So sánh Đạo giáo và Nho giáo

Văn hóa Tam giáo Nho - Phật - Đạo là bộ phận tổ thành văn hóa truyền thống Á Đông, về các phương diện đối nhân xử thế, tiêu chuẩn làm người và thế giới quan. Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều có nội hàm khác nhau...

  • Mạn đàm về quan hệ văn hóa giữa Nho gia và Đạo gia

Sự khác biệt về tôn chỉ văn hóa 

Nho gia tích cực tiến thủ, Đạo gia thuận theo tự nhiên, Phật gia vô tư cống hiến (Nho giáo).

Điều Nho gia coi trọng là: con người cần phải nỗ lực hoàn thiện bản thân, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tích cực nhập thế, trở thành một người hữu ích đối với xã hội. 

Cái mà Đạo gia coi trọng là: nước nhỏ dân ít, vô vi nhi trị, con người cần phải tôn trọng Trời Đất, tự nhiên, không được chà đạp tự nhiên, cần thuận theo tự nhiên. 

Điều Phật gia coi trọng là từ bi và bao dung. Phật gia giảng "Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục". Con người cần vô tư cống hiến, tích cực hành thiện, đời sau mới có phúc báo.

Sự khác biệt về tiêu chuẩn làm người

Văn hóa Nho gia giảng: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thứ, trung, hiếu, đễ (Nho giáo).

Văn hóa Đạo gia giảng: Lĩnh ngộ Đạo pháp, xem nhẹ danh lợi.

Văn hóa Phật gia giảng: Các việc ác chớ làm, các việc thiện dốc sức làm.

Nho gia tích cực nhập thế, do đó trọng điểm là tu thân và xử lý các mối quan hệ giữa người với người, yêu cầu con người cần theo 9 tiêu chuẩn như có lòng nhân ái, đối xử với người khác cần có lễ nghi phép tắc, giữ chữ tín với bạn bè, hiếu thuận với cha mẹ, trung thành với quân chủ…

So sánh Đạo giáo và Nho giáo
Nho gia tích cực nhập thế, do đó trọng điểm là tu thân và xử lý các mối quan hệ giữa người với người. (Ảnh: Wikipedia)

Đạo gia cho rằng: cuộc sống hiện thực không quá quan trọng mà lĩnh ngộ Đại Đạo của Trời Đất mới là việc chính, "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam", thế giới vạn vật đều do Đạo sinh ra, chỉ có lĩnh ngộ được Đạo thì mới có thể làm được "thiên hạ không ai tranh cùng", mới có thể làm được thuận theo tự nhiên, không trái với tự nhiên. Còn ở tu luyện cá nhân thì xem nhẹ danh lợi, tu tâm tĩnh tâm.

Phật gia đề xướng nhân quả luân hồi, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Do đó con người cần phải làm nhiều việc thiện, tích nhiều nhân thiện thì mới có được nhiều quả thiện, nhiều thiện báo.

Sự khác biệt về nhân sinh quan

Văn hóa Nho gia: Tích cực tiến thủ, kiến công lập nghiệp (Nho giáo).

Văn hóa Đạo gia: Thuận theo tự nhiên, tự hoàn thiện bản thân.

Văn hóa Phật gia: Từ bi yêu thương chúng sinh, vô tư cống hiến.

Trong văn hóa Nho gia, Khổng Tử nói: "Tam thập nhi lập". Con người cần thành gia lập nghiệp ở tuổi 30, có tài năng để tạo dựng chỗ đứng trong xã hội.

Đạo gia coi trọng nhìn vào nội tâm bản thân, con người lĩnh ngộ Đạo pháp của Trời Đất mới là viên mãn lớn nhất, còn công danh sự nghiệp như thế nào thì phải xem duyên phận, thuận theo tự nhiên. Nắm được Pháp độ của Đạo, hoàn thiện bản thân mới là quan trọng nhất. 

Văn hóa Phật gia giảng luân hồi báo ứng, con người cần dùng từ bi độ nhân, vô tư cống hiến thì mới có thể tu thành viên mãn.

So sánh Đạo giáo và Nho giáo
Văn hóa Phật gia giảng luân hồi báo ứng, con người cần dùng từ bi độ nhân. (Ảnh: Pexels)

Sự khác biệt về thế giới quan

Văn hóa Nho gia: Thế giới quan là vũ đài triển hiện tài hoa (Nho giáo).

Văn hóa Đạo gia: Thiên nhiên là môi trường mà nhân loại dựa vào đó để sinh tồn, cần coi trọng quy luật tự nhiên.

Văn hóa Phật gia: Tướng do tâm sinh, trong tâm là thế giới.

Đối với Nho gia mà nói, thế giới là nơi để mỗi người triển hiện năng lực của mình, do đó họ chủ trương "hữu giáo vô loại" (giáo dục không phân biệt tầng lớp, xuất thân), những mong tất cả mọi người đều có tri thức để triển hiện tài hoa của mình trong thế giới.

Đối với Đạo gia mà nói, con người không thể mù quáng làm bừa, thiên nhiên rất uy lực, trái với quy luật tự nhiên sẽ bị trừng phạt, do đó con người cần phải coi trọng tự nhiên, thuận theo tự nhiên, không được gắng gượng dùng sức người phá hoại sự cân bằng tự nhiên.

Văn hóa Phật gia chủ trương là "mỗi bông hoa là một thế giới, mỗi gốc cây là một cội bồ đề". Vạn sự vạn vật đều có thế giới nội tâm, một người có tham - sân - si trong tâm mà không diệt thì thế giới mà anh ta trông thấy chỉ là cuộc đấu tranh tàn nhẫn, còn nếu trong tâm thuần tịnh, an lành, yên tĩnh, thì thế giới mà người đó nhìn thấy chính là thuần tịnh.

Sự khác biệt của giá trị quan

Văn hóa Nho gia: Không ngừng nâng cao bản thân, thực hiện giá trị nhân sinh, thúc đẩy sự hài hòa của xã hội (Nho giáo).

Văn hóa Đạo gia: Dùng Đạo tự nhiên, dưỡng thân tự nhiên, thúc đẩy sự hài hòa giữa tự nhiên và thân - tâm.

Văn hóa Phật gia: Trong quá trình hiến tặng tâm yêu thương cho người khác, trong khi thực hiện giá trị nhân sinh quan, thế giới quan thì đồng thời nâng cao tài năng và đạo đức bản thân, sáng tạo ra thế giới tốt đẹp hơn, khiến con người trong toàn xã hội có thể an cư lạc nghiệp. Đó là sứ mệnh và lý tưởng bất biến của họ.

So sánh Đạo giáo và Nho giáo
Văn hóa Đạo gia cho rằng, con người không nên quá coi trọng công danh lợi lộc, nên dưỡng tâm dưỡng thân, giới bỏ tham dục. (Ảnh: Wikipedia)

Văn hóa Đạo gia cho rằng, con người không nên quá coi trọng công danh lợi lộc, nên dưỡng tâm dưỡng thân, giới bỏ tham dục. Họ không cho rằng giá trị xã hội mới là giá trị cuối cùng, mà sự hài hòa của bản thân còn quan trọng hơn kiến công lập nghiệp.

Trong văn hóa Phật gia, từ bi là vĩnh hằng, trong quá trình cống hiến vì người khác, thì đó là hạnh phúc nhất, tinh thần con người sẽ được tôi luyện và thăng hoa ở mức độ lớn nhất.

Sự khác biệt về khuynh hướng triết học

Văn hóa Nho gia: Triết học nhập thế.

Văn hóa Đạo gia: Triết học xuất thế.

Văn hóa Phật gia: Dùng tư tưởng xuất thế làm những việc nhập thế.

Nho gia khích lệ con người nỗ lực nhập thế, nâng cao bản thân, tích cực vươn lên, thích ứng tốt hơn đối với cuộc sống và xã hội, cống hiến cho xã hội. 

Đạo gia chủ yếu là triết học xuất thế, quốc gia hữu Đạo thì ra làm quan, vô Đạo thì ẩn cư. Họ coi nhẹ danh lợi, siêu phàm thoát tục, đó chính là một phương thức xử thế của trí thức xưa. 

Phật gia một mặt cho rằng "vạn Pháp giai không" (mọi Pháp đều là không), nhìn thấu cái hư vô của thế gian. Tuy nhiên họ cũng chủ trương nhập thế tu hành, vô tư cống hiến. Bởi vậy, tuy họ có tinh thần xuất thế nhưng lại làm những việc nhập thế.

So sánh Đạo giáo và Nho giáo
Phật gia một mặt cho rằng "vạn Pháp giai không" (mọi Pháp đều là không), nhìn thấu cái hư vô của thế gian. (Ảnh: Pixabay)

Sự khác biệt về món ăn vật chất và món ăn tinh thần

Văn hóa Nho gia: Là thực phẩm chính, không ăn thì sẽ đói (Nho giáo).

Văn hóa Đạo gia: Là thực phẩm phụ, không ăn thì không nếm được hương vị.

Văn hóa Phật gia: Là trái cây, không ăn thì không nếm được ngọt ngào.

Nho gia như thực phẩm chính, không ăn sẽ đói. Trong hành trình nhân sinh, sự tích cực tiến thủ của Nho gia chiếm phần lớn, chỉ cần bạn sống trong quần thể con người thì không thể tránh khỏi sống cuộc sống thế tục. Thế nên cần làm theo yêu cầu của Nho gia thì sẽ nhận được sự giúp đỡ thiết thực. 

Đạo gia phản đối con người chỉ biết kiến công lập nghiệp. Nếu không biết dừng lại thì cả cuộc đời con người không có sắc thái. Không nên chỉ biết chăm chú dốc sức mong cầu, cần biết cách dừng lại, giữ lại khoảng trống. Biết dừng lại để lắng nghe tiếng nói của nội tâm, biết cách thưởng thức thiên nhiên, thưởng thức nghệ thuật, như vậy có thể cải thiện tâm thái, nâng cao chỉ số hạnh phúc. 

Con người sẽ đi đến bước cuối cùng của cuộc đời, sẽ trải qua một kiếp cuối cùng. Phật gia sẽ giúp bạn nhìn rõ nó, để bạn không phải chịu nỗi lo lắng sợ hãi. Buông bỏ tư dục, phá trừ chấp trước tự ngã, vui với việc cống hiến, thế thì cuộc đời tự nhiên sẽ càng thêm ngọt ngào.

Trung Hòa

Theo Secretchina

Xem thêm:

Mục lục bài viết

  • 1. Mở đầu vấn đề
  • 2. Giới thiệu nho giáo
  • 3. Đặc điểm nho giáo
  • 4. Phân tích nho giáo, sự hình thành và phát triển của nó
  • 5. Tình trạng hòa đồng của Nho giáo với Phật giáo và Đạo giáo

1. Mở đầu vấn đề

Ba học thuyết tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần ở Việt Nam trước đây chính là ba học thuyết tôn giáo: Nho, Phật, và Đạo, chúng ta thường gọi là Tam giáo.

Theo đó, Nho và Đạo giáo ra đời ở Trung Quốc, từ đó trực tiếp truyền vào nước ta. Còn Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, đầu tiên theo đường biển phía Nam, sau theo cả đường bộ phía Tây mà vào, từ rất sớm Luy Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc) đã thành một trung tâm Phật giáo lớn, nhưng từ thế kỷ thứ VII lại gắn bó chặt chẽ với Phật giáo Trung Quốc chuyển theo xu hướng Thiền tông, kết hợp với nhiều yếu tố Tĩnh độ và Mật giáo. Tam giáo cùng tồn tại, ít xung khắc mà thường khi lại kết hợp với nhau. Trong đó Nho giáo giữ địa vị chi phối nhiều mặt.

Khi nói đến “Hội nhập tam giáo” - nó là một xu hướng mạnh của tư tưởng Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Theo đó, các tầng lớp trí thức Nho học, lực lượng hộ trì tư tưởng Nho gia thời kỳ này có những hoạt động thực tiễn và thảo luận tư tưởng có phần xa rời tinh thần của Nho gia chính thống, dung hợp Phật Đạo.

2. Giới thiệu nho giáo

Nho giáo được xem là hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến xã hội Việt Nam, là nền tảng đạo đức giáo dục con người, đóng góp to lớn vào việc tổ chức nhà nước, duy trì trật tự xã hội, phát triển kinh tế, sáng tác văn học trong các triều đại quân chủ như Nhà Lý, Nhà Trần, Nhà Lê, Nhà Nguyễn, trong suốt chiều dài lịch sử phù hợp và dung hòa với đời sống người Việt hình thành nền Nho giáo bản sắc Việt Nam nôm na gọi là Việt Nho ...

Sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với Việt Nam sâu sắc là nền tảng của nền văn minh tại Việt Nam và xếp Việt Nam vào các nước ảnh hưởng nền Văn minh Trung Hoa gọi là Vùng văn hóa Đông Á. Nho giáo từng bước định hình lối sống, sinh hoạt, đạo đức, đối nhân xử thế trong xã hội Việt Nam. Một số tư tưởng của Nho giáo vẫn đóng vai trò trong trật tự xã hội Việt Nam tới ngày nay. Những khía cạnh suồng sã và tiêu cực của chủ nghĩa vật chất và tư tưởng hưởng thụ được cho là xung đột với Nho giáo và làm xuống cấp đạo đức người Việt Nam ngày nay.

3. Đặc điểm nho giáo

- Nội dung học tập, Nho giáo chỉ nói đến "trí dục" và "đức dục" mà không xét đến mặt "thể dục" là mặt cũng rất cần cho sự phát triển toàn diện con người. Những kiến thức về giới tự nhiên và về sản xuất vật chất không được Nho giáo đề cập (bởi ở thời của Khổng Tử, khoa học kỹ thuật và nền sản xuất chưa phát triển). Do vậy, người học tuy thấm nhuần tư tưởng Nho học về đạo đức, tinh thông cổ văn, nhưng kiến thức về khoa học tự nhiên, sản xuất thực tiễn thì lại không phát triển.

Cả hai mặt tiến bộ và hạn chế của Nho giáo đều để lại dấu ấn trên Nho sĩ. Khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây mạnh về khoa học kỹ thuật, nếu người xuất thân Nho học biết tiếp thu những kiến thức khoa học và sản xuất thì sẽ khắc phục được mặt hạn chế, trở nên "Vừa có tài vừa có đức", ngược lại nếu tiếp thu không có chọn lọc thì không những không khắc phục được hạn chế mà những giá trị đạo đức của nền Nho học cũng bị đánh mất.

Bên cạnh đó, nhược điểm nghiêm trọng hơn nữa là Nho giáo Việt Nam thiếu sự xuất hiện các trường phái học thuật nên vận động trong sự đơn điệu và một chiều, chứ không được phong phú và đa dạng như Nho giáo nước khác, như Nho giáo của Trung Quốc. Nho giáo Việt Nam thiếu sự vận động bên trong, thiếu sự phản tỉnh nên trì trệ.

Đa số nhà Nho Việt Nam chỉ đặt cho mình mục đích học là để đi thi, thi đỗ thì ra làm quan để được giàu sang, sung sướng. Đạt được mục đích đó thì xem như việc học tập đã kết thúc. Ít người có chí cao xa, như học để tham gia tranh luận những vấn đề mang tầm khu vực, học để kinh bang tế thế hoặc để phát triển văn hoá, đạt đến những tầm cao tư tưởng. Cũng có một số Nho sĩ quan tâm đến học thuật, nhưng thường là các vấn đề chính trị và đạo đức, ít bàn đến vấn đề siêu hình, một lĩnh vực thuần túy triết học làm nền tảng cho khả năng nhận thức sâu sắc thế giới và hành động sáng tạo. Thậm chí, họ còn biến những vấn đề siêu hình thành cái thực tế, thực dụng. Vì học tập và tư duy như thế nên họ ít có cống hiến to lớn trong lĩnh vực học thuật có thể so sánh với các nước khác cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nền giáo dục Nho giáo Việt Nam chỉ sản sinh ra được một tầng lớp quan lại có nền tảng Nho học còn các loại hình trí thức then chốt của một tầng lớp trí thức thực thụ thì xuất hiện thưa thớt, mờ nhạt, hoặc hoàn toàn vắng bóng trong một số lĩnh vực như triết học.

4. Phân tích nho giáo, sự hình thành và phát triển của nó

Có một số bằng chứng cho thấy Nho giáo được truyền vào thế kỷ 1 trước công nguyên (TCN) khi ở Trung Quốc nhà Tây Hán đã đánh bại tập đoàn phong kiến họ Triệu và giành lấy quyền thống trị và cho lập 3 quận tại Bắc Bộ, tuy nhiên tầm ảnh hưởng Nho giáo còn rất hạn chế. Việc phổ biến Nho giáo được nhà Tây Hán xem là hành động giáo hóa, khai minh cho các bộ tộc man rợ bị chinh phục. Nho giáo được du nhập vào Việt Nam song song với chữ Hán dần Hán hóa ngôn ngữ của người Việt làm nền tảng cho việc tiếp thu những tri thức về xã hội và tự nhiên, văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học từ người Trung Hoa cổ đại.

Đầu tiên, Nho giáo do Khổng Tử (551-479 tr. C.N.) mở đầu. Cũng giống tình hình chung ở các nước Đông Á khác, chi phái Nho giáo có ảnh hưởng lớn là chi phái của Mạnh Tử (372-289 tr.C.N). Nho giáo vì vậy cũng gọi là học thuyết Khổng Mạnh. Từ thế kỷ thứ II đời Hán tư tưởng Khổng Mạnh đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhưng mãi đến thế kỷ XIV-XV, nó mới có ảnh hưởng lớn.

Nho giáo là một học thuyết đạo đức-chính trị, cụ thể Nho giáo khuyên con người không nên lo nghĩ, bàn bạc về những chuyện cao xa ở kiếp sau, ở thế giới bên kia, mà nên quan tâm đến sự sống, đến cuộc đời hiện thế.

Nho giáo chủ trương con người có trách nhiệm, thương yêu con người và vì đời, cứu đời. Mối lo lắng của họ là xã hội loạn ly do con người tham lam, chạy theo dục vọng gây ra tranh giành, kiện tụng, chiến tranh. Phương sách cứu đời của Nho giáo là xây dựng một xã hội hòa mục, ổn định, trật tự giống như một gia đình êm ấm cha từ, con hiền, anh em, vợ chồng thuận hòa, trên thương dưới và dưới nghe trên. Trật tự trên dưới thuận hòa như vậy, theo Nho giáo là biểu hiện của Đạo lý trong trời đất. Cho nên không chỉ cần làm cho trật tự đó ngự trị trong gia đình mà còn cần cho nó ngự trị cả trong xã hội, trong quan hệ giữa mọi người, trong quan hệ với nhà nước. Trong phạm vi xã hội trật tự trên dưới được thiết lập theo quan hệ họ hàng thân sơ, theo tuổi tác lớn nhỏ, theo tước vị cao thấp. Đứng đầu mọi dãy trật tự là thiên tử. Thiên tử hay hoàng đế vừa là chúa, vừa là cha, là thầy của mọi người. Thiên tử hay vua đối với dân cũng như cha đối với con, có trách nhiệm thương yêu, chăm lo nuôi nấng, dạy dỗ. Mà dân đối với vua cũng như con đối với cha, có trách nhiệm thương yêu, phục tùng, biết ơn và lo báo đáp với tấm lòng trung nghĩa. Làm cơ sở cho xã hội tốt đẹp là những gia đình êm ấm, là làng nước có trật tự trên dưới phân minh, là quốc gia thống nhất vào ngôi vua chính thống. Vua sắp xếp cho thần dân mỗi người có phận vị rõ ràng và thần dân theo phận vị mà sống, ăn mặc nói năng, hành động theo lễ quy định.

=> Để đạt đến một xã hội lý tưởng như vừa kể ở trên, mọi người từ thiên tử đến dân thường đều phải lo tu dưỡng đạo đức. Nhà nước phải quan tâm hàng đầu đến việc giáo hóa, dạy dỗ cho mọi người sống theo đạo đức nhân nghĩa, trung hiếu, lễ nhượng, yên phận, yên mệnh. Trị nước, trị dân tức là công việc của người làm vua, làm quan, theo Nho giáo, chính là công việc của kẻ làm cha mẹ dân: tu thân và treo gương, thương yêu và chăm lo cho dân, giáo hóa cho dân giữ cương thường, đặt lên hàng đầu việc dùng đức, dùng lễ nhạc để giáo hóa chứ không phải dùng pháp luật, thưởng phạt để cưỡng chế.

Khi nói đến sự tác động của Nho giáo đến chủ trương xây dựng một đất nước thì có thẻ thấy Nho giáo chủ trương xây dựng một đất nước thống nhất, một chính quyền tập trung, một xã hội trật tự từ xóm làng đến triều đình.

Cụ thể như các triều đại phong kiến Việt Nam sau những chiến thắng oanh liệt đối với quân Tống (thế kỷ XI), quân Nguyên (thế kỷ XIII), quân Minh (thế kỷ XV) đứng trước lãnh thổ rộng lớn thu về trong tay với nền độc lập vững vàng và trước nhiệm vụ sẵn sàng chống ngoại xâm từ Trung Quốc ở phương Bắc và cả từ Chiêm Thành ở phương Nam, đều có ý thức lựa chọn Nho giáo làm quốc giáo. Từ đời Lý đã lập Văn Miếu, lập Quốc tử giám (1070) tổ chức thi cử (1076) mở đầu cho việc để cao Nho giáo, tổ chức giáo dục và khoa cử theo Nho học.

Từ đó về sau, Nho học càng ngày càng phát đạt. Những người theo Nho học, đậu đạt trong các kỳ thi được giao cho nắm giữ hầu hết các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Nhất là từ thế kỷ XV, khi Nho giáo thành độc tôn, khoa thi mở đều đặn, người đi học càng ngày càng đông từ kinh đô cho đến tận thôn xóm hẻo lánh. Chỉ tính cho đến cuối thế kỷ XVIII đã có 2335 người đậu Tiến sỹ, trong đó có 30 Trạng nguyên, chỉ hơn 30 năm thời Lê Thánh Tông đã có đến 501 Tiến sỹ, 9 Trạng Nguyên. Nho giáo được lựa chọn vì lý do chính trị và phát triển sâu rộng nhờ chế độ giáo dục và khoa cử của nhà nước. Nho học chiếm lĩnh đời sống tinh thần. Tư tưởng Khổng Mạnh, kinh truyện Nho giáo, theo cách chú giải của Chu Hy (1130-1200) được sùng bái, coi là chuẩn mực của mọi tư duy, ngôn luận và hoạt động học thuật, nghệ thuật. Tuy Nho học thịnh vượng, có nhiều nhà nho và nhiều danh nho như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ trường Toản… nhưng nhà nho Việt Nam thường không câu nệ mù quáng theo lý thuyết Nho giáo. Không ai chuyên về tư tưởng triết học hay nghĩa lý Kinh học. Cả các danh nho cũng là những nhà thơ, họ viết văn, viết sử, dạy học. Về cách sống cách suy nghĩ họ gần với các nhà nho nghệ sỹ như Hàn Dũ, Tô Đông Pha hơn là với các nhà tư tưởng như Chu Hy, Đổng Trọng Thư. Cốt cách nghệ sỹ đó làm đa số nhà nho Việt Nam dễ tiếp nhận tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Đạo gia là những học thuyết giúp họ sống tự do tự tại, phóng khoáng hòa với thiên nhiên, gần gũi nhân dân thôn xóm. Trong triết lý sống họ có thích thú Lão Trang và Phật thì cũng rất ít người trong đám trí thức đó có hứng thú với triết lý giải thoát, xuất thế của Phật, Đạo.

Thái độ hòa đồng, khoan dung, ít câu nệ về tư tưởng, tôn giáo như vậy cũng lại biểu hiện trong nhân dân nhưng theo một cách khác. Người Việt Nam thờ cúng tổ tiên, ứng xử trong các quan hệ với gia đình, họ hàng, xóm giềng, với vua quan theo những chuẩn mực lễ nghĩa Nho giáo. Nhưng họ cũng thờ Phật, thờ Thần, cầu cúng ở đạo quán. Nói chung họ sống theo quan niệm thương người, làm việc thiện, tôn trọng kỷ cương. Có chăm lo làm việc thiện, cứu giúp người thì cũng không phải để thành Phật, thành Tiên gì.

5. Tình trạng hòa đồng của Nho giáo với Phật giáo và Đạo giáo

Giữa ba học thuyết tôn giáo, đó là: Nho giáo; Phật giáo; và Đạo giáo - chúngđều có ảnh hưởngít nhiều, chúng có khác nhau theo từng vùng, từng tầng lớp xã hội, Nho giáo bám chắc vào cơ chế chính trị-xã hội, vào chế độ giáo dục khoa cử, vào từng lớp trí thức làm chủ học thuật văn hóa nên có ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Do ảnh hưởng Nho giáo, một mặt nhà nước phong kiến Việt Nam đã quan tâm nhiều đến mở mang giáo dục, chú ý đào tạo nhân tài, sưu tầm và biên soạn sử sách; mặt khác nhân dân vì vậy cũng trở thành hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng văn hóa, cả hai phía góp phần làm cho nước ta thành nước có văn hiến sớm hơn nhiều nước khác. Với nền kinh tế nông nghiệp, với cuộc sống định cư thành làng họ, Nho giáo cũng góp phần củng cố trật tự xã hội, củng cố tình làng nghĩa xóm và khi gặp nạn nước, nhiều người vì nghĩa khí mà chiến đấu hy sinh anh hùng. Tinh thần sùng thượng đạo đức nhân nghĩa, hòa với truyền thống nhân ái, hòa đồng đi từ Phật giáo góp phần giáo dục làm cho con người bớt tàn bạo. Mặt khác Nho giáo cũng dạy người ta thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần chính trực bảo quốc hộ dân mà chống thờ cúng nhảm nhí. Tuy vậy, Nho giáo đề cao văn hiến lễ nhạc, đề cao việc học nhưng chỉ học văn và sử, coi thường khoa học kỹ thuật. Về sau gắn với chế độ khoa cử, việc học tuy mở rộng nhiều nhưng lại kinh viện, từ chương và nhằm kiếm chác danh vị. Lối giáo dục của Nho giáo không làm cho con người thích tự do, tự lập tự cường, sống dựa vào nghề nghiệp mà thích quấn quýt lấy gia đình, họ hàng, thích sống bằng danh vị, chờ đợi ơn trên. Sống êm ấm, hòa mục, trật tự, ổn định không phải không có mặt hấp dẫn. Nhưng sống như vậy cũng đòi hỏi giữ yên, ít xáo trộn, nhân nhượng và nghe theo bề trên, không dễ chấp nhận cải cách để tiến bộ, không dễ chấp nhận dân chủ. Nho giáo không thể thích hợp với xã hội hiện đại.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).