Sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm nói về cuộc chiến ác liệt xảy ra tại đầu

Lazi - Người trợ giúp bài tập về nhà 24/7 của bạn

  • Hỏi 15 triệu học sinh cả nước bất kỳ câu hỏi nào về bài tập
  • Nhận câu trả lời nhanh chóng, chính xác và miễn phí
  • Kết nối với các bạn học sinh giỏi và bạn bè cả nước

- Ông có thể cho biết ông đã đến với cuốn nhật ký này như thế nào?

- Tôi với Đặng Thùy Trâm là bạn học với nhau ở trường cấp III Chu Văn An (Hà Nội) suốt 3 năm từ 1958 đến 1961. Tuy nhiên, từ sau khi người nữ bác sĩ ấy hy sinh, trong hoàn cảnh bận rộn, tôi cũng chỉ có dịp gặp gỡ gia đình được một vài lần. Có điều ngay khi nhận được nhật ký từ Mỹ chuyển về, gia đình có nhớ đến tôi và gọi điện thoại báo cho tôi biết.

Khoảng đầu tháng 5 vừa qua, Đặng Kim Trâm - em của Thùy Trâm đến trao đổi với tôi nhờ gợi ý về việc làm sách. Với các bạn trẻ ở Công ty Nhã Nam là nơi nhận in sách thì tôi lại có quan hệ từ trước. Cả hai (gia đình và Công ty Nhã Nam) đề nghị tôi góp phần chỉnh lý, biên tập, và viết lời giới thiệu để cuốn sách kịp ra mắt trong đợt 27-7 năm nay.

- Cảm tưởng của ông khi gặp lại Thùy Trâm trên trang sách?

- Đó vẫn là một Thùy Trâm nồng nhiệt hồn hậu, rất giàu tình cảm và biết nghĩ tới lý tưởng lớn lao mà chúng tôi biết từ thời đi học. Đọc chị không thấy có những nét bốc đồng giả tạo. Ngược lại đó là con người biết nhìn ra mình, trò chuyện với chính mình, và có khả năng bộc lộ trên trang giấy cái chân thành vốn có trong niềm tin thiêng liêng trong sáng của mình. Đó cũng chính là lý do khiến chị đứng vững trong cuộc chiến đấu và trở nên một anh hùng như chúng ta thấy.

Qua nhật ký Thùy Trâm tôi có cảm tưởng vừa tìm lại cái phần tốt đẹp mà hầu hết thanh niên lớp chúng tôi không nhiều thì ít đều có.

- Trong quá trình biên tập có một việc gì cụ thể mà ông thấy đáng ghi nhớ hơn cả?

- Trong nguyên bản, cuốn nhật ký có ghi ở trang đầu dòng chữ khổ lớn Những ngày rực lửa. Gia đình đã định xuất bản cuốn nhật ký dưới cái tên đó. Tôi thấy Những ngày rực lửa có phần chung chung quá, nên đề nghị gọi bằng cái tên như ta thấy bây giờ và được gia đình chấp nhận.

Thú thực lúc đó trong đầu tôi cũng lởn vởn mấy cuốn khác, từ Nhật ký Lôi Phong bên Tàu tới Nhật ký Anne Frank bên Tây. Đó đều là những cuốn sách còn lại với thời gian.

Qua cái tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm , tôi muốn lưu ý là ở đây chúng ta không chỉ gặp một chiến công mà còn gặp một con người. Đấy cũng là nội dung chính bài giới thiệu tôi viết và được gia đình chấp nhận đặt ở đầu sách.

- Ông có thể cho biết những diễn biến sắp tới chung quanh cuốn nhật ký này?

- Ngoài việc in sách và trích in trên báo chí, các xưởng phim tài liêu T.Ư và phim truyện đang có kế hoạch khai thác Nhật ký Đặng Thùy Trâm và thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình.

Trong khi đó, thì đã có những thư từ giao dịch từ xa gửi tới muốn xin dịch ra tiếng nước ngoài. Trước và sau khi in ra, chung quanh cuốn sách có những chuyện cảm động. Tôi đã đề nghị Kim Trâm lo chuẩn bị một cuốn sách tổng hợp quá trình ra đời, bước đường lưu lạc và số phận hào hùng trong những ngày gần đây mà Nhật ký Đặng Thùy Trâm có được. Nếu biết viết một cách thông minh, theo sát tư duy của người đọc hiện thời, thì đó cũng có thể là một công trình rất hấp dẫn.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tôi ở Quảng Đà nhiều hơn là Quảng Ngãi, nhưng tôi được nghe rất nhiều về Thùy Trâm - cô bác sĩ người Hà Nội phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ. Ai đã từng tham gia chiến tranh đều biết, bệnh xá là nơi ác liệt nhất, cứ trần mình ra để hứng chịu mưa bom mà không thể chuyển đi đâu cả, bởi thế tôi rất kính phục một cô gái mong manh yếu ớt như Thùy Trâm.

Trong bút ký "Đường mòn trên biển Đông" đã được dựng thành phim của tôi, hình ảnh Thùy Trâm cũng xuất hiện qua lời kể của một nhân vật, và đó chính là lý do để tôi được gặp gia đình Thùy Trâm, được tiếp xúc với cuốn nhật ký của cô. Cuốn sách này hiện đang gây xúc động trong dư luận bởi nó là những dòng chữ được viết ra bởi một người anh hùng trong những người anh hùng. Chúng ta tự hào vì đã có một thế hệ thanh niên đẹp đẽ và sống có lý tưởng như Thùy Trâm.

Khi gấp những trang cuối cùng của cuốn sách lại, tôi chỉ có một mong muốn, đó là làm thế nào, qua cuốn nhật ký này, chúng ta sẽ có những thế hệ tiếp sau đây biết sống một cách có lửa như thế.

Nhà thơ Ngô Thế Oanh:

Khoảng 5 năm trở lại đây, có đến mấy cuốn nhật ký của những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua lần lượt được công bố. Cuốn Nhật ký chiến tranh của nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong, cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi của người lính - sinh viên Nguyễn Văn Thạc và bây giờ là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm . Một người bạn của tôi đã đến tận nhà xuất bản để tìm mua một cuốn nhưng anh buồn bã trở về vì kho sách không còn giữ được một bản nào. Có thể nói những cuốn nhật ký chiến tranh của các liệt sĩ chúng ta đã tạo nên một hiện tượng văn hoá đọc đặc biệt. Mỗi tác giả đã ký thác trên từng trang viết cả sinh mệnh thấm máu mình. Mỗi tác giả đều có một cuộc đời thật giản dị nhưng giờ đây trở nên thật kỳ lạ. Cả những cuốn nhật ký không hiểu sao cũng có một số phận thật kỳ lạ. Ở đây có một điều gì đó thuộc về tâm linh, thật thiêng liêng...

Thật an ủi khi chúng ta biết rằng có hàng triệu độc giả đang tìm đọc những cuốn nhật ký vô cùng quý giá này. Nghĩa là máu của những liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc vẫn còn thắm đỏ trong huyết quản của những người đang sống.

Nhà thơ Thanh Thảo:

Qua ký ức của đồng đội, và đọc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm , tôi càng củng cố sâu sắc thêm về lòng cảm phục với nữ bác sĩ trẻ đã sống và hy sinh một cách rất đẹp đẽ này. Chị Thùy Trâm là tấm gương tiêu biểu của người trí thức đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tất cả sự trong sáng của tâm hồn.

Những phẩm chất của chị đã khiến chính những kẻ thù của chị phải khuất phục. Qua từng trang nhật ký đã hiện rõ hơn tâm hồn của một người con gái đẹp đẽ. Những vò xé, day dứt về tình yêu và những quan hệ cuộc sống, rồi nổi lên là nỗi nhớ gia đình khiến chị trở thành một con người rất đặc biệt nhưng cũng rất bình dị.

Trong một bài viết, tôi đã gọi chị là một thiên thần bởi những phẩm chất của chị đã thuyết phục bất cứ ai ở bất cứ chiến tuyến nào. Thùy Trâm viết những dòng nhật ký này là cho riêng mình, nếu chị còn sống thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ được đọc những dòng chữ ấy. Vượt lên trên một cuốn nhật ký thông thường, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành một tác phẩm văn học rất giá trị, rất đặc biệt, rất riêng tư. Và chính bởi những lý do đó mà cuốn sách như một cây cầu nối những giá trị nhân bản mà chúng ta đang hướng đến.

Trang nhật ký có số phận kỳ lạ

"Tôi là Frederic Whitehurst, tôi đã giữ ký ức về chị cô, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ba lăm năm nay. Tôi đã giữ cuốn nhật ký của chị ấy suốt 35 năm... Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, điều này giống như một giấc mơ và khiến tôi bật khóc...".

Frederic Whitehurst - người viết những dòng chữ trên là một sĩ quan quân báo Mỹ tham chiến ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi từ năm 1969-1971. Trong một lần tập kích vào "căn cứ của Việt Cộng", đơn vị của Frederic Whitehurst tiến vào và nhận thấy đây là một bệnh viện nhỏ. Mọi người trong bệnh viện đã vội vã đi khỏi ngay trước khi quân Mỹ ập tới và không kịp mang theo tài liệu.

Khi Frederic Whitehurst đang đốt những tài liệu loại bỏ thì Thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu-thông dịch viên của đơn vị cầm một cuốn sổ nhỏ đến bên cạnh anh và nói: "Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi". Frederic Whitehurst chưa hiểu đó là cuốn sổ gì, nhưng vẻ xúc động của Hiếu và việc anh ta kính trọng đối phương đã tác động mạnh đến anh.

Mở đầu trang nhật ký ghi ngày 8-4-1968: "Mổ một ca ruột thừa trong điều kiện thiếu thuốc nhưng người thương binh trẻ không hề kêu lên một tiếng... Vuốt nhẹ mái tóc anh, mình muốn nói với anh rằng: với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một thầy thuốc...".

Ngày 31-5-1968: "Một cuộc chạy càn quy mô nơi căn cứ, toàn bệnh xá di chuyển, vất vả vô cùng. Lòng mình nao nao thương xót khi nhìn thấy thương binh mồ hôi lấm tấm trên gương mặt còn xanh mướt, ráng sức bước từng bước qua hết đèo lại dốc. Sau này nếu được sống trong hoa thơm nắng đẹp của xã hội chủ nghĩa hãy nhớ và nhớ mãi cảnh này, hãy nhớ sự hy sinh của những người đã đổ máu vì sự nghiệp chung, vì ai mà chúng ta vất vả thế này hở các đồng chí".

Trang nhật ký cuối cùng chị đã ghi lại: "Hôm nay gạo chỉ còn ăn một bữa chiều nữa là hết. Không thể ngồi nhìn thương binh đói được... Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng sao lúc này đây mình thấy thèm khát vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra đây là bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khó trước mắt" .

Nhật ký chấm dứt ngày 26-6-1970. Hai ngày sau bác sĩ Thùy Trâm hy sinh. Mãi mấy tháng sau gia đình mới biết tin dữ. Hôm đó là một ngày đầu đông.

“....Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh.......”

               (Trích trong bài “ Khoảng trời, hố bom”)

Nhân ngày Sách Việt Nam, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc hình ảnh một nữ chiến sĩ - một bác sĩ – một con người sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, đó chính là nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Vào tháng 6-1970, sau một trận càn của lính Mỹ vào một căn cứ của ta chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi), trong đống chiến lợi phẩm có một cuốn nhật ký của người nữ chiến sĩ vừa hy sinh. Fredric - một lính Mỹ, đã định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thì người phiên dịch đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã dừng tay trước quyển sổ dầy chữ ấy. Và sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ

Chủ nhân của cuốn nhật ký chính là liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.  Chị sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năng 1996, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường Quảng Ngãi. Ở đó chị được phân công phụ trách một bệnh viện Huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Trong vai trò là một nữ bác sĩ chị luôn yêu thương mọi người, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, chăm sóc thương binh hết lòng. Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi.

Cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” được in trên khổ giấy 14x20cm và dày 290 trang. Sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Bìa sách được trang trí  mà đơn giản. Với gam màu xanh pha mộc mạc, từng câu chữ tiêu đề như thêm nổi bật. Không phối nhiều màu sắc sặc sỡ, nhưng khiến đọc giả chú ý bởi chân dung một nữ chiến sĩ-bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngay chính giữa bìa sách.Và cuốn sách đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng và số phận kì lạ của cuốn nhật ký.

Cuốn nhật ký gồm hai phần chính:

Phần I : Những ngày rực lửa.

Phần II : Những tư liệu ảnh.

Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật ký mộc mạc, chân thành Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật ký của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Chị trăn trở băn khoăn: “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi đáng nhớ nhiều hơn nữa”….

Không những thế,những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà giờ đây lại phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Mở đầu trang nhật ký chị đã viết: “Đời người phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ? Có dễ dàng gì đâu khi công việc tại bệnh xá luôn căng thẳng đón từng đợt thương binh từ chiến trường cam go? Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi phải chứng kiến biết bao cái chết.

Các bạn thân mến! Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la đó là “tình người”. Phải chăng trong lửa đạn ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn. Trước những số phận như Bốn, Khiêm, Đường…và rất nhiều bệnh nhân không ghi tên khác, người bác sĩ trẻ ấy luôn tìm được sợi dây đồng cảm sâu xa.

Cuốn nhật ký được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Với gần 300 trang sách, Nhật Ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với mảnh đất Hà Thành thân yêu. Những lời tâm sự cứ tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm vào tâm khảm của từng bạn đọc như lời thiết tha chân tình chạm đến mọi trái tim. Đi qua những trang sách ta như thấy mình đi qua trái tim của cả một lớp thanh niên thời đại- những con người giàu tình cảm ấy luôn cháy trong mình lòng yêu quê hương đất nước. Những con người phi thường ấy vẫn cao lớn mà sao trở nên thân thương, gần gũi và đáng mến quá đỗi. Từng câu từng chữ đều có sức tác động mạnh mẽ đến tiềm thức của lớp thanh niên thời bình phải làm sao cho xứng với cha ông ngày trước.

Hãy tìm ngay cho mình cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm’’. Hãy đắm mình trong từng dòng tâm trạng của Đặng Thùy Trâm, ta sẽ hiểu đất nước lớn lên từ những con người như thế. Để rồi chúng ta trân trọng, biết ơn và sống có ước mơ, hoài bảo.

Nguyễn Thị Minh Chi - Học sinh Lớp 11B1, trường THPT Hướng Phùng

Video liên quan

Chủ đề