Tại sao bạn luôn cảm thấy cô đơn

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Bạn có thường thấy cô đơn vì những người khác không giống mình? Tôi cũng như bạn vậy, thường xuyên thấy cô đơn. Cô đơn có phải là nỗi niềm của riêng một số người, hay ai cũng cô đơn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem thử các lý do khiến bạn trở nên cô đơn nhé.

Những lý do khiến bạn cảm thấy cô đơn

Mỗi chúng ta đều có nhiều suy nghĩ ẩn giấu bên trong, nhưng để an toàn, chúng ta thường chọn chỉ thể hiện ra bên ngoài một số đặc điểm mà chúng ta có. Lấy ví dụ đơn giản, bạn chẳng thế nào kể với mọi người rằng bạn là nữ và chỉ muốn quan hệ tình dục với những gã trai hói đầu cả, hay bạn là người thích máu và màu của máu, hoặc thể hiện rằng bạn đam mê triết học cũng có thể khiến người ta lánh xa bạn đấy. Rất ít người muốn thể hiện ra mình là kẻ dị biệt, nên họ chỉ thể hiện ra những đặc tính mà cộng đồng dễ dàng chấp nhận. Khi bạn nhìn vào người khác, bạn sẽ thấy những điểm mà người ta muốn thể hiện ra ngoài, nếu bạn giỏi quan sát, bạn có thể nhìn thấy được nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, bạn không thể hiểu hoàn toàn về bất cứ ai, và ngược lại.

Thứ hai, để hiểu được một người bạn cần phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bạn phải kiên nhẫn lắng nghe người ta nói, quan sát hành vi của người đó, tập phân tích hành vi và biểu cảm của họ. Để hiểu một người, bạn có thể phải cần đến vài năm, bạn có đủ kiên nhẫn không? Ngay cả những nhà tâm lý đại tài cũng không thể hiểu rõ một người ngay được, họ có thể phán đoán khá chính xác một vài đặc điểm tính cách, nhưng để hiểu sâu sắc về một con người, họ cần rất nhiều thời gian. Thế nên, kiếm được một tri kỷ cho chính mình là việc không hề dễ dàng, bởi người ta phải thực sự quan tâm đến bạn mới dành nhiều thời gian cho bạn. Thật đáng tiếc nếu bạn tìm được tri kỷ mà để vuột mất người ta, bởi đời mà, dù tri kỷ ở ngay trước mắt, nhưng vô duyên thì cũng không thể gần nhau.

Thứ ba, dù có những người quan tâm tới bạn, họ cũng không thể giúp bạn giải quyết rốt ráo những vấn đề của bạn, chính bạn phải là người giải quyết những vấn đề của riêng mình. Hành trình đó đương nhiên là một hành trình cô đơn. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một lập trình viên giỏi, bạn phải tự mình học tập và thực hành chứ không ai làm điều đó thay bạn, người ta có thể chỉ bạn học sách này, làm ví dụ kia, còn lại bạn vẫn phải tự mình thực hiện. Nếu bạn muốn viết, bạn phải tập trung và phải làm việc đó một mình, chứ không ai làm cùng bạn cả. Nếu bạn thất tình, người duy nhất có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng là chính bạn,  chứ không ai khác có thể thay bạn làm được điều đó.

Thứ tư, mỗi người được sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau, không ai có hoàn cảnh hoàn toàn giống nhau, nên không ai có thể hiểu được hoàn toàn về nhau. Hai anh em sinh ra trong cùng một gia đình, dù giống nhau về hoàn cảnh khá nhiều, nhưng đến khi học đại học có thể sẽ học trường đại học khác nhau. Bạn mà họ chọn để chơi cũng không hoàn giống nhau. Thế nên, tìm được người hiểu được phần lớn những gì bên trong bạn không đơn giản tí nào, có thể họ không sinh ra cùng thời với bạn, có thể bạn và họ đã vô tình lướt qua nhau mà không nhận ra người ta là người có thể giúp bạn cảm thấy được sự đồng đều và bớt cô đơn. Bạn càng đặc biệt, càng phát triển về trí tuệ, sự cô đơn của bạn càng lớn, bởi số người hiểu được bạn lại càng ít hơn.

Thứ năm, đôi khi có những nhu cầu khác khiến bạn bỏ qua việc tìm kiếm người bạn thực sự hợp, thay vào đó bạn chọn một người vì đặc điểm bên ngoài của họ nhiều hơn là bên trong, chẳng hạn như là chiếc mũi thanh, đôi mắt biết, hay nụ cười đẹp. Nhiều khi, nhu cầu tình dục thắng thế và bạn phải chọn người để thỏa mãn nhu cầu đó rồi có sự gắn kết với họ, nên bạn không còn cơ hội để tìm được người thực sự phù hợp để có thể sống cùng bạn cả đời và có đủ thời gian để thấu hiểu được bạn. Đa phần chọn người vì những mục đích khác hơn là kiếm một người thực sự là cạ cứng, là người đồng cảm với họ.

Như vậy, thực ra bạn không phải là thiểu số đâu, trên thực tế, có lẽ ai cũng có một chút cô đơn, như đạit hi hào Goethe từng nói “Không ai hiểu tôi, tôi cũng chả hiểu ai một cách trọn vẹn cả. Hay nói cách khác, không ai có thể hiểu trọn vẹn một ai khác cả”.

Lợi ích của việc cô đơn

Thực ra thì, cô đơn không phải là điều có hại, khi bạn chấp nhận rằng việc đâu đó bạn có cảm giác cô đơn là chuyện đương nhiêu, bạn sẽ còn ngạc nhiên vì những lợi ích mà cảm giác cô đơn mang lại.

Người ta thường bảo cô đơn giúp bạn sáng tạo hơn, điều này hoàn toàn đúng đấy. Nghệ sỹ là nhóm người thường có cảm giác cô đơn thường trực, họ cô đơn vì cảm thấy mình khác với người khác, và họ chọn sáng tác làm phương tiện thể hiện cái tôi của bản thân và tìm hiểu bản thân. Khi bạn cô đơn, bạn sẽ có thể vẽ tranh, viết blog, làm film, viết sách, viết truyện ngắn, thêu thùa, chế tạo đồ thủ công … Cô đơn là món quà tặng vô giá của thượng đế dành cho nghệ sỹ. Quá trình sáng tác chính là quá trình khám phá bản thân và khai phá tiềm năng của mỗi chúng ta. Và khi sáng tác bạn sẽ có được cảm giác đủ đầy, vì bạn tìm ra được chính bạn.

Lịch sử các ngành nghệ thuật đều cho thấy một điểm chung của các nghệ sỹ, đó là họ khác biệt và luôn cô đơn. Chính nhờ quá khác biệt, nên số lượng người có thể thấu hiểu họ không nhiều, và nhờ vậy họ luôn cô đơn vì khó kiểm được người tâm đầu ý hợp. Trịnh Công Sơn yêu nàng Dao Ánh, nhưng tôi đồ rằng nàng ta chả thể nào hiểu nỗi tâm ý của chàng trai họ Trịnh, người gì mà có thể viết được đến 300 bức thư tình, người gì có thể viết được những bài hát cứ ngỡ như nói về điều gì đó không tồn tại trong thực tại với những lời ca thoát tục. Mấy ai hiểu Trịnh Công Sơn, nhưng cũng nhờ vậy mà ông cô đơn, khi cô đơn ông có thể sáng tác được nhiều hơn.

Cô đơn lại là tiền đề cho sự thấu hiểu đấy, bởi khi cô đơn, bạn sẽ tìm hiểu được chính mình, khi đó bạn sẽ thấu hiểu bản thân và cảm thông cho những nỗi băn khoăn của những người khác. Nhờ hiểu rõ nỗi cô đơn bên trong mình, bạn sẽ đồng cảm được với nỗi cô đơn của những người khác, và vì thế bạn chịu khó lắng nghe, chịu khó quan sát và dần thấu hiểu. Khi đó cơ hội bạn tìm được người bạn thiết thân với mình sẽ cao hơn nhiều.

Có một sự thực mà khi đọc đến đây tôi chắc chắn bạn hiểu, đó là bất cứ ai cũng ẩn giấu nỗi cô đơn trong lòng. Khi người ta vui vẻ nói cười với đám bạn, không có nghĩa là người ta không cô đơn. Hiểu được như vậy, bạn sẽ hiểu rằng, bất cứ ai cũng cần một ai đó có thể cảm nhận được họ. Nếu bạn cảm thấy bị lôi cuốn bởi ai, có thể họ có những điểm tương đồng với bạn đấy, hãy dành thời gian cho họ, bạn sẽ hiểu họ hơn, đừng giả định rằng mọi người ai cũng có bạn, chỉ có duy mỗi mình là kẻ cô đơn lạc loại bạn nhé.

Cô đơn giúp ta trông thanh lịch và lôi cuốn đấy. Bởi khi bạn nhận diện ra những người cô đơn, bạn sẽ tò mò tự hỏi liệu rằng họ có phải cùng nhóm với mình, có cùng sự quan tâm với mình không. Những kẻ trông cô đơn, bí ẩn luôn thu hút sự chú ý của người khác, và nhờ vậy, họ có cơ hội được gặp những người cùng sự quan tâm về các chủ đề giống nhau.

Bạn cần chấp nhận sự cô đơn xuất hiện bên trong bạn là lẽ đương nhiên. Bạn không thể không cô đơn. Và đôi khi bạn cần phải chấp nhận cô đơn trong một khoảng thời gian dài. Thà tư chối tham gia những nhóm vì họ không phù hợp với mình, còn hơn bạn phải chịu đựng những sự khác biệt quá nhiều so với bạn. Càng kiên nhẫn, bạn sẽ càng có cơ hội gặp những người hợp cạ hơn.

Sài Gòn, ngày 03 tháng 01 năm 2020

“Điều đáng sợ không phải là đứng một mình. Mà là giữa một biển người, vẫn cảm thấy chỉ có một mình.”

Ở một thời đại mà con người luôn sống trong các guồng quay công việc và cuộc sống, ở một xã hội là con người ngày càng lười tương tác với nhau hơn, sự cô đơn đang bao phủ rộng lên xã hội của chúng ta. The Economist and Kaiser Family Foundation (KFF), một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe của Mỹ đã khảo sát các mẫu đại diện của ba quốc gia giàu có trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy 9% người Nhật Bản, 22% người Mỹ và 23% người Anh luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn, thiếu bạn đồng hành, hoặc cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bị cô lập giữa cuộc sống của họ.

Tại sao bạn luôn cảm thấy cô đơn

Thực tế, “bệnh dịch cô đơn” đang lan tỏa khắp thế giới, ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và có xu hướng ngày càng gia tăng. Các thống kê về tỷ lệ cô đơn không có nhiều, tuy nhiên tỷ lệ người sống cô lập đang tăng lên nhanh chóng tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống một mình, trì hoãn hoặc không kết hôn và thu mình lại với thế giới riêng của họ: Hơn 40% người Anh lấy TV và thú cưng là nguồn vui sống mỗi ngày; còn tại Nhật, có hơn nửa triệu người thường ở nhà một mình trên 6 tháng và gần như cắt liên hệ với thế giới bên ngoài. 

Tại sao bạn luôn cảm thấy cô đơn

Khác với đại dịch béo phì có thể thống kê được quy mô, chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm y tế; nhưng cô đơn thì khác, làm sao có thể đo lường được cảm xúc, tình cảm? Khi nào thì chúng ta bị sự cô đơn chiếm hữu cuộc sống?

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔ ĐƠN

“Cô đơn là cảm giác vô dụng. Khi bạn cảm thấy mình không thích ứng được với xã hội, mọi người không hiểu bạn. Bạn cảm thấy tệ về bản thân mình cũng như cảm thấy bị xã hội chối bỏ”. 

Cô đơn không phụ thuộc vào số lượng bạn bè hay mối quan hệ mà bạn có, mà nó phụ thuộc vào cảm xúc của bạn với những mối quan hệ – bạn có bị cô lập với những người xung quanh hay không? Bởi vậy, ngay cả khi đã kết hôn, vẫn có hơn 60% con người rơi vào trạng thái cô đơn, không thể chia sẻ những suy nghĩ, những tình cảm thầm kín nhất với nửa kia của mình. Cô đơn nguy hiểm như béo phì hoặc ảnh hưởng tương đương với một người hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Đặc biệt, bất kể bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng chẳng thể chống lại sự cô đơn.

Cô đơn không giống với việc ở một mình, nó đến từ các yếu tố tâm lý cá nhân đang tồn tại trong mỗi con người. Cụ thể hơn, con người thường tự dựng lên các rào cản tâm lý để thích nghi với môi trường sống, tuy nhiên, chính rào cản này có thể dẫn đến cảm giác cô lập, thậm chí là trầm cảm. Chẳng hạn như, một người cha/mẹ nóng tính thường có thể dẫn đến việc con cái giữ im lặng và sống nội tâm để tránh sự thu hút. Hoặc việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái làm cho chúng cảm thấy ngột ngạt, không thể chia sẻ, chính những điều này đã vô hình xây dựng lên khoảng trống “chỉ có một mình” trong mỗi đứa trẻ. Khi trưởng thành, những những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ khiến chúng ta luôn giữ thái độ thận trọng khi tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, chúng ta còn có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân, giảm lòng tin vào người khác và chính mình, tạo vỏ bọc độc lập với xã hội.

Tại sao bạn luôn cảm thấy cô đơn

Ngoài ra, môi trường sống cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự cô đơn:  Công việc áp lực dễ làm chúng ta mệt mỏi, stress và không có mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp. Chính nó cũng là cũng làm nguyên nhân mối quan hệ gia đình trở nên xa cách. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên khiến chúng ta ít tương tác thực tế với bạn bè hơn, xây dựng một hình ảnh hoàn hảo của mình trên thế giới ảo làm xã hội ít hạnh phúc hơn,…

CÔ ĐƠN ĐÁNH BẠI CẢM XÚC CON NGƯỜI

Theo Psychology Today, khi cảm thấy cô đơn, hệ thần kinh sự tự động chuyển sang chế độ “tự vệ” khiến con người thu mình lại, mài mòn cảm xúc, cư xử thô lỗ ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự nào xung quanh. Sự cô đơn với lớp vỏ bọc cách biết với thế giới khiến con người hành xử như thể không – cần – bất – cứ – ai hoặc tự xa lánh mọi người, tránh né với cuộc sống và sống với nội tâm của chính mình.  Dần dần, chính sự cô đơn này khiến nhiều người trầm cảm. 

Năm 2015, một phân tích tổng hợp do Julianne Holt-Lunstad thuộc đại học Brigham Young để phát hiện ra rằng, những người được phân loại là cô đơn có nguy cơ tử vong cao hơn 26% so với người bình thường. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Tiến sĩ Dhruv Khullar làm việc tại Đại học Y Weill Cornell Medicine (New York, Mỹ) cũng cho biết việc cô lập với xã hội có thể khiến một người bị gián đoạn giấc ngủ và suy giảm nhận thức nhanh chóng, tiến triển nhanh đến bệnh Alzheimer. Hàng loạt các nghiên cứu khác về cô đơn cũng cho thấy rằng, cô đơn là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều vấn đề sức khỏe khác như đau tim, đột quỵ, ung thư, rối loạn chức năng ăn uống, suy giảm hệ thống miễn dịch,…

ĐỪNG ĐỂ CÔ ĐƠN ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN

Tỷ lệ cô đơn ngày càng cao bất chấp thu nhập, tuổi tác hay tình trạng sức khỏe. Thâm chí, tại nhiều quốc gia trên thế giới, rất nhiều chiến dịch chống cô đơn được triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng để thoát khỏi cô đơn là xuất phát từ chính những người trong cuộc.

Hãy bắt đầu bằng việc nhận thức được nguyên nhân khiến mình cảm thấy cô đơn và những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Sau đó, tự chữa lành cho bản thân bằng cách đối xử thật tốt với chính mình, làm những điều mình thấy hứng thú nhất, khiến bản thân mình hạnh phúc và tự hào. Đi xem phim, ăn món ăn yêu thích, shopping hay đơn giản là đọc sách và lắng nghe những bản nhạc yêu thích cảm nhận sự thư giãn. Đừng quên dành thời gian để chia sẻ với mọi người, tham gia những câu lạc bộ cùng sở thích, tìm lại những người bạn cũ, đăng ký các hoạt động tình nguyện,… và đặc biệt hãy mở lòng để chia sẻ, lắng nghe và được yêu thương.

Khi bạn đã sẵn sàng đối mặt và tự tin với chính mình, thì dù có ở một mình, muốn đi nhanh hay muốn đi xa cùng nhau cũng không còn là vấn đề đáng lo ngại phải không?

*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Steppe