Ngực thay đổi như thế nào khi mang thai

Thay đổi ngực trong khi mang thai có thể sẽ khiến bạn cảm thấy ngạc nhiên,nhưng đây là một quá trình bình thường mà bất cứ phụ nữ nào khi mang thai cũng sẽ trải qua. Thay đổi ngực sẽ giúp bạn chuẩn bị những điều cần thiết cho thiên thần nhỏ sẽ phát triển ở trong bụng bạn.

Tại sao ngực lại thay đổi trong khi mang thai?

Sự thay đổi hormone trong khi mang thai sẽ làm máu chảy về vùng ngực nhiều hơn và làm thay đổi các mô vú. Việc này sẽ khiến ngực bạn đỏ hơn, sưng hơn, nhạy cảm hơn và có cảm giác hơi tê. Ngực của bạn sẽ có cảm giác tương tự như cảm giác mà một số phụ nữ trải qua trước khi chu kỳ kinh nguyệt đến.

Ở mỗi giai đoạn, ngực của bạn thay đổi như thế nào?

Thay đổi ngực trong giai đoạn sớm của thai kỳ thường khá…bất thường vì đây là giai đoạn mà cơ thể bạn sẽ phải chuẩn bị rất nhiều cho thiên chức làm mẹ sau này. Dưới đây là một số thay đổi về ngực bạn có thể sẽ trải qua trong mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ.

Trong 3 tháng đầu...

Trong 3 tháng đầu (từ tuần 1-tuần 12), bạn sẽ cảm thấy ngực bạn sưng và căng tức hơn. Núm vú sẽ bắt đầu nhô ra nhiều hơn và bạn có thể sẽ cảm thấy tê bì ở ngực. Bạn cũng có thể nhận thấy ngực có kích cỡ to hơn một chút so với bình thường.

Tuần 1 đến tuần 3

Các nụ nang tại vú và các ống dẫn sữa sẽ phát triển rất mạnh trong giai đoạn này. Vào tuần thứ 2, những thay đổi về ngực sẽ đạt đỉnh vì đây là lúc trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ trong tử cung. Một thời gian ngắn sau khi thụ thai, bạn sẽ sớm cảm thấy cảm giác căng tức ở ngực, cảm thấy ngực mình nhạy cảm hơn ở các vị trí gần động mạch vú.

Tuần 4 đến tuần 6

Bước vào tuần thai thứ 4, bạn sẽ cảm thấy ngực mình hơi nâng cao hơn một chút và có cảm giác ngứa râm ran quanh núm vú, nguyên nhân là do lượng máu tăng cường về khu vực này. Đôi khi, cảm giác ngứa râm ran sẽ đi kèm với sự thay đổi về nhiệt độ tại ngực.

Khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, núm vú của bạn sẽ lộ rõ hơn và quầng vú sẽ trở nên sẫm màu hơn do tăng lượng sắc tố da. Ngực của bạn cũng sẽ trở nên đầy hơn do lượng hormone estrogen, progesterone và lactogen ở nhau thai. Bạn cũng sẽ nhận thấy các ống dẫn sữa sẽ sưng to hơn để chuẩn bị cho quá trình nuôi con.

Tuần 7 đến tuần 9

Ở tuần thứ 7, bạn sẽ bắt đầu tăng cân. Mỗi bên ngực cũng sẽ tăng khoảng 0.6-0.7kg vì các hormone khi mang thai sẽ kích thích sự phát triển của các ống dẫn sữa và kích thích sự tích tụ của mỡ tại ngực.

Quanh tuần thứ 7, các nụ nang sẽ mở rộng đáng kể và biến thành các tiểu thùy tại vú. Tuần thứ 8, ngực của bạn sẽ căng tức, đau và nổi nhiều nốt, bạn thậm chí có thể quan sát thấy các mạch máu ở dưới da của bạn. Vào tuần thứ 9, quầng vú của bạn sẽ tối màu hơn và sẽ xuất hiện một vòng tròn thứ hai hình thành quanh quầng vú. Núm vú nếu trước đây tụt vào trong thì nay cũng sẽ lộ ra ngoài rõ hơn.

Tuần 10 đến tuần 12

Các nốt nhỏ quanh núm vú sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tình trạng căng tức ngực cũng sẽ nhiều hơn. Nếu đây là lần đầu tiên bạn mang thai, thì núm vú của bạn sẽ nhô ra hoàn toàn vào tuần thứ 12. Những người đã từng cấy ghép vú thẩm mỹ sẽ cảm thấy căng tức nhiều hơn quanh khoảng thời gian này.

Trong 3 tháng giữa...

Trong khoảng 3 tháng giữa thai kỳ (từ tuần thứ 13- tuần 27), ngực của bạn sẽ tiếp tục trở nên lớn và nặng nề hơn. Size áo ngực của bạn có thể tăng lên từ 1-2 size. Bạn sẽ cảm thấy ít căng tức và ít bị tê bì hơn so với thời gian đầu.

Các tĩnh mạch sẽ nhìn rõ hơn ở dưới da. Quầng vú và núm vú sẽ trở nên lớn hơn và tối màu hơn. Bạn sẽ nhận thấy những nốt nhỏ nổi lên ở quầng vú, nhưng những nốt này sẽ biến mất sau khi bạn sinh con. Các vết rạn da tại vú sẽ trở nên dễ nhìn thấy hơn.

Từ tuần thứ 16-19, núm vú sẽ bắt đầu tiết ra dịch nhầy màu vàng nhạt được gọi là sữa non. Điều này cho thấy bạn đã sẵn sàng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là sữa non có chứa các kháng thể của mẹ, có thể giúp bảo vệ em bé khỏi các bệnh nhiễm trùng trong những ngày đầu đời.

Trong 3 tháng cuối...

Ngực của bạn sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn và bạn sẽ cảm thấy nặng nề hơn. Bạn sẽ cần một chiếc áo ngực hỗ trợ hoặc một chiếc áo ngực rộng hơn trước.

Đôi khi, sữa non sẽ tiết ra nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây.

Khi nào bạn cần trợ giúp y khoa?

Ngực bạn trải qua rất nhiều thay đổi trong quá trình mang thai là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, bạn cũng có khả năng phát triển ung thư vú hoặc khối u trong giai đoạn này. Nếu bạn cảm thấy có bất cứ u cục nào phát triển, hãy đến gặp bác sỹ để được lượng giá toàn diện.

Bạn có thể làm gì để làm giảm cảm giác khó chịu ở ngực?

Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để làm giảm cảm giác khó chịu ở ngực trong quá trình mang thai:

Với tình trạng căng tức ngực

  • Trong suốt cả ngày, hãy mặc một chiếc áo ngực nâng đỡ tốt phần lưng và ở 2 bên. Bạn có thể sử dụng dây đeo vai có đệm hoặc áo ngực bằng vải cotton để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Vào ban đêm, hãy sử dụng áo ngực dành riêng cho việc đi ngủ. Đây là loại áo ngực mỏng và nhẹ hơn, sẽ hỗ trợ bạn trong việc ngủ.
  • Không nên rửa sạch vùng núm vú bằng xà phòng vì sẽ làm khô vùng da ở núm vú. Chỉ nên làm sạch bằng nước ấm.

Với tình trạng ngứa da

  • Không tắm bồn bằng nước nóng
  • Sau khi tắm, hãy lau khô vùng ngực bằng khăn sạch và thoa kem dưỡng ẩm, bạn không nên để vùng da ngực bị khô. Bạn cũng có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu bạn để kem dưỡng ẩm trong tủ lạnh trước khi thoa.
  • Không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa cồn, xà phòng khô và nước clo vì chúng sẽ làm da bạn bị khô.
  • Sử dụng máy làm ẩm không khí tại nhà nếu không khí trong nhà bạn bị khô.

Nếu tình trạng ngứa của bạn rất nặng, bạn nên đến khám bác sỹ.

Với tình trạng tiết sữa non

  • Sử dụng miếng lót dùng 1 lần hoặc miếng lót có thể giặt được để thấm hút lượng sữa non tiết ra
  • Ngay sau khi tắm, hãy dành thời gian để ngực tự khô một cách tự nhiên

Chọn áo ngực

  • Chọn loại áo ngực có phần cup ngực che phủ hoàn toàn bầu ngực của bạn
  • Đảm bảo rằng dây lưng và dây vai có thể điều chỉnh được
  • Dây lưng và dây vai nên được chỉnh vừa khít và không nên quá trễ
  • Áo ngực nên có phần dây lưng dày, to bản để có thể hỗ trợ tốt hơn cho phần ngực và phần lưng.

Thay đổi ngực khi mang thai là điều hết sức tự nhiên, và mặc dù mỗi phụ nữ sẽ thay đổi ngực theo một cách khác nhau, nhưng điều này không có gì đáng sợ cả.  Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và hỏi ý kiến bác sỹ để yên tâm hơn.

Tham khảo thêm thông tin bài viết 5 thay đổi ở núm vú mà bạn nên biết

Cơ thể khi mang thai sẽ trải qua những thay đổi đáng kể để thai nhi phát triển bình thường và chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của bé. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu có cái nhìn chi tiết hơn về những thay đổi của cơ thể mình khi mang thai.

Thay đổi cơ thể người mẹ trong thai kỳ

Khi có những dấu hiệu mang thai, cơ thể mẹ sẽ có thay đổi lớn từ tâm lý cho đến hiện tượng mất kiểm soát tạm thời việc đi vệ sinh, dưới đây chính là những gì các mẹ sẽ trải nghiệm trong 9 tháng 10 ngày:

1. Thay đổi về cân nặng

Phần lớn các mẹ bầu sẽ tăng từ 12 đến 17 kg do trọng lượng của em bé (thường là 3-4 kg), nước ối, tử cung, các dịch cơ thể khác và sự tăng cân của chính các mẹ.

2. Thay đổi ở hệ hô hấp

Khi mang thai, trao đổi khí diễn ra nhiều hơn để bù lại nhu cầu oxy tăng trong thai kỳ cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, tử cung và nước ối bạn sẽ thở nhanh hơn bình thường và đôi khi sẽ xảy ra hiện tượng hụt hơi. Về cấu tạo sinh lý, xương sườn phát triển ra hai bên và cơ hoành nâng lên khoảng 4 cm.

3. Thay đổi ở hệ tuần hoàn

Trong thai kỳ, hoạt động của hệ tuần hòa bị thay đổi, lưu lượng máu từ tim đi ra mỗi phút sẽ nhiều hơn, vì thế mẹ bầu thường có nhịp tim nhanh.Tuy nhiên, do áp lực của tử cung nên lượng máu trở lại tim lại ít hơn. Từ tháng thứ 3, dưới tác động của hóc môn progesterone lên mạch máu làm huyết áp giảm, mẹ bầu có thể cảm thấy mệt mỏi.

4. Thay đổi ở hệ tiêu hóa

Do tác động của hóc môn progesterone, làm tăng giảm trương lực cơ vòng của thực quản, dạ dày của người mẹ gần như nằm ngang. Mẹ bầu thường gặp các triệu chứng về dạ dày như ợ chua, ợ nóng, trào ngược dạ dày và hay bị táo bón. Khoảng 70% bà bầu trải qua tình trạng ốm nghén, tuy nhiên triệu chứng thường hết khi thai khoảng 17 tuần. Ngoài ra, bà bầu còn thường gặp sỏi mật dạng sỏi cholesterol trong quá trình mang bầu do sự thay đổi nội tiết tố nữ.

5. Thay đổi ở vùng ngực

Thay đổi vòng ngực là sự thay đổi rõ rệt nhất khi mang thai. Ngực sẽ lớn và mềm hơn vì sự thay đổi hóc môn khi mang thai. Tuyến sữa và đường dẫn sữa phát triển, núm vú nhô ra nhiều hơn để chuẩn bị cho em bé bú sữa mẹ.

6. Thay đổi ở tuyến nội tiết

Thay đổi hóc môn tác động lên toàn bộ cơ thể mẹ bầu. Nhau thai đóng vai trò như tuyến nội tiết tạm thời trong thai kỳ, sản sinh ra lượng lớn estrogen và progesterone trước tuần thai 10-12. Tiếp tục giúp tử cung lớn lên và duy trì hoạt động cũng như tạo ra các thay đổi của cơ thể.

  • Mẹ bầu có thể cảm thấy nóng, bốc hỏa do sự gia tăng hóc môn và các hoạt động trao đổi chất.
  • Tuyến giáp hơi phình to do nhu cầu canxi tăng lên
  • Cuối thai kỳ, thùy sau tuyến yên tiết ra oxytocin kích thích quá trình tạo sữa sẵn sàng khi em bé ra đời
  • Khi em bé ra đời thùy trước tuyến yên tiết ra prolactin giúp sản sinh ra sữa mẹ.

7.Thay đổi ở vùng bụng

Trong 9 tháng thai kỳ bụng sẽ lớn dần làm vùng xương chậu mở rộng,  từ 3 tháng bụng bắt đầu phình to, đến cuối tháng thứ 6 đỉnh tử cung sẽ chạm khung xương sườn, mẹ bầu có thể gặp hiện tượng đau lưng, đau hông do giãn dây chằng.

8.Thay đổi ở đường tiết niệu

Tử cung lớn hơn tạo ra áp lực lên bàng quang và cơ xương chậu. Mẹ bầu thường gặp một số vấn đề về kiểm soát vệ sinh như: đi tiểu nhiều hơn, đôi khi nước tiểu bị rò khi hắt hơi, ho, cười. Tăng cường khả năng tái hấp thu Natri và nước ở đường niệu.

9. Thay đổi ở hệ xương khớp

Khi mang bầu cột sống bị ưỡn hình cánh cung để đảm bảo thăng bằng, cùng với sự thay đổi hóc môn có thể gây ra hiện tượng đau ở vùng lưng và xương chậu. Dây chằng nối tử cung và xương chậu sẽ bắt đầu dãn ra cho em bé chào đời.

10.Thay đổi ở da

Hiện tượng rạn da, sắc tố da đậm màu bắt đầu từ giữa thai kỳ. Do thay đổi của cơ thể và hóc môn mẹ bầu cũng có thể gặp hiện tượng:

  • Những vết rạn thường xuất hiện vào nửa sau thai kỳ ở bắp chân, ngực do da bị kéo căng
  • Sắc tố da thường đậm hơn ở vùng bụng, núm vú, các vết rạn bụng, mặt do sự thay đổi hóc môn khi mang thai
  • Tuần hoàn máu và nội tiết estrogen tăng mạnh gây ra hiện tượng tĩnh mạch mạng nhện và đỏ ửng gan bàn tay.
  • Đường kẻ nâu ở bụng trở nên đậm hơn trong quá trình mang thai do sự gia tăng tiết Melanin, một chất sắc tố tạo màu nâu đen cho da.

11.Những thay đổi khác

Ngoài 10 điểm thay đổi kể trên, bà bầu còn gặp một số các thay đổi khác như: chuột rút, phù chân do áp lực từ trọng lượng cơ thể tăng nhiều hay hiện tượng lông và tóc mọc nhanh hơn, nhiệt độ cơ thể cao cũng là những điều thường gặp.

Trên đây chỉ là một trong những thay đổi tiêu biểu để mẹ bầu tham khảo và quá trình mang thai sẽ có các triệu chứng và thay đổi khác nhau và không phải ai trong quá trình mang thai đều gặp phải tất cả những thay đổi trên mẹ bầu nhé.

Xem thêm: Mới có thai nên ăn gì ? | Mới có thai nên kiêng gì?

Theo Afamily

Video liên quan

Chủ đề