Có nên ly hôn khi bất đồng quan điểm

Phóng viên - 02/07/2020 | 7:39 (GTM + 7)

Có nên ly hôn khi bất đồng quan điểm
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn gia đình, tệ hơn nữa là dẫn tới ly hôn. Ảnh minh họa

Chửi bới. Đánh đập. Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. 

Những mâu thuẩn trong đời sống vợ chồng không có hướng giải quyết.

Và kết quả là ly hôn.

Đó là thực trạng đáng báo động hiện nay tại ĐBSCL. “Yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa” – Câu chuyện chưa có hồi kết của nhiều cặp vợ chồng trẻ nơi vùng đất còn nhiều khó khăn này. 

Theo thống kê từ Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre, số vụ ly hôn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng lên theo từng năm. Cụ thể, năm 2014, tòa án thụ lý khoảng 3.900 vụ; năm 2015 thụ lý 4.300 vụ; năm 2016 là 4.500 vụ; năm 2017: 4.700 vụ và năm 2019 con số này tăng lên gần 5.200 vụ. Độ tuổi bình quân của các cặp vợ chồng trong các vụ ly hôn ở Bến Tre phổ biến nhất là từ 20 – 40. Theo bà Phạm Thị Thanh Thảo - Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre, “Bất đồng quan điểm trong cuộc sống” là lý do được nêu trong hầu hết các đơn xin ly hôn. Thế nhưng, phía sau cụm từ “chung chung” đó lại ẩn chứa vô vàn nguyên nhân sâu xa. Bà Thảo tâm tư: 

Nguyên nhân phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, họ ít quan tâm đến bạn đời, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân. Trong khi đó, nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hời hợt đã khiến họ không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết, vượt qua các mâu thuẫn.

Ngoài vấn đề thiếu kỹ năng sống để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gia đình, thì đâu đó, trong một số các vụ án ly hôn, nguyên nhân lại xuất phát từ sự yếu kém về đạo đức, lối sống suy đồi, quen dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn của một hoặc các thành viên trong gia đình, khiến những rạn nứt dần dần xuất hiện, tới một mức độ nhất định sẽ dẫn đến kết cục đổ vỡ. Luật sư Hồ Thị Xuân Hương – Trưởng văn phòng Luật sư Xuân Hương – Đoàn Luật sư Đồng Tháp, người từng nhận giải quyết rất nhiều các vụ hôn nhân cho biết, có không ít trường hợp các chị em phụ nữ đến “cầu cứu” luật sư để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đẫm nước mắt và bạo lực. Vì vậy, từ chuyện người vợ hoặc chồng không chung thủy dẫn đến phát sinh mâu thuẫn hay các hành vi bạo lực gia đình đã khiến cho đối phương không thể chịu đựng được, phải quyết định xé hôn thú: 

 Căn cứ nữa là bạo lực gia đình và ngoại tình. Đây là căn cứ hiện nay rất là nổi trội và thể hiện rất là phức tạp. Chúng ta thấy gia đình Việt Nam khác với gia đình phương tây là vì nó thiên về tình cảm. Sự thân thiết mang tính ràng buộc rất đặc biệt. Gia đình cũng là môi trường quan trọng hình thành giáo dục nhân cách. Do vậy vợ chồng cải vã, đánh đập, xô xác làm tổn thương nhau nhiều lần, gây thương tích hoặc không chung thủy, và không chung thủy thì tức là đang vi phạm hôn nhân gia đình, vì vậy hôn nhân không thể kéo dài, tan vỡ và ly hôn là điều tất yếu. 

Có nên ly hôn khi bất đồng quan điểm
Văn hóa ứng xử đóng vai trò không nhỏ trong việc quyết định hạnh phúc gia đình

Theo số liệu của Tòa án nhân dân tỉnh Long An, trong số hơn 6.500 vụ việc ly hôn trên địa bàn do tòa án cấp tỉnh và cấp huyện thụ lý thì nguyên nhân chủ yếu nhất là do mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên, một trong những lý do dẫn đến mâu thuẫn gia đình chính lại bắt nguồn từ mâu thuẫn về kinh tế. Những khúc mắc vật chất sẽ kéo theo rất nhiều bất đồng khác khiến không ít cặp vợ chồng đi đến quyết định chấm dứt hôn nhân. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thúy – Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cũng cho rằng, kinh tế tác động không nhỏ đến đời sống hôn nhân của mỗi gia đình, tuy nhiên, cốt lõi để tạo ra sự rạn nứt chính là văn hóa ứng xử chưa tốt: 

Hiện nay phải thừa nhận một điều là văn hóa ứng xử trong gia đình rất ảnh hưởng. Không chỉ những gia đình nghèo mà gia đình khá giả vẫn ly hôn như thường. Văn hóa ứng xử giữa vợ và chồng đôi khi không có sự chia sẻ, thông cảm cho nhau. Ví dụ như giờ anh chồng đi làm về, có khi phải đi giao thiệp, về trễ một bữa, 2 bữa, nhiều bữa như vậy. Chị vợ ở nhà thì lo, sẽ có cái cằn nhằn, mà nữ thì quan tâm mới cằn nhằn còn nếu không thương thì không nói nữa. Có khi không hiểu được cho anh chồng áp lực công việc ở cơ quan như thế nào mà đã vội trách hờn. Từ đó xảy ra mâu thuẫn. 

Có thể thấy, cuộc sống hiện đại, sự đầy đủ hơn về vật chất khiến cho cuộc sống của con ngày ngày càng có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, những mặt trái của nó cũng là không ít. Một trong số đó là sự gia tăng các vụ ly hôn và những giá trị truyền thống của gia đình đang ngày càng bị bào mòn và mai một. Vậy, làm sao để các cặp vợ chồng có thể giữ vững được tổ ấm của mình? Làm sao để hạnh phúc gia đình luôn được duy trì và vun đắp? Đó không chỉ là nỗi trăn trở của mỗi cặp vợ chồng mà còn là thách thức lớn đối với toàn xã hội.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, việc thụ lý đơn ly hôn quá dễ dàng, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần bắt buộc phải thực hiện các bước hòa giải, hàn gắn đoàn tụ tại cơ sở cũng là một trong các lý do khiến các cặp vợ chồng, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ dễ đi đến quyết định ly hôn. Trong khi đó, chính những thủ tục tiền tố tụng như hòa giải tại thân tộc; hòa giải tại xóm, ấp; hòa giải tại xã, phường lại là những bước đi quan trọng, giúp các cặp vợ chồng bên bờ vực đổ vỡ có thêm cơ hội níu kéo lại hạnh phúc gia đình. Vì thế, bà Phạm Thị Thanh Thảo – Tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bến Tre cho rằng, công tác hòa giải cần được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả cao hơn, để góp phần chặn đà gia tăng của các vụ ly hôn hiện nay: 

“Đối với Hội liên hiệp phụ nữ các cấp chúng tôi sẽ thể hiện tốt vai trò trong công tác hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, từ đó hạn chế việc gửi đơn ra Tòa để xin ly hôn. Duy trì nhiều mô hình hiệu quả như CLB gia đình hạnh phúc, CLB 3 thế hệ, … Chủ động phối hợp các ngành hỗ trợ về vốn, kiến thức, việc làm cho các cặp vợ chồng trẻ có điều kiện kinh tế khó khăn để vươn lên, ổn định cuộc sống gia đình…

Ly hôn dù với bất cứ lý do nào thì vẫn là câu chuyện đáng buồn. Và để ngăn chặn sự đổ vỡ gia đình, thì điểm mấu chốt phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của những người trong cuộc. GS.TS Vũ Gia Hiền – nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng, để hạn chế những vụ đổ vỡ trong hôn nhân, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế và chăm lo hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng:

Phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng. Khi đặt bút ký kết hôn thì phải tự nguyện và hứa với nhau sẽ chung thủy suốt đời và khó khăn gì cũng phải vượt qua. Đó là tự tâm mỗi người. Thứ hai là về phía gia đình, cha mẹ có con đến tuổi hôn nhân thì phải dạy con kỹ lưỡng. Đối với những người trước đó không giữ được mình trong hôn nhân thì cũng phải nói với con cái rằng hãy cảnh giác rằng đi đến hôn nhân là hiện tượng xã hội nhưng khi ly hôn là sẽ đau khổ. 

 “Một câu nhịn, chín câu lành” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời; Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê” đó là những kinh nghiệm ứng xử quý giá trong đời sống xã hội và gia đình đã được ông bà ta đúc rút từ hàng trăm năm trước, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Và để hướng tới một xã hội phồn vinh, mọi gia đình đều hạnh phúc, không chỉ cần có sự đầy đủ về vật chất, mà quan trọng hơn, mỗi người trong xã hội và từng gia đình cần phải ứng xử có văn hóa với nhau.

Bất đồng quan điểm sống là một trong những trở ngại không nhỏ khiến nhiều gia đình khó có được hạnh phúc thực sự. Thậm chí, bất đồng quan điểm sống chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự chia rẽ giữa các thành viên, thậm chí dẫn tới vợ chồng ly hôn, con cái xa rời bố mẹ, ông bà, người thân. Vậy làm thế nào để các thành viên dễ đồng cảm, thấu hiểu, gắn kết với nhau hơn, tránh bất đồng, giúp mối quan hệ gia đình trở nên bền chặt, hạnh phúc? 

Có nên ly hôn khi bất đồng quan điểm
Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân cơ bản hiện nay dẫn tới bất đồng quan điểm sống chính là do bố mẹ, người lớn trong gia đình nhìn nhận vấn đề một chiều, lấy quan điểm cá nhân để đưa ra đánh giá với con cái mà không đặt mình vào vị trí, cảm xúc của các con. Bên cạnh đó, sự chênh lệch tuổi tác giữa các thế hệ cũng khiến những quan điểm trở nên không đồng nhất, dễ dẫn đến những hiểu lầm, cãi vã không đáng có. Nguyễn Ngọc H. (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Phủ Lý) chia sẻ: “Càng lớn, mâu thuẫn giữa em với bố mẹ càng nhiều hơn. Bố mẹ thường áp đặt suy nghĩ của người lớn vào em, từ chuyện học hành, quan hệ bạn bè đến những chuyện khác trong gia đình. Bố mẹ cho rằng mình từng trải, nhiều kinh nghiệm nên nhìn nhận các vấn đề chính xác. Còn những mong muốn, suy nghĩ và sở thích, lựa chọn của em phần lớn bố mẹ không quan tâm. Em luôn phải kìm nén và rất ức chế, nhiều khi không muốn trò chuyện, gần gũi bố mẹ. Em hy vọng bố mẹ, ông bà có thể đặt mình vào vị trí của em để thấu hiểu hơn". 

Một nguyên nhân khác là do độ tuổi, môi trường giáo dục, sở thích, quan điểm khác nhau cũng dễ dẫn tới sự bất đồng. Chị Trần Thu H. (Tổ 6, Phường Quang Trung, TP Phủ Lý) tâm sự: “Càng lớn con mình càng có những suy nghĩ khác với bố mẹ. Con không còn gần gũi với mẹ như trước, thay vào đó thường dành thời gian nhiều hơn cho điện thoại, game, tụ tập bạn bè, không tiết kiệm tiền bạc, thậm chí hay phản kháng lại bố mẹ từ những điều nhỏ nhất… Bố mẹ và con cái vì thế thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí cãi vã, to tiếng”. 

Còn chị Nguyễn Thị M. (Tổ phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) chia sẻ: “Vợ chồng mình và con trai thường xuyên bất đồng quan điểm với con dâu trong sinh hoạt, nhất là trong nuôi dạy con cái mà nguyên nhân là do quan điểm sống và môi trường giáo dục của hai gia đình khác nhau. Ví như việc cho con bú sữa, con dâu mình không cho cháu bú trực tiếp mà vắt sữa ra bình rồi mới cho bú. Những lúc con dâu đi vắng, con trai và người chăm sóc phải hâm nóng sữa đã vắt để trong tủ lạnh cho cháu uống. Hoặc khi cho con ăn dặm, theo quan điểm của ông bà, bố mẹ là cho ăn bột, rồi ăn cháo xay vỡ, cho dầu ăn, gia vị đầy đủ. Nhưng bọn trẻ lại cho rằng không nên cho gia vị, muối vào thức ăn mà cho cháu ăn nhạt hoàn toàn… theo hướng dẫn từ các trang mạng. Do có sự bất đồng quan điểm trong những việc nhỏ dẫn tới bất đồng trong những việc lớn như việc tiết kiệm, mua sắm, hoạch định tương lai cho gia đình…”. 

Sự bất đồng quan điểm không chỉ xảy ra giữa bố mẹ với con cái mà còn giữa các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là giữa vợ với chồng, nhất là vợ chồng trẻ. Qua trao với nhiều gia đình cho thấy: ngoài nguyên nhân áp đặt ý kiến, quan điểm chủ quan của bố mẹ, người lớn với con cái, chồng với vợ… còn có những nguyên nhân khác như: con cái ít quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của bố mẹ, người lớn; thiếu sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; không trò chuyện, bày tỏ quan điểm trực tiếp cùng nhau. Ngoài ra, áp lực công việc, học tập, gánh nặng mưu sinh, dịch bệnh… cũng là những nguyên nhân dẫn tới bất đồng quan điểm sống trong không ít gia đình. Hậu quả là nhiều cặp vợ chồng ly hôn, nhiều đứa trẻ trở nên lầm lỳ hoặc quậy phá, không muốn hòa nhập cùng gia đình… Từ thực tế đó, để hạn chế thấp nhất những bất đồng quan điểm, vun đắp hạnh phúc gia đình, trước hết mỗi thành viên cần trau dồi kiến thức, bình tâm nắm bắt những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là sự lắng nghe của bố mẹ, ông bà đối với con trẻ…

Anh Lê Quang T. (Tổ 5, Phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý), từng có thời gian dài bất đồng quan điểm với con, dẫn tới việc con thu mình, không nói chuyện với bố mẹ cho biết: “Qua thực tế cho thấy việc áp đặt một cách máy móc quan điểm của bố mẹ với con cái sẽ dẫn đến hai kết cục, một là con nghe theo và chúng sẽ không tìm được những thứ mình yêu thích, không phát huy được năng lực, sở trường cá nhân; hai là sẽ cãi lại, chống đối, tỏ ra lì lợm và khiến gia đình bị xáo trộn, không đầm ấm, hạnh phúc. Việc hàn gắn về sau mất nhiều thời gian, sự liên kết của gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Tôi đã có thời gian áp đặt quan điểm sống cho cháu lớn, thật may sau khi bình tĩnh nhìn nhận lại thì mọi việc trở nên đơn giản hơn, mình hiểu được con đang nghĩ gì, từ đó có phương án tốt hơn trong giải quyết vấn đề”. 

Cùng trao đổi về vấn đề này, em Vũ Quốc V. (Tổ phố 2, Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý) chia sẻ: “Em đã có thời gian bất đồng quan điểm và không quan tâm đến bố mẹ nghĩ gì. Thực tế những điều bố mẹ định hướng là vì muốn tốt cho mình nhưng bản thân em không hiểu thấu đáo mà luôn cho đó là áp đặt và tìm cách chống đối. Giờ em rút kinh nghiệm, bình tâm, nhẹ nhàng, nói rõ tâm tư, sở thích, nguyện vọng đang mong muốn, ấp ủ. Đồng thời, chú ý thuyết phục nhiều hơn là tranh cãi, vì nếu như mình có thắng cũng chẳng được gì, ngược lại sẽ khiến bố mẹ phiền lòng, bực tức và mất dần sự quan tâm”.

Với chị Vũ Thanh H. (Xóm 4, Liêm Chung, TP Phủ Lý) lại là một câu chuyện khác: Chị và chồng mình chút nữa là đường ai nấy đi do không có sự bình tâm, chia sẻ, ngồi lại với nhau. Khi đi làm về vợ chồng chị mỗi người ôm một cái điện thoại, lướt mạng, không chia sẻ việc gia đình, con cái… Theo chị, thiết bị công nghệ hiện đại đôi khi cũng chính là vật cản lớn khiến các thành viên ngày càng có khoảng cách trong việc kết nối, thấu hiểu lẫn nhau. Do vậy, khi chị chủ động trao đổi lại với chồng, chủ động nhận những điều mình thiếu sót và bày tỏ quan điểm, thường xuyên tổ chức các buổi đi chơi, thăm người thân để gia đình vui vẻ gắn bó hơn. Giờ vợ chồng chị đã có thể dễ dàng cùng nhau làm mọi việc, qua đó gắn kết các thành viên trong gia đình hơn.

Cuộc sống hiện đại có nhiều vấn đề dễ gây tác động tiêu cực, dẫn đến nảy sinh bất đồng. Vì vậy, để phòng tránh bất đồng quan điểm rất cần có sự chủ động lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với đó, là sự đồng hành cùng nhau, thay đổi quan điểm cho phù hợp với điều kiện cụ thể, có như vậy mới tránh xảy ra những bất đồng, rạn nứt đáng tiếc.