So sánh hội nhập kinh tế quốc tế với hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN THỊ MINH TÚ

Bối cảnh quốc tế

Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt. Toàn cầu hóa - hội nhập và xu thế dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu và dịch chuyển các dòng đầu tư quốc tế, sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường.

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới.

KH&CN, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. KH&CN và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số làm thay đổi phương thức QLNN, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí trọng yếu trên thế giới, tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, song tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên. Tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp.

Thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tri thức được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực phát triển hàng đầu đối với mọi quốc gia. Để phát triển bền vững, các quốc gia phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra các sản phẩm và công nghệ sản xuất mới.

Những xu thế phát triển KH&CN toàn cầu

- Xu hướng liên kết, hợp tác và phân công lao động quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày càng tăng: Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phép các quốc gia khai thác được những thành quả nghiên cứu mới về khoa học và công nghệ của thế giới, tận dụng được vốn, công nghệ, nhân lực và để phát huy lợi thế so sánh của mình trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các hoạt động khoa học và công nghệ đang có xu hướng chuyển từ cá nhân sang nhóm, từ quốc gia sang quốc tế.

- Xu hướng hướng vào những lĩnh vực khoa học và công nghệ mới gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư như các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ nano, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D.... được ứng dụng vào trong các ngành kinh tế làm thay đổi bản chất, phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị đặt ra những yêu cầu mới đối với các quốc gia.

- Xu hướng gia tăng và chuyển dịch đầu tư cho khoa học và công nghệ trên thế giới: Đầu tư cho khoa học và công nghệ của các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã tăng lên đáng kể và trở thành lĩnh vực đầu tư trọng điểm của các quốc gia.

- Xu hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thống nhất theo các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong các hoạt động khoa học và công nghệ. Điều này buộc các nước và các chủ thể khi tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế phải tuân thủ những quy định, khuôn khổ, chế độ và tiêu chuẩn quốc tế trong các hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết.

- Xu hướng tự do hoá các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế.

Như vậy, xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay tiếp tục khẳng định tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là việc sản xuất ra các sản phẩm khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, mang lại giá trị lớn.

Những vấn đề đặt ra đối với khoa học và công nghệ của Việt Nam trước xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay

- Cơ hội: (1) Cơ hội tham gia, hợp tác trong các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu. Trong xu hướng phát triển khoa học và công nghệ thế giới, sân chơi toàn cầu bình đẳng hơn, liên kết ngang mạnh hơn. Các quốc gia, công ty đều có thể tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng, nếu có đủ năng lực. (2) Cơ hội tiếp cận được với các nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ, nhân lực..., từ đó có thêm nguồn lực để mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. (3) Cơ hội gia tăng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Xu thế phát triển mới buộc các doanh nghiệp luôn luôn đổi mới, số doanh nghiệp mới dựa vào sáng chế, công nghệ mới, nhất là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng lên nhanh. Các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải cạnh tranh theo phương thức mới là tạo ra những sản phẩm cá biệt, độc đáo cho một thị trường ngách trên cơ sở nắm vững một bí quyết công nghệ để có thể tham gia mạnh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. (4) Cơ hội hoàn thiện thể chế đầy đủ cho việc phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam theo thông lệ và quy định quốc tế.

- Thách thức: (1) Tiếp nhận những sản phẩm khoa học và công nghệ lạc hậu. (2) Tình trạng chảy máu chất xám sang các nước khác: hầu hết các nước đều có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà khoa học tài năng làm việc cho họ. Do vậy, nếu không có chính sách trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao thì sẽ có hiện tượng di chuyển nhân lực này sang nước ngoài, làm giảm năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam. (3) Thách thức đối với nhà nước trong việc quản lý và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ. Trong xu thế hoạt động khoa học và công nghệ được mở rộng ở phạm vi quốc tế, khoảng cách về không gian, thời gian giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt, các hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện với số lượng lớn, tốc độ nhanh, đồng thời có sự tham gia của các yếu tố quốc tế. Vì vậy, đặt ra những vấn đề phức tạp đối với nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát, can thiệp và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ ở tầm vĩ mô. 

Đối với Nghệ An với bối cảnh quốc tế, xu hướng KH&CN toàn cầu và những vấn đề đặt ra KH&CN Việt Nam sẽ tác động đến hợp tác quốc tế của tỉnh nói chung và KH&CN nói riêng. Tỉnh Nghệ An nằm ở  khu vực Bắc Trung bộ, là trung tâm của khu vực Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam, có lợi thế về kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trong tương lai là điểm trung chuyển quan trọng, là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Đông Bắc, Thái Lan - Lào - Myanma - Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý trong công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Tuy nhiên, trình độ phát triển mọi mặt tỉnh Nghệ An còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực và thế giới; kinh tế phát triển chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh còn yếu so với doanh nghiệp và sản phẩm của các nước trên thế giới.

Trong thời gian vừa qua, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN mới triển khai một số hoạt động như: Đẩy mạnh chương trình phát triển tài sản trí tuệ, để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, các nhãn hiệu cho các sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu. Hợp tác quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học CHLB Đức và trong nước nghiên cứu tách chiết thành công Chloropyll và điều chế dẫn xuất Chlorin E6 Trimythylester và Chlorin E6 Monomethylester từ tảo Spirulina là hợp chất quan trọng, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong y học và công nghệ (Công ty CP Khoa học Xanh Hidumi Pharma hợp tác quốc tế các chuyên gia CHLB Đức thực hiện từ nguồn tài trợ IDA của Dự án FIRST theo phương thức đối ứng). Cử cán bộ tham dự Hội nghị Kinh doanh châu Á tổ chức tại Nhật Bản; Tổ chức đoàn tham dự Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào tại Thủ đô Vientiane; Cử cán bộ tham gia đoàn công tác của Bộ KH&CN đi Nhật Bản để bồi dưỡng ngắn hạn về chính sách của Nhật Bản quản lý và phát triển nguồn nhân lực KH&CN… Mời các quỹ đầu tư nước ngoài và tổ chức VSV triển khai các hoạt động liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các cuộc kết nối cung cầu với các chuyên gia trong và ngoài nước. Tổ chức thẩm định công nghệ của một số các dự án đầu tư trên địa bàn. Hợp tác với tập đoàn Brainwork Asian tổ chức giao lưu kinh doanh Việt - Nhật, Tổ chức Hội nghị kết nối thương mại Việt Nhật và mở chi nhánh IT tại Nghệ An. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, như hợp tác nghiên cứu, trao đổi giáo viên, sinh viên, hội thảo quốc tế, đào tạo giảng viên,…

Với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh dựa trên cơ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các doanh nghiệp của tỉnh, xây dựng kinh tế địa phương phù hợp chiến lược xây dựng nền kinh tế quốc gia và các xu thế phát triển của khu vực. Hội nhập kinh tế chú trọng vào chiều sâu và phạm vi các lĩnh vực hội nhập. Thu hút các dự án, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển…. hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

(1) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Tập trung hỗ trợ hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề của tỉnh. Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của tỉnh ở nước ngoài (tham gia các Hội chợ quốc tế và khu vực, tổ chức các lễ hội giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh ở một số thị trường nước ngoài,...).

(2) Khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến và hạn chế những công nghệ cũ, lạc hậu từ nước ngoài vào: Đối với các dự án đầu tư sử dụng các công nghệ trên địa bàn, cần nâng cao vai trò của Sở KH&CN là đơn vị đầu mối thẩm định công nghệ để xác định rõ những tiêu chuẩn, những giới hạn nhất định đối với các công nghệ được chuyển giao; thực hiện sự giám định và kiểm tra đối với các công nghệ được chuyển giao.

(3) Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ theo hướng từ hoạt động xúc tiến chung theo thị trường sang xúc tiến theo địa chỉ nhằm lôi kéo trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao vào đầu tư. Cần chủ động tìm hiểu, đặt quan hệ và tiếp cận với các chủ thể có năng lực khoa học và công nghệ lớn, trình độ cao trên thế giới và khuyến khích họ đầu tư hoặc liên kết.

(4) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, xây dựng các sản phẩm chủ lực của Nghệ An: Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung xây dựng các công ty, tập đoàn mạnh, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (hợp chuẩn, hợp quy). Tổ chức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tổ chức ở các nước do các cấp tổ chức. Rà soát các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm chủ lực, phù hợp tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao để phát triển.

(5) Định vị lại vai trò của khoa học xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học xã hội: Bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới cho thấy khoa học xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về lý luận và thực tiễn của phát triển, nguyên nhân chính là không xác định đúng vị trí của khoa học xã hội trong chiến lược phát triển, dẫn tới sự “không đồng bộ”. Mặc dù đây là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhưng cần khẳng định một điểm nhấn trong đổi mới tư duy về phát triển khoa học công nghệ là coi trọng khoa học xã hội, khẳng định vai trò dẫn dắt của khoa học xã hội, nếu không thì vai trò của khoa học công nghệ như là động lực của phát triển, sự gắn kết khoa học công nghệ với đời sống kinh tế sẽ kém hiệu quả, thiếu lan tỏa, không hội nhập hiệu quả được với khu vực và thế giới.

(6) Tập hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu về các cam kết của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại, các tập quán, thông lệ, luật pháp quốc tế phục vụ cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

(7) Chủ động mở rộng có trọng tâm, trọng điểm hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN, thu hút công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh để áp dụng có hiệu quả; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng KH&CN, chia sẻ thông tin, chuyên gia, đổi mới công nghệ, hướng vào giải quyết các mục tiêu ưu tiên của tỉnh.

(8) Có chính sách thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao từ nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại tỉnh, trong đó xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi kiều bào là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức... hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đào tạo tại địa phương. Tổ chức gặp mặt, giao lưu với kiều bào về thăm quê trong dịp Tết cổ truyền, tranh thủ sự giới thiệu, kết nối của kiều bào với các đối tác, địa phương nước ngoài để mở rộng quan hệ hợp tác của tỉnh. Thu hút chuyên gia, cán bộ KH&CN quốc tế, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia các dự án KH&CN. Nghiên cứu, thành lập một cơ sở ươm tạo quốc tế để thu hút các chuyên gia quốc tế, trong nước, nhất Việt kiều/ Nghệ kiều có trình độ và tâm huyết vào tỉnh.

(9) Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ dần tiếp cận tới trình độ quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo lại cán bộ khoa học và công nghệ ở nước ngoài, trong đó chú trọng việc đi đào tạo ở các nước có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Hình thức đào tạo là cử đi nghiên cứu, học tập hoặc hợp tác nghiên cứu với các viện, các trung tâm nghiên cứu quốc tế. Đối tượng đào tạo tập trung vào đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ cao và đội ngũ cán bộ trẻ có tiềm năng. Đào tạo, bồi dưỡng về năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế, khả năng phiên dịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

(10) Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế với tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài: tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tham gia vào một số chương trình, đề án nghiên cứu chung với các tổ chức nước ngoài. Chủ động mời các tổ chức nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khuyến khích các cán bộ khoa học tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ với các đơn vị nước ngoài như tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trao đổi hợp tác ngắn ngày hoặc dài ngày ở nước ngoài. Cử cán bộ đi đến làm việc tại các cơ quan nghiên cứu của nước ngoài với tư cách là thành viên của nhóm nghiên cứu trong các dự án liên kết, hợp tác quốc tế do nước ngoài chủ trì và tài trợ.

(11) Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tập trung nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trọng tâm là sản phẩm sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thành lập các trung tâm ươm tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

(12) Chủ động tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế, như: ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển và ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo; chương trình KHXH&NV… để tranh thủ các nguồn kinh phí từ các chương trình dự án nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
  2. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN trong giai đoạn phát triển mới, PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
  3. Xu hướng phát triển KHCN toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hội đồng Lý luận Trung ương); TS. Lê Thị Hồng Điệp (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội).
  4. Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia, Bộ KH&CN, Khoa học và công nghệ - Xu thế R&D và chuyên giao công nghệ Quốc tế, Hà Nội 2019.
  5. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 06/NQ -TW ngày 14/12/2016 về phát triển KH&CN Nghệ An giai đoạn 2016-2020. định hướng 2025, Sở KH&CN Nghệ An.

Video liên quan

Chủ đề