Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không

Vừa qua, hàng loạt trường ĐH công bố phương án tuyển sinh chính quy năm 2022. Điều dễ dàng nhận thấy là các trường đã giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển, thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL hoặc các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT…

Đơn cử như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên sẽ được ưu tiên xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý; Hay thí sinh muốn vào ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội, có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên sẽ được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn 3 điểm. Đặc biệt, Học viện Ngoại giao ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên (hoặc tương đương)…

Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không
Nhiều học sinh đang cố gắng thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL... để chuẩn bị cho đợt tuyển sinh ĐH năm 2022

Việc ưu tiên này cũng đã áp dụng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, theo đó, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cũng được miễn thi và được quy đổi thành mức điểm xét tuyển từ 7 trở lên tùy từng trường.

Em Ngô Thành Đạt, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú (Hà Nội) vừa kết thúc buổi học ôn IELTS chia sẻ: “Ước mơ của em là được theo học ngành Khoa học máy tính tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng trường công bố số lượng xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 chỉ có 10 - 20%. Tỷ lệ này thấp hơn mọi năm rất nhiều nên em phải lựa chọn ôn thi chứng chỉ IELTS để chắc suất vào trường.

Lịch học các môn trên trường dày đặc, giờ mỗi tuần phải “gánh” thêm 3 buổi luyện đề IELTS khiến em luôn trong tình trạng quá tải nhưng nếu không học thì tỷ lệ đỗ rất mong manh".

Em Nguyễn Phương Uyên, học sinh lớp 12, trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) tâm sự: “Em đã thi đến lần thứ 2 nhưng vẫn chưa đạt được mức điểm IELTS như kỳ vọng. Hiện tại, em vẫn phải tiếp tục tham gia lớp luyện đề, cải thiện các kỹ năng với hy vọng lần thi tới sẽ đạt được mục tiêu.

Từ cuối năm lớp 11, em đã xác định đăng ký xét tuyển ngành Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao. Sau khi theo dõi điểm xét tuyển các năm thì phương án tốt nhất vẫn là xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS kết hợp điểm trung bình lớp 10, 11, 12. Mặc dù đã đạt mức điểm xét tuyển là 7.0 IELTS của trường đề ra nhưng để “chắc ăn” em cần phải đạt 7.5 IELTS".

Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không
Không ít phụ huynh đang chạy đua cho con đi ôn luyện để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Hơn một tuần nay tất tả tìm lớp luyện thi IELTS cho cậu con trai, chị Đinh Thị Thúy Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, sau khi tính toán, cân nhắc hai vợ chồng chị quyết định “chắt bóp” hơn chục triệu cho con tham dự lớp luyện thi IELTS 3 tháng với hy vọng cánh cửa ĐH rộng mở hơn.

“Nhìn quanh bạn bè đồng nghiệp, ai cũng cho con đi tham gia luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không IELTS thì TOEFL, con mình không có chứng chỉ cũng lo. Nếu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như mọi năm tính ra mỗi môn con phải được 9 điểm hoặc hơn, chưa kể nhiều thí sinh còn được cộng điểm ưu tiên. Thôi đành nhịn ăn, nhịn tiêu để cánh cửa vào ĐH của con được rộng mở”, chị Thúy Hằng nói.

Thu hẹp cơ hội của những thí sinh ở vùng khó khăn

Trước cuộc đua ưu tiên xét tuyển IELTS giữa các thí sinh, cô Nguyễn Kim Chung, giáo viên trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) bày tỏ qua điểm: “Không phủ nhận năng lực ngoại ngữ là điều cần thiết đối với học sinh hiện nay. Nó giúp các em có nhiều cơ hội tiếp cận với những tri thức toàn cầu nhưng việc ưu tiên xét tuyển IELTS khiến hàng loạt học sinh đổ xô đi ôn luyện là điều không nên. Bởi lẽ, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận chứng chỉ này.

Để luyện và thi IELTS thí sinh không những phải đầu tư thời gian, mà còn phải đầu tư một khoản chi phí khá lớn. Mỗi khóa học, thí sinh phải bỏ ra ít nhất 8 – 10 triệu đồng tùy trung tâm, chưa kể lệ phí thi là 4.750 nghìn đồng/lần đăng ký. Với mức chi phí này, ngay cả những học sinh ở Hà Nội cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến các em học sinh ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa.

"Do đó, việc ưu tiên xét tuyển IELTS sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa các thí sinh tại các vùng miền khác nhau", cô Chung phân tích thêm.

Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không
Ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học khiến nhiều em học sinh ở nông thôn bị thiệt thòi

Thầy Phạm Huy Hoàng, giáo viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cũng cho hay, nếu tỷ lệ ưu tiên xét tuyển chứng chỉ IELTS tăng đồng nghĩa với cơ hội của những thí sinh không có chứng chỉ này sẽ bị thu hẹp và đây cũng là một thiệt thòi rất lớn.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý giáo dục, TS Nguyễn Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Các trường ĐH xét tuyển dựa trên các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cần có sự tính toán chi tiết để không cản trở, hạn chế cơ hội của nhóm yếu thế trong xã hội”.

Bởi lẽ, theo TS Yến, chứng chỉ IELTS hay bất kỳ một chứng chỉ ngoại ngữ nào khác chỉ có thể đánh giá trình độ sử dụng ngôn ngữ của thí sinh. Ngôn ngữ chỉ là công cụ để giao tiếp, sau đó là tiếp nhận tri thức mới và truyền đạt suy nghĩ, tư tưởng của người học đến một phạm vi tiếp nhận rộng lớn hơn. Do vậy, chứng chỉ ngoại ngữ không thể đánh giá toàn diện được khả năng của thí sinh trong kỳ thi, nó chỉ là một cơ sở tin cậy để đánh giá khả năng ngoại ngữ của thí sinh.

Mặt khác, theo TS Yến, việc “nâng tầm” chứng chỉ IELTS trong việc xét tuyển vào các trường ĐH rất dễ dẫn đến việc bỏ lọt nhân tài như các kỳ xét tuyển trước.

“Thật đáng tiếc cho những thí sinh đạt điểm tổng 27 - 28 điểm nhưng vì không có chứng chỉ IELTS mà tuột mất cơ hội theo đuổi ngành học mơ ước”, TS Yến nói.

Thay vì chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các trường ĐH cũng nên đưa chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vstep) đã được Bộ GD&ĐT công nhận vào xét tuyển. Như vậy, học sinh sẽ có một “thước đo” ngoại ngữ chuẩn xác, bình đẳng mà không tốn kém như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ phát sinh tiêu cực, khuyến khích tình trạng học lệnh, không đảm bảo yếu tố công bằng, vùng miền…

Theo tôi, tiêu chí ngoại ngữ chỉ nên là tiêu chí phụ thôi. Khi xét tiêu chí chính là dựa vào kết quả học tập ở trường, năng lực, thành tích, hoạt động xã hội… rồi mà vẫn ngang nhau thì xét thêm tiêu chí phụ. Nếu ưu tiên trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ thì tôi cho rằng, đó là dấu hiệu tiêu cực cho sự phát triển.

Tôi không phản đối tiêu chí ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng chỉ nên lấy đó là tiêu chí phụ, không nên miễn thi hay quy đổi thành điểm tuyển sinh như kỳ thi vừa qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chốt thời gian thi diễn ra trong 2 ngày, dự kiến vào ngày 7 và 8.7.2021.

Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Theo hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thí sinh được chọn dự thi 1 trong 7 ngôn ngữ sau: Tiếng Anh; Tiếng Nga; Tiếng Pháp; Tiếng Trung Quốc; Tiếng Đức; Tiếng Nhật; Tiếng Hàn.

Thí sinh được đăng ký môn thi Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Có 2 trường hợp được miễn thi môn Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT 2021 gồm: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ; Thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng đến ngày 6.7.2021 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định.

Thi đại học có cần chứng chỉ tiếng Anh không
Các chứng chỉ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh sở hữu 1 trong các loại chứng chỉ trên sẽ được tính 10 điểm cho bài thi Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, trong xét tuyển vào đại học mỗi trường sẽ có những quy đổi điểm xét tuyển riêng, vì vậy, thí sinh cần theo dõi trong đề án tuyển sinh của các trường.

Trường hợp thí sinh không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi Ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.

Nhưng với cách thức đa dạng trong xét tuyển chứng chỉ này, nếu không lưu ý thí sinh (TS) có thể đánh mất cơ hội được hưởng những lợi thế lớn trong xét tuyển.

Thí sinh nào nên dự thi môn ngoại ngữ ?

Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, TS có chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị sử dụng đến ngày 6.7.2021 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm nay. Các TS được tính 10 điểm cho bài thi ngoại ngữ khi dùng để xét tốt nghiệp THPT, có thể sử dụng điểm này để xét tuyển vào một số trường ĐH.

Tuy nhiên, việc trường có chấp nhận điểm làm điểm xét tuyển hay không được quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường. Các trường cũng có những quy định khác nhau trong cách tính điểm cho những TS có chứng chỉ này. Trong trường hợp sử dụng điểm ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường không chấp nhận điểm miễn thi tốt nghiệp, TS cần đăng ký dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hiện các trường đang có những quy định khác nhau khi xét điểm thi môn tiếng Anh. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “TS cần xem kỹ đề án các trường, trong danh sách trường mình dự định ứng tuyển nếu có trường không đồng ý điểm quy đổi thì phải dự thi môn tiếng Anh. Nếu điểm quy đổi chưa cao, TS cũng nên dự thi để có khả năng đạt điểm cao hơn”.

Phần lớn các ngành và chương trình của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay đều sử dụng tổ hợp có môn tiếng Anh. Điểm đáng chú ý trong đề án tuyển sinh năm nay là trường chấp nhận điểm quy đổi từ chứng chỉ quốc tế cho môn thi này trong xét tuyển. Cụ thể, TS có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên (hoặc các chứng chỉ tương đương khác) sẽ được tính 10 điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp có chứa môn này.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ dùng miễn thi trong xét tốt nghiệp làm điểm khi xét tuyển các ngành của trường. Tuy nhiên, TS có chứng chỉ ngoại ngữ trong nước hoặc quốc tế sẽ được ưu tiên trong phương thức ưu tiên xét tuyển của trường. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết năm nay trường dành tối đa 20% chỉ tiêu từng ngành để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Trong đó, trường xét tuyển thẳng học sinh của 82 trường THPT chuyên, năng khiếu trong toàn quốc có xếp loại học lực lớp 12 chuyên năm học 2020 - 2021 từ giỏi trở lên. Học sinh khi xét tuyển vào các ngành ngoại ngữ cần đạt một trong các điều kiện theo thứ tự ưu tiên, trong đó tiêu chí xếp thứ 3 là chứng chỉ ngoại ngữ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu trở lên hoặc tương đương (tương đương IELTS 5.5).

Cùng một trường nhưng quy định khác nhau tùy phương thức xét tuyển

Không cộng trực tiếp điểm miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp, một số trường xem chứng chỉ ngoại ngữ như một tiêu chí trong xét tuyển thẳng.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong phương thức xét tuyển kết hợp với điểm 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, dành cho 25% chỉ tiêu 4 ngành. Trong đó, các ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học và điều dưỡng, xét TS đạt điểm IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương, riêng ngành điều dưỡng từ 5.0 trở lên. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết ở phương thức này chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện cần. TS chỉ cần đạt IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương là đủ điều kiện tham gia xét, không phân biệt mức điểm đạt được của các chứng chỉ. Sau điều kiện cần này, những TS có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp cao hơn sẽ được xét trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường không có tổ hợp chứa môn tiếng Anh, TS không cần đăng ký dự thi môn này nếu muốn tham gia xét tuyển vào trường.

Phương thức xét tuyển của Trường ĐH Luật TP.HCM với môn ngoại ngữ trong năm nay cũng khá đặc biệt. Cụ thể, trường ưu tiên xét tuyển thẳng, TS đạt từ IELTS 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 61 điểm trở lên môn tiếng Anh (ngoài ra còn xét tiếng Pháp, tiếng Hàn). Đồng thời TS này cần đạt điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt tổng cộng 21 điểm trở lên.

Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc ràng buộc điểm học bạ này nhằm tuyển được TS có năng lực từ khá trở lên các môn theo tổ hợp xét tuyển, tránh tình trạng TS có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng điểm các môn khác chỉ ở mức trung bình.

Nhưng cũng tại Trường ĐH Luật TP.HCM, TS xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp có chứa môn ngoại ngữ bắt buộc phải đăng ký dự thi môn này để có kết quả xét tuyển. Theo thạc sĩ Hiển, 2 phương thức xét tuyển này độc lập nhau; TS có chứng chỉ ngoại ngữ có thể sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng, còn TS không có chứng chỉ ngoại ngữ có thể sử dụng phương thức xét điểm thi để công bằng với tất cả TS.

Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM cũng sử dụng chứng chỉ quốc tế cho phương thức xét tuyển sinh nhưng điểm quy đổi từ chứng chỉ này chỉ là một trong 3 điểm thành phần (bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 môn khác theo tổ hợp xét tuyển). Trước đó, các TS diện này phải đạt điều kiện cần là điểm trung bình chung 5 học kỳ từ 7,5 trở lên và hạnh kiểm từng năm loại khá trở lên. Đặc biệt, trong bảng điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế của trường này, để đạt 10 điểm môn tiếng Anh người học cần có chứng chỉ IELTS từ 8.0 trở lên. Cũng tại Trường ĐH Ngoại thương, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, TS vẫn phải dự thi môn ngoại ngữ để xét tuyển bằng các tổ hợp chứa môn này.