã hội cho người nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là cho các đảng cộng sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa với chức năng lãnh đạo và quản lý xã hội.

Thứ hai, chủ nghĩa xã hội khoa học có chức năng và nhiệm vụ trực tiếp nhất là giáo dục, trang bị lập trường tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân cho đảng cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động – lập trường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Chính các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã có công lớn là xây dựng hệ thống lý luận phản ánh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân rồi tuyên truyền, giáo dục trở lại cho giai cấp công nhân hiện đại hiểu về sứ mệnh lịch sử và bản chất của chính mình. Hệ thống lý luận đó đã trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân hiện đại.

Không có hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, không có lập trường và bản lĩnh chính trị xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì giai cấp công nhân, đảng của nó và nhân dân lao động không thể tiến tới giành chính quyền và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; không thể đấu tranh với các hệ tư tưởng và các hoạt động thù địch chống chủ nghĩa xã hội, chống nhân dân lao động.

Thứ ba, chủ nghĩa xã hội khoa học có chức năng và nhiệm vụ định hướng về chính trị - xã hội cho mọi hoạt động của giai cấp công nhân, của đảng cộng sản, của nhà nước và của nhân dân lao động trên mọi lĩnh vực, sao cho sự ổn định và phát triển của xã hội luôn luôn đúng với bản chất, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa; tức là qua từng nấc thang phát triển, tính chất xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thuộc mọi lĩnh vực của xã hội thể hiện ngày càng rõ hơn và hoàn thiện hơn.

Về mặt lý luận: Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin là phải chú ý cả ba bộ phận hợp thành của nó. Nếu không chú ý nghiên cứu, học tập, vận dụng, phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ làm cho triết học, kinh tế chính trị học Mác-Lênin dễ chệch hướng chính trị - xã hội, trước hết và chủ yếu là chệch hướng bản chất, mục tiêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, giải phóng hoàn toàn xã hội và con người khỏi các chế độ tư hữu, áp bức, bất công, chiến tranh, nghèo nàn lạc hậu và mọi tai họa xã hội khác... mà thực tế lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến.

Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội khoa học còn có ý nghĩa lý luận là: trang bị những nhận thức chính trị - xã hội (như đối tượng, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp của chủ nghĩa xã hội khoa học đã nêu trên) cho đảng cộng sản, nhà nước và nhân dân lao động trong quá trình bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội... Vì thế, các nhà kinh điển Mác-Lênin có lý khi xác định rằng, chủ nghĩa xã hội khoa học là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân hiện đại và đảng của nó để thực hiện quá trình giải phóng nhân loại và giải phóng bản thân mình. Cũng như triết học và kinh tế chính trị học Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ giải thích thế giới mà căn bản là ở chỗ cải tạo thế giới (cả tự nhiên, xã hội và bản thân con người) theo hướng tiến bộ, văn minh.

Đội ngũ trí thức và thế hệ trẻ nước ta hiện nay là những lực lượng xã hội có trí tuệ, có nhiều khả năng và tâm huyết trong quá trình cải tạo và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nếu chỉ thuần tuý chú trọng về khoa học và công nghệ, phi chính trị, hoặc mơ hồ về chính trị và vi phạm pháp luật, họ càng không thể góp tài góp sức xây dựng Tổ quốc của mình. Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội khoa học chính là việc được trang bị trực tiếp nhất về ý thức chính trị - xã hội, lập trường tư tưởng chính trị và bản lĩnh cho mỗi cán bộ, đảng viên và mọi công dân Việt Nam góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng đề ra.

Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội khoa học cũng làm cho ta có căn cứ nhận thức khoa học để luôn cảnh giác, phân tích đúng và đấu tranh chống lại những nhận thức sai lệch, những tuyên truyền chống phá của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động đối với Đảng ta, Nhà nước, chế độ ta; chống chủ nghĩa xã hội, đi ngược lại xu thế và lợi ích của nhân dân, dân tộc và nhân loại tiến bộ.

Về mặt thực tiễn, bất kỳ một lý thuyết khoa học nào, đặc biệt là các khoa học xã hội, bao giờ cũng có khoảng cách nhất định so với thực tiễn, nhất là những dự báo khoa học có tính quy luật. Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội khoa học lại càng thấy rõ những khoảng cách đó, bởi vì chủ nghĩa xã hội trên thực tế, chưa có nước nào xây dựng hoàn chỉnh. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, cùng với thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, lòng tin vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa Mác-Lênin của nhiều người có giảm sút. Đó là một thực tế dễ hiểu. Vì thế, nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học càng khó khăn trong tình hình hiện nay và cũng có ý nghĩa chính trị cấp bách.

Chỉ có bình tĩnh và sáng suốt, kiên định và chủ động sáng tạo tìm ra những nguyên nhân cơ bản và bản chất của những sai lầm, khuyết điểm, khủng hoảng, đổ vỡ và của những thành tựu to lớn trước đây cũng như của những thành quả đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới có thể đi tới kết luận chuẩn xác rằng: không phải do chủ nghĩa xã hội – một xu thế xã hội hoá mọi mặt của nhân loại; cũng không phải do chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học... làm các nước xã hội chủ nghĩa khủng hoảng. Trái lại, chính là do các nước xã hội chủ nghĩa đã nhận thức và hành động trên nhiều vấn đề trái với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin... đã giáo điều, chủ quan duy ý chí, bảo thủ, kể cả việc đố kỵ, xem nhẹ những thành quả chung của nhân loại, trong đó có chủ nghĩa tư bản; đồng thời do xuất hiện chủ nghĩa cơ hội – phản bội trong một số đảng cộng sản và sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình đã làm cho chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào.

Thấy rõ thực chất những vấn đề đó một cách khách quan, khoa học; đồng thời được minh chứng bởi thành tựu rực rỡ của sự nghiệp đổi mới, cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, chúng ta càng củng cố bản lĩnh kiên định, tự tin tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Do đó, việc nghiên cứu học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, lý luận chính trị - xã hội nói riêng và các khoa học khác... càng là vấn đề thực tiễn cơ bản và cấp thiết. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, dao động, thoái hoá, biến chất trong đảng và cả xã hội, giáo dục lý luận chính trị - xã hội một cách cơ bản khoa học tức là ta tiến hành củng cố niềm tin thật sự đối với chủ nghĩa xã hội... cho cán bộ, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhân dân. Tất nhiên đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng hợp tác quốc tế; tiến hành hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá về kinh tế; xây dựng "kinh tế tri thức", thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... đang là những vận hội lớn, đồng thời cũng có những thách thức lớn đối với nhân dân ta, dân tộc ta. Đó cũng là trách nhiệm lịch sử rất nặng nề và vẻ vang của cả thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa trên đất nước ta.

3. Trình bày sự hình thành của chủ nghĩa xã hội khoa học.

3.1. Khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học:

Theo nghĩa rộng, chủ nghĩa xã hội khoa học (hay chủ nghĩa cộng sản khoa học) là chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung với tính cách là sự luận toàn diện (triết học, kinh tế chính trị và xã hội – chính trị) về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản, là sự biểu hiện khoa học những lợi ích cơ bản và những nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp công nhân. Điều ấy nói lên sự thống nhất, tính hoàn chỉnh về mặt cấu trúc của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa xã hội khoa học là bộ phận thể hiện tập trung nhất tính chính trị - thực tiễn sinh động của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học về các quy luật xã hội – chính trị, là học thuyết về những điều kiện, con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, về cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, về các quy luật, biện pháp đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của chính đảng mácxít nhằm thưc hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

3.2. Những điều kiện và tiền đề khách quan dẫn đến sự ra đời chủ nghĩa xã hội khoa học:

- Điều kiên kinh tế xã hội:

Vào những năm 40 thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã đạt được những bước phát triển rất quan trọng trong kinh tế. Cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ nhất đã thúc đẩy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Chính sự phát triển đó làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bộc lộ mâu thuẫn giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất có tính chất xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy mà chủ nghĩa tư bản tạo ra những khả năng hiện thực cho những nhà dân chủ cách mạng tiến bộ nhận thức đúng đắn bản chất của chủ nghĩa tư bản, để đề ra lý luận khoa học và cách mạng.

Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân hiện đại trưởng thành bước lên vũ đài đấu tranh chống giai cấp tư sản với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập. Giai cấp công nhân là lực lượng xã hội có khả năng giải quyết những mâu thuẫn mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra.

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ, đã bắt đầu có tổ chức và trên quy mô rộng khắp. Nó đòi hỏi có một lý luận khoa học hướng dẫn. Tiêu biểu cho các phong trào công nhân lúc đó là: cuộc khởi nghĩa công nhân thành phố Liông (Pháp) 1831 – 1834; cuộc khởi nghĩa công nhân dệt Xêlidi (Đức) 1844; phong trào Hiến chương (Anh) 1838 – 1848. Những phong trào đó có tính quần chúng và mang hình thức chính trị. Sự lớn mạnh của phong trào công nhân đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng.

Đó là những điều kiện kinh tế - xã hội khách quan cho chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời để thay thế các trào lưu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đã tỏ ra lỗi thời, không còn có khả năng đáp ứng phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, đồng thời chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời phản ánh bằng lý luận phong trào công nhân.

- Những tiền đề văn hóa – tư tưởng (tiền đề lý luận)

Đến đầu thế kỷ XIX, nhân loại đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực khoa học, văn hóa và tư tưởng. Về khoa học tự nhiên có: thuyết tế bào của M. Sơlayđen  và T. Savanxơ (Đức); thuyết tiến hóa của Đ. Đácuyn (Anh); thuyết bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của M. Lômônôxốp (Nga). Về khoa học xã hội có: triết học cổ điển Đức (Ph. Hêghen, L. Phơbách,…), kinh tế chính trị học Anh (Ađam Smít, Đ. Ricácđô,…), chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán (H. Xanhximông, S. Phuriê, R.Ôoen,…). Những thành tựu của khoa học, văn hóa, tư tưởng đã tạo ra những tiền đề tư tưởng – văn hóa cho sự ra đời chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng.

3.3. Vai trò của C. Mác, Ph. Ăngghen đối với sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học:

- Các Mác (1818 – 1883):

C. Mác là người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và kinh tế chính trị khoa học. Ông là lãnh tụ và người thầy của giai cấp vô sản thế giới.

- Phriđrích Ăngghen (1820 – 1895):

Ph. Ăngghen là nhà bác học, lãnh tụ và là người thầy của giai cấp công nhân hiện đại, đã cùng với C. Mác sáng lập ra học thuyết mácxít.

Khi nghiên cứu miếng đất hiện thực tư bản chủ nghĩa trên quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng với phương pháp luận khoa học, C. Mác đã nêu ra hai phát kiến vĩ đại đó là: chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư. “Nhờ hai phát kiến ấy, chủ nghĩa xã hội đã trở thành khoa học”. Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời không phải do tưởng tượng, ước mơ mà là kết quả tất yếu trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, của tư duy lý luận có cơ sở khoa học.

Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của “Đồng minh những người cộng sản” – một tổ chức công nhân quốc tế, đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” (2-1848) là tác phẩm bất hủ, là khúc ca tuyệt tác của chủ nghĩa Mác, là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của phong trào công nhân, phong trào cộng sản. Với những nội dung đã được trình bày một cách rõ ràng và sáng sủa của thế giới quan khoa học, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản”, theo V.I. Lênin, xứng đáng được thừa nhận là Tuyên ngôn của chủ nghĩa xã hội thế giới, là “cuốn sách gối đầu giường cho tất cả những người công nhân giác ngộ”.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” là kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Các Đảng Cộng Sản mácxít – lêninnít lấy tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân: thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, để tiến lên chủ nghĩa cộng sản.