Sử dụng sơ đồ tư duy để nâng cao chất lượng dạy học môn Toán THPT

          Thực hiện Công văn số 5555/CV-BGDĐT, ngày 08/10/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá”; thực hiện Kế hoạch triển khai công tác chuyên đề chuyên môn năm học 2021-2022 của Phòng Giáo dục Trung học, SGiáo dục và Đào tạo, ngày 12/4/2022, trường THPT Kim Sơn C đã tổ chức chuyên đề nghiên cứu bài học môn Toán cấp cụm với chủ đề Các hệ thức lượng trong tam giác và giải tam giác.

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục các môn khoa học tự nhiên; tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm dạy học, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; tăng cường sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy, thầy và trò trường THPT Kim Sơn C đã sớm chủ động xây dựng kế hoạch đăng cai tổ chức chuyên đề nghiên cứu bài học môn Toán.

Dự và chỉ đạo chuyên đề có đại diện lãnh đạo phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, đại biểu lãnh đạo, các thầy cô giáo đang giảng dạy môn Toán tại các trường THPT trên địa bàn huyện Kim Sơn và tập thể cán bộ, giáo viên trường THPT Kim Sơn C.

Đại biểu tham dự chuyên đề

Mở đầu chuyên đề là phần báo cáo bài tập về nhà đã được giao cho 3 nhóm học sinh nghiên cứu để hệ thống công thức và phương pháp giải các dạng bài tập về hệ thức lượng trong tam giác. Đại diện các nhóm thuyết trình, báo cáo sản phẩm của nhóm mình đã thực hiện. Mỗi nhóm có cách thiết kế và trình bày bài khác nhau nhưng rất sáng tạo. Thông qua hoạt động này, học sinh có thể ôn tập, củng cố các kiến thức đã học, tạo tiền đề cho phần luyện tập và phát huy được tính sáng tạo, sự tự tin, khả năng thuyết trình trước đám đông của các em.

Sơ đồ tư duy – Sản phẩm của Nhóm 1

Ở các hoạt động luyện tập, dưới sự dẫn dắt khéo léo, chủ động, linh hoạt của cô giáo Mai Thị Nhung, học sinh hào hứng, tích cực tham gia giải các bài tập ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng về hệ thức lượng trong tam giác và giải tam giác theo yêu cầu cần đạt của bài học.

Cô giáo Mai Thị Nhung hướng dẫn học sinh học tập

Các bài tập được thiết kế logic, từ đơn giản đến phức tạp cùng với sự tổ chức hoạt động phù hợp đã dẫn dắt học sinh dễ dàng chiếm lĩnh kiến thức và hoàn thành bài học. Ngoài các dạng bài tập cơ bản, giáo viên có sự phát triển, mở rộng, gợi mở thành các bài toán mới, khó, phức tạp hơn để giúp rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh. Đặc biệt, giờ học trở nên hấp dẫn, sôi nổi khi giáo viên yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống có trong thực tiễn.

Học sinh hoạt động theo cặp đôi

Trước khi thực hiện tiết dạy minh hoạ, các thầy, cô giáo nhóm Toán đã tổ chức đưa học sinh đi trải nghiệm đo đạc các công trình nổi tiếng thuộc quần thể chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là Bảo Tháp và Giếng Ngọc. Quá trình trải nghiệm, khám phá thực tế, nhiều số liệu, hình ảnh đã được dùng làm tư liệu phục vụ cho tiết dạy minh hoạ, làm sống động, lôi cuốn học sinh say mê học tập môn học.

Thầy, cô nhóm Toán và các em học sinh thực hiện trải nghiệm đo đạc Bảo Tháp và Giếng Ngọc tại quần thể Chùa Bái Đính – Xã Gia Sinh – Huyện Gia Viễn – Tỉnh Ninh Bình

Để khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo, mở rộng kiến thức của bài học, giáo viên giới thiệu và hướng dẫn cho học sinh ứng dụng google maps để đo khoảng cách và đo diện tích. Ứng dụng này giải quyết cho các bài toán đo đạc phức tạp, khoảng cách giữa hai địa điểm rất xa hay diện tích của một công trình, một địa danh bất kì.

Sau tiết dạy minh hoạ, các vị đại biểu và các thầy, cô giáo về dự chuyên đề tiến hành thảo luận, góp ý cho chuyên đề.

Cô giáo Lê Thị Lan Anh – Phó hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn A phát biểu tại chuyên đề

Phát biểu tại chuyên đề, lãnh đạo phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạoNinh Bình, cùng với các góp ý cho tiết dạy nói riêng, cho phương pháp, cách thức tổ chức chuyên đề nói chung của các đại biểu tham dự, đã ghi nhận sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường trong công tác tổ chức chuyên đề và thực hiện tiết dạy, đánh giá cao sự đầu tư, chuẩn bị công phu, chu đáo của các đồng chí giáo viên nhóm Toán trong việc thiết kế bài giảng; lựa chọn hệ thống câu hỏi, bài tập; cách thức tổ chức các hoạt động trong giờ học; sự linh hoạt của giáo viên trong việc xử lí các tình huống sư phạm và sự tích cực, tự tin, khả năng sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập. Các đại biểu cũng góp ý một số điểm cần lưu ý về nội dung, phương pháp trong bài học, giúp các thầy, cô giáo có cái nhìn tổng thể, đa chiều hơn về bài học.

Đồng chí Nguyễn Trọng Khiêm – Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn C phát biểu tại chuyên đề

            Hiệu trưởng nhà trường đã trân trọng tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu đồng thời khẳng định, thông qua chuyên đề các thầy, cô giáo của nhà trường sẽ hiểu được sâu sắc hơn nữa về việc đổi mới phương pháp trong dạy học. Sau chuyên đề, mỗi thầy cô sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân để tiếp tục áp dụng việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Đồng chí Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự chia sẻ của các thầy, cô giáo và các trường bạn để trường THPT Kim Sơn C ngày một phát triển hơn nữa./.

Vũ Thị Mai Lan, Nguyễn Thị Hồng Ánh (THPT Kim Sơn C)

Đỗ Thị Thúy Ngọc (Phòng Giáo dục trung học)

Thực hiện

Video liên quan

Chủ đề