Thần đèn việt nam là ai

Tháng 2-2009, tại đại hội thường niên của Hiệp hội Quốc tế về di dời nhà, lần đầu tiên một công dân Việt Nam và châu Á được kết nạp trở thành hội viên của hiệp hội này. Đó là ông Đỗ Quốc Khánh, hiện là giám đốc Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam.

Ba chuyên gia… mới ra một “thần đèn”

Đỗ Quốc Khánh trước đó đã được nhiều người biết đến với những biệt tài về giải quyết sự cố xây dựng. Người ta đồn rằng ông chỉ cần vài cái liếc mắt đã có thể bắt đúng bệnh của căn nhà. Tuy nhiên, phải đợi đến một sự kiện gây chấn động ngành xây dựng nước nhà và vang ra cả thế giới (tạp chí quốc tế Structural Movers cũng dành ra sáu trang để mô tả) thì cái biệt danh “thần đèn” mới được đặt bên cạnh cái tên cha mẹ đặt.

Đó là lần ông chỉ huy 200 sinh viên của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội di chuyển thành công căn nhà nặng 3.000 tấn trên đường Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Đây thực sự là một thử thách lớn đối với ông, bởi lẽ trước đó chủ nhà đã ký hợp đồng với một công ty về xử lý sự cố xây dựng và một “thần đèn” tiếng tăm lừng lẫy khác ở miền Nam nhưng cả hai lần tiến hành di dời căn nhà vẫn không chịu dịch chuyển. Khi trao quyền định đoạt cho ông, chủ nhà cũng không dám tin có thể thành công. Một số chuyên gia tiến cử ông Khánh cũng không dám đến chứng kiến, vì họ cũng không chắc ông có thể làm được. Thế mà chỉ mấy chục ngày sau, căn nhà 3.000 tấn đã bị ông Khánh khuất phục, di chuyển về địa điểm mới cách đó 50 m. Hiệp hội Quốc tế về di dời nhà công nhận đó là công trình di dời nặng nhất thế giới trong năm 2008.

Thần đèn việt nam là ai

Ngôi nhà nghiêng ở quốc lộ số 6, thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình trước và sau khi được “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh chống lún, chỉnh nghiêng. Ảnh: VIẾT THỊNH

Lần sang Mỹ để dự lễ kết nạp thành viên của hiệp hội, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi: Làm thế nào mà một công dân của một quốc gia chưa có tên trên bản đồ di chuyển nhà thế giới lại có thể di chuyển được một căn nhà nặng đến 3.000 tấn trong lần đầu tiên như thế. Lúc đó ông cũng không thể giải thích tường tận. Sau này ông mới có dịp chiêm nghiệm và tìm được câu trả lời thỏa mãn được chính mình: Bên trong con người ông là hội tụ của một thạc sĩ về chuyên ngành mô phỏng hệ thống, một chuyên gia về xử lý lún và một chuyên gia về xử lý nghiêng. Công nghệ được ông áp dụng cho mỗi công trình cùng có sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến với máy móc hiện đại, điều mà không phải bất kỳ “thần đèn” nào cũng làm được.

Ông Khánh tiết lộ điều khác biệt trong “toa thuốc” của ông đó là kèm theo chỉnh nghiêng, di dời công trình luôn được nâng cấp, xử lý chống lún vĩnh viễn bằng cọc ép và cọc nhồi. Công nghệ này dựa trên nhiều lý thuyết hiện đại như điều khiển học, mô hình hóa, truyền năng lượng… và rất nhiều kiến thức thực hành về điều khiển năng lượng, tự động hóa, xây dựng và địa chất.

Hỏi ông đã bao giờ phải bó tay trước một căn nhà nào chưa, ông trả lời: “Rồi, có ba cái, nguyên nhân là không giải phóng được khe hở giữa nhà hàng xóm. Mặc dù nguyên nhân hoàn toàn khách quan, tuy nhiên đối với một chuyên gia mà không tìm ra công nghệ để xử lý được trong tình huống thì đều là thất bại”.

Xin ra khỏi biên chế

Năm 1984, ông về nước sau 10 năm tu nghiệp tại ĐH Kỹ thuật VUT – BRNO (Tiệp Khắc) với chuyên ngành mô phỏng hệ thống về năng lượng (khóa học đầu tiên của chuyên ngành này trên thế giới). Tưởng rằng trở về sẽ nhanh chóng được cống hiến tri thức của mình cho sự phát triển của đất nước, thế mà năm lần bảy lượt ông vẫn là người thất nghiệp. Đơn giản, bởi cái chuyên ngành mà ông học đi đến đâu cũng khiến người ta trố mắt lên nhìn rồi lắc đầu quầy quậy vì “chưa từng nghe đến ở Việt Nam”.

Chật vật mãi, cuối cùng ông mới được phân công về Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tham gia công trình chống lún khách sạn La Thành. Đây là công trình đầu tiên của nước ta về chống lún sử dụng công nghệ cọc ép. Công trình kết thúc thành công nhưng việc chống nghiêng cho khách sạn vẫn chưa thể thực hiện được, đó là một dấu hỏi lớn đối với ông.

Thần đèn việt nam là ai

Công trình tòa nhà Khu Công nghệ cao Phú Cát tại thôn Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây nặng 3.000 tấn sau khi di dời thành công. Ảnh: VIẾT THỊNH

Đến năm 1991, ông lại tiếp tục được tham gia việc chống lún cho chợ Đồng Xuân. Bằng nghiên cứu thực địa và kinh nghiệm của mình, ông Khánh đã tự chế tạo ra một chiếc máy có thể làm tăng hiệu quả xử lý mà giá thành không thay đổi. Tuy nhiên, sáng tạo này đã vượt ra ngoài sự chỉ đạo của viện, sau đó ông nhận được quyết định cho nghỉ không lương. Bất bình, ông nộp đơn xin nghỉ việc. “Đó là một quyết định khó khăn với tôi, vì thời bấy giờ việc một công chức nhà nước xin ra khỏi biên chế là vô cùng hiếm hoi. Nhưng tôi hiểu rằng nếu vẫn tiếp tục công tác, năng lực của tôi sẽ không được giải phóng, tôi muốn được tự do sáng tạo theo ý thích của mình” – Đỗ Quốc Khánh nói.

Cô đơn trong nghề nghiệp

Trở thành người tự do, ông Khánh làm cai thầu các công trình thủy lợi. Đây là quãng thời gian khá sung túc về tiền bạc đối với ông nhưng cũng là chặng đường đầy khó khăn mà ông phải đối mặt. Ông gọi thời kỳ đó là “10 năm trong bóng tối”. Đến năm 1993 ông được Trung tâm Nền móng – Trường ĐH Xây dựng Hà Nội mời về làm chủ nhiệm công trình “chống lún nghiêng” thì cánh cửa để ông bước ra ánh sáng đã dần hé lộ. Năm 2003, ông chính thức thành lập Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam, ông vừa là giám đốc, vừa là phó giám đốc, kiêm kỹ sư chính, kiêm chỉ huy thợ thi công… Lúc này xã hội vẫn chỉ biết đến ông với tư cách “thần đèn” về lún nghiêng.

“Nhiều người, thậm chí báo chí vẫn thường gọi tôi là kỹ sư xây dựng, thế nhưng thực sự tôi mới chỉ là thạc sĩ ngành mô phỏng hệ thống, cũng không có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ… nhưng tôi làm được những điều giáo sư, tiến sĩ không làm được. Thế là coi như hạnh phúc!”.

Nói là nói vậy nhưng qua câu chuyện mới thấy ông còn nhiều tâm sự lắm. Đầu tiên, ông nhận mình là người cô đơn trong chính nghề nghiệp, cho đến nay công nghệ xử lý lún nghiêng và di dời nhà của Việt Nam vẫn còn quá ít chuyên gia thành thục và những nghiên cứu có tính ứng dụng cao. “Tháng 2-2009, tôi được mời sang Mỹ. Khi đó tôi đã có ý định viết và bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài mô phỏng. Tuy nhiên, sự nghiệp lún – nghiêng – di dời đã cuốn hút tôi. Đến bây giờ, khi đã được xã hội thừa nhận, bằng cấp với tôi không còn có ý nghĩa nữa” – ông Đỗ Quốc Khánh tâm sự.

Hiện nay cậu con trai của ông đang tu nghiệp ở nước ngoài về chuyên ngành mà hơn 20 năm qua ông đã gắn bó: “Cháu nó sẽ thay tôi lấy được cái bằng tiến sĩ vào tháng 8 năm nay, điều mà tuổi trẻ của tôi chưa có cơ hội thực hiện” – nói xong tay ông vuốt lên mái đầu đã gần bạc trắng cười sung sướng.

Một số công trình được “thần đèn” Quốc Khánh xử lý thành công:

– Chống nghiêng ngôi nhà bảy tầng cao 28 m nặng 1.200 tấn bị lún 60 cm, nghiêng 1,2 m ở thị xã Hà Giang. Trong vòng 6 tiếng đồng hồ, sáu chân/tám chân cột bị gãy.

Thần đèn việt nam là ai

– Chống sập và chống nghiêng ngôi nhà cổ ba tầng trên đường Nguyễn Hữu Huân (phía đầu cầu Chương Dương, Hà Nội) ở trong tình trạng lún – sập và nghiêng 80 cm có nguy cơ sập hẳn.

– Di dời gần 70 m, xoay hướng 180 độ Đài Phát thanh huyện Xuân Trường, Nam Định.

– Kích, đẩy ngôi biệt thự bốn tầng, nặng 520 tấn đang bị ngập úng và sụt lún tại khu vực ven Hồ Tây lên cao 6 m.

Sau thành công bất ngờ đó đã tạo nên một cơn sốt dời nhà nguyên trạng thực thụ ở An Giang và sau đó phát triển thành một nghề để kiếm tiền. Nếu như nói ai là ông tổ nghê dời nhà thì rất khó, nhưng nói người khai sáng nghề “thần đèn” thì giới dời nhà vẫn khẳng định đó là ông “mắt kiếng” Năm Dương.

Lâu nay người ta vẫn coi ông Tư Lũy (Lương Thành Lũy, mất năm 2011, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điều A, huyện Chợ Mới, An Giang) là ông tổ nghề dời nhà. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trước khi ông Tư Lũy dời căn nhà đầu tiên thì đã có người làm việc này trước đó rồi. PV đã về xứ sở nghề “thần đèn” là huyện Chợ Mới (An Giang) để tìm hiểu cội nguồn câu chuyện trên.

“Thần đèn” Tám Được và Ba Bé ngồi kể chuyện với phóng viên. Ảnh: T.G

Tay thợ mộc trổ tài dời nhà

Đoạn đường dọc tỉnh lộ 942 cắt ấp Long Hòa 2 chưa đầy 100m, nhan nhản bảng hiệu ghi dòng chữ “KTS… chuyên di dời nhà gỗ, bê tông”. Cụm từ “KTS” là tên viết tắt của các doanh nghiệp, công ty mà chúng tôi không thể liệt kê hết tại đây.

Nhìn những biển quảng cáo xăm xắp cũng đủ hiểu, dịch vụ dời nhà giờ đây là một nghề mang đến cho người ta miếng cơm, đồng tiền thực thụ. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến công ty TNHH Như Tiên, nói là công ty nhưng kỳ thực chẳng có văn phòng, đó là ngôi nhà tuyềnh toàng với nhiều công cụ xây dựng. Chủ nhân là ông Tám Được, một gạo cội của làng “thần đèn”.

Từ trong nhà bước ra một cách khó khăn trên đôi nạng cắp nách, ông Tám Được hồ hởi như thể tiếp đón khách đến thuê dời nhà. Nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề dời nhà, rồi đề cập câu chuyện ông tổ “thần đèn” Tư Lũy, thì ông nghiêm nghị hơn.

Ông bảo: “Khó có thể khẳng định ai đã sáng kiến ra nghề dời nhà, nhưng chắc chắn Tư Lũy thì không phải là người đầu tiên”. Ông Tám Được năm nay 58 tuổi, làm công việc di dời nhà từ năm 1992, đây cũng là mốc thời gian “thần đèn” Tư Lũy và các “thần đèn” khác trong làng bắt đầu thành thạo nghề di dời nhà.

Ông không hiểu vì sao mình lại chậm nổi hơn so với Tư Lũy, bởi như ông nói thì công việc này ai ai làm cũng giống nhau cả. Còn trước đó có một người đã làm công việc này, đó là ông Năm Dương.

Một công trình đặc trưng cho việc di dời, gia cố nhà. Ảnh: T.G

Theo như trí nhớ của ông Tám Được thì trước kia ở làng Hòa Hảo (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có một ông thợ mộc rất giỏi tên là Năm Dương. Người dân ở đây gọi là “ông mắt kiếng”, vì lúc nào ông cũng đeo chiếc kính mắt rất to. Chính Tư Lũy và một số “thần đèn” cùng lứa đã học lỏm nghề di dời nhà của ông này.

Dời nhà cũng không khó để học, những người từng làm thợ xây, thợ hồ, thợ mộc… thì chỉ cần nhìn qua là làm được luôn. Ví như ông Tám Được vốn làm nông từ nhỏ, nhưng bây giờ cũng được người mệnh danh là “thần đèn” trong vùng, từ ngày ông đau cột sống phải đi phẫu thuật chân thì ông tạm nghỉ cho đến nay.

Mân mê tách trà, ông Tám Được hướng mắt ra con lộ kể tiếp: “Chính con đường này đã sinh ra các “thần đèn” đấy. Năm 1990, có công văn từ trên tỉnh yêu cầu các hộ gia đình ven hai bên đường phải trả mỗi bên 5m để chính quyền mở rộng và nâng cấp đường. Đó là tỉnh lộ 942, một con đường huyết mạch của tỉnh An Giang, nối liền Chợ Mới với các huyện Phú Tân, An Phú, TP. Long Xuyên và một số huyện của tỉnh Đồng Tháp.

Vì lúc ấy nhà ai cũng khó khăn, công tác đền bù của nhà nước lại chậm trễ nên nhiều người ước, nếu di chuyển được nhà về phía sau thì đỡ tốn kém biết mấy. Vừa trả được mặt bằng cho nhà nước, vừa giữ nguyên được nhà để ở.

Ông Năm Dương lúc đó 48 tuổi, là tay thợ mộc nổi tiếng ở huyện Phú Tân (An Giang). Thấy người dân huyện Chợ Mới có nhu cầu di dời nhà cấp thiết ông quyết định rủ 20 người đến giúp chuyển căn nhà gỗ của một gia đình chủ hộ tên Hoán (đã mất) về phía sau 6m. Ý tưởng này khiến gia chủ ban đầu cũng không tin, nhưng vẫn đồng ý để xem Năm Dương làm cách nào.

Ban đầu, ông cho công nhân đào móng, nống cột để giữ các cột chính trong ngôi nhà khỏi xiêu vẹo. Sau đó ông kê tấm ván ở dưới nền móng làm đường chạy con lăn. Khi lăn, người thợ chính phải làm sao giữ được thăng bằng cho ngôi nhà. Lúc di chuyển, mội người chung sức kéo và đẩy ngôi nhà xê dịch theo hướng vị trí cần chuyển, sau đó làm công tác hậu chuyển là xong.

Trong khi ông Năm Dương thực hiện việc chuyển nhà, mọi người ở địa phương thấy lạ nên kéo nhau đi coi như thần đèn trong thần thoại xuất hiện. Nhiều người thấy hứng thú còn xung phong vào đẩy, kéo giùm, trong số đó có Ba Bé và ông Tư Lũy.

Bà Võ Thị Mè, vợ “thần đèn” Tư Lũy nói: “Thấy “ông mắt kiếng” làm hay nên chồng tôi suốt ngày đêm trằn trọc. Từng là thợ mộc đóng nhà gỗ, xuồng, ghe nên chồng tôi cứ phân vân rằng, việc kéo ghe nặng hàng chục tấn ông còn làm được thì cái nhà chẳng “xi nhê” gì.

Từ đó, chồng tôi đã nghĩ ra cách dùng con đội để nâng cột nhà, thân gỗ cắt mỏng làm ván kê dưới rãnh để con lăn (bằng gỗ dừa) lăn đi như lúc hạ thủy một chiếc ghe, thuyền. Lần đầu tiên ông làm rất cẩn thận nên thành công đến ngoài sức tưởng tượng”.

Đoạn đường ngắn vô số bảng hiệu di dời nhà ở làng “Thần đèn”. Ảnh: T.G

Đặt nền móng cho nghề “thần đèn”

Sau sự thành công của ông Tư Lũy, ông Ba Bé cũng bắt tay vào học di dời nhà. Đầu năm 1991, ông thực hiện di dời hai công trình nhà ở bằng gỗ thành công. Ngày 11/9/1991 (âm lịch), ông nhận di dời nhà cho ông Tám Được (lúc đó Tám Được chưa biết dời nhà) lùi sâu về phía sau 5m.

Ngôi nhà của Tám Được làm toàn bộ bằng gỗ, mái ngói, rộng hơn 140m2 và nặng khoảng 60 tấn, thành công mỹ mãn. Sau 12 năm dời đi, hiện ngôi nhà của ông vẫn nguyên trạng như lúc được “thần đèn” Ba Bé chuyển dịch. Cũng từ đây ông Tám được lại theo Ba Bé học nghề.

Nhiều “thần đèn” ở đây cho biết, ban đầu họ thành lập các nghiệp đoàn di dời nhà để chung vốn cho bớt chi phí sắm đồ nghề. Mỗi nghiệp đoàn khoảng 2-3, thậm chí lên tới 4-5 gia đình và họ thuê thêm công nhân lao động trợ giúp.

Khởi đầu người ta còn dùng trâu, bò, ngựa và sức người để kéo chứ chưa nghĩ ra cách dùng bá lan (một công cụ trong di chuyển nhà làm giảm sức kéo rất hiệu quả) kéo như khi hạ thủy một con tàu, thuyền. Trong quá trình làm, những người dời nhà tiếp tục nghĩ ra công cụ để tăng hiệu quả và đơn giản hơn.

Khi chúng tôi đến địa phương xác minh ai là ông tổ “thần đèn” miền Tây thì có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng, nghề này người dạy người, nghề dạy nghề. Thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng trước ông Năm Dương “mắt kiếng” còn có người đã biết dời nhà nhưng không xác định được cụ thể.

Họ xem ông Năm Dương như một người thợ cừ khôi trong công việc đã giúp nhân dân di dời nhà cho đỡ tốn kém. Trong đó, ông Tư Lũy được kính trọng như là người đi đầu, khởi xướng nghề di dời nhà với tính chất chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt sau này cũng chính ông Tư Lũy là người đóng vai trò chính tạo ra các công thức di dời nhà trần (nhà xây gạch và bê tông), dạng nhà phổ biến hiện nay vừa nặng và rất khó dời, rồi nâng thành một nghề để người dân kinh doanh kiếm tiền thực thụ.

“Thần đèn” là người học lỏm tài ba

“Tất cả các “thần đèn” ở đây đa phần đều bắt nguồn từ những nghề truyền thống như: Đóng ghe, xuồng, làm nhà gỗ hoặc chạm khắc gỗ, làm thợ hồ, xây dựng nhà cửa. Cụ thể như ông Tư Lũy xuất phát từ một thợ đóng ghe, Ba Bé từng là thợ mộc giỏi nhất vùng Nam Vang (Campuchia), Ba Tuấn làm thợ chạm trổ đồ gỗ xuất khẩu.

Những “Thần đèn” xuất hiện sau này đều là những người lao công từng đi theo các “thần đèn” gạo cội hàng năm trời mới học lỏm mà thành nghề”, bà Võ Thị Mè, vợ “thần đèn” Tư Lũy cho hay.

Theo Đăng Văn

GĐ&XH