Khi sinh ra con người đã là tội lỗi năm 2024

Tôi không có tham vọng giới thiệu một công trình nghiên cứu tội nguyên tổ một cách chuyên sâu, mà chỉ muốn giúp các bạn, nhờ một số kỹ thuật của khoa phân tâm, đọc lại tội nói ở sách Sáng Thế đoạn 3 (có thể coi đó một tội điển hình) với một cái nhìn mới. Hy vọng nhờ đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tội”“bắt đầu” từ đâu (hay cám dỗ là gì?), tội hệ tại ở chỗ nào và hậu quả của tội. Để kết thúc, tôi sẽ nêu ra vắn tắt vài điểm làm mốc để suy nghĩ về “tội thụ sinh” (péché origéné) nghĩa là tình trạng của mọi người khi sinh ra, phân biệt với “tội tác sinh” (péché originant) là tội của tổ tiên nhân loại.

  1. Vài lưu ý đầu về St 3

Khi sinh ra con người đã là tội lỗi năm 2024
+ Lưu ý thứ nhất. Hành vi của tổ tiên nhân loại, mô tả ở St 3 không được gọi là sự “sa ngã”. Cần ghi nhớ điểm này, vì nói “sa ngã” tự nhiên ta nghĩ ngay tới việc rơi xuống từ một tình trạng đặc biệt, từ tình trạng “ở trên mức tự nhiên” xuống tình trạng thấp hơn là tình trạng tự nhiên thuần túy. Thế nhưng, lát nữa ta sẽ thấy nhìn như thế là sai. Vì vậy, tốt hơn nên gọi bản tường thuật St 3 là bản tường thuật về một hành vi quá phạm, con người kể trong bản tường thuật ấy không hề bị tước mất những ân huệ đặc biệt.

+ Lưu ý thứ hai. Bản tường thuật tội Ađam và Eva không được nhắc tới nhiều trong Kinh Thánh. Cựu ước chỉ liên tưởng tới đó hai lần ở Hc 25, 24 và Kn 2, 24. Đối với Tân ước, phải phân biệt các sách Tin mừng và toàn bộ tác phẩm của Phaolô. Trong các Tin mừng, Đức Giêsu không nghĩ tới bản tường thuật đó một cách rõ ràng, ngoại trừ ở Ga 8, 44. Đang khi ấy, Phaolô dành một chỗ rất lớn để nói tới sự quá phạm của Ađam. Tại sao vậy? Vì Phaolô rất nhạy cảm với sự liên đới của mọi người trong ơn cứu độ do Đức Kitô, Con người mới, Ađam mới mang lại. Và nhân dịp đó, Phaolô nói đến sự liên đới của mọi người trong tình trạng tội lỗi do tội của Ađam gây ra. Nói cách khác, (lưu ý này rất quan trọng) chính vì đề cập đến Đức Kitô (Kitô học) mà Phaolô mới suy nghĩ về Ađam hay về cái mà các nhà thần học gọi là luận về Ađam (hay Ađam học).

+ Lưu ý thứ ba. Thể văn của bài tường thuật này theo truyền thống Giavítta (có từ năm 950 trước Công nguyên) là một thể văn huyền thoại theo nghĩa tốt. Như vậy, bài văn này không có ý mô tả một biến cố lịch sử. Hơn thế nữa và quan trọng nhất, như Paul Ricoeur giải thích, bài tường thuật ấy có ý “cụ thể hóa một điều phổ quát” hay là một cách khái quát hóa kinh nghiệm của con người. “Ông” Ađam đó chính là hết mọi người. Vì thế, ai cũng có thể tìm thấy đôi chút kinh nghiệm của bản thân mình, khi đọc bản văn đã được viết cách đây gần 3000 năm đó. Sau cùng, huyền thoại ấy giúp ta suy nghĩ không ngừng về diễn biến của lịch sử, có lưu ý đến thân phận nhân loại của mình.

+ Lưu ý thứ tư. Bài tường thuật này rất có thể đóng vai trò tầm nguyên (étiologique). Nghĩa là giúp suy nghĩ về nguồn gốc của sự dữ hay những xáo trộn của lịch sử con người. Ai cũng biết sự dữ là một trong những vấn nạn căn bản của con người. Paul Ricoeur nói: Đó là “sự chọc giận lớn nhất bắt ta phải suy nghĩ và là sự mời mọc thâm hiểm nhất bắt ta phải chửi rủa”. Quả thế, sự dữ bắt ta phải nghĩ đến sự phi lý. Khi đụng chạm sự dữ, trong đầu ta liền nảy ra hai câu hỏi: sự dữ bởi đâu mà có? Và tại sao có? Tôn giáo nào cũng bận tâm tới vấn đề nhức nhối này. Để nắm được nét độc đáo của suy tư Kitô giáo về vấn đề này, tôi xin kể ra bốn giải đáp cổ điển đã được các tôn giáo đưa ra trong lịch sử.

- Một số tôn giáo cho rằng sự dữ đã có từ nguyên thủy và xuất phát từ sự hỗn mang nguyên sơ. Nếu vậy, cứu độ là một hành vi của một Thiên Chúa nhân hậu chống lại sự hỗn mang đó để tạo thành vũ trụ.

- Có tôn giáo cho rằng có hai nguyên lý sáng tạo: Một thần tạo ra điều tốt và một thần làm ra sự dữ.

- Một vài tôn giáo và huyền thoại khẳng định chính Thiên Chúa gây ra cám dỗ: Đó là một Thiên Chúa mù quáng và sai lầm, bắt con người phải theo một định mệnh rất bi thảm và con người không thể nào đi ngược lại. Những suy tư này có rất nhiều trong các vở kịch Hy Lạp.

- Sau cùng, có tôn giáo chủ trương sự dữ có là do một số linh hồn sa đọa: Đó là các mảnh hồn của thần linh rơi vào vật chất. Thân xác là một cơ cấu xấu xa từ ngoài chụp lấy con người. Sự sữ chính là tính trần tục của thế giới. Cứ theo chiều hướng suy tư đó thì con người không phải chịu trách nhiệm về sự dữ, dù chính mình cưu mang nó.

Trước những cách giải thích đó, bài tường thuật về sự quá phạm của Ađam là một nỗ lực của đức tin Do Thái giáo muốn suy tư về vấn đề căn bản ấy: Vấn đề nguồn gốc sự dữ và sự thiện. Trọng tâm của bài tường thuật là phân biệt hai mặt của nguồn gốc tạo vật:

- Một đàng, sự thiện xuất phát từ một nguồn gốc uyên nguyên là Thiên Chúa: Người đã làm ra tạo vật tốt đẹp.

- Đàng khác, sự dữ phần nào là do một cặp vợ chồng đã tự ý vi phạm một mệnh lệnh của Thiên Chúa, dù chính họ cũng do Thiên Chúa tạo ra. Tôi nói phần nào, vì như sẽ thấy, trước mặt Ađam và Eva lúc đó có con rắn, một kẻ đã bóp méo Lời Chúa trước cả Ađam và Eva (cf. P. Ricoeur, “Finitude et culpabilité”, t.2: “La symbolique du mal”, Aubier Montaigne, 1960).

Như thế, trong Kinh Thánh, sự dữ phần nào không còn là định mệnh tất yếu nữa và đã được xác định là một sự kiện lịch sử, đang khi trong các huyền thoại khác sự dữ là một vết nhơ lan tới con người dù con người không muốn. Theo St 3, con người được giới thiệu như kẻ có tội, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về một số sự dữ và một số trục trặc trong lịch sử. Theo nghĩa đó, câu chuyện huyền thoại của Kinh Thánh có một chức năng là làm nền tảng cho khoa đạo đức: Con người không phải là một con rối hoàn toàn thụ động trước những sự tất định xấu xa. Con người là một hữu thể tự do, có thể tự điều khiển tương lai của mình một phần nào.

Bây giờ ta hãy đi vào chi tiết câu chuyện quá phạm của Ađam. Vì không thể hiểu bài tường thuật này ngoài bài tường thuật về sự sáng tạo trước đó, nên tôi sẽ giúp các bạn đọc St 2 trước. Tuy nhiên, tôi sẽ tạm gác các bản văn này để nói tới một số dữ kiện đang phổ biến của phân tâm học. Nhờ đó ta sẽ thấy rõ hơn hai bản tường thuật St 2 và 3 có nội dung rất súc tích về nhân loại học. Quả là có một sự tương ứng rất đặc biệt giữa những quan điểm nhân loại học hiện nay và những cái nhìn có thể rút ra từ hai bản văn đó. Có thể có người trách tôi là đã rơi vào chủ nghĩa tương phù (concordisme), nghĩa là tìm mọi cách để cho thấy Thánh Kinh và khoa học ăn khớp với nhau. Thiết tưởng nói thế là không đúng, vì tôi không hề bảo rằng mục tiêu của các bài tường thuật trong Kinh Thánh là mô tả một cách khoa học sự xuất hiện của con người và phân tích tâm lý con người. Sự tương ứng giữa các nghiên cứu hiện nay và những khẳng định của các bài tường thuật ấy cho thấy rằng Lời Chúa được nói và đã đến với chúng ta qua những cơ cấu căn bản nhất của con người.

II. Vài dữ kiện phổ biến của phân tâm học về sự sinh thành của con người

Ta hãy suy nghĩ về sự hình thành của con người. Ngay ở phút khởi đầu, mỗi chủ thể là một hữu thể mà tiếng La tinh gọi là “infans”, nguyên ngữ có nghĩa là “chưa có khả năng nói”. Hữu thể ấy trước hết sống trong bụng mẹ. Tình trạng nguyên thủy của hữu thể ấy là sống trong một thế giới chưa phân định (thế giới của đồng nhất), mà trong sơ đồ dưới đây ta có thể hình dung như một quả trứng. Thế giới ấy thường được gọi là thế giới hỗn hợp, theo nghĩa có một sự cộng tác toàn diện giữa hữu thể ấy với nguồn gốc của mình, tức là mẹ mình. Thế giới hỗn hợp ấy sẽ ảnh hưởng đến chủ thể này suốt đời qua một số dấu vết còn tồn tại mãi. Nếu vậy, thế giới nguyên thủy này có những đặc điểm gì?

Khi sinh ra con người đã là tội lỗi năm 2024

Có bốn hay năm đặc điểm. Quan trọng nhất là không có sự phân định. Quả thế, thế giới nguyên thủy này không có hai sự khác biệt quan trọng nhất là thời gian, một đặc điểm của mọi cuộc sống về sau, và sự kiện của người khác mà ta phải đương đầu để tồn tại. Đàng khác, bên dưới thế giới hỗn hợp ấy không có một sự trung gian nào, vì có trung gian là giả thiết hai bên có sự khác nhau. Đó cũng là một thế giới không hề sứt mẻ, đặc biệt là hai sự sứt mẻ quan trọng mà ta từng gặp trong đời: Sự thất bại và triệt để hơn, cái chết. Cuối cùng, đó là một thế giới của sự vạn năng mà người ta hằng mơ ước: Thai nhi chưa hề biết người khác và chỉ sống trong vòng tay của chính mình hay của cái gì giống hệt mình. Vì thế, dường như không gì có thể chống lại quyền lực của thai nhi.

Đó chính là thế giới nguyên thủy của mỗi người chúng ta, có để lại nhiều dấu vết trong cuộc đời ta, và dù lớn đến đâu đi nữa, ta vẫn không nguôi nhớ nhung thế giới ấy. Đành rằng đó là thế giới tuyệt diệu, nhưng giam mình trong đó là đã tự kết án không cho mình được có mặt trong thế giới (thật)! Vì thế, trở thành con người là chấp nhận từ bỏ thế giới hỗn hợp ấy để đi tìm tha nhân trong sự khác biệt. Nói cách khác, ngay ở phút đầu cuộc đời ta, đã có một cuộc vượt qua: Từ bỏ để tìm gặp. Thai nhi, một hữu thể chưa biết nói, phải rời bỏ tình trạng hỗn hợp nguyên thủy ấy để trở nên cái mà Lacan gọi là “parlêtre” (parler-être), nghĩa là một chủ thể biết nói, có thể liên lạc, yêu mến. Sống là luôn luôn biết hòa hợp các ký ức về sự đồng nhất hằng ám ảnh đời ta với sự khác biệt đang chờ đợi và chi phối ta.

Dĩ nhiên, từ bỏ một thế giới tuyệt vời như thế không phải làm một lần là xong: Không phải ra khỏi bụng mẹ là đã từ bỏ xong. Cần phải có một thẩm cấp bên trên giúp cho hữu thể chưa biết nói ấy (“infans”) biết từ kinh nghiệm hiện sinh của mình rằng từ nay nó không thể và bị cấm tái tạo lại thế giới tuyệt vời ấy, thế giới mà nó cho là đã sống vào thuở ban đầu. Cấp trên ấy sẽ làm cho hữu thể này tỉnh mộng, đẩy nó tới chỗ chỉ còn cách là từ bỏ thế giới nguyên thủy ấy: Nó thấy mình bị cấm sống trong tình trạng bất phân định, như sơ đồ cho thấy từ nay giữa hữu thể ấy với nguồn cội của nó sẽ mãi mãi có một lỗ hổng, một sự thiếu hụt. Từ nay nó bị cấm không được tái tạo lại một thế giới bất phân định, một thế giới không sứt mẻ, một thế giới vạn năng. Cũng theo sơ đồ này, ta thấy ngay cần phải có sự châm chế ấy chủ thể mới vươn lên được. Nếu vậy sự cấm chế làm cho sống chứ không giết chết vì nhờ đó chủ thể không còn bị đồng nhất với mình và người khác. Nói cách cụ thể, từ nay trong quan hệ nhân bản sẽ luôn luôn có ba cực: Tôi quan sát, tôi bị quan sát và sự thiếu hụt (lỗ hổng). Thế là chấm dứt ước mơ muốn người khác và bản thân mình hoàn toàn trong suốt đối với mình, mình không còn thấu hiểu mình và người khác hoàn toàn được nữa.

Nếu vậy, thẩm cấp đưa ra cấm chỉ quan trọng ấy là gì? Đó chính là cái mà ngôn ngữ chuyên môn của phân tâm học gọi là “quy luật tổ tiên”. Đây không phải chỉ là quy luật của người cha bằng xương bằng thịt, nhưng ám chỉ một thực tại rộng lớn hơn. Có thể nói đó là quy luật của văn hóa, nhất là quy luật của ngôn ngữ bắt ta phải đi qua các yếu tố trung gian của ngôn ngữ và như thế giữa ta và điều ta muốn nói có một khoảng cách. Nói luôn luôn là giữ một khoảng cách nào đó với các sự vật mà ta muốn nói. Nói về một điều gì là không còn đồng nhất mình với sự vật ấy nữa, mà là tạo ra và nhìn nhận có một lỗ hổng giữa ta với sự vật ấy.

Nói cách khác, dựa vào những suy tư đã được phổ biến của khoa phân tâm, ta thấy sống chính là thực hiện một kiểu hiện diện có nhìn nhận những khác biệt, từ bỏ tình trạng vạn năng, đồng nhất với người khác, để công nhận vai trò trung gian của các thực tại văn hóa. Trong các bài tường thuật có tính huyền thoại ở St 2 và 3 có nhiều điểm tương tự loại suy khá đặc biệt với các khẳng định của khoa nhân loại học hiện nay, dù các bản tường thuật ấy có đóng góp thêm nhiều dữ kiện về thân phận con người trước mặt Chúa.

III. Đọc bài tường thuật của trường phái Giavítta về sự sáng tạo: St 2, 4b - 3, 24

Khi sinh ra con người đã là tội lỗi năm 2024
Bài tường thuật này (cf. X. Thévenot, “Emmaus, une nouvelle genèse?” trong “Mélanges de Science Religieuse”, 1/1980) mô tả thế giới trong tình trạng nguyên thủy như một sa mạc hoang vu đối chọi với một vùng đất đã được canh tác hẳn hoi. Có thể nói đó là bước đi lên từ một thiên nhiên thô sơ sang một thiên nhiên đã mang đậm dấu vết của văn hóa nhân loại, từ tình trạng hỗn mang hoang vu sang tình trạng có sự góp mặt của lao động con người (c.15). Hơn nữa, việc sáng tạo ấy tiến xa tới mức ngôn ngữ loài người đã được sử dụng: “Con người đặt tên cho các loài vật, chim trời, dã thú” (c.20a). Như vậy, con người được giới thiệu trong bản tường thuật này là một con người đã làm một hành vi sáng tạo khi đặt tên cho các loài. Thế nhưng việc sáng tạo không dừng lại ở chỗ đặt tên cho muông thú thôi, mà trái lại đã tiếp tục và đạt tới đỉnh cao khi con người nhận ra phụ nữ là người thật sự đối xứng với mình, thế rồi thốt lên một lời thật rõ ràng, thật sung sướng: “Lần này, đây là xương tự xương tôi, thịt bởi thịt tôi, vì thế người ta sẽ gọi nó là Isha (“đàn bà”) vì nó đã được rút ra từ Ish (“đàn ông”)” (c.23). Nếu vậy, theo tác giả St 2, Thiên Chúa sáng tạo là cho phép có một thế giới trong đó các vật có hồn hay không hồn đều tùng phục quyền bính của con người, một sự tùng phục biểu lộ qua một trung gian là lao động và ngôn ngữ. Sau cùng, ngay lúc này ta hãy nhớ cuộc sáng tạo của Thiên Chúa lên tới cao điểm khi con người vui vẻ nhìn nhận có sự khác nhau về tính dục.

Thế nhưng, hãy đọc bản văn Kinh Thánh kỹ hơn. Bài tường thuật bắt đầu bằng cách mô tả một miền đất không có cây cối. Chỉ có nước dưới lòng đất len lỏi qua các khe (c. 4-6d). Thửa đất ấy thật hoang vu, nhất là khi con người không có mặt thường xuyên ở đó để canh tác, trồng trọt. Chính vì đó, Giavê xuất hiện để làm một việc nắn uốn, tương tự như công việc của người thợ gốm (c. 7a). Ađam được nặn thành hình với bụi rút lên từ đất (adama). Câu 7 cho thấy hai điều: Một đàng, Thiên Chúa là người thợ gốm có một không hai: Người dùng bụi (aphar) chứ không dùng đất sét để làm ra Ađam. Thứ đến, con người sau này sẽ cho biết đó là con người có giới tính, có liên hệ với vũ trụ ở một cấp tầm thường nhất, hoàn toàn không đáng kể, đó là bụi đất. Bụi không phải là cái dính ở chân và bằng mọi giá phải rũ sạch nó hay sao? Qua chi tiết này tác giả mời gọi ta nhớ rằng con người có nguồn gốc sâu xa trong vũ trụ, nguồn gốc chung với mọi thú vật (c. 19). Quả thật, dù trưởng thành rồi, các ước vọng của ta vẫn luôn luôn mang dấu vết sâu đậm của các lực lượng vũ trụ u ám đó. Tôn trọng tạo vật thật sự không bao giờ là tìm cách loại trừ, phủ nhận các lực lượng vũ trụ đang chi phối con người và đang kéo con người lùi lại.

Câu 7b cho biết Thiên Chúa đã làm cách nào để ban sự sống cho hình hài đã được Ngài nắn lên: Người thổi hơi vào lỗ mũi hình thù ấy hơi thở của sự sống (neshama). Đành rằng hơi thở này cho thấy sự mong manh của con người. Nhưng đó cũng là dấu nói lên con người được tự lập với đấng tạo thành mình. Tự lập vì từ nay con người đã có hơi thở riêng. Nên lưu ý là trẻ nhỏ tỏ ra tự lập trong sinh hoạt hô hấp hơn trong sinh hoạt dinh dưỡng. Thế nhưng đây là sự tự lập nhận lãnh được, vì theo bài tường thuật Chúa đã tặng không cho hình thù bất động ấy hơi thở của Người. Sự tự lập nhận lãnh được này, ta cũng sẽ thấy khi Thiên Chúa hoàn thành công cuộc sáng tạo của mình qua việc sai Thánh Thần xuống (Cv 2). Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã được tái tạo lại (được sống dậy) một cách vĩnh viễn khi đón nhận hơi thở (pneuma, còn gọi là Thần Khí) của Đức Giêsu. Mọi nỗ lực luân lý của ta nhằm nhân bản hóa, nếu muốn trở thành những nỗ lực có khả năng tái tạo, đều phải dựa trên ý thức nghiêm túc thế nào là biến đổi từ thân xác sống động do hơi thở của Giavê (St 2, 7) sang thân xác sống động do Thần Khí (pneuma) (1Cr 6) để trở thành thân xác “thần khí” toàn diện (1Cr 15, 44). Chủ đề hơi thở hay Thần Khí rất phong phú: sách St 1, 2 đã cho biết Ruah (Khí) ngay từ thuở khai nguyên đã bay lượn đây đó; Lc 1, 35 khẳng định Ruah đã chiếm trọn lấy Đức Maria để ngài hạ sinh đứa con đầu lòng của trật tự sáng tạo mới. Khi suy nghĩ về con người trong thân xác của mình, về các mối quan hệ của con người, ta không thể không nghĩ tới thân xác đã từng được thổi hơi vào, không thể không nghĩ tới hơi thở sáng tạo của Thiên Chúa. Hơi thở hay Thần Khí này theo Gioan là nhân vật duy nhất có khả năng đưa ta tới chân lý toàn diện (Ga 16, 13). Còn thánh Mátthêu cho rằng phạm tội đối với nhân vật là đã tự kết án mình để không bao giờ được gặp Thiên Chúa nữa (Mt 12, 32).

Câu 8 và câu 15 cho biết con người đầu tiên được Chúa đặt trong vườn địa đàng để dùng lao động biến cải đất đai. Nên lưu ý là ngay trong ngôi vườn gọi là “hoan lạc”, một nơi sống rất thoải mái, con người vẫn phải chấp nhận những trung gian, nghĩa là phải canh tác trồng trọt. Sống hạnh phúc không phải là được hưởng thụ trực tiếp như trong thế giới hỗn hợp của thai nhi. Luca 4, 3 cũng gián tiếp nhắc lại chân lý này. Ma quỷ đề nghị Đức Giêsu sử dụng quyền năng Con Thiên Chúa để tiết kiệm lao động: “Chỉ cần phán một lời thôi, ngươi sẽ biến đá này thành bánh”. Nhưng Đức Giêsu đã dứt khoát từ chối sử dụng quyền năng theo lối đó.

Khước từ hưởng thụ trực tiếp và tức khắc, điều ấy còn được nổi rõ hơn khi ta đọc thấy lệnh cấm căn bản của Thiên Chúa (c. 9 và c. 16-17). Lệnh cấm này liên hệ chủ yếu tới vai trò của miệng. “Ngươi không được ăn trái cây biết lành biết dữ”. Miệng vốn được coi là nơi hình thành nhân cách theo quan niệm xưa. Vì thế không lạ gì trong Kinh Thánh các cám dỗ phần lớn có liên quan đến cái miệng như cám dỗ của cặp vợ chồng đầu tiên, cám dỗ của dân Chúa trong sa mạc, cám dỗ của Đức Giêsu. Qua lệnh cấm này, Thiên Chúa đã khơi gợi lòng thèm muốn của con người; con người vốn không được ăn trái cây hiểu biết mà! Sách St 2 cho biết: Yêu thương, sống và sống nên người, là phải lao động và phải tập khát khao giữa một thế giới có nhiều khác biệt (khác biệt giữa cây được ăn và cây bị cấm), có thiếu hụt và lỗ hổng. Ngay ở câu 9, tác giả đã giới thiệu chủ đề thị giác, một chủ đề đóng vai trò rất quan trọng ở St 3: “Các cây trong vườn nhìn thật sướng mắt!”. Ở đây. Tác giả mới chỉ cho biết nhìn là nguồn đem lại khoan khoái. Ít lâu sau, tác giả sẽ cho thấy nhìn là con đường mở cho cám dỗ lọt vào.

Kèm theo lệnh cấm căn bản của Thiên Chúa, có một lời tuyên bố như sau: “Ngày nào ngươi ăn trái cây biết lành biết dữ, ngươi sẽ phải chết” (c. 17). Lời tuyên bố này có phải là một lời đe dọa của Thiên Chúa không (“Ta sẽ phạt ngươi vì sự bất tuân ấy”)? Nếu đúng vậy thì hình phạt phải là một cái gì nằm ngoài con người. Thế nhưng trong phần tiếp theo của câu chuyện, ta không thấy Ađam và Eva chết ngay sau khi lỗi phạm. Câu 3, 19 đã từng bảo con người là bụi đất, nên con người bây giờ phải trở thành bụi đất chứ! Dựa vào một số đoạn Thánh Kinh coi cái chết chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Các nhà thần học đã không chấp nhận giả thuyết trên đây. Một số nhà thần học gia muốn coi câu 17 chỉ là một lời tuyên bố có tính cách ghi nhận hơn: “Con người chỉ có thể sống, sống thật sự khi tôn trọng sự thiếu hụt, lỗ hổng, chấp nhận những trung gian, tình trạng không biết lành biết dữ trọn vẹn. Nếu không tôn trọng và chấp nhận như thế, thì do sự tất yếu nội tại, cuối cuộc hành trình con người sẽ chết”.

Nên lưu ý trái cấm là trái của cây biết lành biết dữ. Các nhà chú giải hiểu rằng đó là cây mang những trái có thể giúp con người nắm được cái bí mật vượt qua sức mình. Nếu vậy, Thiên Chúa đã “cắt ngang” và làm con người cụt hứng trong ước vọng muốn biết tất cả, làm chủ tất cả. Con người được cứu độ ở chỗ không được biết tất cả.

Sau khi cho thấy con người phải tuân hành lệnh cấm căn bản ấy và con người lúc nào cũng khắc khoải nỗi khát vọng ấy, câu 18 đề cập tới sự cô độc của con người: “Con người ở một mình không tốt, Ta muốn làm cho nó một người trợ thủ như nó”. Cô độc được coi là một bất hạnh. Con người chỉ có thể thực hiện ước vọng của mình một cách vui tươi khi có sự chia sẻ của người phụ nữ. Câu chuyện quá phạm sau này cho thấy một trong những hậu quả của tội là đưa con người về lại với tình trạng cô độc trong tội bằng cách cắt đứt sự liên đới với người khác (St 3, 12). Các câu 19-20 tuy mô tả Giavê cũng nắn lên các thú vật từ đất như con người, nhưng không thấy nói chúng nhận hơi thở của sự sống (neshama) của Giavê. Vì thế, hình như giữa con người và thú vật không giống nhau bao nhiêu. Đó là một định luật tâm lý rất thích đáng: Càng khác nhau người ta càng cô độc hơn. Chỉ khi nào biết hòa hợp khéo léo sự dị biệt và sự tương đồng, cái khác và chính mình, ta mới có thể vui vẻ đảm nhận thân phận con người. Đây chính là ý nghĩa của sự kiện người đàn bà được dựng nên từ cạnh sườn của người đàn ông. Bài tường thuật ấy cũng cho thấy người đàn bà vừa giống vừa khác người đàn ông. Quả thế, nam nữ cùng có một bản tính vì cả hai đều chung một xương thịt. Tiếng kêu lên đầy hoan hỉ của người đàn ông càng cho thấy rõ điều đó: “Này đây xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nhân đây nên nhắc lại sự hiệp thông giữa người nam và người nữ không phải là do sáng kiến của người nam. Ađam chỉ nhìn nhận một thực tại không phải do mình làm ra: Nguồn gốc của người đàn bà có phần nào bí mật đối với ông, vì bà được tạo dựng lúc ông ngủ. Như vậy, lại thêm một hình thức vô tri không biết. Ước muốn biết hết, muốn toàn năng, muốn hiểu tường tận về nguồn gốc của mình và của người khác một lần nữa đã bị đánh đổ! Người đàn ông lên tiếng để nhìn nhận người đàn bà vừa giống vừa khác mình, là do tình trạng vô tri không biết hết. Vì được rút ra từ người đàn ông (ish) nên người nữ sẽ được gọi là đàn bà (ishsha).

Rốt cuộc, dựa theo các bài tường thuật trên đây ta thấy Thiên Chúa sáng tạo không phải là làm xuất hiện một thế giới vượt trên tự nhiên, mà chỉ là một thế giới trong đó con người làm chủ vũ trụ qua lao động và ngôn ngữ, trong đó có sự khác biệt giữa cây được phép ăn và cây bị cấm, có sự khác biệt giữa Thiên Chúa và thụ tạo, giữa người đàn ông bà người đàn bà: Những điều này ta nhận thức được là nhờ tin vào lệnh cấm của Tạo hóa. Sau hết, trong thế giới đó người ta có thể có được những giây phút kết hợp thâm sâu thật hoan lạc, không phải tụt xuống thế giới tự nhiên mà mình đã từ đó ngoi lên. Đọc câu chuyện quá phạm của Ađam và Eva, ta cảm thấy tội lỗi của con người đã phá vỡ sâu xa sự quân bình căn bản đó, bằng cách làm cả công trình sáng tạo như phải xuống cấp.