Mổ tim bao lâu thì lành

Người sau mổ tim nên đi bộ mỗi ngày với khoảng cách và vận tốc tăng dần; không mang vác vật nặng quá 5 kg.

Theo bác sĩ Phan Thị Mỹ Hạnh, Viện Tim TP HCM, một ca phẫu thuật tim được gọi là thành công khi người bệnh có thể hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường. 

Giai đoạn đầu sau khi xuất viện từ 6 đến 8 tuần rất quan trọng đối với quá trình hồi phục của người bệnh. Nhiều bệnh nhân do phấn chấn sau ca phẫu thuật đã chủ quan trong việc theo dõi sức khỏe ở giai đoạn này nên ảnh hưởng đến hiệu quả bình phục lâu dài. Ngược lại một số người vì quá lo lắng và bi quan nên không dám làm gì sau mổ tim, thậm chí kiêng vận động thể chất, khiến quá trình hồi phục không tốt.

Bác sĩ Hạnh hướng dẫn cách chăm sóc cho người mới phẫu thuật tim như sau:

Chăm sóc vết mổ

Cần giữ cho vết mổ khô ráo, sạch sẽ. Bệnh nhân có thể tắm xà phòng mỗi ngày hoặc cách nhật. Sau khi tắm nên dùng khăn mềm thấm khô vết mổ, quan sát màu sắc và cảm nhận nhiệt độ quanh vết mổ. Nếu thấy những dấu hiệu khác thường như rỉ dịch, sưng phồng, tấy đỏ hoặc vết mổ vùng xương ức kêu lụp cụp khi cử động thân trên, nên đến bệnh viện kiểm tra.

Mổ tim bao lâu thì lành

Ảnh minh họa: Health.

Giảm đau

Bác sĩ luôn kê toa thuốc giảm đau cho người bệnh khi xuất viện. Dù vậy, các triệu chứng như ngứa, tê rần hay dị cảm (cảm giác như kiến bò) quanh vết mổ vẫn thường xảy ra. Bệnh nhân không nên quá lo lắng, bởi mức độ của các triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian.

Nếu bệnh nhân cảm thấy đau vết mổ đột ngột và gia tăng gây kém ăn, mất ngủ…, nên tái khám sớm. Bệnh nhân mổ bắc cầu mạch vành có sử dụng tĩnh mạch cẳng chân làm cầu nối, cần vận động và đi lại nhẹ nhàng, sau đó nằm nghỉ kê chân cao hơn đầu sẽ giúp giảm đau.

Vận động

Bệnh nhân cần đi bộ mỗi ngày với khoảng cách và vận tốc tăng dần theo sức của mình. Có thể leo cầu thang với tốc độ chậm hoặc vừa leo vừa nghỉ.

Lưu ý: Không nên đứng yên một chỗ quá 15 phút, không mang vác vật nặng quá năm kg, không đẩy hay kéo vật nặng. Sau 4-6 tuần, bệnh nhân có thể lái xe bốn bánh hoặc hai bánh. Tuy nhiên không được dắt hay đẩy xe hai bánh (là vật nặng).

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng tốt sẽ giúp vết thương mau lành. Sau khi mổ, bác sĩ tư vấn về một số thức ăn cần kiêng cho từng bệnh nhân. Nhìn chung, cần ăn nhạt, ít muối nếu còn tình trạng suy tim sau mổ. Tránh thực phẩm nhiều muối như dưa muối, cải chua, cá khô… Bệnh nhân mổ bắc cầu mạch vành cần tránh ăn da, mỡ. Ưu tiên thịt nạc, cá và sản phẩm sữa ít béo. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung thêm vitamin, chất xơ giúp tránh táo bón.

Kiểm soát cân nặng sau mổ

Tăng cân nhanh sau phẫu thuật có thể gây suy tim nặng hơn. Ngược lại, sụt cân nhiều khiến quá trình hồi phục sức khỏe chậm. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể về mức cân nặng lý tưởng của mình tùy vào tình trạng bệnh.

Vấn đề tâm lý

Trầm cảm thường xuất hiện sau mổ nhưng biến mất sau vài tuần. Các biện pháp tránh trầm cảm sau mổ như mặc đẹp hàng ngày, tập thể dục thường xuyên, tham gia hoạt động cộng đồng, làm việc mình yêu thích, chia sẻ cảm xúc với mọi người. Một số trường hợp đã áp dụng các biện pháp này mà chưa thể thoát ra khỏi trầm cảm, cần đi khám, đừng quên kể chi tiết về tình trạng tâm lý cho bác sĩ nghe.

Nghỉ ngơi và giấc ngủ

Bệnh nhân hậu phẫu thường khó ngủ, nhưng mọi việc sẽ trở về bình thường sau vài tháng. Nếu còn đau vết mổ về đêm cần uống thuốc khoảng 30 phút trước đi ngủ, chọn tư thế nằm phù hợp, dễ chịu.

Lưu ý: Không nên ngủ nhiều vào ban ngày, tránh uống cà phê, chocolate, nước ngọt hay trà đậm sau 16h hàng ngày. Thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc, đọc sách, xoa bóp vùng vai gáy…

Tóm lại, để quá trình hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân và gia đình cần theo dõi và tuân thủ những lưu ý trên. Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường về vết mổ, đau đột ngột hay cảm giác lạ, nên đến gặp bác sĩ ngay để tránh những biến chứng.

Thi Trân

11/01/2021 07:20

Phẫu thuật van tim nhằm sửa hoặc thay van tim đã bị tổn thương đáng kể gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của tim. Sửa van hoặc thay van tim là biện pháp cần thiết để phòng ngừa dẫn đến suy tim hoặc giảm suy tim và các biến chứng nặng nề khác về sau.

Khi đã được sửa hoặc thay van không có nghĩa là bệnh tim đã hoàn toàn khỏi hẳn. Phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân chuyển từ một tình trạng bệnh lý nặng hoặc có nguy cơ không ổn định sang một tình trạng bệnh ổn định hơn.

Bệnh nhân cần lưu ý một số điều quan trọng:

Tái khám định kỳ đều đặn: Trong vòng 3 tháng đầu sau mổ, bệnh nhân cần khám lại đều đặn để các bác sĩ kiểm tra chế độ dùng thuốc, liều thuốc và có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp. Sau đó, khi tình trạng đã ổn định, bệnh nhân chỉ cần kiểm tra định kỳ ít nhất 2 lần/năm.

Theo dõi cân nặng: Cân nặng thay đổi bất thường có thể là dấu hiệu xấu. Bệnh nhân sau phẫu thuật van tim nếu có điều kiện nên cân hàng ngày để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Trong khoảng 3 tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sụt cân một chút. Nếu tăng cân nhiều hơn 2,5 kg/tuần, bạn có thể đang bị phù.

Chế độ ăn sau phẫu thuật: Chế độ ăn giàu dinh dưỡng rất quan trọng cho sự phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật. Ngoài ra, do dùng thuốc chống đông, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ ăn kiêng chặt chẽ.

Mổ tim bao lâu thì lành

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khám cho người bệnh

Hoạt động thể lực sau thay van tim

Chế độ hoạt động thể lực phù hợp sẽ giúp bệnh nhân hồi phục cũng như tăng cường sức khỏe.

Từ khi còn đang nằm viện nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng như: đi bộ trong phòng hay ngoài hành lang, chú ý để đảm bảo không bắt tim bạn phải làm việc quá sức.

Bằng việc hoạt động thể lực tăng dần từ từ qua mỗi ngày, chỉ vài tuần sau phẫu thuật, phần lớn mọi người có thể đi bộ 3 4 km mỗi ngày.

Với những phẫu thuật bình thường, người bệnh mất khoảng 4 6 tuần để sức khỏe trở về bình thường. Sau đó, xương ức của bạn đã liền hoàn toàn. Một số người có thể trở lại làm những công việc bàn giấy khoảng 4 tuần sau phẫu thuật. Còn với những người lao động với cường độ cao hơn thì cần nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần trước khi họ bắt tay vào làm việc trở lại. Nếu là mổ nội soi, bệnh nhân có thể phục hồi nhanh hơn.

Một số trường hợp bệnh nhân không còn phù hợp với công việc cũ do quá nặng nhọc, căng thẳng, họ cần được sự hỗ trợ từ những người xung quanh để tìm được công việc phù hợp hơn với tình trạng sức khỏe.

Hoạt động tình dục

Quan hệ tình dục đòi hỏi tốn nhiều năng lượng, do đó thông thường cần thời gian phục hồi cơ thể sau 1 3 tuần từ khi xuất viện.

Có 2 yếu tố ảnh hưởng lớn tới đời sống tình dục của bệnh nhân sau phẫu thuật van tim: sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần (rối loạn kiểm soát cảm xúc, lo lắng, trầm cảm).

Bệnh nhân có thể bắt đầu các sinh hoạt tình dục khi đã sẵn sàng. Tuy nhiên, cần tránh các tác động mạnh lên ngực trong thời gian xương ức đang liền, cũng như tránh gắng sức quá nhiều.

Tập thể dục sẽ tăng sức chịu đựng của tim cũng như thể trạng chung của cơ thể. Trong khi luyện tập đi bộ, chứng cứ rõ nhất là bạn tăng được sức chịu đựng và sự tự tin thì bạn sẽ biết được khi nào mình đã sẵn sàng cho hoạt động tình dục. Năng lượng cho hoạt động giao hợp thì tương đương với đi nhanh hay đi thang bộ lên 2 tầng lầu. Nhịp tim hiếm khi tăng > 120 nhịp/phút và huyết áp chỉ tăng nhẹ và tạm thời.

Có nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng và/hoặc chức năng tình dục. Nếu điều này xảy ra, nên đi khám lại. Thường thì thay đổi thuốc hoặc liều thuốc có thể giải quyết vấn đề. Không bao giờ được ngưng bất kỳ thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Có nhiều cách để chuẩn bị cho việc hồi phục hoạt động tình dục. Bước đầu tiên là luyện tập thể lực. Bước thứ hai là tập kiểm soát các cảm xúc. Trong một thời gian ngắn sau mổ tim hở, cảm giác không ổn định, dễ kích động và tâm trạng hay thay đổi. Cố gắng tập từng ngày và nên nhớ rằng những cảm giác vui vẻ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng. Bước thứ ba là cố gắng điều chỉnh nhu cầu tình dục của cả hai. Đôi khi những đáp ứng về thể chất cũng như tinh thần gây nên những lo lắng về tình dục nhưng đó là bình thường. Do đó, bệnh nhân không nên quá kỳ vọng vào lần đầu tiên.

Thuốc

Cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được uống thêm thuốc, tăng hoặc giảm liều mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Sau phẫu thuật thay van tim, bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông đều đặn để phòng huyết khối do van tim nhân tạo. Các thuốc chống đông cần được theo dõi đều đặn bằng xét nghiệm thời gian prothrombin (thường viết tắt bằng PT và chỉ số chuẩn INR). Bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều và đúng giờ một cách đều đặn.

Từ bỏ lối sống tiêu cực: uống bia, rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, stress, ít vận động, ăn mặn…

Tâm lý

Sau phẫu thuật, gia đình cần hợp tác để giúp cho bệnh nhân hồi phục, cần tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng dần tính tự lập và lấy lại sự tự tin. Đây là một vấn đề rất tế nhị vì có thể gây hiểu lầm, xích mích trong gia đình. Vẫn tuân theo những hướng dẫn điều trị của bác sĩ mà vẫn tạo sự thoải mái cho bệnh nhân đòi hỏi sự hợp tác, tuân thủ của bệnh nhân và sự giúp đỡ của gia đình.

Sự hồi phục của bệnh nhân sau mổ tim hở là một thách thức cho chính bệnh nhân và cả gia đình. Đó sẽ là chuỗi ngày phải hoạt động nhiều và mệt nhọc, phải đạt mục tiêu điều trị, có những lúc vui buồn, căng thẳng, lúc lạc quan khi chán nản… xảy ra trong suốt quá trình hồi phục thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân.

Những việc có thể làm và những điều cần tránh sau thay van tim

Trong vòng 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật, không nên mang vác hay dùng sức kéo bất kỳ một vật nặng nào có trọng lượng hơn 50 kg. Điều đó sẽ giúp bệnh nhân tránh gây áp lực lên vết mổ đang liền sẹo và đảm bảo cho xương ức có đủ thời gian để hồi phục.

Chỉ nên làm những công việc nhẹ trong nhà. Những người được phẫu thuật tim trong một vài tuần đầu sau phẫu thuật thường dễ mệt mỏi, do đó không nên làm công việc gì gây mệt mỏi kéo dài. Sau 3 đến 6 tuần, sức khỏe của bạn sẽ khá hơn và khi đó, bạn sẽ vận động dễ dàng và nhanh nhẹn hơn.

Những dấu hiệu cảnh báo cần chú ý và xử trí ngay

Sau phẫu thuật, phần lớn bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay nếu có một số biểu hiện bất thường như:

– Cảm giác khó chịu vùng ngực: Hầu hết các cơn đau thắt ngực hay biểu hiện bằng cảm giác không thoải mái ở vùng giữa ngực, tức nặng, đè ép, bóp nghẹt hay đau kéo dài trong vài phút, lặp đi lặp lại và tăng lên nếu tiếp tục vận động.

– Khó thở.

– Vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng.

– Đột ngột xuất hiện tê và yếu mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một nửa người.

– Đột ngột bất tỉnh hoặc ngơ ngác, thờ ơ, không hiểu hay không trả lời đúng các câu hỏi.

– Đột ngột xuất hiện các rối loạn về khả năng nhìn ở 1 hoặc 2 mắt.

– Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không rõ lý do.

– Sốt, khó thở dữ dội không liên quan đến gắng sức.

– Tăng cân nhanh một cách bất thường, phù mắt cá chân.

BS Lê Nhật Tiên/Trung tâm Tim mạch và lồng ngực

  • Mổ tim bao lâu thì lành
  • Mổ tim bao lâu thì lành