Mix and Master là gì

Trong số Hỏi đáp 3, các câu hỏi về audio mastering cơ bản, quy trình sản xuất âm nhạc cơ bản và audio streaming/playback sẽ được giải đáp cụ thể.

Audio Mastering

Hồng Ánh: Em mới tập mix chưa lâu nhưng tò mò về mastering. Em chưa hiểu tại sao mình nên làm mastering?

Trả lời:

Audio Mastering là gì?

Bạn hãy hình dung như thế này: Bạn có một viên đá quý mới móc lên từ mỏ, bạn phải “mix” nó để nó đẹp hơn, lung linh hơn. Sau khi “mix” xong, bạn phải làm “master” cho viên ngọc bao gồm soi xem nó còn khiếm khuyết gì không, đủ tiêu chuẩn chất lượng chưa, cải thiện thêm chất lượng của nó nếu cần để đạt tiêu chuẩn công nghiệp hiện tại, dán nhãn mác, đóng gói nó để có thể xuất ra các thị trường khác nhau. Thị trường châu Âu họ có tiêu chuẩn khác, thị trường châu Á lại có tiêu chuẩn khác…

Thị trường ở đây có thể hiểu là nơi phân phối, bán sản phẩm đó, với audio, bạn cũng có thể hiểu là môi trường playback sản phẩm. Nếu bạn đưa lên Soundcloud, bạn cần định dạng audio phù hợp, cách làm master cũng phải phù hợp để đảm bảo âm thanh tốt nhất cho nền tảng đó. Ra đĩa than, bạn cần phải biết ưu/nhược điểm của hệ thống playback này để bù trừ. Đưa lên YouTube, lên iTune, lên các kênh Streaming Audio khác cũng tương tự.

Mix and Master là gì

Mastering là chủ đề mình thường khuyên các anh em mới học không nên quá chú trọng ngay từ đầu. Lý do rất đơn giản: Bản master tốt thường phải có xuất phát điểm là một bản mix tốt. Nếu bản mix của bạn chưa tốt, hãy tự mix lại và học hỏi, luyện tập mixing thêm thay vì cố sửa trong giai đoạn mastering. Chúng ta tập chạy làm gì khi mà đi còn chưa vững?

Một lý do quan trọng nhất cần phải có mastering engineer độc lập thay vì mixing engineer làm từ A->Z đó là: bạn cần một đôi tai có kinh nghiệm, hoàn toàn chưa tiếp xúc với project này lắng nghe bản mix để nhìn bản mix dưới một góc độ khác. Nhờ đó, bạn tránh được việc bỏ sót những điểm chưa ổn của bản mix do “văn mình vợ người”.

Bản thân mình hiện giờ vẫn tập trung hoàn toàn vào mixing. Tất nhiên, mình vẫn phải làm master cho các bản mix của chính mình khi khách hàng không có đủ ngân sách để thuê mastering engineer mình gợi ý, nhưng đó luôn là tình huống bất đắc dĩ. Trong team mình, ai mix bài nào thì sẽ không làm master cho bài đó. Luôn là vậy.

Dù luôn kiểm tra rất kỹ bản final mix trước khi gửi đi để đảm bảo không còn vấn đề gì, mình vẫn luôn có cảm giác tò mò, thú vị mỗi khi nhận được bản master từ mastering engineer trong team mình, hoặc mastering engineer mà mình thuê bên ngoài. Đôi khi, góp ý của họ giúp mình nhận ra những điểm mình chưa khai thác hết ở bản mix hoặc có thể cải thiện bản mix tốt hơn nữa.

Có một câu nói hay được chia sẻ trên mạng, đại ý như sau: “Hãy thu âm như thể không được mix, hãy mix như thể bạn không được làm master”. Câu nói này rất đúng. Bạn hãy cố gắng làm thật tốt tất cả các khâu, đừng dựa dẫm vào ý nghĩ “nếu làm chưa tốt thì để công đoạn sau xử lý, lo gì…”.

Từ Trung Hiếu: Thứ tự các phần khi mastering – có nên mastering sau khi đã thu beat hay mastering ngay trong project ạ.

Trả lời:

Câu hỏi 1: Thứ tự các phần khi mastering?

Theo mình hiểu, bạn đang muốn hỏi thứ tự các thiết bị khi làm mastering? Thứ tự, chủng loại các thiết bị tham gia vào khâu mastering thường không cố định, tùy thuộc vào chất lượng bản mix, yêu cầu của khách hàng. Đôi khi bạn chỉ cần 2, đôi khi bạn cần 5-6 thiết bị. Miễn sao bạn ra được bản master có chất lượng tốt, phù hợp với kỳ vọng của khách hàng.

Thông thường, các thiết bị xử lý tín hiệu phổ biến trong một project mastering bao gồm:

  • Mastering EQ
  • Mastering Compressor
  • Brickwall Limiter
  • Dithering

Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy các thiết bị khác như Tape Effect, Saturation Effect, xử lý Stereo Image, Clipper, Exciter, Reverb…

Mix and Master là gì

Các chủng loại effect phổ biến khi làm Audio Mastering

Thứ tự thiết bị không cố định, tuy nhiên, Brickwall Limiter thường nằm ở cuối để đảm bảo không có âm thanh nào có âm lượng quá lớn làm overload DAC (digital-to-analog converter).

Câu hỏi 2: có nên mastering sau khi đã thu beat hay mastering ngay trong project?

Bạn có thể làm master ngay trong project mixing hoặc làm master trong project mới đều được. Cá nhân mình thường làm trong project mới ví những lý do sau:

1. Gián tiếp Cải thiện Chất lượng Bản mix

Tạo project mới để mastering khiến bạn phải mixing cẩn thận hơn. Việc quay đi quay lại giữa 2 project mixing và mastering để sửa các vấn đề của bản mix phát hiện ra trong quá trình mastering sẽ tốn nhiều thời gian, dẫn tới… stress. Do đó, bạn bị “ép” phải mix tới khi nào không còn gì lăn tăn nữa trước khi xuất file.

Mix and Master là gì

Audio Mastering Session nên làm riêng biệt với Mixing Session

2. Độ trễ, độ ổn định của Session

Các effect chuyên dụng cho Mastering thường tốn CPU, do đó, bạn sẽ khó có thể sử dụng các effect này trong mixing session với độ trễ thấp mà không bị giật, drop out. Trừ khi máy tính của bạn cực khỏe.

3. Không lo lắng về Recall

Việc tách 2 project mixing và mastering sẽ khiến bạn bắt buộc phải xuất file mixdown, do đó, khi bạn cần re-master (làm bản master mới) hoặc gửi đi làm master nơi khác, bạn luôn có sẵn file mixdown bên ngoài. Điều này cũng tránh hiện tượng lúc cần mở lại project để làm master lại, có một số plugin không mở được do bạn remove, update… khiến bản final mix của bạn không nghe giống lúc trước.

4. Có thể setup project mastering phức tạp

Bạn có thể setup các cách thức đấu nối phức tạp nhằm xử lý song song hoặc so sánh dễ dàng hơn trong mastering session.

5. Mastering Album

Khi làm mastering cho album, âm thanh của các bài đơn lẻ cần có độ nhất quán với các bài khác. Do đó, các effect làm mastering hoặc cách thiết lập cho một bài thường có tính tương đồng với các bài khác. Bạn có thể dễ dàng sử dụng chung một chuỗi Effect khởi điểm cho tất cả các bài trong album mà không cần phải chia ra các session độc lập. Khi cần thay đổi bất cứ thứ gì (ví dụ: tăng/giảm âm lượng, làm sáng/tối tổng thể cả album…) cũng tiện hơn nhiều.

Còn nhiều lý do nhỏ nhặt khác tuy nhiên mình thấy 5 lý do trên cũng đủ thuyết phục mình hạn chế cơn lười và setup một mastering session độc lập.

Quy trình sản xuất âm nhạc

Khoa Nguyễn: Chào tạp chí MIX, mình đang muốn học hỏi thêm về nghề producer. Mong MIX cho mình biết các bước tổng quát quá trình từ khâu ý tưởng, thu âm, chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm.

Trả lời: Vòng đời của một sản phẩm âm nhạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm phong cách âm nhạc, ngân sách sản xuất… Cách thức sản xuất của EDM cũng khác với sản xuất 1 ca khúc nhạc rock, 1 bản giao hưởng…

Nói chung, quy trình sản xuất âm nhạc thường gồm những giai đoạn sau:

  1. Sáng tác: Rặn đẻ ra ca khúc hoặc bản nhạc
  2. Sản xuất Demo: Giai đoạn demo là giai đoạn lên ý tưởng về cách thể hiện, cách phát triển bài hát. Bạn có thể demo bằng cách đệm guitar, hoặc bạn có thể demo bằng cách phối khí hoàn chỉnh. Một bài hát có thể có tới vài bản phối khí chủ yếu để thử nghiệm xem hướng đi nào là phù hợp nhất, khai thác hết được tiềm năng của bài hát trước khi cam kết với bản phối cuối cùng.
  3. Tập dượt: Giai đoạn này chủ yếu dành cho những project cần thu âm nhạc cụ thật. Phiên tập dượt (rehearsal) giúp nhạc công quen bài hoặc producer có thể thử nghiệm những ý tưởng mới như thay đổi tempo, lựa chọn âm thanh nhạc cụ, sửa câu cú…
  4. Thu âm
  5. Overdub: phiên thu bổ sung những gì còn chưa hoàn thiện của phiên thu chính thức, hoặc thay thế những phần thu không chim ưng khác.
  6. Biên tập (editing): khâu biên tập có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, tại đây bạn có thể sửa cả bản phối, bốc phần này ném sang phần kia, sửa lỗi của người hát/nhạc công, loại bỏ tạp âm, comping…
  7. Mixing: cải thiện chất lượng âm thanh, cảm xúc của bản thu
  8. Mastering: các thao tác kết liễu vòng đời sản xuất của một ca khúc bao gồm kiểm định chất lượng, cải thiện âm thanh, xuất ra các định dạng audio phù hợp, sản xuất các đĩa master…

Trên thực tế, tại Việt Nam hiện nay, với phong trào sản xuất âm nhạc có chi phí thấp/mì ăn liền, bạn sẽ thấy giai đoạn 2, 3, 4, 5 không mấy khi được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, các project sản xuất âm nhạc đa phần đều làm với VSTi thì lấy đâu ra phiên Rehearsal và thu âm, overdub đúng nghĩa (ngoài vocal)?

Hi vọng đã giúp bạn hình dung được cụ thể về quy trình sản xuất âm nhạc phổ biến.

Streaming/Playback Audio

Ngố Ngơ Ngáo: khi em thu âm song 1 bản nghe trên Pc có vẻ tạm ổn , nhưng tại sao khi post lên fb thì có vẻ như chất lượng âm thanh kém hẳn đi so với nghe ở PC . em có tìm hiểu trên mạng nhưng ko thấy , mong ad thông não giúp em ! tks !

Trả lời: Mình có lời khuyên ngắn gọn như sau: Facebook, Soundcloud, bất cứ mạng xã hội âm nhạc nào của VN đều không phải là nơi để bạn show sản phẩm trên khía cạnh chất lượng âm thanh một cách nghiêm túc.

Nếu bạn muốn chia sẻ trên khía cạnh songwriting, production… thì rất tốt vì các mạng xã hội này có lượt người xem đông đảo. Tuy nhiên, tất cả những trang mình vừa kể trên đều có can thiệp không có lợi cho chất lượng âm thanh, đặc biệt là Facebook!

Lý do tương đối đơn giản: có thể do quy định của trang hoặc vì mục đích giảm tải cho máy chủ, giảm băng thông/nguy cơ bị ngắt quãng quá trình streaming trên máy khách, họ thường phải giảm chất lượng âm thanh (tương đương giảm dung lượng) audio bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ: giảm sample rate, bit depth, bit rate…

Đôi khi, họ không cố tình giảm chất lượng âm thanh của bạn nhưng vì phải quy đổi audio file sang một dạng thức nhất quán của toàn site hoặc lý do nào khác, conversion server của họ phải can thiệp và convert audio của bạn từ định dạng này sang định dạng khác. Thứ làm chất lượng âm thanh của bạn giảm đi lúc này chính là chất lượng của codec, chất lượng quá trình chuyển đổi và cấu hình cho quá trình chuyển đổi. Ví dụ đơn giản, khi bạn convert WAV sang MP3, trong phần mềm convert thường sẽ có một tùy chọn cho phép bạn đánh đổi giữa tốc độ convert và chất lượng convert. Ta thử nghĩ xem nghĩ họ sẽ ưu tiên chất lượng convert cho bạn hay tốc độ convert cho họ?

Hna Iaoh: MIX cho hỏi khi cần render ra file MP3 thì phải lưu ý những vấn đề gì? Mình bị tình trạng khi nghe file MP3 bằng Windows Media Player âm lượng nhỏ hơn hẳn so với nghe project gốc trên DAW.

Trả lời: Bạn thử kiểm tra lại cấu hình trong mixer, audio driver của Windows. Windows Media Player nếu chưa được cấu hình sẽ sử dụng WDM Audio Driver của Windows thay vì ASIO driver như trong DAW. Có thể bạn chưa đặt mức âm lượng tối đa trong mục điều chỉnh âm lượng của WDM Audio Driver.

Trên hệ thống của mình, khi cấu hình cả phần mềm chơi nhạc và DAW sử dụng chung ASIO Driver của RME thì hoàn toàn không có sự khác biệt nào khi playback audio giữa Foobar và ProTools, Reaper, Cubase.

Mix and Master là gì

Cấu hình Windows Media Player

Mix and Master là gì

Cấu hình Foobar sử dụng ASIO Driver

Bạn hãy lựa chọn ASIO Driver cho Windows Media Player trong mục Devices và thử xem sao nhé.

Các vấn đề khác

Nguyen Chi Danh: Có sách hay link wed nào nói về từ ngữ chuyên nghành về âm thanh và mixer nói riêng ko ạ.. nhiều từ ngữ viết tắt ko hiểu được

Trả lời: Tạp chí Sound on Sound có một danh mục từ chuyên ngành khá đầy đủ. Bạn có thể tham khảo tại đây: https://www.soundonsound.com/sound-advice/glossary-technical-terms

Nguyễn Đắc Khôi: cho em hỏi anh có vợ con gì chưa ạ?

Trả lời: Cảm ơn Khôi đã quan tâm. Mình về quy thuận dưới trướng vợ đã lâu và có 1 con trai 7 tuổi nghịch như thần trùng quỷ sứ.

Cảm ơn các bạn đã tham gia Hỏi và Đáp cùng Tạp chí MIX!

(Visited 17,576 times, 1 visits today)