Nguyễn Tuân là nhà văn theo khuynh hướng văn học nào

Nguyễn Tuân là nhà văn theo khuynh hướng văn học nào

Phong cách lãng mạn trong tác phẩm văn học của Nguyễn Tuân

Trên những nẻo đường của văn xuôi lãng mạn, Nguyễn đã đi một con đường riêng. Ông không xuất hiện trong làng văn từ đầu những năm 30, tên tuổi Nguyễn Tuân thực sự được biết đến những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Lúc này, trào lưu lãng mạn đang đi xuống, những yếu tố tích cực, tiến bộ mờ nhạt dần, tình yêu lãng mạn thơ mộng được thay bằng tình yêu xác thịt, con người khỏe khoắn dám đấu tranh chống lại lễ giáo để bảo vệ phẩm giá, tình yêu lý tưởng trở thành những kẻ cô đơn, tuyệt vọng, thay vì gắn đời mình với gia đình, xã hội và những điều tốt đẹp, họ thoát ly cuộc đời bằng cách chạy trốn vào những chuyến đi vô định hay vùi đầu vào đời sống trụy lạc… Trong bối cảnh đó Nguyễn Tuân đến với văn học.

Sáng tác của Nguyễn Tuân đã tập trung thể hiện một cái tôi cá nhân ngông nghênh nhiều lúc đến mức cực đoan. Do bất hòa với cái xã hội “ối a ba phèng” kim tiền ô trọc, Nguyễn phóng to cái tôi của mình lên như một phương tiện chống trả. Cùng với thời gian, cái tôi đó càng ngày càng đối lập với xã hội, càng ngày trở nên chướng tai gai mắt…

Cũng như nhiều nhà văn lãng mạn cùng thời, Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng khá sâu sắc quan điểm triết học và mỹ học duy tâm chủ nghĩa Bécxông và chủ nghĩa cá nhân cực đoan của Anđrê Gai. Nguyễn Tuân khác biệt ở chỗ: ông không chú trọng khai thác những xung đột giữa cá nhân và hoàn cảnh mà chủ yếu đi sâu đào bới vào cái tôi cô đơn của mình. Cho nên dù nhân vật có thể mang những tên gọi khác nhau như Vi, Bạch, Hoàng… thì thế giới nhân vật ấy thường mang hình bóng của chính tác giả, là sự thể hiện đa dạng của cái tôi cá nhân của ông.

Cái tôi Nguyễn Tuân luôn có nhu cầu được khẳng định bản ngã của mình trước những lễ nghi, phép tắc, đạo lý thông thường của xã hội, ông chống lại tất cả những lễ nghi, phép tắc, đạo lý đó một cách thái quá, cực đoan… Cái tôi Nguyễn Tuân tự họa mình trong mấy đề tài quen thuộc trước cách mạng, đó là: chủ nghĩa xê dịch, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống trụy lạc.

Xê dịch là đề tài quen thuộc, chiếm một mảng quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, in dấu ấn qua các tác phẩm: “Một chuyến đi” (1938), “Thiếu quê hương” (1940), “Tùy bút I” (1941), “Tùy bút II” (1943).

Nguyễn Tuân đã lao vào giang hồ, xê dịch để “thay đổi thực đơn cho giác quan”. Ông chủ trương những chuyến đi liên tiếp, không mục đích. Ông hình dung mình giống như một hòn bi cứ lăn tròn mãi không bao giờ dính rêu, nếu không được đi thì con người giống như chiếc vali kia tuy sạch sẽ bóng loáng mà mất đi vẻ đẹp phong trần.

Đối với Nguyễn, ý nghĩa của sự sống là ở những chuyến đi, sống là phải được phơi mình ra nơi đường trường gió bụi. Xê dịch không chỉ là một thói quen, đến tác phẩm “Thiếu quê hương” nó đã trở thành một căn bệnh – “bệnh xê dịch”. Bạch cảm thấy nếu không được đi thì “những ngày sống chỉ còn là rất dài và rất nhạt thôi”. Bạch đi để thoát ly gia đình, rũ bỏ trách nhiệm với vợ con. Cái hạnh phúc ấm êm và bình lặng của cuộc sống gia đình không có ý nghĩa gì. Bạch ân hận vì mình đã lấy vợ, đẻ con vì điều đó làm cho Bạch vướng bận, hạn chế việc xê dịch. Dù Dung – vợ Bạch là người hiền lành, hết mực yêu thương chồng con, Bạch cũng tìm đủ mọi lí do để thù ghét, để có thể li dị vợ, vì “chỉ có li dị gỡ thoát đời Dung ra khỏi cuộc sống của Bạch thì mới hết bận bịu, thì Bạch mới trở lại bản ngã của Bạch được”.

Tuy đam mê xê dịch như vậy, nhưng cũng chính Nguyễn Tuân có lúc đã nhận ra một điều đầy mâu thuẫn: “Không bao giờ người ta có thể nâng sự xê dịch đến thành một lí tưởng được”. Vì thế, xét cho cùng thì chủ nghĩa xê dịch của Nguyễn Tuân là một hình thức thoát ly vào không gian, phản ứng lại trật tự xã hội trong đương thời, nó khiến cho người dân sống giữa quê hương mà vẫn cảm thấy xa lạ, bơ vơ vì “thiếu quê hương”.

Thất vọng trước hiện tại, Nguyễn Tuân tìm về quá khứ để tìm lại chút hơi ấm soi rọi niềm tin cho hiện tại tối tăm. Trở về quá khứ là đề tài quen thuộc của khuynh hướng lãng mạn tiêu cực, cũng là cách Nguyễn Tuân phản ứng lại trật tự xã hội đương thời. Trong tập truyện “Vang bóng một thời”, ông tìm lại và trân trọng ngợi ca những nét đẹp văn hoá cổ truyền của dân tộc như thả thơ, đánh thơ, uống rượu thưởng hoa, trồng lan, uống trà…  Nhà văn tỏ ra chắt chiu, nâng niu những cái đẹp giản dị, thanh cao, đầy tính văn hoá của quá khứ để quên đi cái hiện thực đầy xấu xa mà ông đang sống. Mặc dù Nguyễn Tuân hiểu rằng, cái thời đó đã qua, và không bao giờ trở lại được nữa…

Thái độ phủ nhận xã hội một cách cực đoan còn dẫn Nguyễn Tuân đến một con đường thoát ly tiêu cực, lao vào đời sống trụy lạc với bàn đèn thuốc phiện, tiếng hát ả đào. Ông đã tự họa cái tôi trụy lạc trong nhiều tác phẩm “Ngọn đèn dầu lạc” (1939), “Tàn đèn dầu lạc” (1941), “Chiếc lư đồng mắt cua” (1941). Thực ra, những năm 1940-1945 có nhiều cây bút viết về đề tài trụy lạc, nhưng cách viết của Nguyễn Tuân đã không giống bất cứ người nào. Ông không ca ngợi hay tạo cho nó chất thơ mộng, lãng mạn như nhiều nhà văn lãng mạn đương thời, không lên án như các nhà văn hiện thực, lại càng không tả về nó để gợi ra sự tò mò tục tĩu theo lối tự nhiên chủ nghĩa.

Tác phẩm của Nguyễn Tuân nhiều khi như là những thiên sám hối, lời thú tội của con người trót nhúng vào con đường trụy lạc. Tuy nhiên trong đề tài này, ta bắt gặp một Nguyễn Tuân không chỉ có hưởng lạc, cô đơn bế tắc mà vẫn còn le lói chút ánh sáng của thiên lương, đôi lúc vút lên trên những trang văn miêu tả cảnh sống nhơ nhớp là một tâm hồn, một ý thức muốn giữ mình. Rất may Nguyễn Tuân chưa hoàn toàn rơi xuống vực thẳm sa đọa chính là nhờ những phút giây đáng quý tự ý thức như thế này.

Nói tóm lại, cái tôi Nguyễn Tuân vừa là sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến, vừa là sự phản ứng lại trật tự xã hội đó một cách gai góc, ngông nghênh, kiêu bạc. Nguyễn đã thách thức với môi trường xung quanh bằng chính cái tôi tài hoa, tài tử và có nhân cách của mình. Làm văn, với Nguyễn Tuân trước hết là một hành vi tự khẳng định bản ngã. Cái tôi Nguyễn Tuân tự họa qua tác phẩm có thể có nhiều lúc cực đoan nhưng ở chiều sâu, ta vẫn thấy một Nguyễn Tuân tài hoa, phóng túng, không chấp nhận trật tự xã hội thối nát, và hơn hết là một cái tôi giàu tinh thần dân tộc.

Hãy đọc những trang miêu tả nét đẹp văn hoá dân tộc trong “Vang bóng một thời”, những trang văn miêu tả cảnh đẹp của những vùng miền khác nhau trên đất nước Nguyễn Tuân đã có dịp ghi lại trên những bước đường “xê dịch”, hãy nhìn vào cách Nguyễn Tuân chắt chiu làm giàu đẹp cho ngôn ngữ dân tộc, ta sẽ trân trọng hơn tấm lòng dân tộc sâu đằm đáng quý ấy của ông .

Nguyễn Tuân bắt đầu cầm bút từ khoảng đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Ông không phải là nhà văn thành công ngay từ tác phẩm đầu tay. Từ những ngày bị quản thúc ở Thanh Hóa, ông bắt đầu làm báo, viết văn, làm thông tin viên địa phương cho tờ Trung Bắc tân văn; sáng tác thơ văn gửi cho các tờ An Nam tạp chí, Đông Tây, Tiểu thuyết thứ Bảy với các bút danh Ngột Lôi Quật, Thanh Hà, Nhất Lang, Tuân. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn trào phúng. Đây là những sáng tác không gây được ấn tượng đối với người đọc. Từ năm 1937, Nguyễn Tuân viết khá nhiều truyện ngắn hiện thực trào phúng như: Đông phương là Đông phương – Tây phương là Tây phương, Một vụ bắt lươn lậu, Mười năm trời mới gặp cố nhân, Thời sự, đăng trên tờ Đông Dương tạp chí (tái bản). Tiếng cười châm biếm của Nguyễn Tuân rất thoải mái, có tính cách dân gian; nhưng những tác phẩm này vẫn không tạo nên được tiếng vang. Phải đến đầu năm 1938, Nguyễn Tuân mới thực sự khẳng định được tài năng của mình qua các tác phẩm Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), nhất là tập truyện Vang bóng một thời (1940) – một tác phẩm mà nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là “một văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ”.

Trước Cách mạng, sáng tác của Nguyễn Tuân chủ yếu xoay quanh ba đề tài: “chủ nghĩa xê dịch”, vẻ đẹp “vang bóng một thời” và đời sống trụy lạc.

Cá tính cùng với tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc của Nguyễn Tuân đã khiến ông tìm lối thoát trong cái thú giang hồ, xê dịch. “Chủ nghĩa xê dịch” trở thành một đề tài quen thuộc trong sáng tác trước Cách mạng của Nguyễn Tuân, xuyên suốt qua các tác phẩm: Một chuyến đi, Thiếu quê hương, Tùy bút I, Tùy bút II, Một chuyến đi (xuất bản năm 1940) tập hợp một loạt bài du kí đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy từ năm 1938 dưới tiêu đề “Cánh đồng ma” tại Hương Cảng. Một chuyến đi khi thì phảng phất chất thơ bay bổng của một tâm hồn nghệ sĩ được thỏa mãn cái thú xê dịch ở cảnh vật và con người cùng với những thanh sắc mới lạ nơi đất khách, lúc thì lại đậm chất văn xuôi trần trụi, lạnh lùng khi phơi bày không che đậy cái sự thật đầy mỉa mai, chua chát “những khách tài tình” chẳng qua cũng là những kẻ ích kỷ, nhỏ nhen, phàm tục khi hết tiền, hết rượu. Những trang đặc sắc nhất củ Một chuyến đi là những trang ghi lại một cách tài hoa, sắc sảo và chân thực một số nét riêng của cảnh vật cùng với phong tục trong sinh hoạt con người trên đất Hương Cảng. Có thể nói, với tác phẩm này, Nguyễn Tuân đã phát hiện và khẳng định được tài năng và phong cách của mình – một ngòi bút sử dụng thể tùy bút – du kí “hết sức phóng túng, lấy cái “tôi” của mình làm nhân vật trung tâm. Một cái tôi xê dịch và hưởng lạc, coi cuộc đời chỉ như một trường du hí. Một lối văn đã tìm đúng được cái giọng riêng của nó: khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt, bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như được ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa. Đó là văn của một con người hoài nghi tất cả, chỉ tin ở cái vốn tình cảm, ý nghĩ, cái kho cảm giác linh tinh những sắc sảo, tài hoa của mình, tích lũy được trên đường giang hồ xê dịch”.

Chủ nghĩa xê dịch được Nguyễn Tuân chọn làm đề tài cho tiểu thuyết Thiếu quê hương (đăng nhiều kì trên báo Hà Nội tân văn từ ngày 2-1-1940, nhà xuất bản Anh Hoa – Hà Nội in năm 1943, vì kiểm duyệt Pháp cắt bỏ hai chữ Thiếu). Đến tác phẩm này, chủ nghĩa xê dịch mới được Nguyễn Tuân thể hiện tập trung và nhất quán. Nguyễn Tuân đã lấy câu nói “Ta muốn sau khi ta chết đi có người thuộc da ta làm chiếc va li” của Paul Morand làm đề từ cho cuốn sách của mình. Tác phẩm viết về một nhân vật có tên là Bạch, một người mắc bệnh xê dịch, luôn luôn thèm đi và chỉ có đi mới cảm thấy mình đang sống. Với Bạch “Đi, tức là tất cả. Đi, tức là hạnh phúc. Tất cả thèm thuồng, ham muốn, hăm hở của Bạch đều quay về một mối, một ý đi. Còn bao nhiêu cái khác, Bạch vui lòng để phần, để dành cho người xung quanh. Riêng đối với chàng, những dục vọng và danh phận, những bổn phận và tình đối với đất cát quê nhang, những phụng sự về nghệ thuật, những vui sống trong kiến thiết, nhất nhất chàng đều chểnh mảng cả”. Bạch đi không cần mục đích, chỉ cốt là được “lăn cái vỏ mình” mãi mãi trên trái đất, đi để “thay thực đơn cho giác quan”. Chủ nghĩa xê dịch vốn là một thứ lí thuyết của phương Tây được Nitsơ, Giđơ, PônMo răng,… đề xướng, chủ trương đi không cần mục đích, không cần nơi đến, chỉ cốt luôn thay đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ và thoát li mọi trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Xét đến cùng, đó là sự thể hiện chủ nghĩa cá nhân bế tắc và cực đoan, phản ứng lại trật tự xã hội đương thời một cách vô trách nhiệm, muốn thoát ra ngoài mọi ràng buộc của những nguyên tắc đạo đức, luân lí ở đời, từ chối, rũ bỏ mọi trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, xã hội, quê hương, đất nước.

Đọc Thiếu quê hương, có thể thấy, Nguyễn Tuân không phải là một tín đồ tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa xê dịch. Nhân vật Bạch chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Khi thì Bạch đầy hào hứng cho rằng: “Sao lại đem cái việc xê dịch ra mà dùng làm một phương tiện để mong tới một kết quả nào (…). Sao lại không lấy nguyên cái việc được đi là một cái thú ở đời rồi?”; nhưng đến khi đứng trước hình ảnh một đoàn hướng đạo sinh lên đường thì chàng lại chua chát thốt lên: “Người ta biết người ta chống gậy lên đường để làm gì. Người ta đi để vui vẻ làm việc mỗi khi phải ngừng chân cắm lều trại, đốt lửa trên một khoảng đất nào. Ta đi để mà đau khổ cả lúc đi lẫn lúc nghỉ, ới ta ơi là ta ơi!”. Có lúc, Bạch quả quyết: “Phải gây nên những thứ đoạn tuyệt – đoạn tuyệt với vợ con, với nhà, với quê hương bản quán”; nhưng lúc khác lại sống trong dằn vặt: “Ngồi trên một con tàu mà cứ phải lo nghĩ băn khoăn về một người có quyền nhớ mình, có quyền buồn bã vì mình và nếu người li phụ ấy lại ốm tương tư nữa thì bao nhiêu trách nhiệm sẽ đổ lên đầu tên lữ khách đã phạm vào cái tội lãng mạn thèm nhớ một con đường dài, mơ tưởng đến một vùng nước rộng”. Bạch nhiêu khi lên giọng phụ họa theo triết lí siêu nhân của Nitsơ, chàng dè bỉu những tình cảm gia đình, khỉnh bỉ những kẻ mềm lòng, bịn rịn khi lên đường cùng với những cuộc tiễn đưa sụt sùi nước mắt. Nhưng trong thực tế, Bạch cũng chẳng tàn nhẫn được với ai. Đối với cha, chàng đành phải thú nhận: “Lòng thương cha ai mà không nặng”. Còn đối với Dung – người vợ hiền lành, giản dị, rất mực yêu chồng thương con – cứ mỗi lần Bạch định bới móc một khuyết điểm nào đó của Dung để kiếm cớ li dị, “chỉ có li dị gỡ thoát đời Dung ra khỏi cuộc sống của Bạch thì mới hết bận bịu, thì Bạch mới trở lại bản ngã của Bạch được” thì từ trong sâu thẳm của đáy lòng chàng lại thấy “tội nào của vợ chàng cũng đều có trường hợp giảm đẳng, đều đáng tha thứ cả”, rồi lại tự xấu hổ với chính mình, thấy cái việc bới lông tìm vết của mình “thật không xứng đáng một tí nào với cái vẻ ngây thơ thành thực của vợ chàng”. Té ra, Bạch thực chất cũng là Nguyễn Tuân đấy thôi, “vẫn là một tấm lòng An Nam hoàn toàn” (Một chuyến đi), vẫn kính cha, thương vợ, vẫn gắn bó với quê hương mình. Và chính vì có tấm lòng gắn bó với quê hương nên mới thấy thấm thía hơn bao giờ hết sự tù túng của môi trường, hoàn cảnh sống quẩn đọng, trì trệ, buồn tẻ, cái không khí ngột ngạt, bế tắc của xã hội thuộc địa, mới cảm thấy đau khổ khi mình đang sống trên quê hương mà vẫn thấy “thiếu quê hương” trong hoàn cảnh mất nước. Cái làm nên giá trị lâu bền của Thiếu quê hương cũng như nhiều bài tùy bút khác viết về xê dịch của Nguyễn Tuân là những trang viết tài hoa, ghi lại một cách chân thực, tinh tế những cảnh sắc thiên nhiên, phong vị đất nước và những cảnh sinh hoạt với những nét độc đáo khác nhau ở nhiều vùng quê trên đất nước ta.

Tập truyện Vang bóng một thời (1940) và tùy bút Tóc chị Hoài (1943)… là những tác phẩm viết về đề tài vẻ đẹp “vang bóng một thời”.

Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn lần lượt đăng trên tạp chí Tao Đàn và Tiểu thuyết thứ Bảy từ năm 1939, nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội in lần đầu năm 1940. Vang bóng một thời, đúng như cái tên của tác phẩm, viết về “một thời” đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Đó là cái thời thực dân Pháp vừa đặt xong ách đô hộ lên đất nước ta, phong trào Cần Vương đã thất bại, những anh khóa thi nốt khóa thi Hán học cuối cùng, những nho sĩ cuối mùa trở thành lớp người lạc lõng. Khác với Nhà nho, Bút nghiên của Chu Thiên, Lề chõng của Ngô Tất Tố viết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến, những truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời hầu như chỉ tập trung miêu tả những thói quen, cung cách sinh hoạt, những kiểu ăn chơi cầu kì, phong lưu, đài các của những con người tài hoa ấy. Đó là cái thú chơi lan, chơi cúc, uống rượu “thạch lan hương”, đánh bạc bằng thơ và hát ả đào trên sông Hương của những ông Nghè, ông Cống, ông Tú khi thấy mình thành những người thất thế, những kẻ “chọn nhầm thế kỉ với hai bàn tay không có lợi khí mới”, “giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu mất bao nhiêu giá trị tinh thần” (Hương cuội). Đó là cái thú nhấm nháp chén trà sớm mai với những nghi lễ thiêng liêng; là cái thú vui ngày xuân mời khách đến thưởng hoa nhắm rượu với thứ kẹo ướp hương lan. Đó là thói quen “thắp nến bạch lạp để đọc Đường thi sách thạch bản”, là cái thú đánh bạc bằng thơ dưới trăng rằm trên mặt sông, tiếng ngâm thơ “âm hưởng trên mặt nước lạnh… Như tiếng vang của một hội tao đàn nào”… “Chỗ tiêu cực của tác phẩm là đề lên như là mẫu mực sống lối ăn chơi cầu kì, đài các của lớp quý tộc cũ tuy đã thất thế, đầu hàng nhưng vẫn cố khẳng định bằng nghệ thuật hành lạc hơn đời dù không che giấu được cái hắt hiu, héo úa của những kiếp sống đang tàn tụi. Những cái đáng trân trọng của những con người tài hoa bất đắc chí này là ở chỗ, mặc dù họ buông xuôi bất lực, nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời, không chịu a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ “thiên lương” và “sự trong sạch của tâm hồn”. Họ dường như cố ý lấy cái “tôi” tài hoa, ngông nghênh của mình để đối lập với xã hội phàm tục: phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời. Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong Chữ người tử tù, một con người tài hoa, một nhân cách trong sáng, cao cả; mặc dù chí lớn không thành nhưng vẫn coi thường gian khổ, xem khinh cái chết, tư thế vẫn đường hoàng, hiên ngang, bất khuất. Ở con người này, cái tài hoà hợp với cái thiên lương, cái đẹp của tài hoa hoà hợp với cái đẹp của khí phách.

Vang bóng một thời thuộc xu hướng thoát li, hoài cổ phát triển khá mạnh mẽ, nhất là từ 1939 đến 1945 trong bộ phận văn học công khai. Chính sách văn hoá “phục cổ” của chính quyền thực dân đã hướng những tâm trạng bế tắc của nhiều cây bút đang hoang mang trước thực tại tìm đường thoát li vào quá khứ. Đó là một trong những lí do để Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân cùng với Nhà nho, Bút nghiên của Chu Thiên, Lều chõng của Ngô Tất Tố đã được tặng giải thưởng Alexandre de Rhodes.

Vang bóng một thời là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân thời kì sáng tác trước Cách mạng. Nghệ thuật vẽ người, dựng cảnh, tạo dựng những bức tranh có vẻ đẹp héo úa, hắt hiu về một thế giới lụi tàn đã đạt tới trình độ bậc thầy của một ngòi bút tinh tế, tài hoa. Những trang văn viết về vẻ đẹp “vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân thấm đượm tinh thần dân tộc, thể hiện khát vọng vươn lên trên môi trường ô trọc, bộc lộ niềm say mê cái tài, cái đẹp và sự nâng niu trân trọng những giá trị văn hoá cổ truyền.

Trong thời kỳ khủng hoảng tinh thần, Nguyễn Tuân viết khá nhiều tác phẩm về đề tài đời sống truỵ lạc. Thực ra, ngay từ Một chuyến đi, đã bắt đầu hé lộ một Nguyễn Tuân, một con người lăn lộn nhiều với đời sống truỵ lạc ở những tiệm rượu, tiệm hút, nhà chưa, xóm hát. Vào đầu những năm 30, khi vừa ra khỏi nhà lao Thanh Hoá, Nguyễn Tuân rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về tinh thần và đã lao vào cuộc sống chơi bời truỵ lạc. Ông bộc bạch chân thành: “Ở tù về, tôi chỉ thèm chơi”. Một năm trời bị giam cầm “đã tạc nên mặt tôi những nét chắc chắn của hoài nghi”. Hoàn cảnh đó đã đẩy ông vào cuộc sống truỵ lạc như một con người hư hỏng. Vốn sống thực tế trong những ngày tháng ấy đã được nhà văn khai thác dùng làm đề tài cho các tác phẩm Ngọn đèn dầu lạc (1939), Tàn đèn dầu lạc (1941) và Chiếc lư đồng mắt cua (1941).

Chiếc lư đồng mắt cua là một tập tuỳ bút được Nhà xuất bản Hàn Thuyên in lần thứ nhất năm 1941. Tác phẩm ghi lại những tâm trạng, cuộc sống của tác giả trong những tháng ngày la cà, lăn lóc ở những nhà hát cô đầu. Tác giả giới thiệu về tập tuỳ bút này: “Tập tuỳ bút này không phải là một tập phóng sự về nhà hát và cũng không phải là một thiên nhật kí ghi lại đủ một thời kì khủng hoảng tâm thần. Có lẽ tập vở này cũng lại chỉ là những trang tuỳ bút chép lại một ít tâm trạng tôi cũng lại là những ngày tháng phóng túng hình hài”. Cả tập tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua là những câu chuyện về nhà hát, về một quãng đời lăn lóc của chính tác giả nơi hàng viện, bên các đào nương, rượu và thuốc phiện cùng những canh hát, cuộc chơi. Viết về đời sống truỵ lạc, Nguyễn Tuân có cách tiếp cận độc đáo của mình. Ông không như các nhà văn hiện thực miêu tả truỵ lạc như mặt trái, một tệ nạn của xã hội; không thi vị hoá truỵ lạc như trong những vần thơ say của một vài thi sĩ lãng mạn; càng không mượn cớ tả thực để khêu gợi trí tò mò tục tĩu như những cây bút tự nhiên chủ nghĩa. Chiếc lư đồng mắt cua giống như một lời thú tội về một quãng đời chơi bời, lêu lổng, bê tha cùng “rượu, trà, thuốc phiện, đàn bà và công nợ”. Cũng có lúc nhân vật “tôi” bừng tỉnh nhận ra để tự thẹn với mình, tự thấy mình trở nên “xấu xa ê chề”, “càng đi sâu vào chốn hàng viện mình càng thấy cái đức làm người của mình mỏng thêm mãi, mình càng thấy thân hình suy kém dần”, nhưng không hẳn là có sự ăn năn hối hận gì sâu sắc. Nhân vật “tôi” nhiều lần muốn làm lại cuộc đời, nhưng không bao giờ thực hiện được. Ấy là vì cái tôi hưởng lạc ích kỷ trong con người anh ta vẫn tồn tại một cách ngang bướng, chưa dứt khoát đoạn tuyệt hẳn với nó, cho nên, hễ gặp cơ hội, hễ có một sự mời chào, một lời đưa đón là anh ta lại quay về với nếp sống cũ. Chiếc lư đồng mắt cua không ca ngợi truỵ lạc, nhưng cũng không thể hiện thái độ phê phán nghiêm khắc lối sống buông thả theo những ham muốn cá nhân ích kỷ, vô trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. “Điều Chiếc lư đồng mắt cua muốn nói không phải là bản thân sự truỵ lạc mà là tâm trạng khủng hoảng cực độ của một thanh niên trí thức bất mãn với xã hội, muốn thoát ra khỏi gọng kìm của nó nhưng tự biết không sao thoát ra được, do không đủ ý chí và cũng không biết thoát đi đâu. Anh ta lao vào truỵ lạc để tiêu sầu, lấy cái ồn ào của truy hoan để khuấy động một cách giả tạo những ngày tháng cô quạnh và trống rỗng của mình.

Chiếc lư đồng mắt cua có những nhân vật tài hoa nghệ sĩ rất đỗi quen thuộc trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó là ông Thông Phu và cô Đào Tâm, những con người tài hoa, tài tử, dẫu phải sống trong môi trường bê tha, truỵ lạc mà cốt cách vẫn ngông nghênh, vẫn không mất đi vẻ kiêu sa. Bên cạnh thái độ buông thả, vô trách nhiệm, những nhân vật của Nguyễn Tuân tuy đắm chìm trong truỵ lạc vẫn không nguôi khát vọng thoát ra khỏi tình trạng đó. Cùng với Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua là đỉnh cao của sáng tác Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám.

Trần Đăng Suyền

Đọc thêm:

Sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ sau cách mạng Tháng Tám 1945