Hướng dẫn chơi hết mình làm hết sức

Vỉ sao banphimco.com lại có bài viết này, hình như hông liên quan gì mấy?

Đúng là không liên quan trực tiếp nhưng gián tiếp thì có các bác ạ.

Dân công nghệ chúng ta, người nào may mắn trời sinh sẵn tính nhây nhây hài hước thì quá ok rồi, còn lại thì tính cũng hay trầm trầm ít nhoi hơn dân kinh doanh. Bác này thấy đúng cho tớ xin một cánh tay đồng cảm. Đấy, cho nên làm gì làm, quan trọng nhất với mấy đứa tinh hay lầm lầm lì lì là phải học được cánh cân bằng giữa cuộc sống và công việc… nếu không muốn bị phát khùng.

Cho nên đổi gió một tí, banphimco tặng các anh em bài tổng hợp (từ hai ba nguồn) này, để cùng học hỏi bí quyết/ nguyên tắc ‘Làm hết sức, chơi hết mình’ từ những người thành công nhá. Bài viết có vài chỗ hơi mô phạm và mang tính lý thuyết, nhưng không sao tất cả là tham khảo, tùy tình hình và tính cách mà mình tìm cái thích hợp để áp dụng thôi.

OK lets go!

Không biết mọi người có để ý không? chứ xung quanh mình, các anh chị em gọi là thành công thì đều có chung đặc điểm: luôn hoàn thành tốt công việc của mình kể cả khi không thích. Đây thật ra không phải là vấn đề tiền hay doanh thu nữa, mà chính xác là về Kỷ luật bản thân và Năng lực cá nhân trong bất cứ chuyện gì mà họ quyết định chạm tay vào.

Đã là con người thì ai cũng có lúc không muốn làm việc, tất nhiên vì nhiều lý do, sức khỏe, tâm trạng không tốt, tiết trời không cho phép hay đang bận chuyện cá nhân này kia… Nhưng với người thành công họ nghĩ “Mình cần hoàn thành việc này và mình không muốn viện lý do này kia”.

Và trong nhóm người thành công của xã hội thật ra lại được phân làm hai nhóm nhỏ: nhóm có vẻ thành công và nhóm thật sự thành công.

  • Nhóm thành công thì như vừa nói lúc nãy, họ tập trung 100%  thậm chí là 200% cho công việc và năng suất làm việc. Thậm chí có thể đánh đổi, hy sinh nhiều thứ khác để đạt được đích đến. Tôi gọi họ là những người có vẻ thành công. Vì ngoài công việc, tiền bạc và danh vọng, những khía cạnh khác trong cuộc sống của họ có vẻ nhạt nhòa, hoặc biến mất hoàn toàn trong danh sách cuộc đời. Ví dụ không có sở thích rõ ràng, không có thời gian dành cho gia đình, cho thú vui của riêng mình, không biết hưởng thụ cuộc sống và tiêu món tiền mình đang có một cách thông minh, thư thả nhất. Với tôi họ đáng tuyên dương trong công việc nhưng cuộc đời bên mình thì cần lắm một cú hích để bơm cho họ nguồn năng lượng tích cực nhiều hơn. Cho nên sự thành công đó vẫn còn khiếm khuyết.
  • Nhóm thật sự thành công là những người luôn biết cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Châm ngôn chung của họ là “Làm hết sức, quẫy hết mình”. Khi bước vào công việc, họ hăng say, năng động, tích cực và hoàn thành tốt vai trò của mình. Còn khi bước ra khỏi văn phòng, họ để lại mọi thứ sau lưng. Nhập vào cuộc chơi cũng hết mình, xõa hết mọi năng lượng trong người ra và mang lại dư âm tích cực cho cuộc sống của bản thân và những người xung quanh họ.

À, bài này không phải đang cổ xúy vừa làm vừa chơi hoặc chưa làm xong đã chơi. Mà là phải Kỷ luật bản thân và bung hết mình trong mọi chuyện: Làm ra làm, chơi ra chơi, nhưng khi làm là hết sức, chơi là xõa tung nóc.

Nhưng làm được như vầy không dễ đúng không? Thì mới gọi là thành công. Người thành công là người làm được điều người khác không làm được, vì chịu được điều người khác không chịu được. Vậy đâu là nguyên tắc và bí quyết để cân bằng tốt mọi chuyện như họ?

#1. Remember Your Why ?

Mình không dịch lại tiêu đề của nguyên tắc #1 này vì bản thân từ tiếng Anh nó đã quá hay và đủ ý nghĩa. Trong tất cả mọi việc đang làm và sắp làm, đừng bao giờ quên mất Lý do tại sao mình lại bắt đầu?

  • Tại sao mình làm việc này mà không phải việc khác
  • Mục tiêu của task này là gì?
  • Vì sao mình muốn chơi game này?
  • Mục đích của bảng thống kê?

Nhiều người vẫn hay đánh giá thấp tầm quan trọng của việc ghi nhớ “Why”. Lần thứ nhất, họ vẫn nhớ vì sao mình làm việc này, lần thứ 2, thứ 3 rồi thứ n, mọi lý do gần như đã bị quên lãng, thay vào đó là cảm giác quen thuộc, nhàm chán và đâm ra không còn muốn sáng tạo, thử thách hay thay đổi bản thân nữa. Và rầm… sập bẫy muôn đời của nhân loại.

Lý do vì sao chúng ta cần luôn ghi nhớ Mục đích cuối cùng thật sự của mọi việc trong đời, dù lớn hay nhỏ. Vì Mục đích sẽ thúc đẩy việc làm, quyết định cách làm và tạo ra năng lượng để làm. Bình thường, với những chuyện thông thường, có lẽ sẽ không khó để giữ được mục tiêu đâu. Nhưng khi cuộc sống dần trở nên khó khăn hơn, nhiều chán nản, lý trí phải đấu tranh với tình cảm nhiều hơn và khi ta bị đưa vào thế kẹt, thì giữ được Mục đích hay mục tiêu ban đầu lại là chìa khóa cho tất cả mọi thứ.

Thậm chí trong một số trường hợp “hiểm nghèo” hơn, nhớ được Why còn quyết định tích tắc bạn trở thành người tốt hay người xấu. À mà thôi tới đây đậm chất phim Hàn quá rồi 🙂

2. Think Through The Consequences ? Hãy nghĩ tới hệ quả (hậu quả) của việc mình đang làm

Dẫu gì cũng là con người. Nhưng bất cứ lúc nào chợt thoáng qua cái gọi là “cảm xúc bất chợt” hay “mong muốn ngắn hạn” thì hãy luôn nghĩ tới hệ quả của cái ngắn hạn này mà dừng lại hoặc hạn chế bớt đi.

Người ta hay bị cái suy nghĩ: một chút thôi, rồi mai không vậy nữa. Nhưng khi để cho phần lý trị bị cảm xúc chi phối nhiều như vậy thì một chút hay nhiều chút không xa, và ngày mai đó sẽ không bao giờ đến. Ví dụ: một công việc gấp rất quan trọng cần xong trong đêm nay, bạn lần lữa ăn tối chút thôi rồi về làm, chợp mắt tí thôi rồi sáng dậy sớm làm, mới 5h thôi mình chỉ cần 1 tiếng là xong… Kết quả lả tới văn phòng trễ, công việc trễ deadline, tâm trạng bực dọc cả một ngày.

Hay ví dụ như khi muốn giảm cân. Chỉ một ly nước ngọt thôi mà, chỉ một gói xôi thôi mà, cái pizza này ngon quá chỉ ăn nửa cái thôi… Nhiều cái chút thôi mà ấy gộp lại, cân năng vẫn “tốt đẹp” như ban đầu, không giảm được cân nào.

Chưa kể chúng ta còn phải dành nhiều thời gian hơn cả cái quyết tâm ban đầu để giải quyết hâu quả của những lần “chút thôi mà” ấy để lại. Và ngần ấy thời gian, thay vì “trả giá” mình có thể làm được bao nhiêu chuyên khác.

Nói tóm lại là trước khi làm gì cũng nhớ lại mục tiêu ban đầu và nếu có suy nghĩ nào chệch ra khỏi mục tiêu đó, hãy “tiêu diệt” ngay trước khi nó lấn át lý trí.

3. Work Hard Play Hard – Start Small and Easy ?

Đọc phần này thử xem bạn có thấy mình trong đó không nha. Khi đột nhiên có một ý tưởng gì trong đầu, mình thường nghĩ sẽ bắt đầu với thứ gì to tát ghê gớm lắm, kiểu một công việc đạt thành quả mà khi nói ra người khác sẽ phải wow hâm mộ.

Nhưng đó là cách nghĩ hoàn toàn sai.

Đó chỉ là viễn cảnh, chứ không nên là việc làm ở thời điểm phát sinh ý tưởng. Cách tốt hơn là bắt đầu bằng những việc nhỏ và dễ thôi, đừng quá khó khăn hay đánh đố mình gay gắt. Như tập thể thao luôn bắt đầu bằng khởi động nhẹ, tập gõ máy không nhìn phím luôn bắt đầu bằng những bài tập từng ký tự một. Đừng vội vàng, không có đường tắt tới thành công. Hãy bắt đầu chậm, từ tốn, khiêm nhường và nhỏ nhẻ thôi, vì sao:

  • Trên đường đi từ tốn đó bạn có thể sẽ có va vấp, và sai lầm nhỏ cũng sẽ dễ sửa hơn sai lầm lớn.
  • Trên đường đi nho nhỏ đó bạn sẽ có thời gian để góp nhặt thêm kiến thức, mối quan hệ, kinh nghiệm. Tất cả đều sẽ có ích sau này.
  • Trên đường đi đó, bạn có đủ thời gian để trải nghiệm và tận hưởng những điều thú vị, những cảm giác hay ho mà công việc này mang lại, từ đó thoải mái tiếp nhận và mở mang đầu óc theo hướng tích cực nhất.
  • Và trên đường đi đó, bạn cũng có thời gian cho bản thân mình một chút. Hãy giải tỏa căng thẳng sau giờ làm bằng một cuộc chiến game ngoạn mục với bạn bè, có thể dùng một chút bia, ăn một bữa ăn ngon, tâm sự cùng mẹ, người thân… Tất cả đều sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho bạn vào ngày làm việc tiếp theo.

4. Work Hard Play Hard – Plan Rest For Tomorrow Not Today ✊

Việc hôm nay đừng để ngày mai. Làm xong hôm nay đi đã, nghỉ ngơi chơi bời là chuyện của ngày mai. Nguyên tắc này ý nói là công việc, thứ vốn khô khan và ít sảng khoái bằng, nhưng lại chiếm nhiều đam mê và năng lượng, cũng là điều quan trọng trong cuộc đời, chúng ta hãy luôn dành thời gian thỏa đáng và ưu tiên hơn cho nó. Hoàn thành công việc trước rồi chơi sau chẳng muộn màng gì.

5. Hãy thường xuyên tự hỏi là mình đã làm việc một cách thông minh chưa?

Người thông minh luôn tìm mọi cách để hoàn thành công việc tốt nhất, trong thời gian ngắn nhất. Và ngược lại với người chăm chỉ nhưng không thông minh. Cho nên đừng quên khi đang làm một việc gì đó, hãy tự hỏi mình liệu đã chọn cách thông minh để làm chưa? Hay vẫn còn rất thói quen, thô sơ và hời hợt. Việc tự hỏi như vầy một phần giúp luôn nhắc nhớ về khả năng thật sự của bạn, đồng thời giúp khơi gợi hết tiềm năng trong con người bạn một cách kỷ luật và khoa học nhất.

Khi tập cho mình thói quen tự hỏi như vầy, bản thân bạn cũng đã tự nâng mình lên một cao mới, ít nhất là trong hệ suy nghĩ. Và nên nhớ là tiền bạc có thể lấy lại được, nhưng sức khỏe và thời gian thì không. Cho nên hãy chọn cách thông minh khéo léo nhất để làm mọi việc trong đời mình.

Ok cuối cùng câu thần chú vẫn là “làm hết sức, chơi hết mình”

Mỗi thứ đều mang lại những màu sắc khác nhau trong cuộc đời bạn. Hãy để hai khía cạnh đó cùng tỏa sáng và thăng hoa. Và nếu may mắn, bạn sẽ được chơi trong chính công việc của mình, như một con nghiện phím cơ lại làm lập trình viên 🙂

Chúc anh em vui với tháng 12 và nhiều hạnh phúc đang chờ trong công việc và cuộc sống.