Nước ta có những thuận lợi như thế nào để phát triển du lịch biển, đảo

Tổng cục Du lịch sẽ trình Bộ VHTTDL Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”, trong đó đề xuất một số đề án cụ thể phát triển các khu vực trọng điểm du lịch biển, trước hết là khu vực Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà - Đồ Sơn... Bốn khu vực kế tiếp, lần lượt là Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né và đảo ngọc Phú Quốc. Và tiếp sau là xây dựng đề án cụ thể phát triển tour du lịch Trường Sa - Ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh) - Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam cho biết, khi mở đầu cuộc chuyện trò với Nhân Dân hằng tháng chung quanh chủ đề “làm thế nào để khai thác hiệu quả vốn quý biển đảo quê hương”.

* Xin ông cho biết đánh giá tổng quát về tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam?

- Việt Nam sở hữu chiều dài đường bờ biển hơn 3.200 km, có nhiều bãi biển nổi tiếng và 2.773 hòn đảo ven bờ cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với sự phân dị về khí hậu và cấu trúc địa mạo đường bờ, sự đa dạng và phong phú của các giá trị văn hóa (với 51,3% số di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia), sự giàu có các làng nghề..., Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một trong những lợi thế chủ yếu của du lịch Việt Nam trong phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói - đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay.

* Vậy khai thác du lịch biển đảo có vai trò như thế nào trong đồ thị phát triển chung của toàn ngành du lịch Việt Nam?

- Theo số liệu thống kê giai đoạn 2000 - 2010, lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh vùng ven biển luôn chiếm từ 71-74% tổng lượng khách quốc tế đặt chân tới các địa phương trong cả nước. Năm 2010, các tỉnh ven biển của Việt Nam đã thu hút được 10.860.000 lượt khách quốc tế. Đối với khách du lịch nội địa, du lịch biển hằng năm cũng thu hút được từ 52-57% lượt du khách trên toàn quốc. Năm 2011, đảo ngọc biển xanh của chúng ta đã đón được 45,1 triệu lượt, chiếm 57% tổng lượng khách nội địa toàn quốc.

Cùng với số lượt khách, doanh thu du lịch biển hiện cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng số doanh thu toàn ngành. (Năm 2011 chiếm 60,15% tổng thu nhập ngành du lịch cả nước). Tốc độ trăng trưởng bình quân thời kỳ 2000-2010 đạt xấp xỉ 23,7%/năm. Những con số trên đã nói lên trọn vẹn vai trò quan trọng của khai thác du lịch biển đảo - trong bức tranh tổng thể đa sắc mầu của du lịch Việt Nam.

* Xin ông cho biết thực trạng khai thác tiềm năng du lịch biển đảo hiện nay?

- Ưu điểm chủ yếu của việc khai thác tiềm năng du lịch biển đảo là ngành đã có những khảo sát, đánh giá tương đối đồng bộ. Chúng ta đã có hệ thống tiềm năng du lịch để từ đó tiến hành việc quy hoạch du lịch biển đảo, sao cho việc khai thác được hiệu quả và bền vững. Cùng với kết quả đó, chúng ta đã bước đầu tạo ra một số điểm đến với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đa dạng cùng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, cơ sở lưu trú có chất lượng. Nhiều địa phương đã nhận thức rõ về tầm quan trọng và vai trò của du lịch biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của chính mình.

Nhược điểm chính, theo tôi, là cho đến nay chưa có một cơ chế phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành kinh tế biển có liên quan và chính quyền các địa phương để khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch biển, hạn chế tác động do việc khai thác chồng lấn giữa các ngành kinh tế cũng như tình trạng khai thác thiếu tầm nhìn, lãng phí tiềm năng du lịch biển đảo; phát triển chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch tổng thể; sở hữu nhiều ưu thế nhưng khai thác kém hiệu quả, không quan tâm đến phát triển bền vững; chưa gắn được việc khai thác với lợi ích sát sườn của cộng đồng cư dân ven biển; chưa xây dựng được những thương hiệu du lịch mạnh đi kèm với những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn; nhiều địa phương hiện đang tận dụng thế mạnh trời ban theo hướng tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm...

Ngành du lịch đã nhìn nhận ra tình trạng trên, tuy nhiên để từng bước giải quyết được những hạn chế này, rất cần Chính phủ chỉ đạo việc tiếp cận khai thác tiềm năng biển nói chung và tiềm năng du lịch biển đảo nói riêng theo cách quản lý tổng hợp và hệ thống (Coastal Integrated Management Approach). Đặc biệt, rất cần sự hợp tác đúng nghĩa giữa các ngành kinh tế biển với các địa phương được sở hữu biển đảo.

* Được biết, ngành cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển trong khu vực. Du lịch biển đảo được xem là một trong năm hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Và trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030”, thúc đẩy du lịch biển đảo phát triển được coi là hướng đột phá trong mười năm tới. Ông có thể lý giải cụ thể hơn về lộ trình này?

- Trước tiên phải chính xác hóa lại tên Đề án là “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”. Đề án này được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng (Chỉ thị 20-CT/TW ngày 22-9-1997 của Bộ Chính trị): “Phát triển du lịch biển theo hướng du lịch cảnh quan, văn hóa, thể thao kết hợp với nghỉ dưỡng, vui chơi. Chú trọng cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đi đôi với công tác bảo vệ môi trường cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước. Đầu tư xây dựng một số khu du lịch trọng điểm tại Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà - Đồ Sơn, Huế - Đà Nẵng - Nha Trang, Vũng Tàu - Long Hải - Côn Đảo, Hà Tiên - Phú Quốc”. Chúng tôi cũng hình thành đề án trên tinh thần Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30-5-2007 của Chính phủ (nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”) cũng như tư tưởng của “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30-12-2011.

* Cụ thể hóa mục tiêu ấy, được biết ngành cũng đã đặt cái đích tới năm 2020 sẽ hình thành năm khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Tour du lịch ra Trường Sa cũng sẽ được xây dựng và đầu tư. Cho đến thời điểm này, những mục tiêu ấy đã chuẩn bị và có được bước khởi đầu ra sao, thưa ông?

- Tiếp sau khi Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”, Tổng cục Du lịch sẽ trình Bộ VHTTDL đề xuất nhiệm vụ xây dựng một số đề án cụ thể để phát triển các khu vực trọng điểm du lịch biển, trước hết là khu vực Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà - Đồ Sơn như ưu tiên để thực hiện tinh thần Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch Di sản Hạ Long với tầm nhìn mới vừa tổ chức tại TP. Hạ Long ngày 24-7-2012 vừa qua. Bốn khu vực kế tiếp, lần lượt là Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né và đảo ngọc Phú Quốc.

Tiếp sau đó, Tổng cục Du lịch cũng dự định sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để xây dựng đề án cụ thể phát triển tour du lịch Trường Sa như lộ trình đã đề xuất trong Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển đến năm 2020”. Bởi theo quan điểm của cá nhân tôi, du lịch tới Trường Sa - địa danh thiêng liêng luôn ngự trị trong trái tim mỗi người dân Việt cần được coi như một loại du lịch đặc thù, không đơn thuần chỉ là sản phẩm du lịch mà còn là cách thức người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước, thông qua một hành trình giáo dục tình yêu đất nước và biển đảo quê hương.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel:Trên thực tế, du lịch biển Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, thậm chí còn thuận lợi và đẹp hơn nhiều so với những thành phố du lịch biển của khu vực như Phuket, Pattaya (Thái-lan)... Tuy nhiên, Nha Trang, Hạ Long và các vùng biển miền Trung Việt Nam dịch vụ du lịch chưa hoàn chỉnh, tính tự phát thể hiện rất cao trên bản đồ du lịch biển nói chung mà lẽ ra Việt Nam phải là số 1 của khu vực về loại hình này. Vào mùa cao điểm, thậm chí cuối tuần các “điểm nóng” như Phú Quốc, Côn Đảo không đủ dịch vụ để cung cấp bao gồm cả hàng không.

TUẤN TÚ (Thực hiện)

Du lịch biển đảo, chiếm gần70% tổng khách du lịch cả nước, hiện đóng vai trò chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Tranh thủ sức mạnh của biển

Việt Nam là nước có tiềm năng biển đảo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 3.260km bờ biển và hơn một triệu km2 mặt biển. Cùng với đó là hơn 2.700 hòn đảo và cụm đảo lớn nhỏ.

Theo Ts. Dư Văn Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu tài nguyên biển và biến đổi khí hậu, Viện nghiên cứu Biển và Hải Đảo, giá trị kinh tế của biển không chỉ nằm ở nguồn lợi hải sản hay trữ lượng dầu khí. Bao đời nay, môi trường biển đảo đã tạo nên nền văn hóa và tín ngưỡng, thể hiện qua các lễ hội truyền thống, ẩm thực, và nghệ thuật dân gian. Lịch sử nước Việt cũng gắn liền với nhiều chiến công chinh phục biển và dựa vào biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Vùng lãnh thổ ven biển còn là nơi tập trung di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, các khu dự trữ sinh quyển, nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên. Toàn bộ chiều dài bờ biển, hệ thống đảo và hệ sinh thái đa dạng chính là lợi thế để Việt Nam trở thành số một trong khu vực về du lịch biển, Ts. Toán đánh giá.

Nước ta có những thuận lợi như thế nào để phát triển du lịch biển, đảo

Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch tổng thể 2020, Việt Nam có 7 vùng du lịch trọng điểm thì có tới 5 vùng liên quan đến biển đảo. Điều này nói lên vị trí đặc biệt quan trọng của du lịch biển đảo. Du lịch biển đảo thực chất còn bao hàm cả du lịch sinh thái và văn hóa.

Phát triển du lịch biển đảo chính là cách khai thác giá trị toàn diện của biển. Du lịch biển không chỉ sinh lời cho chính ngành du lịch, mà còn tạo ra sức lan tỏa rất lớn trong các khu vực dân cư, ngành nghề kinh tế khác, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển và đảm bảo an ninh – quốc phòng.

Vùng ven biển có hàng triệu người dân ở độ tuổi lao động. Du lịch biển đảo tạo công ăn việc làm thông qua sự phát triển các dịch vụ và hoạt động thương mại, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương. Để phục vụ phát triển du lịch, nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường thiên nhiên, biển đảo đã được triển khai, qua đó giảm các hoạt động khai thác hủy diệt môi trường và hệ sinh thái. Phát triển du lịch cũng là cách thu hút người dân tới sinh sống và làm dịch vụ tại các khu vực hẻo lánh. Sự hiện diện dân sự chính là cách tốt nhất để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ông Chung khẳng định.

Phát huy lợi thế bờ biển dài

Nước ta có 125 bãi tắm du lịch trải khắp ba miền. Bãi biển Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong sáu bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Việt Nam còn có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo ông Ngô Hoài Chung, nhằm khai thác thế mạnh biển ban tặng, Việt Nam đã ưu tiên phát triển ba trung tâm du lịch biển cao cấp nhằm thu hút du khách quốc tế và phát triển du lịch hội nghị, hội thảo (MICE). Đó là vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, và Nha Trang. Nhiều bãi biển tiềm năng đã được quy hoạch và đầu tư phát triển, như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Non Nước, Mỹ Khê (Đà Nẵng), vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Nước ta có những thuận lợi như thế nào để phát triển du lịch biển, đảo

Lướt ván buồm quốc tế Fun Cup năm 2017 tại biển Bình Thuận. Ảnh: TTXVN

Lĩnh vực du lịch biển hiện thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, chiếm tới 70% tổng số các dự án du lịch. Có thể thấy khu vực có các dự án đầu tư lớn nhất, với những dòng sản phẩm du lịch sang trọng nhất chính là du lịch biển đảo.

Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều hoạt động giải trí, thể thao trên bờ, mặt nước và dưới biển đã được tổ chức để tăng sức hấp dẫn cho du lịch biển, như chèo thuyền, kéo dù bằng ca-nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển. Điểm nhấn là các dịch vụ dù lượn, khinh khí cầu ở biển Nha Trang, Đà Nẵng, hay máy bay trực thăng ở vịnh Hạ Long. Du lịch biển còn giúp phát triển các thương hiệu sản vật địa phương như: nước mắm Phú Quốc, chả mực Hạ Long, tỏi Lý Sơn, yến sào Nha Trang, mật ong rừng Cát Bà.

Khai thác tiềm năng biển đảo bền vững

Theo Ts. Dư Văn Toán, khí hậu giữa các vùng biển Việt Nam có sự khác biệt đáng kể, tạo nên tính đa dạng sinh học cao. Nước ta có hàng chục kiểu hệ sinh thái điển hình, bao gồm rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Nếu bảo tồn tốt và khai thác hợp lý, các giá trị sinh thái này chính là nguồn lực để phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Tuy nhiên, phát triển du lịch dựa vào các giá trị thiên nhiên thì cần nương theo thiên nhiên. Các dự án phát triển du lịch cần hạn chế đi ngược lại quy luật vận động và sinh tồn của tự nhiên, Ts Toán nhấn mạnh.

TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn Hóa Du Lịch, Đại học Văn Hóa Hà Nội cho biết, du lịch sinh thái biển tuy còn mới nhưng sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Trong điều kiện nguồn lực về tài chính, công nghệ của nước ta còn hạn chế, có thể nói các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm trong khai thác và phát triển du lịch chính là những cánh tay nối dài, giúp Việt Nam định vị du lịch biển đảo. Chỉ thông qua các nhà đầu tư lớn mới phát huy hết tiềm năng và các giá trị gia tăng của biển.

Tuy nhiên, khai thác tiềm năng biển đảo là câu chuyện liên quan tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Do vậy, bên cạnh việc khoanh vùng bảo tồn, Chính phủ cũng cần khoanh vùng đối tượng các nhà đầu tư, các dự án đầu tư, các sản phẩm du lịch và đối tượng du khách phù hợp với từng khu vực nhằm phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, thì ngành du lịch phải có ba tiêu chí: mạnh, chắc và sắc. Thế mạnh về tiềm năng du lịch chúng ta có thừa. Ngành du lịch đang tiến vững chắc những năm qua. Việc còn lại là phải sắc. Tôi luôn cho rằng tương lai của du lịch Việt Nam là du lịch biển đảo, TS Sáu khẳng định.

Theo Thể Thao & Văn hóa