Đánh giá các di tích tại tphcm

Di sản văn hóa là tài sản vô giá của một dân tộc gắn liền với nền văn hóa của nhân loại. Việc giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa là trách nhiệm của cộng đồng, thể hiện lòng tri ân tiền nhân “uống nước nhớ nguồn”. Lãng quên, bỏ phế di sản văn hóa, dẫn tới hệ quả từ di tích trở thành phế tích thế là có tội với cha, ông, tổ tiên tiền nhân, những bậc tiền bối đã dày công gầy dựng và lưu truyền báu vật ấy cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

Để đất nước “đơm hoa, kết trái” cả đời sống vật chất và tinh thần, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và tu bổ di tích văn hóa, lịch sử là nguồn lực vô cùng quý báu, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trường tồn.

Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, hình thành mới hơn 300 năm. Nhưng nơi đây được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông với bao danh lam, thắng tích mang đậm tính lịch sử truyền thống 4000 năm dựng nước và giữ nước. Chọn ra địa điểm tiêu biểu, mang tính lịch sử quả thật không đơn giản chút nào, nơi đây có nhiều danh thắng di tích sống mãi cùng tháng năm: đền thờ Đức Trần Hưng Đạo, đình Nhơn Hòa, đền thờ Hùng Vương nằm trong Thảo Cầm Viên, đặc biệt nhất là Dinh Độc Lập nay mang tên là Dinh Thống Nhất nằm trên 04 con đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Du-Huyền Trân Công Chúa và Nguyễn Thị Minh Khai, nơi từng chứng kiến bao thăng trầm của công cuộc chiến đấu “vệ quốc vĩ đại” của dân tộc ta, đã và đang được bảo tồn, khai thác phục vụ cho du khách trong và ngoài nước tham quan.

Tuy nhiên, nếu cần phải chọn lựa một địa điểm có ý nghĩa lịch sử tiêu biểu cho hoạt động cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề cập tới địa chỉ số 88 đường Lê Lợi, phường Bến Thành, quận I, nơi thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, được công nhận là di tích quốc gia năm 1988, nay thuộc sở hữu tư nhân!

Điều đáng tiếc là di sản lịch sử này hiện khá hẩm hiu: không chỉ lối vào bị biến thành nơi bán quần áo, đồng hồ; di tích còn bị chủ sở hữu cho sửa chữa làm nơi sinh hoạt của gia đình.

Rà soát lại, trên địa bàn TP.HCM hiện có 54 di tích cấp quốc gia và 91 di tích cấp thành phố được xếp hạng, hầu hết đã xuống cấp, một số di tích bị thay đổi công năng, tư nhân hóa... chỉ tính riêng ở quận I có 05 di tích lịch sử được xếp hàng quốc gia đã có tới 03 di tích bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích gồm: ngoài nơi thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1929; còn có trụ sở báo Dân chúng (43 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận I) – nơi được Bộ Văn Hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử ngày 16.11.1998; di tích thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 (phòng 1, lầu 2, Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1) được công nhận di tích quốc gia năm 1988 cũng thuộc sở hữu tư nhân, được sử dụng làm căn hộ để ở từ năm 1978;

Di tích vừa được dẫn chứng tuy là địa danh đi vào lòng người qua bao năm tháng không thể xóa nhòa trong tâm thức các thế hệ cần được trân trọng tô bồi. Thế nhưng, đáng tiếc là chúng ta gần như “phó mặc” cho thời gian khắc nghiệt; lòng người hờ hững đẩy di tích bị lãng quên dần đi vào chỗ phế tích.

Báo Người Lao Động ngày 05.7.2011 thông tin: Từ tháng 11.1998, bức xúc trước tình trạng di tích bị xâm hại, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Văn hóa – Thông tin tiến hành khảo sát thực tế để đề xuất biện pháp giải quyết. Công an Thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng An ninh văn hóa và Công an các quận, huyện phối hợp với các ngành rà soát lại các di tích lịch sử cấp quốc gia xem nơi nào bị lấn chiếm trái phép báo cáo chính quyền. Thế nhưng, thực trạng xâm phạm các di tích vẫn sôi động!

Với một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến mà Luật Di sản văn hóa mới được ban hành chưa đến 10 năm quả là quá chậm trễ, đáng trách; dẫu sao chậm còn hơn không!

Luật Di sản văn hóa đáp ứng đòi hỏi của công luận đã quy định:

- Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hoá. Chủ sở hữu di sản văn hoá có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

- Nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

(Điều 9 Luật Di sản văn hóa)

Luật Di sản văn hóa cũng đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc về ý thức bảo tồn, tôn tạo di sản qua công tác điều tra nghiên cứu các sự kiện lịch sử, lưu truyền; sưu tầm tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử cách mạng, các công trình, địa điểm liên quan các sự kiện lịch sử có giá trị để lập hồ sơ xếp hạng di tích.

Đứng trước khó khăn, thách thức về ý thức bảo tồn, trong khi thời gian vô tình hững hờ trôi qua; kinh phí bảo quản, trùng tu di sản; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách còn hạn hẹp, thành phố cần quan tâm thích đáng trong việc tạo nguồn kinh phí phục vụ lâu dài nhằm “giải cứu” di tích đang ngày càng bị xuống cấp đáng báo động!

Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng là hoạt động cực kỳ có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của các thế hệ đi trước để thế hệ hôm nay và mai sau noi theo trên cơ sở có niềm tự hào để phát huy. Minh chứng cho tính chính nghĩa, vì mục đích cao cả của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng nhằm thức tỉnh lương tri của người yêu hòa bình và tiến bộ trên thế giới đồng cảm một cách sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta thời kỳ đã qua và công cuộc xây dựng phát triển đất nước ta sau chiến tranh.

Bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa có mối quan hệ hữu cơ và trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành đã đạt được những kết quả và thành tích khích lệ, sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ kế tiếp. Di tích lịch sử là những di sản vô giá được hình thành trong quá trình lịch sử, chứa đựng giá trị vật thể và phi vật thể, phản ảnh bản sắc, tâm hồn, bản lĩnh, khí phách của dân tộc Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa là bảo tồn và phát huy nội lực và là nguồn lực góp phần cho sự phát triển trường cửu của con cháu dòng giống Lạc Hồng bền vững, đã được khẳng định “Văn hóa vừa là nên tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội”.

Luật di sản văn hóa là văn bản pháp lý của Nhà nước góp phần quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa – lịch sử của dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước ta. Luật di sản văn hóa cụ thể hóa chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Luật quan tâm tới vai trò quản lý của Nhà nước về di sản văn hóa, bao gồm: xây dựng, thực hiện chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ chuyên viên về di sản văn hóa, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với cá nhân, tổ chức nước ngoài nhằm xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác quốc tế nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ hiện tại trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ di tích. Để Luật di sản văn hóa mang lại hiệu quả thiết thực đi vào đời sống dân tộc, luật quan tâm tới việc khen thưởng và xử lý vi phạm: người nào có thành tích bảo vệ di sản thì được khen thưởng, người nào chiếm đoạt, làm hư hỏng, hủy hoại di sản thì bị xử lý theo quy định.

Tiền đồ quốc gia dân tộc có xán lạn hay không tùy thuộc vào quốc bảo di sản văn hóa, vì “hiện tại đầy quá khứ và chất chứa tương lai”.

Chủ đề