Người xóa bỏ chế độ bao cấp

Năm 1976, nhân dân thủ đô hân hoan chào đón Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  IV của Ðảng, kế hoạch 5 năm (1976 - 1981). Người Hà Nội vinh dự, tự hào được Quốc hội thống nhất cả nước khóa VI, chọn Hà Nội làm Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người Hà Nội đi vào công cuộc kiến thiết sau chiến tranh với một ý chí quyết tâm cao độ; quyết biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động, xây dựng và bảo vệ thủ đô.

Tháng 12-1978, theo quyết định của Quốc hội khóa VI, thủ đô Hà Nội được mở rộng gồm bốn quận, 11 huyện, hai thị xã trên diện tích 2.123 km2, với dân số hơn ba triệu người.

Trong thời kỳ này, Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ xuyên suốt trong giai đoạn cách mạng mới là "xây dựng Ðảng bộ vững mạnh;  phát huy quyền  làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường hệ thống chuyên chính vô sản, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng (cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt); và thực hiện thắng lợi mục tiêu: xây dựng Hà Nội thành thủ đô hiện đại - văn minh - giàu đẹp".

Ngày 23-11-1985, Hà Nội được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ Nghị quyết 08 của Bộ chính trị (khóa V) về công tác của thủ đô. Nghị quyết đã vạch ra những định hướng lớn về cải tạo, xây dựng thủ đô.

Hà Nội những năm 1976 - 1985 như một công trường xây dựng, mặc dù còn khó khăn thiếu thốn nhưng khí thế thi đua thực hiện "ba phong trào cách mạng" của các tầng lớp nhân dân thủ đô sôi nổi như những năm đánh giặc Mỹ xâm lược. Các cuộc vận động cách mạng thiết thực đó đã tạo nên những thành tựu nhiều ý nghĩa về kinh tế - xã hội của thủ đô.

Ðược sự đầu tư của Trung ương và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Hà Nội đã khánh thành một số công trình trọng điểm như: cầu Ðuống, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương và một số nút giao thông quan trọng, đã chấm dứt nạn ùn tắc giao thông kéo dài hàng chục năm nơi cửa ngõ thành phố.

Xây dựng các khu đô thị mới: Bắc Thanh Xuân, Kim Giang, Quỳnh Lôi, Bách Khoa, Nghĩa Ðô và một số khu khác với tổng diện tích 450 nghìn m2 nhà ở, đạt con số kỷ lục về xây dựng nhà ở của thủ đô. Các công trình: Cung văn hóa thiếu nhi, Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi, xây mới hơn 1.000 phòng học.

Hàng nghìn thanh niên thủ đô đã tình nguyện tới miền đất phía nam, xây dựng nên huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Ðồng, xây dựng các công trình quốc phòng và bảo vệ thủ đô; đi tới vùng "vàng đen" của Tổ quốc, góp sức mình làm giàu cho đất nước...

Bước vào những năm 80, do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh ác liệt, do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và sự gia tăng phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, cùng với những khó khăn mới nảy sinh do cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, chậm được chuyển đổi đã làm cho thủ đô Hà Nội và đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng: sản xuất không phát triển, lương thực, thực phẩm và hàng hóa khan hiếm, lạm phát triền miên; hàng vạn người không có việc làm; đời sống của các tầng lớp nhân dân gặp vô vàn khó khăn thiếu thốn. Nhưng chính  những gian khổ này, đại đa số nhân dân thủ đô vẫn một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vững vàng cùng Ðảng khai phá con đường đổi mới.

Hà Nội năm 1986 sôi động khác thường. Từ trong sinh hoạt đảng, đoàn thể, tới hè phố, làng quê, ở đâu người dân thủ đô cũng sôi nổi bàn luận, tranh luận về "Ðổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp", về kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa. Trong ánh mắt người Hà Nội bừng lên niềm khát khao và quyết tâm: Phải tìm cách làm ăn mới, để có cơm no áo ấm, để vượt qua cái đói, cái nghèo. Bầu không khí dân chủ và tinh thần sáng tạo được khơi dậy, khắp nơi dân bàn việc Ðảng, việc nước cũng như việc nhà.

Là nơi gửi gắm trí tuệ niềm tin của nhân dân thủ đô, trước những khó khăn, thách thức mới, Ðảng bộ Hà Nội lại một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh cách mạng và khoa học của mình.

Ngay từ những năm cuối của thập kỷ 70, trong điều kiện vừa xây dựng vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thủ đô, Ðảng bộ Hà Nội đã chủ động, sáng tạo vận dụng triển khai một số chủ trương, chính sách kinh tế mới của Trung ương. Thành ủy đã phát động sâu rộng trong Ðảng bộ, trong các cấp, các ngành một phong trào tìm tòi, phát huy sáng kiến nhằm thực hiện tư tưởng của Hội nghị Trung ương 6, khóa VI làm sao cho sản xuất "bung ra". Tư tưởng đổi mới manh nha từ đó và liên tục được bồi đắp qua các nghị quyết của Trung ương các khóa tiếp theo.

Giai cấp nông dân thủ đô hào hứng bắt tay vào tổ chức lại HTX nông nghiệp, thực hiện Chỉ thị 100 - khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động.

Là trung tâm công nghiệp lớn của đất nước, giai cấp công nhân thủ đô đã đi đầu thực hiện "kế hoạch ba phần". Bước đầu đổi mới cơ chế quản lý theo tinh thần Quyết định 25 CP của Hội đồng Bộ trưởng.

Mặc dù phải gánh chịu hậu quả của những bước đi sai lầm trong thực hiện chính sách giá - lương - tiền, nhưng nhân dân Hà Nội vẫn kiên trì, nhẫn nại cùng Ðảng bộ, chính quyền thành phố thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, từng bước xóa bỏ cơ chế bao cấp và giao nộp sản phẩm trong phân phối - lưu thông.

Trong quá trình thực hiện, thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, ở thủ đô ngày càng xuất hiện những nhân tố mới trong công nghiệp, nông nghiệp, như: Ðiện cơ Thống Nhất, X40, In Tiến Bộ, Giày da Hà Nội, HTX Sao Mai và hàng chục HTX nông nghiệp...

Những kết quả về kinh tế và kinh nghiệm bước đầu ở các cơ sở này đã góp phần cho Trung ương và Thành ủy tìm tòi, hoạch định con đường đổi mới.