Thời gian tuyến tính trong văn học là gì

I.KHÁI NIỆM THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

1.1. Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của nghệ thuật

          Trong triết học người ta xem thời gian là hình thức (phương thức) tồn tại của vật chất. “Thời gian là một trong các hình thức tồn tại cơ bản của thế giới, của sinh thành, trưởng thành, trôi chảy, và huỷ diệt của tất cả các hiện tượng của thực tại. Phạm trù thời gian gắn liền với sự thay thế liên tục của các giai đoạn đời sống của tự nhiên, con người, và sự phát triển của ý thức; vì thế sự cảm nhận chủ quan về  thời gian gắn chặt với các quan hệ nhân quả, quá khứ, hiện tại và tương lai, cũng gắn liền với với sự thể nghiệm chủ quan và sự diễn giải của các kiểu ý thức khác nhau.”[1] Thời gian theo nhận thức chung là hình thức tồn tại có tính liên tục, có độ dài, có hướng, có nhịp độ, có ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai và có tính chất không thể đảo ngược. Để đo thời gian này người ta làm ra các phương tiện như lịch, đồng hồ và định ra các đơn vị thời gian: giây, phút, ngày, giờ, năm, tháng, thế kỷ vv… Không một vật chất nào có thể tồn tại ngoài thời gian. Mọi dạng tồn tại của vật chất đều có thời gian riêng của mình. Ngoài thời gian vật lý, thời gian lịch sử, còn có thời gian sinh vật, thời gian tâm lý.

Thời cổ đại người ta chỉ biết có thời gian tuần hoàn theo kiểu bốn mùa. Vật lí học Newton chỉ biết thời gian tuyền tính, đồng chất, đồng đều, vô thuỷ vôc hung. Thiên chúa giáo chỉ biết thời gian hữu hạn từ khi chúa ra đời ho đến ngày phán xử cuối cùng, không đảo ngược. Phải đến thời cận đại với thời gian tương đối người ta mới biết có nhiều kiểu thời gian, kể cả thời gian nghệ thuật.

Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù, có thời gian riêng. Tác phẩm nghệ thuật cũng tồn tại trong thời gian vật chất: xem một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim, một vở kịch… đều phải mất một lượng thời gian, tuỳ theo dung lượng tác phẩm dài hay ngắn. Không có thời gian vật chất, tác phẩm nghệ thuật không tồn tại được. Nhưng thời gian khách quan đó chưa phải là thời gian nghệ thuật. Bởi thời gian nghệ thuật là hình thức tái hiện thời gian một cách đặc biệt. qua tác phẩm, ta có thể trải qua một cuộc đời, một ngày, trải qua nhiều thế hệ, hoặc quay về quá khứ, hay nhảy vượt tới tương lai, hoặc sống với thời gian cõi tiên như Từ Thức. Nhìn chung, thời gian nghệ thuật là là thời gian có các đặc điểm cơ bản sau.

 Một là thời gian nghệ thuật là thời gian hữu hạn. Tác phẩm nào cũng có mở đầu và kết thúc. Bài tơ là cảm xúc bột phát trong giây phút. Dù viết đến 111 năm như Tam Quốc diễn nghĩa cũng chỉ là một đoạn nhắm, một tích tắc trong vô tận thời gian.

Hai là nó có tính liên tục của thời gian sự kiện, có độ dài với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian: hiện tại, quá khứ, tương lai, thời gian đồng thời, đồng hiện hoặc vĩnh cữu. Đồng thời với tính liên tục này phải thấy thời gian nghệ thuật có tính gián đoạn, bởi nghệ thuật không có ý và cũng không thể tái hiện toàn bộ chiều dài của thời gian, mà chỉ chọn lấy những đoạn có ý nghĩa rồi lien kết lại.  Vì thế giữa các sự kiện luôn có các đoạn thời gian bị bỏ qua, bị tỉnh lược, khiến cho nhà văn có điều kiện diễn giải lí do, phân tích tâm lí của các nhân vật. (Ví dụ mười năm sau, chiều hôm sau, hoặc đến chỗ gay cấn thì dừng lại, chuyển sang sự kiện khác.). Nếu không có gián đoạn thì nhà văn sẽ bị lệ thuộc vào dòng thời gian khách quan của sện được tính nghệ thuật.Có thể nói thời gian nghệ thuật có tính liên tục của những thời đoạn khác thời. Do tính gián đoạn mà ngắt thời gian ra, để nó có thể lặp đi lặp lại, có thể hồi cố, hồi tưởng, có thể kể theo hai mạch, ba mạch khác nhau.

Thứ ba, thời gian nghệ thuật do nghệ thuật sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, tự do, ứơc lệ, nhanh chậm gắn với thời gian tâm lý. Nhà văn có thể bắt đầu hay kết thúc ở đâu cũng được, miễn là có ý nghĩa. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại, hoặc vĩnh viễn. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Thiếu sự cảm thụ, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện. Nhưng thời gian nghệ thuật cũng không phải là một hiện tượng của tâm lý cá nhân người đọc, muốn cảm thụ nhanh chậm thế nào cũng được. Thời gian nghệ thuật là một sáng tạo khách quan trong chất liệu. Nếu như một tác phẩm có thể gây hiệu quả hồi hộp đợi chờ thì đối với ai, lúc nào, khi cảm thụ, thời gian ấy đều xuất hiện.

          Thứ tư, thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Cuộc đời có thể như chớp mắt, như giấc mộng. Cuộc đời có thể chỉ là cuộc đày ải vô tận. Cuộc đời có thể chỉ như con thoi đưa mà không có sợi chỉ, hoàn toàn vô nghĩa. Cuộc đời có thể là cuộc hành quân đi tới tương lai hoặc dẫm chân tại chỗ… Thời gian nghệ thuật là phạm trù có nội hàm triết lý. Chỉ cần lưu ý tới quan niệm thời gian trong thơ Xuân Diệu, trong thơ Chế Lan Viên, trong thơ Tố Hữu, ta sẽ thấy ý nghĩa của phạm trù thời gian trong thơ ca và văn học nói chung. Xuân Diệu viết “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”…Thời gian trôi quá nhanh, vượt quá mức bình thường, khiến tuổi trẻ quá ngắn ngủi. Chế Lan Viên viết: “Cả quá khức là chuỗi mồ vô tận, cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành, Và hiện tại biết cùng chăng hỡi bạn, Cũng đang chon mòn mỏi chuỗi ngày xanh”. Thời gian chỉ là nấm mồ. Còn Tố Hữu chỉ thấy có một tương lai chắn chắn như đinh đóng cột: “Ngày mai đây tất cả sẽ là chung, Tất cả sẽ là vui và ánh sáng”. Ông nói với cô gái giang hồ trên sÔng Hương: “Ngày mai cỗ sẽ từ trong tời ngoài, Thơm như hương nhuỵ hoa lài, Sach như nước suối ban mai giữa rừng. Ngày may bao lớp đời dơ, Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”… Tiếc thay lời hứa của ông hoá ra là hứa suông. Trước mắt chỉ là một thời ảo tưởng.

          Thứ năm, là thời gian của tính sáng tạo rất đa dạng. Là hình thức của hình tượng nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc tác phẩm, có thể kể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều ngày, nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật.

Thứ sáu, là thời gian nghệ thuật có thể được xét trên nhiều bình diện. Viện sĩ D.S. Likhachev nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ đề, là công cụ miêu tả – là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng cuả thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”[2]. Như thế có thể xem xét thời gian từ nhiều góc độ, từ chủ đề đến các biểu hiện nghệ thuật.

          Tóm lại, thời gian nghệ thuật là một hình thức tự do của sáng tạo. Việc nhà tiểu thuyết có thể tự do ứng xử với thời gian như trên được xem là một bước ngoặt kiểu Copernicus trong văn học[3]. Thời gian trong văn học không còn giản đơn là cái dung chứa các quá trình đời sống mà là một yếu tố nội dung tích cực, “một kẻ tham gia độc lập vào hành động nghệ thuật”[4], là “một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật”[5].

1.2. Lược sử khái niệm thời gian nghệ thuật 

          Một thời gian dài con người chỉ hiểu thời gian là khách quan, do đó không ai nghĩ đến thời gian nghệ thuật.

          Thời gian nghệ thuật là một khái niệm rất mới của khoa văn học, được coi là một trong những thành tựu nổi bật nhất của khoa nghiên cứu văn học hiện đại. Trước thế kỷ XX, nó hầu như chưa được ý thức. Thời cổ Hy Lạp, trong Thi pháp học, do đề xướng nguyên tắc “bắt chước tự nhiên” người ta chưa ý thức được tính độc lập của thời gian nghệ thuật. Chủ nghĩa cổ điển Pháp với luật “tam duy nhất” đồng nhất thời gian cốt truyện vào thời gian diễn xuất (3 – 4 tiếng hoặc tối đa là một ngày đêm), đã gò bó trói buộc nghệ thuật. Thế kỷ XVIII nhà khai sáng Đức Lessing phân biệt thơ và hội họa ở chỗ hội họa miêu tả các sự vật trải ra trong không gian, còn thơ ca miêu tả những vật thay thế nhau trong thời gian, như vậy vẫn chỉ là sự tương đồng giữa văn học với đối tượng và chất liệu. Người ta chưa thấy rõ thời gian nghệ thuật mang tính chất tâm lý. Việc phát hiện tính thời gian của dòng ngôn từ đã mở ra triển vọng mới để khám phá thời gian nghệ thuật.

          Một thời gian dài con người hầu như chỉ thấy thời gian không gian là khách quan. Từ năm 1885 Makh trong tác phẩm Phân tích cảm giác đem thời gian vật lý hoàn nguyên thành các yếu tố cảm giác, xây dựng lại quan niệm về thế giới. Cùng thời gian ấy xuất hiện bức tranh ấn tượng chủ nghĩa đầu tiên, Sezan dùng màu sắc thuần tuý tạo ra cảm giác lập thể, kế đó Picasso dùng mặt phẳng hai chiều thay thế không gian ba chiều thấu thị, thế là phát hiện ra tính chủ quan trong quan niệm về không gian, thời gian. H.Bergson xác định về mặt triết học bản chất thời gian của sự sống, gắn liền với thể nghiệm. Thế là đổi mới qui tắc vận dụng thời gian, không gian trong nghệ thuật.

          Thời gian nghệ thuật thực sự được ý thức khi nhận thấy sự so le giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật, thời gian không đồng đều trong các chương cũng như thời gian bỏ lửng giữa các chương tiểu thuyết. Đó là điều được nhận thấy trong tiểu thuyết Đôn Kihôtê của Cervantes, trong Tôm John – Đứa trẻ vô thừa nhận của Henry Fielding, trong Tristam Sandy của L.Sterne. Các nhà hình thức Nga như V. Shklovsski. B. Tomashevski là những người đầu tiên nêu ra vấn đề thời gian tự sự, tiếp theo là W.Hadow, E.Staiger, G.Muller, L.Dolegel, A.Mendilov nêu ra thời gian có tính không gian trong văn xuôi. G. Genette,  M. Bal là những người hệ thống hóa các hình thức thời gian trần thuật. Các nhà thi pháp học lịch sử như M.Bakhtin, D.S.Likhachev khái quát các hình thức thời gian trong tiểu thuyết cổ và văn học trung đại. Thời gian trong văn học thế kỷ XIX cũng như các hình thức mới lạ của thời gian nghệ thuật trong văn học thế kỷ XX là đề tài của nhiều nhà nghiên cứu. Jozev Frank, K. Kumar, T. Motylova, H. Meierhoff… nghiên cứu các hình thức thời gian trong văn học hiện đại. Đáng chú ý là viện sĩ Nga Likhachev là người gọi thời gin trong văn học là “thời gian nghệ thuật” để phân biệt với các loại thời gian khác, như thời gian vật lí, đồng hồ, tự nhiên, sinh học, xã hội, lịch  sử… Hiện nay vấn đề này đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Tuy nhiên phạm trù thời gian nghệ thuật vẫn còn nhiều vấn đề lý luận chưa được nhất trí trong các khía cạnh chuyên sâu.

II. CẤU TRÚC VÀ BIỂU HIỆN CỦA THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

          Như trên đã nói, thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của tác giả trên cơ sở tổ chức vật liệu. Vậy trước hết hãy tìm hiểu các yếu tố mang thời gian, sự tổ chức thời gian và các hình thức thời gian nghệ thuật.

          Trong văn học, yếu tố nào cũng có thời gian của nó và đều có thể biểu hiện thời gian. Chúng ta chú ý trước hết tới yếu tố chính, tức là hai lớp thời gian cơ bản sau đây:

2.1. Thời gian trần thuật

          Thời gian trần thuật cũng là thời gian truyện kể, là thời gian vận động theo dòng vận động tuyến tính, một chiều, của văn bản ngôn từ. Thời gian này có sự thống nhất giữa điểm mở đầu của truyện kể và mở đầu của văn bản, và cùng kết thúc với văn bản.Người ta nói văn học là nghệ thuật thời gian bởi vì văn học diễn đạt các sự vật, hiện tượng theo trật tự thời gian của lời nói liên tục, từ câu đầu cho đến câu cuối cùng, không đảo ngược. Khái niệm “trần thuật” đây được dùng với ý nghĩa rất khái quát – không chỉ là cho loại tự sự, mà cho mọi văn bản văn học, nghĩa là sự tổ chức văn bản miêu tả, biểu hiện của chủ thể để thể hiện thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Trong văn học cổ Việt Nam, người ta gọi thơ trữ tình là “tự tình”, “trần tình”, “tự thuật” tức là kể nỗi lòng, trình bày tình cảm.

          Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể. a) Nó có mở đầu và kết thúc, do đó là một thời gian hữu hạn. b) Nó có tốc độ và nhịp độ riêng do người kể có thể kể nhanh hay chậm, có nghĩa là kể lướt hay là tỉ mỉ, dừng lại miêu tả chi tiết. Khi nào diễn đạt khái quát thì thời gian lướt nhanh, khi nào sa vào miêu tả chi tiết thì thời gian như dừng lại. c) Do nó có tính không đảo ngược cho nên nó có thể sắp xếp lại trật tự thời gian của sự việc vào trật tự trước sau của nó. Nó có thể đem cái xảy ra sau kể trước, và ngược lại đem cái xảy ra trước kể sau. d) Thời gian trần thuật luôn mang thời hiện tại. Tôi đang nói có nghĩa là thời điểm đang hiện tại. Thời hiện tại ngữ pháp của lời nói ứng với thời hiện tại của người nói. Khi ta đọc một bài thơ trữ tình cổ là ta nhập thời hiện tại của tác giả vào với thời hiện tại của người đọc là ta, và tạo thành một thời gian nghệ thuật, chỉ có trong nghệ thuật.

          Xác định thời gian trần thuật như thế nào là vấn đề cần giải quyết để phân tích nghệ thuật trần thật. Theo G.Genette, thời gian trần thuật có bốn hình thức: a) Tỉnh lược (ellipsis) – thời gian được trần thuật có thể rất dài, nhưng thời gian trần thuật lại có thể bỏ qua, thời gian trần thuật gần như bằng không. Ở đây có các hình thức tỉnh lược cụ thể khác nhau, hoặc có biểu thị hàm ẩn, hoặc có biểu thị rõ ràng hoặc chỉ ám thị, hoặc là giả thiết. b) Lược thuật (Summary)- là lược kể trong một câu ngắn một đoạn thời gian dài. c) Cảnh tượng (Scene) – hay là diễn, tức kể các cuộc đối thoại , thời gian nói qua, nói lại này gần như bằng thời gian đối thoại trong thực tế (người ta gọi thời gian đó là thời gian kịch, nghĩa là diễn). d) Dừng lại (Pause) tức là khi nhà văn tiến hành miêu tả chân dung hay phong cảnh,  môi trường. Lúc này thời gian được trần thuật dừng lại bằng không[6]. TRong lí thuyết thời gian tự sự của Genette khái niệm thời gian trần thuât (tự sự) gồm có ba bình diện> Một là thứ tự thời gian sau trước. Khi nhà văn kể chuyện theo trật tự từ trước đến sau, bắt buộc phải có sự hồi cố, hồi tưởng sự viêc xảy ra trước để bổ sung, hoặc có sự dự báo, dự thuật, gây đợi chờ. Bình diện thứ hai là khoảng chách thời gian, sử dụng các thủ pháp tỉnh lược, dừng lại, tóm lược hay biểu diễn hoặc hãm chậm, rút ngắn, tạo ra nhịp độ của thờigian. Bình diện thứ ba là Tần xuất, chỉ tương quan giữa sự kiện và sự trần thuật, có một sự kiện được kể nhiều ít lần, nhiều sự kiện được kể lại ít lần. Đó là các phương thức tu từ trong nghệ thuật thời gian của tự sự.

          Trong lý luận tự sự Trung Quốc xưa người ta còn đề cập đến các hình thức thuật bổ sung (bổ tự), trần thuật chuyện xảy ra trước (đảo tự), trần thuật xen (sáp tự), kể những chuyện sẽ xảy ra (dự tự), các hình thức này trong sử biên niên cũng thường sử dụng.

          Thời gian trần thuật là một hiện tượng nghệ thuật, chỉ có trong sáng tác nghệ thuật, bởi nó nhằm tạo ra cảm giác thời gian và dòng thời gian trong tâm hồn người đọc.

          Giả sử ta xem trần thuật như một hành động diễn xuất, nghĩa là tác giả dùng ngôn từ để biểu diễn các nhân vật và sự kiện – thơ trữ tình cũng là ngôn từ để diễn xuất tình cảm mình – thì thời gian trần thuật là thời gian diễn xuất, nó là thời hiện tại. Khi ta đọc là ta tự điều khiển cho dòng ngôn từ lại diễn xuất trước mắt ta. Do đó thời gian trần thuật (thống nhất dòng ngôn từ, hoạt động biểu diễn của tác giả và hoạt động cảm thụ của người đọc) là thời gian mang bản chất nghệ thuật. Do vậy, cái quan niệm xem trữ tình – thời hiện tại, còn tự sự – thời quá khứ chỉ đúng một phần, tức nói tới thời gian của cái được nói tới, chứ chưa chú ý tới thời gian trần thuật. Thời gian trần thuật thực chất là thời gian biểu diễn bằng phương tiện ngôn từ. Mà mọi diễn xuất đều đòi hỏi sự tham gia của nhiều yếu tố: tác giả, người kể chuyện, nhân vật, sự kiện, bối cảnh, đạo cụ, người đọc và đó là nghệ thuật.

2. 2. Thời gian được  trần thuật

          Nếu trong mỗi lời nói ta đều phân biệt được hai sự kiện: sự kiện  nói và sự kiện được nói tới, thì cũng vậy, trong văn học ta phân biệt thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Thời gian được trần thuật là thời gian của sự kiện được nói tới. Đây chưa phải là thời gian nghệ thuật, nhưng là cơ sở của nó. Thời gian được trần thuật bao gồm:

a.Thời gian sự kiện là chuỗi liên tục của các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, có tính nhân quả. Có người gọi đây là thời gian “câu chuyện”, thời gian tích truyện. Dù cho thời gian truyện kể có thay đổi, đảo lên đảo xuống thế nào thì người đọc cũng sẽ suy ra được thời gian sự kiện. Đó là các tên gọi ước lệ. Sự kiện hiểu theo ngữ nghĩa học, là sự dời chỗ của nhân vật qua ranh giới của không gian trường nghĩa, tức là thời gian để nhân vật vượt qua (hay không thể vướt qua) cái ranh giới về ý nghĩa để là thay đổi (hay bộc lộ rõ)  phẩm chất của nhân vật. Do đó sụ kiện tạo nghĩa trong một tác phẩm có khi chỉ có một, nhưng quá trình diễn ra thì trải dài qua nhiều sự kiện nhỏ, bộ phận.

Thời gian sự kiện có thể được tính theo chuỗi hay theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Ví dụ về độ dài, thời gian sự kiện trong Tam quốc diễn nghĩa là 111 năm, thời gian sự kiện của Truyện Kiều là 15 năm. Thời gian sự kiện trong truyện Chí Phèo là cả cuộc đời Chí Phèo khoảng 40 năm. Nhưng thời gian truyện kể của Chí Phèo chỉ có 6 ngày. Trong truyện cổ tích như Cây khế, Tấm Cám thì chỉ là tính liên tục, mà không biết là diễn ra bao nhiêu lâu. Ở đó hầu như thiếu quan niệm độ dài thời gian. Có sự so le giữa thời gian sự kiện và thời gian truyện kể. Thời gian sự kiện của Chí Phèo là một đời Chí Phèo còn thời gian truyện kể, tính từ khi “Hắn vừa đi vừa chửi” cho đến khi kết thúc truyện là sáu ngày. Thời gian sự kiện trong Những người bị quỷ ám của Dostoievski là 20 năm (1849-1869), còn thời gian truyện kể là 30 ngày, từ khi Xtavrôgin đến vào ngày 12/9 đến ngày y chết 11 tháng 10. Thời gian truyện kể trong Tội ác và trừng phạt kéo dài chỉ có 14 ngày. Thời gian truyện kể có khi được thông báo trong nhan đề: Buổi sáng của người trang chủ, 24 giờ trong một ngày của người đàn bà, Chín ngày trong một năm vv… Sự phân biệt này cũng được nhận thấy ở sử thi. Ví dụ ở Iliad, thời gian sự kiện gồm 10 năm, nhưng thời gian truyện kể là 50 ngày trong năm thứ 10. Ở Odyssée, thời gian truyện kể là 41 ngày trong năm thứ 10 (Theo cách tính của H.Frankel và của Helvig)[7]. Thời gian sự kiện thường được kể bổ sung, chấm phá, còn thời gian truyện kể thì được trần thuật liên tục. Sự phân biệt này có ý nghĩa là: thời gian sự kiện có giá trị thuyết minh, còn thời gian truyện kể mới tạo cảm giác vận động cho tác phẩm.

Sự giao nhau giữa các tuyến sự kiện. Sự so le giữa chúng cũng như sự trùng hợp, đúng lúc giữa chúng với nhau. Ví dụ khi bọn Đổng Siêu đã trói Lâm Xung vào gốc cây và rat ay sát hại, thì đúng lúc đó Lỗ Trí Thâm đi đến, dơ cây thiền trượng dỡ lấy ngọn dáo của Đổng Siêu, cứu Lâm Xung. Thời gian so lệch và thời gian đúng lúc gây hấp dẫn lớn co người đọc.

          b. Thời gian nhân vật bao gồm thời gian tiểu sử và thời gian được nếm trải qua tâm hồn  nhân vật. Thời gian tiểu sử tính từ ngày sinh, ngày đỗ đạt, lấy vợ, đẻ con, làm quan, xa nhà, lập nghiệp, ốm đau và chết … Thời gian sinh mệnh cũng thuộc thời gian con người. Hoạt động tâm lý, ký ức dòng ý thức tạo thành thời gian nhân vật. Có những sự kiện cứ bám lấy kí ức con người làm cho thời gian tâm lý dừng lại. Nếu nhân vật thiếu đời sống nội tâm thì thời gian của nó chỉ tồn tại trên cấp độ sự kiện nhân quả, hoặc trên cấp độ thời gian đồng hồ và lịch. Thời gian nhân vật gắn với các thời điểm có ý nghĩa riêng của nhân vật đó đồng thời thể hiện trong tương quan với các nhân vật khác. Chẳng hạn, Kiều nói với Thúc Sinh:

Thiếp như hoa đã lìa cành

Chàng như con bướm lượn vành mà chơi

Chúa xuân đành đã có nơi

Ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi!

thể hiện hai cảm nhận thời gian hoàn toàn khác nhau lúc đó. Mỗi nhân vật có một “thời khóa biểu”, một nhịp độ hoạt động. Xin dẫn thêm một ví dụ nữa về Truyện Kiều, trong đoạn Trao duyên:

Mai sau, dầu có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ, lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

ở đây có khác biệt giữa thời gian người sống và người chết, hiện tại và tương lai. Thời gian nhân vật có độ dài khác nhau hiện diện trong tác phẩm. Chỉ có nhân vật chính là thời gian bằng thời gian tiền sử và thời gian truyện kể, còn các nhân vật khác thì chỉ xuất hiện từng lúc, từng nơi, vào những thời điểm, thời đoạn nhất định của truyện kể. Thời gian nhân vật còn thể hiện ở cái bình diện thời gian của nhân vật mà nhà văn cho ta thấy. Có nhân vật chủ yếu chỉ xuất hiện trong các cuộc hội họp, có nhân vật xuất hiện trong thời gian chơi bời, có nhân vật xuất hiện trong suy ngẫm vv…

          c. Thời gian thiên nhiên gồm cuộc vận hành của vũ trụ, bốn mùa, xuân hạ thu đông, mùa mưa, mùa khô, mùa nào thức ấy, sớm, trưa, chiều, tối, đêm khuya, các ngày chuyển thời tiết trong năm, trăng tròn trăng khuyết vv… Thời gian thiên nhiên có vị trí rất to lớn trong đời sống tâm hồn con người.

          d. Thời gian sinh hoạt là thời gian con người thực hiện các hoạt động sống: thời gian ngủ, thời gian ăn nhậu, dạo chơi, đàm đạo, làm việc, yêu đương, âm mưu.Trong truyện Người đàn bà phù phiếm của Chekhov, Khi người chồng bác sĩ đang mổ các tửt hi để nghiên cứu thì ngườ vợ còn ngủ chưa dậy, khi dậy thì đem bút vẽ ra vẽ nguêch ngạc các bức tranh, hoặc nghe lờit án tỉnh của các hoạ sĩ. Mỗi nhà trường và mỗi cơ quan có lịch làm việc và thời khóa biểu riêng. Mỗi thời, mỗi nơi, mỗi nhà có thời gian sinh hoạt riêng. Đi sâu vào lớp thời gian này người ta sẽ hiểu được trạng thái sống và tồn tại của con người.

          e. Thời gian phong tục Đó là thời gian của các phiên chợ, các tuần chay, các ngày cúng giỗ, các ngày lễ tiết trong năm, nó tạo thành nhịp độ chung của cuộc sống từng vùng, từng dân tộc, từng tôn giáo và gia đình, dòng họ. Không ai có thể sống ngoài phong tục và đời họ gắn với nhịp điệu của thời gian này.

          g. Thời gian xã hội, lịch sử Đó là thời gian đổi thay sơn hà, sự hưng phế, thịnh suy của xã hội. Nó được đánh dấu bằng các sự kiện lên ngôi, niên hiệu, chiến tranh, nội chiến, ngày giải phóng, ngày hòa bình, ngày cách mạng, các đổi thay trong chính sách làm đổi thay cuộc sống và số phận của bao nhiều người.

          Các lớp thời gian trên cho thấy thời gian trong cuộc sống con người là  một phức hợp gồm nhiều dòng thời gian. Sự phối hợp các dòng có nhịp độ và độ dài khác nhau ấy sẽ tạo nên thời gian sống của mỗi người và cảm nhận thời gian của họ.

2.3.Thời gian nghệ thuật hay là mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật:

          Như đã trình bày trên, thời gian trần thuật (truyện kể) là thời gian đơn hướng, đó là thời gian trôi theo chiều hướng mà tác giả đã định. Còn thời gian được trần thuật là thời gian đa hướng, đa chiều, có tính chất nguyên thuỷ. Sự lựa chọn, cắt gọt, sắp xếp, phối trí của thời gian được trần thuật vào thời gian trần thuật mới tạo ra được thời gian nghệ thuật thật sự. Mối quan hệ này được biểu hiện qua các tương quan sau đây:

          a. Tương quan giữa điểm mở đầu – kết thúc của thời gian truyện kể với điểm mở đầu – kết thúc thời gian sự kiện. Hai điểm này có thể trùng nhau, như trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện thơ Nôm vv…

          Hai điểm mở đầu và kết thúc của hai thời gian trên có thể không trùng nhau, mà so le nhau. Ví dụ truyện Chí Phèo bắt đầu từ khi “hắn vừa đi vừa chửi”, trong khi cuộc đời Chí bắt đầu “Từ một sáng tinh sương, một người đi đặt ống lươn” nhặt được Chí đỏ hỏn trong cái lò gạch bỏ không. Đây là trường hợp bắt đầu từ giữa. Có trường hợp bắt đầu từ kết quả của sự kiện đã kết thúc, như +truyện Hơi thở nhẹ của Bunin[8]. Tương quan này tạo ra quá khứ, tương lai, thời gian nhiều bình diện.

          b. Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật. Các sự kiện trong thời gian trần thuật có thể:

          – Liên tục nhau, sự kiện này kề theo sự kiện trước.

          – Giữa các sự kiện có khoảng cách thời gian bị tĩnh lược ngắn  hoặc dài, được thông báo, (ví như 2 năm sau), hoặc không thông báo mà chỉ miêu tả phong cảnh, môi trường.

          – Gối đầu nhau, sự kiện này chưa xong, sự kiện sau đã tới (bỗng nhiên, không ngờ…)

          – Ngắt nửa chừng, theo kiểu tiểu thuyết chương hồi: “Muốn xem sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ” (Hãm chậm thời gian, để gây chú ý, chờ đợi).

          – Đảo ngược thời gian, đòi hỏi hồi tưởng, hồi thuật, từ một điểm của thời hiện tại mà trở về thời gian đã qua.

          Trần thuật dồn nén, lược thuật (Công thức “Cứ mỗi lần”, “Bao giờ cũng vậy” nhằm kể sự việc lặp đi lặp lại  nhiều lần).

          Tương quan này tạo ra nhịp điệu, tốc độ của nghệ thuật trần thuật.

          Mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật được G.Genette trong Diễn ngôn tự sự (1972) đã miêu tả rất chi tiết cấu tạo của thời gian truyện kể (diễn ngôn tự sự. Ông đã xử lý thú vị. Ông đem thứ tự trần thuật xếp theo ABCD, đem thứ tự sự kiện trước sau đánh dấu theo con số 1 2 3 4, từ đó mấy câu thơ đầu của Iliad được trần thuật như sau: A4 – B5 – C3 – D2 – E1. Đây là trần thuật từ giữa trở về quá khứ.

          Vận dụng khái niệm và cách làm của G.Genette có thể phân tích thời gian trần thuật trong truyện Tưởng Hưng Ca gặp lại chiếc áo ngọc của Phùng Mộng Long (Dụ thế minh ngôn) qua một đoạn như sau:

          “(A) Thời gian như tên bắn, bất giác một năm đã hết. Hưng lạy trước bài vị của cha, trút bỏ áo xô gai, nhờ người mai mối đi hỏi con gái nhà họ Vương, mới xong được việc. (B) không đầy mấy hôm, sáu lễ đều xong, cưới vợ về nhà. (C) Có bài thơ làm chứng như sau: “Màn tang đổi thành màn cưới, áo hồng thay áo xô gai. Lầu hoa kết đèn rực rỡ, Quà cáp, tiệc cưới dâng bày. Của hồi môn đã rất xộp, lại thêm người đẹp sắc trời. Hôm nay động phòng vui thú, Ngày mai lời chúc đầy nơi”. (D) Người vợ này nguyên là con gái út của ông Vương, tên thường gọi là tam Đại Nhi. (E) Hai người con gái đầu của ông Vương đều đã lấy chồng, đều rất xinh đẹp. (F) Trong huyện Tảo Dương mọi người đều khen, đặt bốn câu vè: “Thiên hạ đàn bà nhiều. Gái đẹp họ Vương hiếm. Ai lấy được người ta, Khác nào làm phò mã”. (G) Người ta thường nói: “Làm buôn bán không may chỉ là một lúc, lấy vợ mà không may thì khổ một đời”. Biết bao nhiêu người giàu sang chỉ cốt chọn môn đăng hộ đối, hoặc chọn nhà giàu, bất kể xấu tốt cứ cưới phứa đi. Lấy về được nàng dâu xấu xí, trước bàn dân thiên hạ, kẻ làm bố mẹ chồng xấu mặt, kẻ làm chồng chẳng vui, thế là tính chuyện ngoại tình. Nhưng hễ vợ xấu xí thì lại muốn giữ chồng. Nếu làm mặt nặng nhẹ thì chồng quắc mắt. Nếu làm cho ra thể diện thì mọi sự vỡ lở hết. (H) Đã biết việc như thế cho nên ông bố Tưởng Hưng Ca nghe tin ông Vương có con gái đẹp bèn từ nhỏ đã quà cáp, tặng phẩm, định việc hôn nhân cho con trai mình. (I) Hôm nay cưới được vợ về, quả nhiên yểu điệu xinh đẹp, nói cho đúng, còn đẹp hơn cả hai người chị nhiều.”

Ở đây thứ tự trần thuật biểu thị bằng A, B, C, D… thứ tự sự kiện sau trước biểu thị bằng 1, 2, 3, 4… sắp xếp theo thứ tự trần thuật, ta có:

          A4 – B4 – C0 – D1 – E3 – F3 – G0 – H2 – I4.

          Trong 9 đoạn trần thuật trên tác giả không hề kể theo thứ tự trước sau của sự việc, mà từ hiện tại, hồi cố nguyên nhân ban đầu, khi làm thơ và bình luận là muốn hãm lại, kéo dài thời gian trần thuật, thời gian bằng không, lại một cuộc dẫn dắt thú vị cho người nghe. Ở đây có sự phối hợp giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật, người trần thuật đóng vai trò chủ đạo. Cần phải nói ngay rằng mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật đã được các nhà hình thức Nga, L. Vygotski phát hiện từ lâu, nhưng ông lúng túng khi vẽ sơ đồ biểu diễn. G.Genette có sáng kiến lập ra sơ đồ để biểu diễn cho thấy như là một phép tu từ của trần thuật. Đáng tiếc sơ đồ của ông thuần tuý hình thức, thiếu nội dung. Vấn đề tiếp theo là phát hiện được hình thức và ý nghĩa của thời gian nghệ thuật.

          c. Tương quan thời gian trần thuật và thời gian nhân vật: Xây dựng thời gian  trần thuật dựa vào quá trình tự ý thức của nhân vật. Sự tự ý thức của con người là một quá trình, từ chưa nhận ra đến nhận ra, theo quá trình phát hiện. ý thức con người vận động theo quy luật ký ức, liên tưởng. Khi hân vật tự ý thức, nó có thể trở thành người kể chuyện và đem vào điểm nhìn thời gian, sự hồi tưởng, giấc mơ.

          Tương quan này thể hiện rõ rệt trong thơ trữ tình, ở đó thời gian  trần thuật trùng với thời gian  trữ tình. Ví dụ bài ca dao: “Đêm qua ra đứng bờ ao. Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ. Buồn trông con nhện chăng tơ. Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai. Buồn trông chênh chếch sao mai. Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ”. Thời gian  trần thuật là thời gian trữ tình. Thời gian  chờ đợi từ đêm qua đến sáng nay. ý thức vận động từ trông người đến thương mình. Đó là thời gian  mòn mỏi. Bài ca dao thể hiện tính chất của thời gian  chờ đợi.

          Sự khúc xạ thời gian  vào ý thức nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ. Ví dụ tác phẩm Người bạn dễ thương của G.Maupassant, cuộc hẹn gặp của Duyroa và Suydan đựơc ấn định vào nửa đêm. Mấy lần đồng hồ trong thành phố điểm 12 tiếng và mỗi lần đều làm cho Duyroa hồi hộp, bởi cả đời anh phụ thuộc vào cuộc gặp này. Khúc xạ qua tâm hồn, thời gian mang tính chất cảm xúc.

          Sự đối chiếu ý thức thời gian  của hai  nhân vật cũng tạo thành ấn tượng thời gian . Chẳng hạn trong Anna Carêninna, Kiti sắp đẻ. Lêvin đem đến nhà hộ sinh, Lêvin lo lắng đến cháy lòng, còn nhà hộ sinh quá quen với nỗi đau của sản phụ, vẫn cười đùa, bình chân như vại.

          Vận dụng ký ức nhân vật để trần thuật là một thủ pháp đặc trưng của văn học và cũng là một thủ pháp hiện đại. Trước hết phải nói là vận dụng ký ức để trần thuật vốn là thủ pháp truyền thống. Chẳng hạn khi nói: “Một lần…” , “Tôi còn nhớ như in…” là đã sử dụng ký ức. Người kể chuyện làm như đang nhớ lại. Đó là vì đặc điểm của trần thuật tương tự như đặc điểm của trí nhớ. Nghệ thuật trần thuật là kích thích người đọc nhớ lại. Ký ức có tác dụng tô đậm các sự kiện giàu ý nghĩa. Ký ức có khả năng tập hợp các sự kiện xa cách nhau lại.

          Hồi ức trong văn xuôi hiện đại đang trở thành thủ pháp để tái hiện các “sự kiện vi mô” của quá khứ, thực hiện những cuộc du hành vào mê cung của hoài niệm. Ví dụ như tiểu thuyết Đi tìm thời gian  đã mất của Marcel Proust. T.Motylova nhận xét: chức năng mới của ký ức trong văn học là trở thành một nơi ẩn náu được che kín để gìn giữ cái tâm hồn mỏng manh của nhân vật vốn thuộc xã hội thượng lưu khỏi sự xâm nhập thô bạo của thực tại.

2.4. Các bình diện thời gian là điều cần được ý thức để phân tích thời gian. Quan hệ  giữa quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là tương đối, phụ thuộc vào điểm qui chiếu “bây giờ”. Có người cho rằng hiện tại chỉ là một điểm rất bé và chỉ trong nháy mắt đã chuyển thành quá khứ, nó không có độ đài. Có người cho “hiện tại” có độ dài của hiện trạng sự vật. Chừng nào sự vật còn là nó, chưa biến thành vật khác thì nó vẫn là hiện tại. Trên phương diện tâm lý, nhiều người cho rằng cái ‘bây giờ” bao chứa cả một phần quá khứ và tương lai. Có thể phân biệt như sau: thời hiện tại đồng thời với cuộc sống đang diễn ra, thời quá khứ là quá khứ của hiện tại đó. Thời tương lai là thời điểm sau cuộc sống đó, và sau thời tương lai là thời gian  trần thuật. Có quan điểm khác, cho rằng, nếu cái khung cỷ truyệ kể là hiện tại thì những gì xảy ra trước điểm mở đầu của khung đó, là quá khứ, còn những gì xảy ra sau khung đó là tương lai. Mỗi chương, mỗi đoạn đều có một cái khung truyện kể, lấy cái khung ấy mà phân biệt quá khứ với tương lai.

          a. Trong tác phẩm nghệ thuật, thời hiện tại đóng  vai trò chủ đạo, bởi đó là thời gian  cảm nhận. Hiện tượng học xác nhận trước khi con người suy nghĩ, cảm xúc thì nó phải có một cơ thể ở trong không gian và có quan hệ với thời gian. “ Thân thể tôi tuyệt đối ở đây” Thân thể là tâm điểm để xét không gian và thời gian.Thân thể luôn luôn là hiện tại, cảm xúc tri giác cũng luôn luôn hiện tại. Hồi tưởng là quay về quá khứ, nhưng đồng thời cũng là sống lại cái “hiện tại” của quá khứ, mơ ước tương lai, cũng là sống với cái “hiện tại” của tương lai. Do đó sự phân biệt của ba bình diện thời gian  này chỉ là tương đối, trong khi đó có một dòng hiện tại cảm nhận xuyên suốt mọi bình diện. Sự phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ xuất hiện trong phạm vi thời gian  nhân vật và sự kiện. Còn hiện tại  cảm nhận thì gắn với hiện tại của phát ngôn và hiện tại của người đọc. Cho nên Likhachev đã nói rất đúng, thực chất thời gian  nghệ thuật là thời hiện tại ước lệ, và sự phát triển của thời gian  nghệ thuật chủ yếu là phát triển của các hình thức thời gian  hiện tại[9]. Bởi vì thời gian  hiện tại là thời của sự sống, nghệ thuật đem thời hiện tại ước lệ mà làm sống vĩnh viễn các giá trị, tức là khắc phục cái thời gian  thực tại một đi không trở lại.

          b. Thời gian quá khứ trong văn học xuất hiện rất muộn. Trong phần nhiều thơ trữ tình, trong truyện trung đại, truyện dân gian thời quá khứ không phát triển, do nhân vật không biết hồi tưởng. Các nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đều không biết hồi tưởng. Mỗi khi nhớ nhà cô Kiều chỉ nhớ về người thân trong thời hiện tại. Không bao giờ cô nhớ về những việc đã quam ví như khi mới gặp Kim Trọng, nhơ khi cự tuyệt chàng, khi thề ước với chàng…Nhưng cô lại biết nghĩ đến tương lại. Chỉ khi nào nhân vật có ý thức về đời sống nội tâm của mình, thì nhân vật mới có khả năng  hồi tưởng và mới xuất hiện thời quá khứ. Chú trọng quá khứ là một đặc điểm phổ biến của văn học hiện đại.

          Quá khứ thường thể hiện qua hình tượng các ông già, bà già hoặc huyền thoại truyền thuyết (truyện Cái Gươm ông Tú trong Đất nước đứng lên của Nguyễn Ngọc hay truyện Cô tóc thơm trong Mường Giơn của Tô Hoài. Quá khứ thể hiện trong các dấu tích, phế tích, trong hồi ức, trong giấc mơ.

           c. Thời tương lai cũng được thể hiện qua giấc mơ, qua dự kiến, ước mơ. Trong Truyện Kiều  sau buổi chơi xuân, gặp Đạm Tiên, rồi gặp Kim Trọng, thời tương lai tác động đến Thuý Kiều rất mạnh. “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?” “Đwongf xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, “Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không?” “Một dày một mỏng biết là có nên?” Thời tương lai chi phối mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật. Cho đến khi kết thúc nhà thơ còn nói đến: Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần,

Tương lai trong tác phẩm thường thể hiện qua những giấc mơ, những suy đoán, dự cảm của nhân vật. Ví như khi trao duyên cho em, Kiều nói: “Mai sau dù có bao giờ, Đốt lò hương ấy, so tơ phím này, Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về” Kiều thấy mình như đã chết, chỉ còn hồn oan bay về trong gió nhẹ. Những đoạn dự cảm tương lai ấy gây hiệu quả  mũi lòng, đau đớn cho bạn đọc.    Tương lai thể hiện trong hình ảnh trẻ con, như trong Số phận con người, trong đoạn kết  của Sông Đông êm đềm,khi Grigori Melekhov trở về làng , vứt sung xuóng song và tay vịn vào vai đứa con, đi lểu thểu.; trong Chiến tranh và Hoà bình;  kết thúc với hình ảnh bé Nicolenca, con của Andrei Bonconski. Anh em nhà Caramazov,  Jean-Christophe v. v… thể hiện  trong hình ảnh phụ nữ mang thai. Kiều không có con, Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và tưởng tượng mình có chửa với Chí Phèo. Trong Hồng Lâu Mộng, cái thai trong bụng Bảo Thoa là một ký thác, một kỳ vọng của Cao Ngạc, bởi ông không nỡ để những người quý tộc thân yêu của ông phải tuyệt tự. Trong Con tàu trắng của Aimatốp, nhân vật phụ trách kiểm lâm độc ác đã phải tuyệt tự với hình ảnh người vợ của hắn không thể có thai.

Tương lai còn thể hiện dưới hình thức không tưởng, ảo tưởng, viễn tưởng. Trên thế giới đã có nhiều tác phẩm viễn tưởng, viết về những thời gian tương lai xa xôi. Hồ Chí Minh đã có “Giấc ngủ mười năm“, có Con người biết mùi hun khói với yếu tỗ viễn tưởng, không tưởng.

          d. Ngoài các bình diện trên, trong văn học còn có bình diện vĩnh viễn trường tồn, “ngoài thời gian “, như thiên nhiên tuần hoàn (mùa xuân đi rồi xuân về, hoa tàn hoa lại nở, dòng sông trôi chảy mãi). Trong tiểu thuyết Lâu đài của Kafka có thời gian  ngoài thời gian, thể hiện ở tính không ai biết; Trong Ông già và biển cả của Hemingway, thời gian  thiên nhiên là bất biến, thể hiện qua hình tượng biển cả. Trong tiểu thuyết thời vĩnh viễn thể hiện trong sự lặp lại các mô típ huyền thoại cổ xưa như Ulysse của J.Joyce và Ngọn núi kỳ diệu của T.Mann. Thời gian  vĩnh viễn là thời gian  không có quá khứ và tương lai, chỉ có một sự kéo dài bất biến. Trong thơ và truyện xưa có thể tìm thấy bình diện vĩnh viễn trong thời gian  tiên cảnh (như Từ Thức lên tiên), vừa bất biến, vừa không ai biết.

2. 5. Độ đo thời gian

          Độ đo thời gian  thể hiện mức độ ý thức về thời gian. Các nhà vật lý xác nhận: Thời gian không chỉ là độ đo của độ dài của một sự tồn tại, mà còn là độ đo của một sự thực hiện, thời gian là một sự xác nhận đặc điểm được gắn liền tất yếu với vật thể đo mà nó liên quan. A.Einstein viết: “Bất cứ vật thể đo nào (hệ tọa độ) cũng có thời gian của nó; việc chỉ ra thời gian chỉ có ý nghĩa khi nào mà vật thể đo mà nó liên quan cũng được chỉ ra”[10]. Do đó độ đô, đơn vị của vật thể đo, có ý nghĩa không thể thiếu để ý thức về thời gian. Con người ta bắt đầu biết đo thời gian theo ngày (từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn), rồi sau theo mùa, theo năm. Với công nghiệp phát triển, phát minh ra đồng hồ, người ta mới biết đo thời gian theo giờ, tuần làm việc. ý thức lịch sử phát triển, người ta mới đo thời gian của nó. Mỗi tôn giáo có thời gian của họ trong năm. Mỗi địa phương có thời gian của họ trong các lễ hội, phiên chợ. Mỗi nghề cũng có thời gian của họ. Tùy theo mức độ ý thức về đời sống mà thước đo nào đó của thời gian được đưa lên đầu. Những đơn vị đo thời gian trần thế không thể dùng để hiểu các biến cố trong Kinh Thánh. Sáu ngày sáng thế là cả một thời đại, không thể chiếu ứng với sáu ngày bình thường.

Ađam và Eva sống trên thiên đường chỉ có tám giờ, đó là vì khi người đàn bà được sáng tạo ra thì nó phản bội ngay lập tức – theo Hônori Oguytxtơdunxki. Đến giờ thứ sáu thì nó ăn trái cấm, và sang giờ thứ 9 thì bị chúa Trời đuổi ra khỏi Thiên đường[11]. Theo Augustinus, lịch sử có sáu thời đại – từ sáng tạo ra Ađam cho tới nạn hồng thuỷ, từ hồng thuỷ tới Abraham, từ Abraham tới Đavit, từ Đavit cho tới sự cầm tù ở Babilon, từ Babilon cho tới khi chúa Kitô ra đời, từ Kitô ra đời cho đến tận thế [12]. Sáu thời đại này ứng với sáu thời kỳ của đời người: Tuổi ấu thơ, tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, tuổi chín chắn, tuổi già. Sau thời kỳ thứ sáu thì mọi sự kết thúc.

          Độ đo thời gian gắn với thể loại. Trong kịch, do chia hồi, thời gian trong mỗi hồi được tính theo đồng hồ, thời gian giữa các  hồi tính theo lịch. Thời gian trong trữ tình và tự sự thì được tính một cách thường là cách tự do, đa dạng, tương quan: hôm nay – ngày xưa, hôm nay – ngày mai, mãi mãi …

Trong văn học dân gian, truyện kể đo bằng  sự kiện, mùa màng, hoạt động sản xuất, hút điếu thuộc hay ăn bữa cơm, đi một thôi đường…

          Độ đo thời gian là một đại lượng ước lệ và mang tính quan niệm. L.Tolstoi đi vào khám phá thời gian tâm lý, do đó ông không quan tâm nhiều tới độ đo. Các mốc thời gian trong Chiến tranh và Hòa bình có những chố thiếu nhất quán. Năm 1905 Natasa 13 tuổi, sang năm đầu 1906 cô đã 15 tuổi, đến năm 1909 thì cô mới 16 tuổi. Xônhia năm 1905 15 tuổi, sang năm 1907 cô lại chỉ 16 tuổi! Nhân vật Vêra cũng bị ghi tuổi không nhất quán. Trái lại, Dostoievski, nhà tiểu thuyết biên niên, ông ghi thời gian rất chuẩn xác, cụ thể đến  ngày, tháng, năm, giờ. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ ra, trong tiểu thuyết Hồng Lâu mộng của Tào Tuyết cần, về tuổi của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa cũng có tình hình tương tự như trong tiểu thuyết của L. Tolsstoi. Đại Ngọc khi thì 13 tuổi, khi thì 9 tuôi, khi thì 6 tuôi. Bảo Thoa lúc đầu 14, sau lại 9 tuổi. Đó là do lúc đầu tác giả định viết một tiểu thuyết kiểu “phong nguyệt bảo giám”, tấm gương soi về chuyện phong nguyệt cho bọn trẻ. Nhưng trong quá trình sáng tác, chủ đề chuyển sang đời sồng thời thơ ấu và niên thiếu của các cô cậu, cho nên lúc đầu tuổi Bảo Ngọc, Đại Ngọc đều cao, về sau lại bé lại, nhưng do tác giả chưa có điều kiện hiệu chỉnh, để lại dấu vết.

          Trong văn học cổ Việt Nam, người ta đo đời người bằng trăm năm. Ông Nguyễn Công Trứ thay đổi đơn vị thành “Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày”. Nhưng ba vạn sáu nghìn không đơn giản bằng một trăm năm, vì ở đây thời gian có giá trị từng ngày một. Cuộc hành lạc phải tình bằng ngày, từng ngày.

          Nhà thơ Tố Hữu do muốn chứng tỏ xã hội tiến bộ nhanh đã sử dụng độ đo thời gian bé hơn: ngày và đêm.

          Mỗi ngày lại lớn thêm một bước

          Mỗi đêm thêm một bước tiến lên…

          Hoặc bé hơn nữa:

          Ta nghe rõ: mỗi giờ mỗi phút

          Cả đất nước ta tiến lên vùn vụt…

Phải độ đo ấy mới nói hết cái sức tưởng tượng hết sức đặc biệt của nhà thơ.

2. 6. Thời gian khép kín và thời gian mở

          Thời gian khép kín là thời gian của truyện vận động theo các dữ kiện đã cho đến khi kết thúc. Ví dụ Vua Ơđíp, vì vi phạm vào các quy phạm luân lý đã định, hủy hoại trật tự các sự vật, cho nên những điều đó trở lại quy định tiến trình phát triển tiếp theo cho đến khi kết thúc một cách bi kịch. Các nguyên nhân đều biến thành kết quả hoàn toàn. Đó là thời gian định mệnh.

Thời gian mở là thời gian của tiến trình sự kiện, trong đó xuất hiện những khả năng mới, bước ngoặt mới mà không hề do ai hay do việc gì định trước. Do đó tác phẩm kết thúc không theo các dữ kiện ban đầu, mà theo dữ kiện mới, có viễn cảnh mới. Hầu hết kịch, tiểu thuyết hiện đại đều có thời gian mở. Trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, Hạ Du chết nhưng trên mồ cỏ vòng hoa không biết của ai. Trong Chí Phèo, Chí chết, nhưng Thị Nở lại nghĩ đến cái lò gạch cũ. Trong Đôi mắt, truyện mở đầu với việc anh thanh niên chỉ cái cổng nhà anh Hoàng, và kết thúc khi anh Hoàng cao hứng chửi Tào Tháo.

[1]Nhiều tác giả Từ điển nghệ thuật sư phạm, M., 2005, tr. 81 – 82.

[2] D. S. Likhchev. Thi pháp văn học Nga cổ, Lenỉngad, 1971, tr. 209 – 210.

[3] Bách khoa văn học ngắn, tập 9, M., 1978, ,tr. 775.

[4] A. Ja. Gurevichs. Thời gian là gì? Tạp chí Những vấn đề văn học, số 11 năm 1968.

[5] N. K. Gây. Thời gian và không gian trong cấu trúc tác phẩm văn học, Kontext 1974, M., Khoa học, 1975, tr. 228.

[6] G. Genette. Diễn ngôn tự sự và tân diễn ngôn tự sự, Vương văn Dung dịch, nxb Khoa học xã hội, TQ, Bắc Kinh, 1990. Tr. 52 – 72.

[7] Dẫn theo Losev. Triết học lịch sử cổ đại, nxb Khoa học, M., 1977, tr. 55 – 58.

[8] Có thể tìm đọc truyện này qua bản dịch trong sách Tâm lí học nghệ thuật của L. Vygotski.

[9]  D.S. Likhachev. Thi pháp văn học Nga cổ, Tldd, tr. 334.

[10] A. Enstein.Vât lí và thực tại. M., 1965, tr. 180.

[11] A. Ja. Gurevich. Thời gian là gì? Tldd, Xem them của tác giả này: Các phạm trù của văn hoá trung cổ, M., 1972, bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, ncb Giáo dục, , Hà Nội, 1996, tr. 126 – 127.

[12] Xem Tldd trên.