Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đó các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng thị trường và phối kết hợp với đơn vị sản xuất để tạo ra các sản phẩm phù hợp.  Quý I năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng thuận lợi, các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống có dầu hiệu phục hồi, tình hình ký kết các đơn hàng tiêu thụ sản phẩm có dấu hiệu khả quan, Kim ngạch xuất khẩu ( KNXK) tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 21,6%; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,9%. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn đều tăng so với cùng kỳ như sản phẩm gỗ tăng 7,8%, dệt may tăng 28%, giày dép tăng 24,90%, thủ công mỹ nghệ tăng 8%...Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu đều có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, các mặt hàng nông sản xuất khẩu đa số xuất dưới dạng thô hoặc sơ chế; nhiều mặt hàng xuất khẩu như dệt may còn mang nặng tính gia công, thâm dụng lao động và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; hoạt động xuất khẩu còn lệ thuộc vào biến động từ bên ngoài, nhất là biến động về giá và các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu. Với những lý do trên chúng ta cần phải có các giải pháp để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các giải pháp đó là: Thứ nhất, Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét và kiến nghị bổ sung các chính sách sản xuất, thương mại, đầu tư, tài chính thích hợp, triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đi đôi với quản lý, giám sát trên thực tiễn đảm bảo nâng cao được năng lực cạnh tranh cả về chất lượng và giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu về trước mắt cũng như lâu dài. Thứ hai, Về phát triển sản xuất phải tiếp tục đổi mới công nghệ cho các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn để nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng cao;  Thứ ba, khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với các ngành hàng công nghệ cao.  Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhất là các sản phẩm mới xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh không bị hạn chế về thị trường; xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài; 

Thứ năm, Về chính sách tài chính, tín dụng, đầu tư: Đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động xuất khẩu; khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiệu quả, bảo đảm môi trường, cam kết chuyển giao công nghệ, thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xã hội hóa hoạt động các dịch vụ trong đó có dịch vụ logistic…/.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam

(ĐCSVN) - Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam qua 6 năm thực hiện, đã tổ chức được nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường.

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Cụ thể, Chương trình đã hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh.... Theo đó, đã có khoảng 100 lớp hỗ trợ đào tạo, tư vấn được tổ chức cho khoảng 7.000 học viên bao gồm nhiều thành phần, tầng lớp đến từ các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa), hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh Việt…

Để tăng tính hiệu quả cho các lớp đào tạo, ngày 15 tháng 4 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Quyết định số 1469a/QĐ-BCT về việc Ban hành Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng Việt cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh Việt.... nhằm trong Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam thuộc Danh mục của Đề án giai đoạn 2014-2020.

Chương trình đưa ra các mục tiêu xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn làm cơ sở tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh Việt Nam. Đồng thời xác định các nội dung trọng tâm cần đào tạo, bồi dưỡng nhằm trau dồi, bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ năng cần thiết; trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các đơn vị trên trong lĩnh vực bán hàng, phân phối, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu, kinh doanh có điều kiện đối với hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, chương trình cũng xác định phải kết hợp giữa lý thuyết với thực hành trong đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, việc thực hành được thực hiện thông qua các tình huống giải quyết tại lớp học và thông qua hoạt động đi khảo sát thực tế tại các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, trung tâm thương mại, doanh nghiệp… Các khóa học đã giúp các học viên nắm được những kiến thức cơ bản như: kiến thức về hàng hóa Việt, về hoạt động kết nối cung - cầu hàng Việt, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa và hàng hóa kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, học viên còn hiểu và biết vận dụng hơn các kỹ năng bán hàng như: kỹ năng trưng bày, bảo quản hàng hóa nội địa; kỹ năng giao tiếp với khách hàng; kỹ năng đàm phán, thương lượng; kỹ năng dự báo; kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng nắm bắt tâm lý, điều chỉnh hành vi của khách hàng; kỹ năng tìm kiếm nguồn hàng…. Qua đó, giúp học viên có thể vận dụng được kiến thức, kỹ năng trong hoạt động bán hàng, phân phối hàng hóa, kết nối cung - cầu…

Bên cạnh đó, với xu thế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam muốn đứng vững và phát triển tại “sân nhà” đặt ra đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, trong bối cảnh mới, các khóa đào tạo đã cập nhật cho các học viên thông tin về cơ hội, thách thức hiện nay khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),...; cập nhật những thông tin, kiến thức về kỹ năng bán hàng trong thời đại công nghiệp 4.0 nắm bắt nhu cầu và khai thác khách hàng, đàm phán thương mại và những quy định pháp luật trong kinh doanh; về xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, trong đó, chú trọng về quy trình trong xây dựng thương hiệu và quản lý tài sản thương hiệu….

Theo Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, những thông tin, kiến thức, kỹ năng được chọn lọc, thiết thực, các lớp đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc vận dụng được kiến thức, kỹ năng trong hoạt động bán hàng, phân phối hàng hóa, kết nối cung - cầu, xây dựng thương hiệu vào quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.… để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tại Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 được tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho rằng, để tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Viện Đại học kỷ lục thế giới:Tôn vinh doanh nhân - Luật sư Phạm Hồng Điệp về bảo vệ môi trường
  • Doanh nhân Đặng Việt Bách: Người tiên phong nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thép
  • Hà Nội ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên
  • Cần chấn chỉnh hoạt động lách thuế trong mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất
  • Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Đông Ti-mo
  • Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines
  • Đề xuất bổ sung một số mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu vào nhóm được ưu đãi thuế

Video liên quan

Chủ đề