Khối thi đại học là gì

Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng là một kì thi từng được tổ chức tại Việt Nam nhằm mục đích lấy sinh viên đầu vào cho các trường đại học và cao đẳng. Kì thi này còn được gọi nôm na là kỳ thi "3 chung" (chung đợt, chung đề và dùng chung kết quả), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm, ngay sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông khoảng một tháng. Trong những năm tổ chức, kì thi này được diễn ra vào thượng tuần và trung tuần tháng 7 theo lịch sau:

  • Đợt 1: Ngày 4 tháng 7 và 5 tháng 7: thi các khối A, A1, V của hệ đại học. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý thì thi tiếp năng khiếu vẽ đến ngày 8 tháng 7 (tùy trường).
  • Đợt 2: Ngày 9 tháng 7 và 10 tháng 7 thi các khối B, C, D, N, H, M, T, S, R, K của hệ đại học. Thí sinh thi các khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C; khối K thi Toán, Lý theo đề thi khối A) thì thi tiếp các môn năng khiếu vẽ, thể dục, nhạc và kĩ thuật đến ngày 14 tháng 7 (tùy trường).
  • Đợt 3: Ngày 15 tháng 7 và 16 tháng 7 thi tất cả các khối của hệ cao đẳng.

Từ năm 2015, cùng với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng bị bãi bỏ để thay thế bằng một kỳ thi hợp nhất là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Mục lục

  • 1 Điều kiện
  • 2 Các khối thi và môn thi
    • 2.1 Khối năng khiếu
  • 3 Hình thức thi
  • 4 Các khái niệm
    • 4.1 Hồ sơ đăng ký dự thi
    • 4.2 Điểm sàn
  • 5 Xem thêm
  • 6 Chú thích

Điều kiệnSửa đổi

Đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tạm thời hoặc bậc học tương đương (bổ túc, trung học nghề).

Các khối thi và môn thiSửa đổi

  • Khối A: Toán, Vật lý, Hóa học
  • Khối A1: Toán, Vật lý, Tiếng Anh (bắt đầu từ năm 2012)
  • Khối B: Toán, Hóa học, Sinh học
  • Khối C: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
  • Khối D: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ
    • Khối D1: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh
    • Khối D2: Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga
    • Khối D3: Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp
    • Khối D4: Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung Quốc
    • Khối D5: Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức (bắt đầu từ năm 2008)
    • Khối D6: Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật (bắt đầu từ năm 2008)

Khối năng khiếuSửa đổi

  • Khối H: Ngữ văn, Mỹ thuật (vẽ chì và trang trí màu)
  • Khối K: Toán, Vật lý, Kỹ thuật
  • Khối M: Ngữ văn, Toán, Năng khiếu mẫu giáo (Hát, Kể chuyện, Đọc diễn cảm)
  • Khối N: Ngữ văn, hai môn Năng khiếu Âm nhạc (Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ, Kiến thức âm nhạc cơ bản)
  • Khối R: Ngữ văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí
  • Khối S: Ngữ văn, hai môn năng khiếu sân khấu.
  • Khối T: Sinh học, Toán, Năng khiếu thể dục thể thao (chạy cự li ngắn, bật tại chỗ, gập thân)
  • Khối V: Toán, Vật lý, Mỹ thuật

Phụ huynh và học sinh tại kì thi tuyển sinh Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012.

Hình thức thiSửa đổi

Từ năm 2001 trở về trước, mỗi trường tự tổ chức kì thi, dưới sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, thí sinh đăng kí dự thi bao nhiêu trường, thì phải trải qua bấy nhiêu kì thi. Điều nay gây nên sự tốn kém rất lớn, và mất công mất việc của rất nhiều các bậc phụ huynh, cũng như không thực sự cần thiết. Từ năm 2002 trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kì thi duy nhất, sau đó kết quả được áp dụng sang các trường mà thí sinh đã đăng ký nguyện vọng [1].

Năm 2006, hình thức thi trắc nghiệm khách quan được áp dụng đầu tiên cho bốn môn Ngoại ngữ của khối D là Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung; đề thi gồm 70 câu trắc nghiệm. Từ năm 2007 đến 2014, hình thức thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng và áp dụng cho các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ với thời gian làm bài là 90 phút, đề thi có 80 câu dành cho các môn Ngoại ngữ và 50 câu dành cho môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; bốn môn văn hóa còn lại là Toán, Văn, Lịch sử và Địa lý thi tự luận với thời gian làm bài là 180 phút.

Các khái niệmSửa đổi

Hồ sơ đăng ký dự thiSửa đổi

Để được dự thi đại học hay cao đẳng, thí sinh cần có một bộ hồ sơ đăng ký và phải nộp trước khi thi để nhập dữ liệu. Bộ hồ sơ này gồm hai lá phiếu có nội dung khai báo như nhau: phiếu số 1 nộp cho trường đăng ký thi, phiếu số 2 thí sinh giữ để làm gốc. Sau khi tiếp nhận hồ sơ và nhập dữ liệu, trường sẽ gửi giấy báo dự thi về cho thí sinh. Giấy này rất quan trọng bởi vì có nó, thí sinh mới được phép vào phòng thi.

Điểm sànSửa đổi

Điểm sàn là mức điểm tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm sàn chính thức được áp dụng từ năm 2004. Hiểu đơn giản, đây là mức điểm tối thiểu thí sinh cần phải đạt được để có quyền xét được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nếu không đạt đến điểm sàn, thí sinh gần như đã không trúng tuyển. Một số trường hợp, điểm sàn có thể điều chỉnh theo từng trường nếu được phép của Bộ giáo dục.

Năm Đại học Cao đẳng
Khối A Khối A1 Khối B Khối C Khối D Khối A Khối A1 Khối B Khối C Khối D
2004 14 15 15 14 11 12 12 11
2005 15 15 14 14 12 12 11 11
2006 13 14 14 13 10 11 11 10
2007 15 15 14 13 12 12 11 10
2008 13 15 14 13 10 12 11 10
2009 13 14 14 13 10 11 11 10
2010 13 14 14 13 10 11 11 10
2011 13 14 14 13 10 11 11 10
2012 13 13 14 14,5 13,5 10 10 11 11,5 10,5
2013[2] 13 13 14 14 13,5 10 10 11 11 10

Xem thêmSửa đổi

  • Danh sách trường đại học, học viện và cao đẳng tại Việt Nam

Chú thíchSửa đổi

  1. ^ Thông báo của Bộ GD - ĐT về công tác tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng năm 2002
  2. ^ Thông báo kết luận của Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013, ký hiệu văn bản 999/2013/TB-BGDĐT[liên kết hỏng] Bộ Giáo dục và Đào Tạo, truy cập ngày 08 tháng 08 năm 2013