Cơ cấu thu ngân sách nhà nước 2022-2022

Ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Thưa ông, giai đoạn 2016-2020, NSNN đã có những bước chuyển mình cơ bản và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với vai trò là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội, ông nhận định như thế nào về những kết quả điều hành ngân sách trong 5 năm qua và đặc biệt là năm 2020 đầy thách thức này?

Có thể nói, các chính sách tài khóa trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chuyển biến tiến bộ, ứng phó linh hoạt và phối hợp đồng bộ hơn với chính sách tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong đó, cơ cấu thu - chi NSNN được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Chính phủ đã đẩy mạnh sự công khai, minh bạch ngân sách cũng như sự giám sát của cộng đồng.

5 năm qua, số thu NSNN bảo đảm đáp ứng các nhu cầu chi tiêu lớn của đất nước, đặc biệt là nhu cầu vốn đầu tư lớn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đặc biệt, năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ. Điều đó đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN.

Thu đúng, thu đủ và nuôi dưỡng nguồn thu ổn định là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Tài chính nói chung và Hải quan nói riêng. Ảnh: Hoàng Tuấn

Song, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương đã dồn sức nỗ lực; cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã cố gắng; toàn hệ thống chính trị đã cùng phối hợp tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết,... góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều đó được minh chứng bằng việc năm 2020 với thành tích kép chúng ta vừa chống dịch thành công vừa tăng trưởng GDP dương, cao nhất trong khu vực nên cả thế giới kính nể, khâm phục. Mặc dù GDP chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch nhưng thu ngân sách vẫn đạt gần 90% dự toán năm; an sinh xã hội ổn định, tín nhiệm trên trường quốc tế được nâng cao.

Tôi trân trọng và đánh giá cao thành tựu của đất nước trong năm 2020 và cho rằng đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Tài chính.

Thưa ông, trong điều hành NSNN, một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra là điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách sao cho bền vững hơn, tăng thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề cho công tác thu NSNN những năm tiếp theo. Nhìn vào cơ cấu thu, ông cho rằng chúng ta đã làm được điều đó chưa?

Quả thực đây là một “bài toán” khá hóc búa. Làm thế nào để vừa thu ngân sách một cách căn cơ, bền vững nhưng vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Giải quyết hài hòa những yếu tố đó không đơn giản.

Thời gian qua, việc điều chỉnh, đổi mới chính sách thu gặp nhiều khó khăn, việc sửa đổi các chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế không được như kỳ vọng nên kết quả thu NSNN chưa được như kế hoạch. Việc rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế, rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu NSNN chưa được thực hiện, vẫn còn tình trạng lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong các luật về thuế. Điều này ảnh hưởng đến tính bền vững của ngân sách.

Chi ngân sách tuy cơ cấu được cải thiện tích cực nhưng phải thấy rằng các nhiệm vụ chi lương và các chính sách an sinh xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư còn chậm, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh. Hơn nữa, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm, nhưng việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập.

Để tiếp tục cơ cấu, đảm bảo tính bền vững của thu NSNN, thời gian tới ngành Tài chính cần tham mưu Chính phủ thực hiện cho được chiến lược cải cách thuế. Theo đó cần tập trung điều chỉnh chính sách thu “phải đảm bảo cho được tính trung lập của chính sách thuế”, vừa mở rộng cơ sở thu, vừa đảm bảo bình đẳng các thành phần kinh tế trong chính sách thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo huy động hợp lý cho ngân sách nhà nước; tăng thu từ sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu - chi, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Dự toán NSNN năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó đặt mục tiêu tổng thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh chúng ta chưa thể tính toán chính xác được những hậu quả mà Covid-19 có thể gây ra trong giai đoạn tới, chỉ tiêu nói trên có quá khó khăn không, thưa ông? Chính phủ nói chung, ngành Tài chính nói riêng cần phải làm gì để đạt được kế hoạch đề ra?

Dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình và Quốc hội thông qua đã được tính toán kỹ lưỡng và căn cứ vào những đánh giá, dự đoán khá sát với thực tế từ việc thực hiện năm 2020 đến những tác động của Covid-19 và thiên tai, bão lũ tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nếu thực hiện tích cực các giải pháp có lẽ mục tiêu nói trên cũng không phải khó đạt được.

Để hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này, tới đây, Chính phủ mà đặc biệt là ngành Tài chính cần có quyết tâm rất cao tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Đó là, cần sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách về thu nói chung các luật về thuế nói riêng để đảm bảo tính trung lập của thuế, mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm bao quát hết nguồn thu của NSNN, có cơ chế mạnh hơn nữa với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện, cần quyết liệt hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý mạnh chống chuyển giá, gửi giá; trốn thuế, chây ỳ thuế, nợ thuế, đọng thuế… Bởi nếu không hoàn thành chỉ tiêu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tài chính vĩ mô khác như bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, vay nợ, nghĩa vụ trả nợ hàng năm trên tổng thu nội địa,... mà các chỉ tiêu vĩ mô này liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

(TBTCVN) - Củng cố chính sách tài khóa, cơ cấu thành công ngân sách và nợ công, góp phần ổn định nền tài chính quốc gia chính là những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua, trong điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước.

Nguồn lực tài chính quốc gia được tăng cường, tạo dư địa hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong năm 2021.

Đến nay, chúng ta đã có “của ăn của để”, có nguồn lực chi cho những nhiệm vụ cấp bách, phát sinh như khi dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn trăm bề.

Đã qua thời “ngân sách hụt hơi”

Tình trạng “thu được đồng nào xài hết đồng ấy”, hay “điều hành ngân sách như đi trên dây”, “ngân sách hụt hơi” đã không còn nữa. Có những thời điểm, việc điều hành chính sách tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được triển khai trong bối cảnh phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, như tình trạng bội chi, nợ công tăng, hay như trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ đối với cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Như trong năm 2020, đại dịch Covid-19, những diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu làm cho tình hình càng thêm khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại, ảnh hưởng tới thu ngân sách.

Tuy nhiên, ở thời điểm nào, dù khó khăn đến đâu, toàn ngành Tài chính vẫn đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – NSNN; qua đó, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đến nay, ngành Tài chính đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng, giải pháp về cơ cấu lại NSNN, bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến. Đồng thời, ngành Tài chính đã cơ cấu lại một bước chi NSNN, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư, ngay từ khâu dự toán, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,9% năm 2020. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện đạt 27 - 28% tổng chi - thấp hơn mục tiêu, là kết quả rất tích cực, nhất là trong bối cảnh quy mô chi NSNN so với GDP giảm.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã quản lý, điều hành chặt chẽ bội chi NSNN. 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép, giảm mạnh so với mức tương ứng là 63,7% và 52,7% năm 2016 (mức trần cho phép là 65% và 54%)...

Bên cạnh những thành công trong điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, những năm qua, ngành Tài chính đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác, như: công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; quản lý giá, phát triển thị trường tài chính; quản lý sử dụng tài sản công; hợp tác quốc tế và tài chính đối ngoại...

Chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch

Trong bối cảnh năm 2020, chúng ta đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Bài toán khó đặt ra là trong khi thu ngân sách giảm mạnh do những tác động của đại dịch Covid-19 thì gánh nặng chi ngân sách lại tăng mạnh, nhằm đảm bảo mục tiêu “kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, những chính sách tài khóa hiệu quả, “liệu cơm, gắp mắm”, đúng thời điểm, đúng đối tượng, đủ liều lượng và phù hợp với cân đối ngân khố quốc gia là vô cùng quan trọng. Những kết quả đạt được đến thời điểm này có thể khẳng định những tính toán của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với điều kiện của nước ta, giúp nền kinh tế và đời sống người dân ổn định.

Nguồn: Vietnamnet Infographics: T.L

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp hỗ trợ về dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu NSNN. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm hơn 20 khoản phí, lệ phí. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm. Qua đó giảm gánh nặng, chi phí đầu vào, giúp cho người sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý, trong năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động cắt giảm các khoản phí cho các nhà đầu tư, hỗ trợ duy trì và phát triển quy mô thị trường chứng khoán. Nhờ đó, chỉ số VN-Index đến cuối năm đạt trên 1.103 điểm, tăng 14,9% so với năm 2019; quy mô thị trường đạt khoảng 87,7% GDP, tăng 20,8% so cuối năm 2019. Quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2020 đã tăng gấp đôi so năm 2016 (43,3% GDP).

Nhận định về vấn đề này, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thị trường tài chính có bước tăng trưởng vượt bậc trong thời điểm khó khăn của năm 2020, cũng đánh dấu thành công trong điều hành của Bộ Tài chính, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Minh Anh

Video liên quan

Chủ đề