Kẻ nhắc tuồng review


Kẻ nhắc tuồng

Quyền lực thực sự là gì? Tiền bạc? Nhục dục? Sai khiến kẻ khác? Thao túng tất cả?

Những câu trả lời cho các câu hỏi này, một phần đen tối nhất của góc khuất tâm hồn con người sẽ được phác hoạ trong cuốn Kẻ Nhắc Tuồng.

Khác với cái lạnh người về sự tàn sát, trinh thám hình sự trong tâm lý của Sự im lặng của bầy cừu, Kẻ nhắc tuồng đưa ta vào một thế giới của một kẻ ẩn danh đưa những inceptions ( tạm dịch là những tiềm thức) vào đầu óc kẻ khác, khơi gợi nó lên và trong ý thức đầy đủ, kẻ đó đi theo. Hắn chỉ là kẻ khơi gợi, nhưng làm theo thì chính là những kẻ đó, thực hiện những mưu đồ đen tối của chính mình đi theo những lý tưởng bệnh hoạn. À mà khoan, bệnh hoạn thật hay đó mới chính là quyền lực được đạt tới của sự tự do?

Các vụ án rời rạc được kết nối với nhau qua một khoảng thời gian rất dài, những ý thức vô hình được đan cài trong một mạng lưới âm mưu vô hình cài cắm rất khớp theo ý muốn của kẻ nhắc tuồng. Hắn còn cao tay hơn bác sỹ tâm lý hanibal một bậc, bởi hanibal tự ra tay, tự gài cắm, tự lộ diện, ít ra kinh hoàng nhưng người ta còn có một kẻ hữu hình mà căm thù, kẻ nhắc tuồng đáng sợ bởi hắn không có khuôn mặt , không có định danh, không có bất cứ thứ gì để nắm bắt. Hắn thao túng người ta bằng tiềm thức, đánh thức những ham muốn giết chóc những dục vọng đen tối nhất trong mỗi tâm hồn. Để cuối cùng, người ta không còn nhận ra cái gì là đúng cái gì sai, cái gì cần cái gì muốn.

Tội ác gây ra nhưng nêú không bao giờ bị trừng phạt, thì có lý do gì để dừng lại?

Hoặc, bạn sống tốt với những người khác để làm gì? Phải chăng bạn muốn nhận được những cái tốt dành lại cho mình như những thứ bạn cho đi? Nhưng khi bạn làm điều ác, và không ai định danh định tội được, thì có lẽ cũng không còn cần sống tốt nữa, nhỉ?

trọng tuấn

Kẻ nhắc tuồng – Donato Carrisi

Bạn biết những tác phẩm đầu tay nào ngay sau khi ra đời đã mang lại vinh quang và sự nổi tiếng cho tác giả? Không nhiều, nhưng khi tìm sách bạn hãy lưu ý đến những cuốn sách loại này. Có thể không xuất sắc, nhưng chắc chắn sẽ tràn đầy tình cảm vì luôn mang trọn vẹn trái tim của người viết, đặc biệt đối với những tác giả nghiệp dư và khởi đầu nghiệp văn khi không còn trẻ. Với cách này, nhiều lần tôi đã tìm được một cuốn sách ưng ý, đặc biệt nếu đó thuộc thể loại trinh thám như “Kẻ nhắc tuồng” với một cái tên hoàn toàn mới mẻ Donato Carrisi – tác giả người Italia. Kinh nghiệm nghề nghiệp trong ngành Luật và Tội phạm học đã giúp tác giả xây dựng một câu chuyện vô cùng hấp dẫn, rất nhiều và thậm chí quá nhiều tình tiết gay cấn.

Cảnh sát tìm thấy tại một bãi đất trống những cái hố nhỏ nằm theo một vòng tròn cùng kích thước, rộng hai mươi, sâu năm mươi centimet. Thủ phạm “luôn đi trước chúng ta một bước” và vì vậy hắn đã để cảnh sát tìm thấy trong những cái hố đó cùng một thứ, đó là năm cánh tay trái của năm bé gái tuổi từ chín đến mười ba, lần lượt mất tích trong 7 ngày. Tiếp đó là cánh tay thứ sáu… Bạn sẽ được hồi hộp theo dõi tiến trình xử lý tội ác qua những trang viết hấp dẫn của “Kẻ nhắc tuồng”. Ấn tượng nhất không chỉ đến qua những màn đuổi bắt, đấu trí của đội đặc vụ do ngài Chánh Thanh tra đứng đầu, mà đặc biệt bằng những kiến thức khoa học của Goran – Giáo sư Tiến sĩ ngành tội phạm học và của Mila, một nữ cảnh sát được đặc phái đến hỗ trợ đội điều tra.

Chi tiết đáng nhớ trong “Kẻ nhắc tuồng” là mắt người sản sinh ra ba loại nước mắt. Nước mắt cơ bản, có tác dụng làm ẩm và nuôi dưỡng nhãn cầu. Nước mắt phản xạ, tự tiết ra khi có vật thể lạ rơi vào mắt. Nước mắt cảm xúc, đi kèm với sự đau đớn. Loại nước mắt sau cùng này có một thành phần hóa học, một loại nội tiết tố khác biệt với hai loại trên… Không phải ai cũng có đủ ba loại nước mắt. Thật tiếc, tác giả Donato Carrisi lại không chỉ cho chúng ta cách nhận biết bằng mắt thường kẻ nào không có loại nước mắt cảm xúc. Bởi những người đó, họ không có trái tim và họ không phải là bạn ta….

Nhat Nguyen

Kẻ nhắc tuồng

Mở đầu bằng một vụ án khá là kinh dị và phản cảm làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng trong cả nước, tác giả đã thành công vẽ lên một bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng suốt cả mạch truyện. Nhân vật chính của truyện cũng giống như bên SILCBC là một nữ cảnh sát – một chuyên gia về tìm kiếm các vụ mất tích của các bé gái. Trong thế giới trinh thám, hình ảnh một người phụ nữ dấn thân điều tra các vụ án mạng, lao vào những cạm bẫy của thủ phạm dấy lên trong mình cảm giác bất an, mỏng manh dễ vỡ.

Cấu trúc chuyện có thể hình dung như một chiếc xuơng cá, tác giả dùng một vụ án lớn làm nền tảng để rồi từ đó rẽ nhánh mở ra nhiều câu chuyện liên quan đến những nhân vật tham gia điều tra phá án. Vẫn là motif quen thuộc trong trinh thám: một nhà tội phạm học thông minh, đầy kinh nghiệm đối đầu với một thủ phạm tàn bạo, ngông cuồng thách thức lại, rồi đến gần kết truyện khi tưởng chừng đã thua thì phe chính nghĩa lại lật kèo bằng một chi tiết cực nhỏ nào đó. Mình thì khá nhàm chán với kiểu như vậy rồi dù không khí truyện tạo cảm giác hồi hộp gay cấn đến từng câu chữ thật, nhưng ở Kẻ Nhắc Tuồng thì lại hoàn toàn khác, không phải bất kỳ trận đấu nào cũng mang lại kết quả thắng hoặc thua cả.

Nội dung truyện vưa đi sâu vào phân tích tâm lý và khoa học hành vi của tội phạm vưa cho chúng thấy được nội tâm sâu sắc của các nạn nhân – các bé gái xấu số, giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều và phức tạp về chiều sâu của một con người. Ngoài ra còn cung cấp cho chúng ta rất nhiều kiến thức về nghiệp vụ của cảnh sát như pháp y, thẩm vấn tội phạm,… Nói chung một cuốn sách vàng cho các bạn đang theo học ngành tâm lý.

Cuối cùng về cái tên “Kẻ Nhắc Tuồng”. Không phải là đạo diễn tài ba đã biên dựng lên một vở kịch hoàn hảo, cũng phải là diễn viên xuất chúng hóa thân vào các nhân vật để đánh lừa được khán giả mà chỉ là một người đứng khuất trong sân khấu thì thào lời thoại cho diễn viên một cách thật đúng lúc. Kẻ nhắc tuồng chính là kiểu tội phạm như vậy, không hề trực tiếp gây nên bất kỳ vụ án nào, chỉ đơn giản là xuất hiện vào đúng các thời điểm và thì thầm vào tai những lời dành cho đúng những người đang cần.

太宰治

Kẻ Nhắc Tuồng

Review: Kẻ nhắc tuồng.
Tác giả: Donato Carrisi.
Dịch giả: Hoàng Anh.

Kẻ Nhắc tuồng- một tác phẩm không còn xa lạ gì với các fan trinh thám bởi độ nổi tiếng của nó. Không biết bài review này có thừa thãi quá hay không nhưng thật sự sau khi đọc xong tôi rất muốn nói vài điều.

Sau khi hoàn thành những trang cuối của cuốn tiểu thuyết dài chương này. Tôi giật mình nhận ra mình mải mê đuổi theo mạch logic của tác giả nên tôi quá chăm chú đến quên thời gian. Trước khi quyết định đọc một quyển sách tôi thường đọc review trước để quyết định xem nên đọc hay không và tôi đã có quyết định đúng đắn. “Kẻ nhắc tuồng” đúng là một tác phẩm trinh thám tuyệt vời. Cách xây dựng tình tiết nhân vật quá đỉnh của tác giả khiến tôi thán phục. Các chi tiết truyện không có gì là dư thừa. Tâm lí mỗi nhân vật đều được bộc lộ qua từng câu nói và hành động. Những thứ nhỏ nhặt nhất cũng là một chìa khóa để dẫn đến đáp án cuối cùng. Cả câu truyện chỉ xoay quanh vụ mất tích của 6 đứa trẻ nhưng dựa vào đó, hàng tá sự thật kinh hoàng được hé lộ.

” gã luôn đi trước chúng ta một bước”, phải, tôi rất thích “gã” này mặc dù chả biết “gã” là ai nhưng những tính toán của “gã” khiến tôi lạnh gáy. Nó hoàn hảo một cách tuyệt vời một “parthenon” của văn học. Một điểm tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết này khác với cuốn tiểu thuyết khác chính là chúng ta bị lừa từ đầu đến cuối. Vì sao tôi lại nói vậy thì đó chính là cái đặc biệt của tác phẩm. Các bạn đọc sẽ thấy
Cuối sách The Guardian có nhận xét ” đố các bạn đoán được trước cái kết”.
Còn tôi thì nó là một vòng lập hoàn hảo.

Ma Thị Hải Anh

Kẻ nhắc tuồng – Donato Carrisi

Gấp cuốn sách lại, tôi như vừa trải qua một cơn ác mộng. Bắt đầu từ 5 cánh tay của 5 bé gái được tìm thấy tại một khu rừng vắng. Rồi liên tiếp, dồn dập, tác giả dắt ta từ vụ án này qua vụ án khác mà vụ nào cũng là một ám ảnh kinh hoàng. Tổ điều tra cùng nữ điều tra viên Mila Vasquez đã từng bước, từng bước theo vết chân kẻ thủ ác cho ta chứng kiến từ đầu đến cuối một vụ án liên hoàn, rùng rợn, phi nhân tính.

Donato Carrisi miêu tả các tình tiết của vụ án không đi sâu vào chi tiết nhưng luôn đắt và gợi sức liên tưởng cực kỳ mạnh, như hình ảnh bé gái chết trong bể nước mắt, trên khuôn mặt hiển hiện một nụ cười. Các câu văn ngắn, mạch truyện nhanh, dứt khoát, dồn dập làm độc giả đắm chìm trong không gian của truyện.

Kẻ thủ ác thoắt ẩn, thoắt hiện, có lúc như nắm được trong lòng bàn tay rồi nhưng hóa ra không phải. Thêm vào nữa là tổ điều tra cùng Mila Vasquez ai cũng làm việc hết mình, nhưng cũng có những uẩn ức, những nỗi lòng riêng mà vào những chương cuối sẽ tiết lộ.

Đọc quyển này tôi luôn bị những cơn rùng mình, những lần nổi da gà liên tục, đầu óc như bị những cơn bão các tình cảm quét qua với tốc độ 13: kinh ngạc, căm phẫn, thương xót. Tôi đọc quyển sách này một mạch, không chốc chốc nhìn ngang, ngó dọc, nhìn lên trần nhà như một số quyển khác vì truyện quá lôi cuốn. Trong lòng tràn ngập cảm xúc và vô số câu hỏi… tại sao lại như vậy, có những ác quỷ đội lốt người như vậy ư?…

Ai đó đã từng nói: “Con người còn đáng sợ hơn ma quỷ”.

Bìa sách đẹp, gợi một điều gì đó âm u, bí ẩn. 1 điểm cộng thêm

Hãy đọc đi, các bạn sẽ không tiếc thời gian dành cho cuốn sách này .

*Cuốn này có một cô em cùng cha nữa đó là cuốn Người ru ngủ, hay không kém. Hẹn các bạn lần sau

Huỳnh Thu Giang

Kẻ nhắc tuồng – Donato Carrisi

Một cảm giác choáng váng, ngộp thở, một cái gì đó day dứt, khó chịu bóp nghẹt con tim.
Năm bé gái mất tích, sáu cánh tay trái được tìm thấy trong một khu rừng vắng.

Đó là khi trò chơi được bắt đầu.

Một trò chơi nguy hiểm khi mà mọi việc được diễn ra dưới sự sắp đặt của hung thủ giấu mặt. Hắn rất khôn ngoan và luôn đi trước một bước. Một bài toán hóc búa, một thách đố thực sự.

Lối viết lôi cuốn hấp dẫn ngay từ những trang đầu tới tận những chữ cuối cùng. Một tác phẩm đầy những lắt léo độc đáo, bất ngờ.

Những con người mà ta tưởng ta hiểu rõ họ thì hoá ra không phải như vậy. Ai cũng có những bí mật, những nỗi đau dấu kín. Cái nỗi đau mà phải dùng đến nỗi đau thể xác để tạm thời quên đi chúng.

Một bức chân dung đầy ám ảnh của xã hội, của bạn và tôi. Hoá ra, trong mỗi chúng ta đều có một con quỷ. Chẳng qua là nó bị kìm hãm bởi giới hạn chịu đựng nhưng một khi được ai đó khơi gợi dẫn dắt tới điểm vỡ thì nó sẽ bùng nổ.

Đố các bạn đoán được đoạn kết của câu chuyện này đấy.

Binh Boog

Cái ác luôn có thể được chứng tỏ. Còn điều thiện thì không bao giờ. Bởi cái ác để lại dấu vết trên những gì nó đi qua. Còn điều thiện, ta chỉ có thể chứng kiến thôi”.

Lượm được cuốn này ở hội sách với bao mong chờ háo hức kì vọng nên đã mần thịt liền. Á đù , trinh thám Ý, một làn gió mới ahihi.

Kẻ nhắc tuồng – Donato Carrisi

Có rất nhiều những cảm giác mà trước giờ mình không mô tả được bằng lời nay đã tìm thấy trong này. Tác giả quả là một bậc thầy về phân tích tâm lý tội phạm cũng như con người, nhưng do ông là người Ý nên giọng văn và tình tiết có ủy mị xen xíu lãng mạn. Mình không biết các bạn sao chứ đôi khi mình hơi bị phân tâm.

Càng dần về cuối, càng bất ngờ, kẻ sát nhân này lại đang đi tìm kẻ sát nhân khác. Cái ác ở ngay bên cạnh mình,thậm chí ngay bên trong mình và tồn tại bằng vẻ ngoài rất bình thường chứ đâu mà xa xôi.

Cuốn này MÌNH THÍCH TÊN SÁT NHÂN. Không phải vì hắn thay trời hành đạo hay quân tử gì đâu ,mà vì hắn giỏi ( giỏi khẩu nghiệp). Nói chứ giỏi trong việc gây ra tội ác này để hé lộ một tội ác khác tưởng chừng đã bị chôn vùi theo tháng năm.

Túm quần áo lại thì tác phẩm này đáng đọc. Với mình thì hay vừa vừa vì tính logic vẫn còn hơi hổng rồi cuối cùng vẫn phải dựa vào bà đồng.

Mình thì thuộc dạng khó chịu khó chiều lắm nên chỉ đánh 4/5 thôi.

Nhung Nguyen

Kẻ nhắc tuồng – Donato Carrisi

Tôi nhận ra rằng tôi không thích trinh thám thuần túy bằng trinh thám xã hội, tức là ngoài yếu tố trinh thám ra thì tác giả đưa vào sách của mình các thể loại suy nghĩ, quan điểm cá nhân về cuộc sống. Với tôi, mọi vụ án đều có nguồn gốc xã hội, tỉ như quá khứ của kẻ sát nhân, phản ứng của người nhà nạn nhân, và có thể nhân tiện lôi kéo cả điều tra viên vào tội ác. Chính vì vậy, trên phương diện xã hội, tôi thích Kẻ nhắc tuồng. Tác giả có thể đề cập đến đủ loại vấn đề nhưng có một điều được nhắc lại mấy lần, đó là chúng ta sống quá thờ ơ với những người xung quanh. Mila bị bắt nhốt 21 ngày trong một căn nhà nằm giữa hai căn nhà giống hệt nhau nhưng không ai cứu cô. Gia đình Yvonne Gress bị giam cầm, hành hạ sáu tháng ngay giữa khu biệt thự giàu có, bảo vệ lượn vè vè 24/24, camera an ninh ở khắp mọi nơi nhưng cũng chả ai đoái hoài. Sarah Rosa cay đắng nói: “chẳng ai quan tâm đến con người khác. Họ chỉ để ý đến con mình.” khi một đứa trẻ bị bắt cóc ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt mẹ nó.

Tôi nhớ đến khu nhà tôi ở. Tôi thậm chí không nhớ tên người hàng xóm sát vách, lâu không thấy bà ấy, chả biết đã chuyển đi hay chết rồi. Trước kia, tôi ghét cay ghét đắng kiểu sinh hoạt làng xã, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, nhưng giờ đây, tôi nghĩ đó là một cách để con người không bị ngăn cách khỏi thế giới và giam hãm bản thân trong những cái bong bóng vô hình chỉ có họ vào được.
Điểm trừ, theo tôi, của Kẻ nhắc tuồng là đã tạo quá nhiều lớp lang khiến cho câu chuyện bớt đi tính chân thực. Anh “nhắc tuồng” thành thánh mẹ luôn rồi. Anh mà bỏ nghề tuồng chèo này thì hãy đầu quân cho Hollywood, bét nhất cũng gia nhập Cục điện ảnh Việt Nam vì tài dàn dựng thần sầu, ngoài tác giả ra thì éo ai buff nổi.
Suýt bỏ sót, phải chửi một câu: như không ít truyện trinh thám khác, Kẻ nhắc tuồng không quên tình tiết cảnh sát đêm hôm lên máu ngủ không được, phát hiện ra điều gì đó mà dù để hôm sau cũng chả sao nhưng nhất quyết phải đang nửa đêm gà gáy mò đi kiểm chứng ngay. Trong quá trình dĩ nhiên kết hợp với việc điện thoại hết pin, bị lừa chuốc thuốc. Và càng dĩ nhiên nữa, vì em là main nên không thể chết được. Em sẽ hữu kinh vô hiểm (cũng có hiểm nhưng không đủ die) vượt qua đặng còn điều tra tiếp.

Chấm điểm: 7

Lam Ngọc Điền Yên

Khổ quá, định không đọc cuốn này đâu, nhưng người ta cứ nhắc đi nhắc lại ” đọc xong Y thì đọc kẻ nhắc tuồng đi, hay lắm… vân vân ” xong lại ” có nghe lời không? Đọc kẻ nhắc tuồng nhé ” :)))) Mình cả nể người ta, thôi thì dù sao cũng là sách, chiều họ chút cũng được.

Mọi người khen cuốn này nhiều lắm, thật sự là mình cũng không đọc nó với sự kì vọng rằng nó phải hay hoặc dư lào đâu, nhưng bts đọc xong thất vọng v~….. Nhẽ tôi lại bóc như bóc hành, lôi từng chỗ tôi không thích ra một?

Sau đây là những chỗ mà thật sự mình thấy không thuyết phục:
1. Sự kiện nạn nhân thứ nhất và nạn nhân thứ sáu là hai chị em kết nghĩa do Mila suy đoán ra, sau đó cả đội điều tra theo hướng đó. Nói rằng có chấm đỏ trên ngón tay hai cô bé, thế giờ, lỡ như nạn nhân đầu tiên kết nghĩa với người khác, nạn nhân thứ sáu lại kết nghĩa với một đứa khác, nên hai đứa trùng hợp có vết máu đỏ, chắc gì tụi nó đã kết nghĩa với nhau, chưa kể rằng tình tiết đó chỉ mang ý nghĩa làm nổi bật nữ chính, nó không góp phần mấu chốt tìm ra sự thật hay sự kiện gì cả.
2. Anh giáo sư suy luận Alexander không phải là Albert với một suy luận rất hài, nếu là albert hắn ra phải giấu xác cô thứ sáu trong cốp chứ không phải cô thứ nhất, xong cuống cuồng gọi điện thoại ngăn cản ông chánh thanh tra. Ơ, thế nhỡ thủ phạm nó biến thái…nó thích thế hoặc có sai lầm trong chôn cất xác thì sao? Và sau đó anh chị ” phỏng đoán ” alexander k phải albert vì trực giác bảo thế, họ không tin anh ta chính là thủ phạm. Oh….
3. Đoạn cậu chàng Billy bị giết, pháp y chỉ nói cậu ta không phải chết vì viêm màng não, mà bị giết hại bởi bạn của mình, tôi chả hiểu tsao anh giáo sư quyết định được thế luôn, mãi sau mila và boris nghe cuộn băng, thì mới chắc chắn chuyện ấy.
4. Kết luận Ronnal gì gì đó không phải là albert bởi vì…họ cài máy nghe lén trong ô tô hi vọng anh ta sẽ dẫn họ tới chỗ nạn nhân thứ sáu, xog vì anh ta không làm thế …trong vòng chưa được 1 ngày, khoảng chưa đc 12h, họ đã khẳng định hắn ta không phải albert luôn…
….
vân vân và mây mây các tình tiết khác….

Ôi, nói chung là ….một cuốn sách mà tôi đọc đi rồi, sau đó lại phải lật lại, nghĩ xem điều gì dẫn họ tới hành động tiếp theo, mà hành động đó có cơ sở hay không. Sau đó tôi lại cảm thấy cái cơ sở mà sách viết chẳng thể thuyết phục được nổi.

Rồi phá án là một chuỗi những giả thiết, suy luận, giả thiết 1 kéo đến 2 rồi 3 rồi 4…. ờ, vì là truyện nên may mà 1 đúng kéo theo 2 đúng kéo theo 3 đúng… thế lỡ nó sai ở đâu thì sao? Nó chẳng được chứng minh thuyết phục bằng một bằng chứng hay suy luận cụ thể nào. Và thật sự, theo quan điểm cá nhân, tôi không thích phá án kiểu thế.

Rồi chuyện sử dụng tâm linh hoặc những vật thể phi…chứng cứ vào phá án và suy luận, tôi cực kì không thích, ôi đùa, tôi đang đọc trinh thám khoa học hay truyện khoa học thần bí tâm linh vậy? Ấy là do tôi không thích, chứ tôi không nói mấy cái đó nó không thể chấp nhận.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cuốn sách có những điểm hấp dẫn nhất định: giả dụ, mới đầu đọc tôi rất thích, tình tiết truyện , sự kiện trong tác phẩm hấp dẫn, tác giả đã thể hiện sức sáng tạo thật mạnh mẽ của mình trong việc miêu tả hiện trường vụ án và khắc hoạ cá tính nhân vật, ( nhân vật có cá tính nhưng chưa được sâu lắm )
Tác giả kể hấp dẫn lắm chứ, các tình tiết cuốn hút lẫn nhau, xảy ra dồn dập, bạn nào thích hành động tình tiết nhanh khen hay cái chắc. :)) Rồi đến đoạn kết, hoặc gần kết, những câu chuyện xảy ra bất ngờ quá, những nhân vật với vai trò của họ trong đoạn kết làm mình không ngờ tới. Và kể cả albert…
Nhiều đoạn đọc cũng giật mình, còn thấy hơi hơi kinh kinh. :)) thế là tác giả thành công rồi. :))
À, được cái, nhân vật mình thích nhất là boris, chứ Mila và giáo sư, cũng chẳng thích lắm. Còn thích cả Tommy, con trai giáo sư nữa. :((

Và Phụ Nữ thì vẫn luôn làm sách vẫn luôn rất cẩn thận. :))

À mà cuốn này hay nhé. :)) hay ở mức độ vừa phải. Còn đối với mình, rất hay thì cũng có, nhưng cực kì hay thì không. :))

P/s: bây giờ là gần 2h sáng. Oa oa oa…..

Trang Đào

Sáu cánh tay trái của sáu em bé gái được tìm thấy trong một khu rừng. Trong số đó có năm cánh tay thuộc về năm em bé gái mới vừa bị bắt cóc. Cánh tay thứ sáu thuộc về ai? Cảnh sát không biết một vụ bắt cóc thứ sáu.

Nhưng đó không phải là câu hỏi duy nhất mà đội ngũ điều tra phải đối phó, vì họ nhanh chóng biết rằng tên tội phạm đang chơi một trò chơi ghê rợn với họ. Tất cả đều có liên quan với nhau, không những toàn bộ những tội phạm trong đó, mà cả những vấn đề cá nhân và tiền sử của các nhân vật nữa.

Kẻ nhắc tuồng


Truyện được xây dựng rất thông minh, các liên kết gây được nhiều bất ngờ cho người đọc và nhất là rất hồi hộp, căng thẳng. Các nhân vật được xây dựng một cách thuyết phục, có chiều sâu, thậm chí người đọc có thể đặt mình vào trong những nhân vật đó.
Rất đáng tiếc là về cuối thì tính lôgíc, tính thực tế đã không còn nhiều nữa. Tên sát nhân đã có thể đoán trước được quá nhiều, đã có thể đưa ra một hệ thống phức tạp đến thế của những dấu vết để “dẫn dắt” đội ngũ điều tra mà tôi cho là trên thực tế thì không thể. Vì vậy mà độ chừng 1/3 cuối, truyện mang nhiều tính cố tình tạo dựng, gò ép, không thuyết phục được người đọc.
Mặc dù vậy, đây là một quyển tiểu thuyết trinh thám hoàn toàn không tệ và rất thu hút người đọc. Trên thang điểm 10, quyển này được 7 điểm, do vậy mà ở thang 5 sao thì quyển này được 4 sao (gồm 3 sao sáng và 1 sao mờ 😉 )

Phan Ba

Thức đến hơn 3h sáng đọc xong Kẻ Nhắc Tuồng, đơn giản vì bản thân cũng như nhóm điều tra trong truyện – không thể dừng lại chừng nào chưa tìm ra hung thủ và biết được kết cục của “bé gái cuối cùng”.

Câu chuyện diễn ra dồn dập, tàn bạo như một bộ phim hình sự kinh dị đầy hấp dẫn, mà kết thúc để lại một cảm giác rợn tóc gáy. Không phải vì những thi thể bị côn trùng bu đầy hay cách hung thủ ra tay, dàn dựng hiện trường, mà vì cách hắn thao túng các diễn viên trong vở tuồng đó. Dường như ẩn trong con người nào cũng có mầm mống của sát nhân, chỉ cần hiểu thấu và chỉ dẫn khéo léo một chút là đẩy được họ bước qua lằn ranh tội ác. Nỗi kinh hoàng còn đến từ hiện thực xã hội tàn khốc, nơi con người ẩn giấu bản chất đáng sợ dưới những lớp vỏ đẹp đẽ – một ông chồng tử tế yêu vợ, yêu thiên nhiên nhưng thật ra là 1 kẻ ấu dâm bệnh hoạn, những cô bé tỏ vẻ thương tiếc người bạn mới qua đời nhưng lén ăn cắp hết đồ đạc bạn để lại, một khu phố giàu sang với những thảm cỏ được tỉa tót cẩn thận nhưng chẳng mảy may biết đến sự biến mất của gia đình hàng xóm trong suốt 6 tháng trời, một đứa trẻ giết chết một đứa trẻ khác chỉ vì nó không thể hạnh phúc bằng… Chính hiện thực này đã góp phần tiếp tay cho kẻ nhắc tuồng hoàn thiện vở diễn của mình.

Tuy còn vài lấn cấn như cú twist “nhân vật quan trọng” hơi gượng ép (cảm giác không cần thiết), số phận cô bé số 6 đc định đoạt quá nhanh làm hụt hẫng, phát hờn với nhiều pha hành động đơn độc liều mạng của nữ chính…nhưng tóm lại Kẻ Nhắc Tuồng vẫn là một quyển sách xuất sắc, mang đến nhiều dư âm, ám ảnh. Nghỉ ngơi 1 thời gian sẽ tìm đến với Người Ru Ngủ.

P/s: Tác giả cung cấp rất nhiều kiến thức thú vị liên quan đến tội phạm, cực bổ ích với kẻ mới tập tành đọc trinh thám như bản thân người đọc. Mà có ai thấy quyển này có nhiều điểm chung với Vũ Điệu Của Thần Chết không nhỉ?

Chấm điểm cá nhân: 8.5/10

Sinh Nguyên

Chủ đề