Những bài thơ trung đại nói về chí làm trai

1. Mở đầu :Thời Trần có những con người mà Lê Quý Đôn khen là phong độ như sĩ quân tử đời Hán, đời sau ít ai sánh kịp. Họ là ai, liệu Lê Quý Đôn có xác đáng không? Nam nhi có phải là mẫu người mà Lê Quý Đôn định nói tới không? Và mẫu người lí tưởng đó đã được thể hiện trong văn học như thế nào?Như chúng ta đều biết thời đại nhà Trần là một thời đại oanh liệt với chiến công rực rỡ ba lần đánh tan quân Nguyên- Mông, một đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Hàng loạt sự kiện lớn lao: Hội nghị Bình Than, Hịch Tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn (TQT) và Hội nghị Diên Hồng vang lên lời thề “Sát Thát”. Một thời với bao chiến công vang dội, với “Hào khí Đông A” tỏa ngút trời. Thời đại anh hùng tất sản sinh ra những anh hùng và nhân cách lớn. Đó có thể là NGƯỜI HÙNG – Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (TQK)-con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông, người cùng với TQT giữ vai trò chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần hai (1285)… Đó còn là vị chủ tướng tâm huyết đầy trách nhiệm TQT (cháu ruột Trần Thái Tông, con An Sinh vương Trần Liễu)…Đó còn là danh tướng Đặng Dung (con của quốc công Đặng Tất) – người có công lớn trong việc giúp Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, người có khát vọng muốn được trường tồn để rửa sạch thù nước với tâm trí, nhiệt huyết của mình cho dù biết vận đã qua… Như vậy, những tác giả như TQK, TQT, Phạm Ngũ Lão (PNL), Đặng Dung… vừa là võ tướng, vừa thuộc dòng dõi thế gia. Bởi vậy ở họ vừa có vinh quang, danh tiếng vừa có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bản thân và triều đình. Địa vị xã hội, quyền lợi của đẳng cấp lãnh đạo tất nhiên chi phối đến quan niệm sống, lí tưởng sống của họ và ảnh hưởng đến sự biểu hiện cái tôi trữ tình –nhân vật trữ tình trong thơ ca của họ.Sự thôi thúc mạnh liệt, sục sôi trong những con người thời đại luôn muốn mang tài đức để phụng sự hết mình cho triều đình, để xứng đáng với dòng dõi quý tộc, tôn thất của mình như TQK, TQT, PNL, Đặng Dung…đã tạo nên một mẫu hình nhân cách cao đẹp trong thơ ca đời Trần.Trong số những bài thơ đời Lí – Trần còn lại ngày nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp hai chữ NAM NHI như là một cảm nhận đã trở nên quen thuộc về một mẫu hình người quân tử trong quá khứ.2. Nội dung:2.1. Khái niệm Nam nhi và quan niệm về Nam nhi thời trung đạiNgười Việt Nam khi giành được độc lập cũng luôn chủ động tìm kiếm kinh nghiệm xây dựng mẫu hình nhân cách từ tư tưởng, triết học, văn hóa Trung Quốc để làm giàu cho mình. Do đó, đây cũng là thời kì giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Nam- Trung Quốc diễn ra chủ động, tích cực xét từ phía Việt Nam. Không chỉ có người Trung Quốc đưa văn hóa, văn học sang Việt Nam mà chính người Việt cũng chủ động theo những cách nào đó để tiếp nhận văn hóa, văn học Trung Quốc. Các trí thức, các tác giả văn học Lí- Trần không chỉ tiếp thu, ảnh hưởng văn học Trung Quốc về mặt văn tự, thể loại mà quan trọng hơn họ luôn có ý thức học tập lí tưởng và cách diễn ngôn về Nam nhi, về quân tử của văn hóa, văn học Trung Quốc. Việc các trí thức, các tác giả văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ tư tưởng, nhân cách của các danh nhân văn học Trung Quốc như Khuất Nguyên, Đào Uyên Minh, Đỗ Phủ, Lí Bạch…là những liên hệ có thể thấy rõ trong các văn bản tác phẩm…Với chí Nam nhi từ thời Lí- Trần cũng đã được nhắc đến. Chúng ta biết đến một Quảng Nghiêm thiền sư ( 1122- 1190) với cách nói : “ Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”; một PNL với nỗi niềm: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”. Hai người, một nhà sư, một nhà nho nhưng phương pháp tư duy của họ giống nhau: đứng từ góc độ thực tiễn để phát biểu cho chí nam nhi. Cũng trong tinh thần khẳng định sự hành động của chí làm trai, sang thế kỉ XVI, Phùng Khắc Khoan (1528- 1613) cũng nói đến chí nam nhi: “Nam nhi tự hữu hiển dương sự/ Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu” (Tài trai phải có sự nghiệp vẻ vang cho cha mẹ. Không chịu làm một đấng trượng phu ngông ngênh- Tự thuật)…Theo quan niệm thời trung đại, người nam nhi hay anh hùng là những người có nguồn gốc cao quí, là tinh hoa của vũ trụ nên cuộc đời là việc trả lại món nợ mà giang sơn, trời đất, núi sông đã ưu ái cấp cho họ. Người đàn ông lí tưởng theo yêu cầu của thời bấy giờ không chỉ có Tài, có Tâm mà còn phải có Chí, có khát vọng để theo đuổi và thực hiện đến cùng những ước mơ, hoài bão. Chí là chí làm trai mang tinh thần tích cực của Nho giáo: lập đức, lập công (có công danh sự nghiệp), lập danh (có danh tiếng tốt đẹp). Quan niệm lập công danh đã trở thành quan niệm lí tưởng của nam nhi thời phong kiến. Và như một tất yếu, công danh được coi là món nợ đời phải trả của kẻ làm trai. Trả xong nợ công danh có nghĩa là đã hoàn thành nhiệm vụ với đời, với dân, với nước. Chí làm trai ở thời bấy giờ có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng hi sinh chiến đấu cho sự nghiệp lớn lao- sự nghiệp cứu nước cứu dân để cùng trời đất “muôn đời bất hủ”.Nhìn chung, có thể hiểu nam nhi thường nhấn mạnh đến phương diện con người anh hùng, chí nam nhi là chí khí anh hùng, là khí phách trượng phu. Người nam nhi luôn có khát vọng tạo nên sự nghiệp lừng lẫy trong trời đất để xứng đáng với nguồn gốc cao quý. Cũng cần phần biệt giữa Nam nhi (thiên về anh hùng) với kẻ sĩ, quân tử. Khái niệm sĩ nói về phương diện trí thức, hiểu biết chính trị, lịch sử, văn hóa, làm cố vấn, tham mưu cho vua chúa (xưa gọi là rường cột trong chốn lăng miếu). Nguyễn Công Trứ (NCT) từng luận về kẻ sĩ: “Có giang sơn thời đã có tên/ Từ Chu Hán vốn sĩ này đã quý” (Luận kẻ sĩ). Còn khái niệm Nam nhi, giống như anh hùng, trượng phu, hào kiệt nhấn mạnh khía cạnh giới tính nam giới, nam nhi là người đàn ông, mạnh mẽ, họ hay nói họ không phải nhi nữ như thường tình, không ru rú ở trong nhà mà phải xông pha trên trường đời, lập công danh. Phan Bội Châu viết: “ Đầu óc cũng tròn vo, sâu xoáy- Râu mày xem đáng thảy nam nhi”. “Râu mày” là biểu hiện nam tính trên khuôn mặt (người xưa có ý thức tập trung tả khuôn mặt kể cả nhân vật nam và nữ), đồng thời là hình ảnh hoán dụ của đàn ông nói chung; còn “đầu óc” là tinh thần, là trí tuệ. NCT có nói đến kiếm cung, tu mi nam tử (con trai có râu mày), PNL nói đến giáo (vũ khí), TQK cũng nói đến quân công cướp giáo giặc, Đặng Dung có hình ảnh mài gươm, ngay như trong thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng có tráng sĩ và hùng tâm, có lúc còn nói đến đeo gươm nữa. Nếu như kẻ sĩ hoạt động thiên về tri thức, mưu kế, đường lối thống trị về tư tưởng thì Nam nhi là lí tưởng anh hùng, là hành động thực tiễn. Tuy nhiên cũng thấy không có sự khác biệt tuyệt đối, trong những tình thế nào đó, kẻ sĩ cũng chuyển thành nam nhi. Chẳng hạn, Nguyễn Trãi là người nói nhiều đến sĩ nho, quân tử nhưng có những lúc con người “cháy hết mình trong hành động” ấy cũng nhắc tới lí tưởng anh hùng, hành động anh hùng có khi của bản thân, có khi là thay lời Lê Lợi: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/Có nhân, có trí, có anh hùng” (BKCG, Số 5); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ” (BNĐC)… Hoặc thế kỉ XVIII- XIX khi Pháp xâm lược, Nguyễn Công Trứ vừa luận kẻ sĩ vừa nói chí nam nhi….Vấn đề nam nhi cũng như kẻ sĩ là những vấn đề hết sức lí thú trong văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi sẽ bàn về mẫu hình kẻ sĩ trong một bài viết khác…Sức hấp dẫn của hình tượng nam nhi còn kéo dài đến cả thế kỉ XVIII- XIX, mà người nói đến da diết, mãnh liệt nhất có lẽ là NCT. Trong sáng tác của NCT- cả thơ và hát nói, tần số những từ ngữ thể hiện cho chí khí anh hùng xuất hiện khá cao như: chí nam nhi, chí làm trai, nợ anh hùng, nợ tang bồng, tang bồng hồ thỉ, nợ công danh. NCT ôm ấp chí nam nhi và luôn tin tưởng, quyết tâm vào khả năng thành công. Không hẳn đã muốn làm một võ tướng thậm chí một Từ Hải trong văn chương hay một Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh ngoài đời nhưng ở ông quan niệm về công danh với mộng công hầu danh tướng, lòng thèm muốn lưu danh thiên cổ với những suy nghĩ phải thi đỗ, phải làm quan, phải được vinh hiển để cho rõ anh hùng: “Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh mà đối với non sông” (Chí nam nhi); “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. (Nợ tang bồng); “ Chí làm trai xẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” (Chí khí anh hùng)…Trương Tửu cho rằng chí nam nhi theo ý NCT là “hiếu danh đến tột độ” 1;585. Nguyễn Lộc thì nhận xét: “Trong thơ Nguyễn Công Trứ đằng sau ý thức, bổn phận, vai trò của cá nhân cũng được nhà thơ đề cao (…) Nhưng cũng cần vạch ra rằng chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ không có tí liên hệ nào với quần chúng, thậm chí có lúc còn đi ngược lại quyền lợi của quần chúng…” 1;722-723-724…Chí nam nhi ở NCT có rất nhiều mặt tích cực: tràn đầy tin tưởng, lạc quan, nó “khoáng đạt, to nhớn, rộng rãi và kiêu sa” song cũng có những mặt còn hạn chế như mục đích chí nam nhi chỉ để thỏa mãn sự hiếu danh, còn nhiều ảo tưởng nên không tránh khỏi sự cô độc và thất bại mà Trương Tửu và Nguyễn Lộc đã chỉ ra ở trên. Đây là những điểm khác biệt lớn so với chí nam nhi đời Trần mà chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau : thời Trần nam nhi không hiếu danh, nam nhi có lý tưởng và trách nhiệm, tâm huyết thực sự. Đó là những người có phong độ như sĩ quân tử đời Hán mà Lê Quý Đôn nhắc đến…Tóm lại, chí nam nhi hay chí khí anh hùng, chí làm trượng phu hiển hách đã tạo nên một mẫu hình nhân cách hấp dẫn, góp phần làm giàu thêm cho hình ảnh con người Việt Nam trong quá khứ. Để giúp hiểu thêm quan niệm về người anh hùng, về chí làm trai trong văn học Lí- Trần, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ đi vào phân tích mẫu hình Nam nhi đời Trần trong bài thơ nổi tiếng của Phạm Ngũ Lão: Thuật hoài (Tỏ lòng).2.2. Mẫu hình Nam nhi đời Trần qua bài thơ Thuật hoài của PNLĐại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) được coi như một di sản văn hóa dân tộc. Tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn có giá trị văn học sâu sắc. ĐVSKTT đã xây dựng thành công nhiều chân dung nhân vật lịch sử, miêu tả thành công những bối cảnh không gian, thời gian xảy ra sự việc. Ngoài ra nguồn sử liệu phong phú trong tác phẩm còn là tư liệu quí giá cho nghiên cứu và sáng tác văn học. Chân dung những người anh hùng đời Trần như TQT, TQK, PNL, Đặng Dung…cũng được tác giả ĐVSKTT ghi chép lại khá kĩ. Về PNL: “Tháng 11, điện súy thượng tướng quân PNL chết ở phủ đệ vua chôn tại vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt. Ngũ Lão (người làng Phù Ủng huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng) tuổi ngoại hai mươi, Hưng Đạo đại vương trông thấy cho là người có tài giỏi, đem con gái nuôi gả cho, và dùng làm gia thần. Vì được vương dạy bảo thêm cho, nên tài khí hơn người. Vương tiến cử lên. Ngũ Lão tuy xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, về việc võ hình như không để ý đến. Nhưng quân của ông coi đều một lòng thân yêu như cha với con, đánh đâu tất được đấy…Ông coi quân có kỉ luật, đối đãi với tướng hiệu như người nhà, cùng quân lính chia ngọt sẻ đắng, cho nên đánh đâu không ai địch nổi. Phàm đánh dẹp lấy được gì đều bỏ vào việc chi dùng cho quân lính, coi của cải như không, là danh tướng giỏi trong một thời” 2;354-355. Các sử gia khi viết về PNL cũng đã nhắc đến bài thơ nổi tiếng Thuật hoài của ông.Trở lên, khi đọc Thuật hoài của PNL – dấu ấn sớm nhất về hình tượng nam nhi, ta lại thêm một lần hiểu được sự thôi thúc mạnh liệt, sục sôi trong những con người thời đại luôn muốn mang tài đức để phụng sự hết mình cho triều đình, để xứng đáng với dòng dõi quý tộc, tôn thất của mình. Chúng ta biết rằng giữa tác giả ngoài đời và nhân vật trữ tình trong thơ có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất. Tuy nhiên, trường hợp các nhân vật trữ tình nam nhi trong thơ Lí- Trần lại cho thấy khoảng cách giữa con người thật và nhân vật trữ tình rất gần nhau. Những tác giả viết về chí nam nhi thường là những người không học hành đỗ đạt cao mà chủ yếu là con người hành động, thuộc tầng lớp phong kiến thống trị, có quyền lợi và trách nhiệm gắn chặt với chế độ, với quốc gia dân tộc, lại là các võ tướng trải qua quân công như đã nói. Nội dung của chí nam nhi trong thơ rất thống nhất với con người thực. Đây là một điều thú vị và chúng tôi sẽ làm sáng tỏ khi đi vào phân tích cụ thể bài thơ của PNL.Thuật hoài của PNL đã xây dựng nên hình tượng nhân vật anh hùng vệ quốc- một mẫu hình nam nhi lí tưởng thời Trần:Hoành sóc giang sơn cáp kỉ thuTam quân tì hổ, khí thôn ngưuNam nhi vị liễu công danh tráiTu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.Dịch thơ:Múa giáo non sông trải mấy thuBa quân hùng khí át Sao NgưuCông danh nam tử còn vương nợ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.Hai câu đầu đặc biệt lưu ý từ “hoành sóc” trong nguyên tác. “Cầm ngang ngọn giáo” hay hơn “múa giáo” bởi nó đã khắc họa được vẻ đẹp ngang tàng, oai phong lẫm liệt, vững chãi của vị võ tướng cầm quân ra trận, chinh chiến triền miên, dãi dầu sương gió. Thậm chí có người còn gọi đó là bức tượng đài bất hủ về vị tướng anh hùng vệ quốc. Đó là âm hưởng vang vọng của “hào khí Đông A” vậy. Ta bỗng nhớ đến hình ảnh người tráng sĩ trong Chinh Phụ Ngâm: “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn- Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”.Con người anh hùng ấy trở lên đẹp hơn trong nỗi băn khoăn, trăn trở về trách nhiệm và sứ mệnh của kẻ làm trai đứng trong trời đất. Ý thức về nghĩa vụ phụng sự đất nước ấy đã được PNL thể hiện thật thấm thía trong hai câu kết: “Công danh nam tử còn vương nợ- Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Câu thơ trực tiếp nói lên hai chữ Nam Nhi tự nó đã chứng minh một điều: lí tưởng sống cao đẹp của người quân tử luôn có sức hấp dẫn. Trong ý thơ của mình, PNL đã thể hiện một ý chí, một khát vọng muốn được cống hiến, muốn được làm tròn sứ mệnh của đấng nam nhi. ĐVSKTT đã nhiều lần nhắc đến việc PNL lập công cho triều đình và được triều đình khen thưởng: “Lấy PNL làm Hữu kim ngô vệ đại tướng quân (…). Có nghịch thần tên Biếm làm loạn, sai PNL đi đánh giết Biếm. Cho Ngũ Lão làm điện súy ban cho hổ phù ( con so hình hổ)” 2;337; “ Nước Ai Lao sang cướp miền Đà Giang, sai PNL đi đánh, gặp quân địch ở Mường Mai, giao chiến bắt được quân địch rất nhiều. Phong PNL làm Thân vệ đại tướng quân, ban cho qui phù (con so hình rùa)” 2;336; “Phong PNL tước quân nội hầu, ban cho phi ngư phù ( con so hình con cá bay) và cho con làm quan” 2;352…Qua đây, ta hiểu vì sao PNL cũng như TQK, TQT… luôn muốn được phụng sự hết mình vì chính triều Trần đã mang lại cho họ cơ hội để khẳng định chí nam nhi cũng như những đóng góp của họ luôn được khích lệ. Không những thế người đàn ông theo quan niệm của tác giả Thuật hoài còn phải có Tâm, có Lòng. Cho nên ta hiểu vì sao một con người đã từng “cắp ngang ngọn giáo” xông pha giữa trận tiền chống giặc suốt mấy thu rồi, thế mà vẫn nghĩ mình chưa làm tròn trách nhiệm, còn nợ với dân với nước, vẫn thấy “thẹn” khi mình chưa được như Vũ Hầu. Vũ Hầu tức Khổng Minh Gia Cát Lượng là một danh sĩ đời Tam Quốc. Mặc dù là người có đức tài cao- Khổng Minh tự ví mình như “Quản Trọng, Nhạc Nghị”; người đời thì xem ông như “Khương Tử Nha làm nên cơ nghiệp tám trăm của nhà Chu và Trương Tử Phòng làm nên cơ nghiệp bốn trăm năm của nhà Hán” 6;10- nhưng ban đầu ông chỉ thích sống ẩn trên núi Ngọa Long, thích ngao du sơn thủy chứ chẳng màng đến chính sự. Tuy nhiên sau ba lần Lưu Bị đến lều tranh để cầu ông ra giúp khôi phục lại nhà Hán, ông đã cảm động và đồng ý phò tá Lưu Bị. Chương Tam cố thảo lư nổi tiếng trong cuốn Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đã thuật lại rất kĩ ba lần Lưu Bị cùng hai em kết nghĩa Quan Trương đến gò Ngọa Long vất vả, khó khăn như thế nào để mong gặp Gia Cát Lượng. Thậm chí có khi thời tiết mùa đông, khí trời rét buốt, mây đen xám nghịt, trời nổi gió bấc, tuyết bay phơi phới, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc nhưng Lưu Bị vẫn kiên trì. Và chí cầu hiền của Lưu Bị đã được đền đáp. Lưu Bị không chỉ gặp được người tài để bàn chuyện thiên hạ chia ba mà còn thuyết phục được Khổng Minh: “Khổng Minh thấy Lưu Bị quả là thành thật, liền nói:- Tướng quân đã không ruồng bỏ. Lượng này xin đem hết tài khuyển mã ra phó tá”. 6;30. Và ta biết rằng từ khi rời lều tranh Khổng Minh đã dốc hết tâm lực, tài trí thậm chí sẵn sàng đem “gan óc lầy đất” để giúp Lưu Bị từng bước thực hiện được ý nguyện của mình. PNL tự thẹn vì nghĩ mình vẫn chưa đem hết được tài đức để phụng sự cho minh chủ như Gia Cát Lượng. Đó là nỗi thẹn của một nhân cách lớn, nỗi thẹn mang đầy tính nhân văn.Thời đại anh hùng tất sản sinh ra những anh hùng và nhân cách lớn. Thời đại nhà Trần là một thời đại oanh liệt với chiến công rực rỡ ba lần đánh tan quân Nguyên- Mông, một đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Một thời với bao chiến công vang dội, với “Hào khí Đông A” tỏa ngút trời. Cho nên những nhà thơ, những con người được chứng kiến, được sống cùng những chiến thắng như Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng…không thể không trào dâng một niềm vui, niềm tự hào, tin tưởng bất tận. Và từ niềm chung vui được cống hiến, được tận hưởng ấy thì ý thức trách nhiệm của họ càng cao hơn bao giờ hết. Bên cạnh một PNL đầy khát vọng và tâm huyết ta hãy lắng nghe tiếng lòng của một vị hoàng thân mang trọng trách triều đình là TQK khi đón vua Trần trở lại kinh đô sau chiến thắng tưng bừng của Chương Dương, Hàm Tử, truy đuổi tướng giặc Thoát Hoan, lấy lại Thăng Long, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên lần hai ( 1285):Đoạn sóc Chương Dương độ,Cầm hồ Hàm Tử QuanThái bình tu trí lực,Vạn cổ cựu giang san( Tụng giá hoàn kinh sư)Dịch thơ:Chương Dương, cướp giáo giặcHàm Tử, bắt quân thùThái bình nên gắng sứcNon nước ấy nghìn thu( Phó giá về kinh)Bốn câu thơ ngắn gọn, súc tích nhưng chất chứa tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trong đó. Hai câu đầu với âm hưởng hùng hồn, ý thơ mạnh mẽ không chỉ đơn thuần là những thông báo “lạnh lùng”, “vô cảm” mà còn ẩn trong đó lòng tự hào khôn tả về những chiến công của đất nước, về sức mạnh quật khởi của dân tộc: “ Chương Dương, cướp giáo giặc- Hàm Tử, bắt quân thù”. Hai câu cuối mở ra một viễn cảnh mới: Thái bình nên gắng sức- Non nước ấy nghìn thu.Từ nỗi vui mừng và tự hào chiến thắng, tác giả chuyển sang nói tới “thái bình”. Đây như lời động viên, tự gắng của TQK và cũng là lới kêu gọi, khích lệ của cả một dân tộc: trong chiến tranh chúng ta đã chiến thắng, nay thái bình càng nên cố gắng xây dựng, bảo vệ giang san, đất nước để tổ quốc mãi mãi vững mạnh, trường tồn. Nếu hai câu đầu khí thế hừng hực thì hai câu cuối lại lắng đọng suy tư trong sự ung dung, điềm tĩnh. Câu thơ không chỉ thể hiện bản lĩnh người đàn ông đời Trần mà còn thể hiện “một bản lĩnh Việt Nam. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng vẫn có sự thanh thản của tâm hồn, hành động quyết liệt mà vẫn thăm thẳm nghĩ suy. Vị chiến tướng trên giáp binh còn vương khói súng, chưa kịp nghỉ ngơi đã lo đến nhiệm vụ trước mắt và cũng là kế sách lâu dài cho muôn đời con cháu về sau” [12;tr 26]. Cảm hứng này ba năm sau lại ngân vang dữ dội trong lời thơ làm tại lễ yết mừng thắng trận của vua Trần Nhân Tông ( 1288):Xã Tắc lưỡng hồi lao thạch mãSơn hà thiên cổ điện kim âu( Xã tắc hai phen bon ngựa đá; Non sông nghìn thuở vững âu vàng).Như vậy, cả bài thơ không hề có từ Nam nhi hoặc công danh nào cả nhưng người đọc vẫn cảm nhận sâu sắc hình bóng của NGƯỜI HÙNG. Sở dĩ tiếng thơ TQK lay động và cuốn hút người đọc vì bản thân con người nhà thơ cũng đã trở thành một bài học ý nghĩa cho chí làm trai. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần hai ( 1285) với cương vị Thượng tướng Thái sư, TQK cùng Trần Quốc Tuấn là hai người giữ vai trò chủ chốt. TQK có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng, tham gia nhiều chiến dịch, từng trực tiếp chỉ huy giành thắng lợi trong trận Chương Dương nổi tiếng, từng giữ vai trò hỗ trợ đắc lực cho chiến thắng Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy. Là một trong những tác giả của chiến dịch Chương Dương- Thăng Long giải phóng hoàn toàn đất nước, lại được trực tiếp hộ giá hai vua Trần trở về kinh giữa ngày vui chiến thắng. Bởi thế nếu nói TQK là một mẫu hình nam nhi theo đúng nghĩa: có tài đức, có chí khí và lập nên công danh sự nghiệp; thì “Phó giá về kinh” là khúc ca được viết ra từ chính người nam nhi ấy đã tạo ra cho người đọc hình dung về người con trai đời Trần với vẻ đẹp thật lôi cuốn: lạc quan, hào sảng và phơi phới niềm tin.Người Việt vay mượn chữ Hán, vay mượn luôn cả những cách diễn ngôn của thơ cổ Trung Quốc. Các yếu tố thi pháp nhân vật Nam nhi chịu sự qui định chặt chẽ của diễn ngôn về con người lí tưởng trong văn hóa Trung Quốc. Theo quan niệm này, những người tài năng, nhân cách phi thường lỗi lạc là tinh hoa của vũ trụ, non sông đất nước. Họ nhận được sự ưu ái của trời đất về tài năng, phẩm chất vĩ đại như nhận một món nợ nên phải trang trải món nợ ấy bằng sự nghiệp lớn, kinh thiên động địa, có giá trị trường cửu. Và yều tố thi pháp nổi bật nhất là các nhà thơ luôn để người anh hùng xuất hiện trong không gian “giang sơn”: “Múa giáo non sông trải mấy thâu/ Ba quân hùng khí át Sao Ngưu”. Cảm giác không gian thiên nhiên vũ trụ đã thể hiện “hùng tâm tráng trí”, tầm vóc của người anh hùng. Thật lẫm liệt và hào sảng! Khi PNL viết múa giáo giữa non sông ta thấy ngay là tác giả đã nhắc đến một hình ảnh biểu trưng cho vũ trụ là “giang sơn”- nguồn cội cấp nhân cách cao quý cho nam nhi, vì thế mà không gian hoạt động của họ không thể là một không gian hẹp, cụ thể như ở sân điện hay ở một trận đánh. Non sông, đất nước chính là vũ đài hoạt động của người anh hùng, của kẻ làm trai. Tương ứng với không gian ấy là khí phách của đấng trượng phu: “khí thôn ngưu”. Với ba chữ “khí thôn ngưu” PNL cũng đã nói lên hết được tầm vóc của con người vũ trụ trong tương quan với “non sông”. Từ trước đến nay nhiều sách vẫn giảng sai về ba chữ này với nghĩa là “nuốt trôi trâu”. Thực ra, “khí thôn ngưu” vốn được rút gọn từ một thành ngữ Hán “khí thôn ngưu đẩu” nghĩa là khí thế mạnh mẽ của tráng sĩ bốc lên tận không trung cao vợi ( Ngưu là chòm sao Kim Ngưu, Đẩu là chòm sao Bắc Đẩu- Ngưu đẩu tượng trưng cho không trung cao vời vợi chứ không phải “nuốt trôi trâu”)…Như vậy, qua bài thơ Thuật hoài chúng ta đã hình dung khá rõ bức chân dung con người yêu nước, thượng võ, của những đấng nam nhi thời Trần. Qua tiếng thơ PNL ta vừa cảm nhận được âm hưởng của “hào khí Đông A” vừa hiểu sâu sắc hơn những tâm trạng, tấm lòng của những bậc võ tướng, anh hùng đối với dân tộc, đất nước. Và chính tác giả đã cho chúng ta những cảm nhận khá đầy đủ về mẫu hình Nam nhi của một thời với sự sôi nổi, hào hùng của chí làm trai. Dấu ấn ấy trải qua các thế kỉ cũng khó có sự lặp lại được. Sau này ta sẽ bắt gặp sự sôi nổi ấy trong thơ Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông…nhưng lại ở một dạng thức khác. Có lẽ hình ảnh người Nam nhi đời Trần với khát vọng lập công danh trong những tâm thế phóng khoáng, táo bạo, mạnh mẽ trong thơ PNL chỉ được tiếp nối và truyền cảm hứng mạnh đến một số nhà Nho ở thế kỉ XVIII- XIX như NCT, Phan Bội Châu. NCT từng nói: “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kì”- làm đấng nam nhi trên đời này phải làm điều kì lạ, kì tích để giúp đời, giúp dân, giúp nước. Ông quan niệm một cách dứt khoát: “Làm trai đứng ở trong trời đất- Phải có danh gì với núi sông”. Phan Bội Châu cũng thêm một lần khẳng định quan niệm về chí làm trai ấy- làm trai là phải tung hoành ngang dọc, dời non lấp bể: “Làm trai phải lạ ở trên đời- Há để càn khôn tự chuyển dời”. Tuy nhiên ta thấy rằng cũng nói về chí nam nhi với sự phóng khoáng, mãnh liệt nhưng ở NCT lại vẫn có một điều khác những đấng nam nhi đời Trần kia: NCT chỉ nói về chí làm trai cho thỏa lòng như một sự trổ tài, lưu danh thiên cổ, một sự thể hiện cá tính của mình chứ không nhấn mạnh đến sự phụng sự triều đình hay một lí tưởng nào đó. Điểm mới và khác biệt lớn nhất trong quan niệm chí nam nhi của ông là vừa đề cao cả sự nghiệp lẫy lừng của con người trong trời đất vừa đề cao cả quyền được hưởng thụ khi có được công danh, sự nghiệp: “Khanh hầu xa mã tướng công lâu đài”…Như vậy chúng ta thấy rằng: cũng luận về chí khí anh hùng nhưng ở mỗi thời đại, mỗi cá nhân đã có sự khác nhau. Tuy chưa có được dấu ấn cá nhân đậm nét như trong thơ Nguyễn Công Trứ nhưng tiếng nói khẳng khái, hùng hồn của những đấng nam nhi đại trượng phu đời Trần cho đến ngày nay vẫn có sức lôi cuốn riêng với ý thức trách nhiệm và bổn phận. 3. Kết luận: Tóm lại, mỗi một thời đại lại sản sinh ra một nhân cách và một mẫu hình nhân vật lí tưởng. Thời đại nhà Trần- thời đại của những chiến công vang dội, oanh liệt cũng là thời đại sinh ra những anh hùng, những gương mặt nam nhi luôn mang trong mình những lẽ sống, lí tưởng sống, mục đích cao đẹp như TQK, PNL, Đặng Dung. Bài thơ Thuật hoài là tiếng nói của con người yêu nước thượng võ một thời và qua đó cũng để lại cho chúng ta dấu ấn sớm nhất, không thể lặp lại về mẫu hình Nam nhi trong lịch sử. Người đàn ông thời ấy được nhìn như là những bậc thánh nhân, quân tử. Họ đã sống và cống hiến đến tận cùng, hết kích cỡ của một NGƯỜI HÙNG trong vũ đài hoạt động rộng lớn là non sông, đất nước. Do đó, với họ, có thể hi sinh cái thân thể xác để hướng tới cái thân danh tiết. Họ say sưa, nhiệt huyết với cái tâm đạo lí, trung hiếu, với ý chí lập công danh. Có lẽ chưa ở đâu cái khát vọng lập công danh, cái khát vọng được cống hiến, được phụng sự triều đình, đất nước lại mãnh liệt, thôi thúc, lôi cuốn như ở PNL ( cũng như những tác giả cùng thời là TQK, Đặng Dung…). Đó là vẻ đẹp có sức hấp dẫn con người mọi thời. Có lẽ đây cũng là lí do khiến cho bài thơ Thuật hoài từ lâu đã luôn được lựa chọn vào trong sách giáo khoa để dạy cho học sinh phổ thông, khi các em ở độ tuổi đang có nhiều ước mơ hoài bão nhất thì mẫu hình nam nhi đời Trần chính là một tấm gương để các em có thể soi chiếu và tự trau dồi nghị lực sống, bản lĩnh sống…