Tình nghệ thuật trong tác phẩm văn học tự sự the hiện ở những điểm nào

PAGE

PAGE 14

CHUYÊN ĐỀ HỘI THẢO MÔN NGỮ VĂN:

CHI TIẾT NGHỆ THUẬT

TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ

A. Phần mở đầu

Thực tế, trong những năm gần đây, các kì thi học sinh giỏi cũng như thi đại học bộ môn Ngữ văn thường xuất hiện những dạng câu hỏi “nhỏ” đề cập đến một hoặc một vài chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm văn chương tự sự. Chỉ là một tiểu tiết của tác phẩm song nhiều chi tiết nghệ thuật luôn có khả năng hàm chứa trong nó những nội dung tư tưởng và cả giá trị nghệ thuật lớn lao. Mỗi chi tiết nghệ thuật như một viên gạch nhỏ góp xây nên tòa thành vĩ đại, lộng lẫy của ngôn từ - những tác phẩm văn học. Phân tích, cảm nhận về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự, vì thế, đã trở thành một việc làm cần thiết, thậm chí là một thử thách với nhiều giáo viên và học sinh. Chính ở đây người viết, người nói có thể chứng minh khả năng phát hiện, cảm thụ văn chương, bộc lộ tư duy sáng tạo. Khi con đường dạy, học văn đang có nguy cơ đứng trước lối mòn, sự khuôn sáo thì việc đào sâu vào những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự là một hướng đi mới mẻ, ở đó mỗi khám phá lại giúp ta mở thêm ra thế giới văn chương đa hình muôn sắc.

B. Phần nội dung

I. Những vấn đề lí thuyết

1. Khái niệm chi tiết nghệ thuật.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), chi tiết nghệ thuật là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề viết đã cho rằng: “Chi tiết là từng hòn gạch xây nên bức tường. Nếu bản thân câu chuyện không có nội dung, thì những chi tiết cũng có thể kết hợp để tạo cho chuyện một nội dung” (Đời viết văn của tôi, NXB Văn học, H.1971). Một tác phẩm tự sự có thể bao gồm một đến một chuỗi các sự việc và mỗi sự việc như thế lại được xây dựng bởi nhiều chi tiết. “Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ, một hành động của nhân vật, hoặc một sự vật, một hình ảnh thiên nhiên, một nét chân dung… Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu”. (SGK Ngữ Văn 10, tập 1, NXB Giáo dục 2012).

2. Phân loại chi tiết nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (tlđd), nếu căn cứ vào vị trí, vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm, có thể phân loại chi tiết thành hai nhóm:

- Nhóm chi tiết thuộc về nghệ thuật (những chi tiết chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lí)

- Nhóm chi tiết có tính nghệ thuật (những chi tiết tập trung thể hiện cho cấu tứ của tác giả, có giá trị thẩm mĩ đa dạng, thường được tô đậm, nhấn mạnh trong tác phẩm).

Trong đó, nhóm chi tiết thứ hai thường được quan tâm bởi giá trị nghệ thuật độc đáo. Trong khuôn khổ chuyên đề, chúng tôi chỉ hướng tới nhóm đối tượng thứ hai – những chi tiết có tính nghệ thuật (gọi chung là chi tiết nghệ thuật).

Ngoài ra, nếu căn cứ vào mối liên hệ giữa chi tiết với các yếu tố khác của tác phẩm, có thể tạm chia chi tiết nghệ thuật thành các nhóm:

- Nhóm chi tiết thuộc về hoàn cảnh

- Nhóm chi tiết thuộc về nhân vật

- Nhóm chi tiết thuộc về cốt truyện

3. Đặc điểm, vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự

Gắn với đặc điểm sự kiện và nhân vật, hệ thống chi tiết nghệ thuật của tác phẩm tự sự cũng phong phú, đa dạng hơn hai loại kịch và trữ tình. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự thường mang tính trần thuật, thể hiện rõ chất văn xuôi của đời sống. Có ý kiến cho rằng đó là các yếu tố phi sự kiện nhưng có giá trị thông tin và chuẩn bị cho sự kiện. Đó có thể là các chi tiết về chân dung, ngoại hình, tâm lí, sinh lí, phong cảnh, phong tục… Ngay từ định nghĩa, có thể thấy những đặc trưng của chi tiết nghệ thuật: dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn. Chi tiết nghệ thuật có khả năng nói nhiều hơn bản thân nó.

Chi tiết nghệ thuật trước hết mang giá trị tạo hình và phản ánh. Nó là chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật. Theo đó, “hình tượng nghệ thuật cụ thể, gợi cảm và sống động là nhờ các chi tiết về phong cảnh, môi trường, chân dung, nội thất, về cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi lời nói” (Từ điển thuật ngữ văn học, tlđd). Còn theo Nguyễn Công Hoan: “xây dựng truyện, mà không có chi tiết thì không có chuyện sinh động, gây cảm xúc” (Tlđd). Chi tiết nghệ thuật vừa làm cho sự vật, hiện tượng hiện lên rõ nét, vừa soi tỏ ý nghĩa của chúng, tạo chiều sâu tính đa nghĩa cho tác phẩm. Sức nén mạnh mẽ tạo khả năng bùng nổ cho chi tiết, gây bất ngờ cho bạn đọc bởi những phát hiện, vỡ lẽ.

Cao hơn, chi tiết nghệ thuật có khả năng “thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm” (Từ điển thuật ngữ văn học - tlđd). Theo TS. Chu Văn Sơn, những chi tiết giàu tính tượng trưng, đa nghĩa còn có thể nâng lên thành biểu tượng hay ẩn tượng trong tác phẩm (Ví dụ chi tiết những chiếc xe tăng hỏng và xe rà mìn sét gỉ trên bãi biển – nơi người chồng đánh vợ trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” biểu tượng cho bạo lực tàn khốc một thời chiến tranh đã qua). Chi tiết nghệ thuật gắn bó, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quan niệm nghệ thuật của nhà văn, nên đồng thời người đọc có thể đi từ chi tiết nghệ thuật để tìm hiểu quan niệm của nhà văn về thế giới, con người… “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (M. Gor-ki), từ chi tiết nghệ thuật có thể đánh giá tài năng, bản lĩnh của người cầm bút mà cụ thể chính là khả năng phát hiện, lựa chọn, sử dụng chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Mỗi chi tiết nghệ thuật là một sáng tạo riêng của nhà văn nhưng đồng thời cũng kết tinh từ những gì thu lượm được trong đời sống sâu và rộng của người viết. Như giọt nước kết tinh cái mặn mòi của biển, chi tiết đồng thời cho thấy vốn sống của người cầm bút: liệu anh đã thực sự sống hết mình, sống sâu sắc “mở hồn ra đón lấy những vang động của đời”?

4. Các dạng đề văn về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

a) Dạng đề yêu cầu phân tích, cảm nhận về chi tiết nghệ thuật.

Đây là dạng đề thường gặp ở những câu hỏi “nhỏ” (2 điểm) trong bài thi đại học trước đây. Riêng với những chi tiết quan trọng, được tác giả nhấn mạnh, lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm thì có thể được đưa vào những câu 5 điểm trong kỳ thi THPT hoặc 12 điểm trong kỳ thi học sinh giỏi. Lúc này sự phân tích cần mở ra ở cả chiều rộng và bề sâu kiến thức.

Ví dụ 1: Về nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông” trong bút kí cùng tên của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ví dụ 2: Phân tích ngắn gọn ý nghĩa hình ảnh “tờ giấy bạc năm đồng gấp tư” trong phần cuối đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).

b) Dạng đề yêu cầu phân tích, cảm nhận về các chi tiết nghệ thuật trong thế đối sánh.

Dạng bài phân tích, cảm thụ văn học trong thế đối sánh có thể được đặt ra ở nhiều cấp độ trong đó có đối sánh chi tiết nghệ thuật. Những chi tiết nghệ thuật được đưa ra so sánh thường có sự gặp gỡ nhất định về hoàn cảnh, ý nghĩa tác động với các nhân vật hay vai trò với cốt truyện…

Ví dụ: Cảm nhận của anh chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật Thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa – Nam Cao).

(Trích Đề thi tuyển sinh Đại học khối D năm 2010, câu III.b)

II. Hướng dẫn học sinh khai thác chi tiết trong tác phẩm tự sự

1. Những điểm cần chú ý khi khai thác chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự.

Khi tiến hành khai thác chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự, người viết cần chú ý đến một số vấn đề sau nhằm đảm bảo sự khai thác triệt để, có những phát hiện đúng đắn, sâu sắc:

- Trước hết, cần phân biệt hai loại chi tiết trong tác phẩm (chi tiết thuộc về nghệ thuật và chi tiết có tính nghệ thuật), nên chọn lọc, hướng tới phân tích nhóm chi tiết có tính nghệ thuật phục vụ nội dung đang phân tích, tìm hiểu, tránh suy diễn, áp đặt hay phân tích ôm đồm, thiếu tập trung.

- Khi tiến hành phân tích cần chú ý đến các phương diện như: vị trí, tần suất xuất hiện chi tiết, tác động của chi tiết tới nhân vật, cốt truyện... Chi tiết nghệ thuật tự bản thân nó có tính độc lập tương đối nhưng nếu không đặt nó trong tương quan với toàn thể tác phẩm, trong mối qua hệ qua lại mật thiết với những chi tiết khác thì sự phân tích sẽ dễ rơi vào suy diễn tùy tiện. Ví dụ, ở phần cuối tác phẩm Chí Phèo, khi Chí xách dao đến nhà Bá Kiến để “đòi lương thiện” cũng là lúc Bá Kiến đang trong cơn ghen (vì bà Tư trẻ, đẹp đi đâu mãi chưa về). Nhìn bề ngoài, chi tiết này là minh chứng cho bản chất dâm đãng của Bá Kiến, nhưng sâu xa hơn, khi liên hệ với nhiều chi tiết xuất hiện trước, có thể thấy ý nghĩa của chi tiết này không dừng lại ở đó. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đẩy Chí vào tù, tạo bước ngoặt đầu tiên trong quá trình tha hóa của nhân vật. Và chính khi cái ý nghĩ thâm độc của Bá Kiến lại trở về “muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù” thì Chí Phèo xuất hiện, đòi công lý. Không trả lời được những câu hỏi dồn dập của Chí Phèo, “Bá Kiến phải chết, chết giữa cơn ghen đích đáng như một sự quả báo” (TS. Đặng Lưu – Một số đặc điểm trong tư duy tự sự của Nam Cao qua Chí Phèo).

- Nếu sử dụng thao tác so sánh thì việc phát hiện, lựa chọn chi tiết so sánh là hết sức quan trọng, tránh đặt những chi tiết thiếu cân xứng gây cảm giác khiên cưỡng. Ví dụ, từng có đề bài yêu cầu so sánh hai chi tiết: tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá (trong Chí Phèo – Nam Cao) và tiếng sáo gọi bạn tình (trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài). Có thể nhận thấy sự chênh lệch rất rõ ràng ở đây. Âm thanh tiếng chim hót được miêu tả như thứ âm thanh thường nhật, kết hợp cùng nhiều chi tiết khác làm nổi bật lên sự sống thường ngày giản dị xung quanh Chí Phèo (sự tác động đến nhân vật, nếu có, cũng chủ yếu nằm ở đây) và nó chỉ xuất hiện duy nhất một lần. Ngược lại, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình lại là thứ âm thanh đặc biệt, giàu sức gợi, có khả năng tác động sâu sắc đến tâm tư của nhân vật và được Tô Hoài dụng công miêu tả: nó xuất hiện nhiều lần, thay đổi linh hoạt, khi thì là âm thanh thực bên ngoài mời gọi, lúc lại nhập sâu trong ý thức của Mị…

2. Hướng dẫn học sinh phát hiện, bình giá chi tiết nghệ thuật trong giờ giảng văn.

Nếu ví mạch ý là bộ khung xương thì những lời phân tích, bình giá trong đó có phân tích, bình giá các chi tiết nghệ thuật chính là phần da thịt tạo sức hấp dẫn, vẻ đẹp riêng cho bài học.

Trước hết, cần hướng dẫn học sinh phát hiện những chi tiết độc đáo, có giá trị trong tác phẩm. Đó có thể là có thể là một âm thanh, một cái tên, một màu sắc, một đồ vật, một lời nói, một ý nghĩ của nhân vật… Giáo viên có thể khéo léo sử dụng hệ thống câu hỏi gợi ý, không nên trực tiếp nêu ngay tên chi tiết trong lời hỏi (Ví dụ: Em cho biết chi tiết a, b, c … có ý nghĩa/ tác động như thế nào?).

Sau khi học sinh đã phát hiện được chi tiết đặc sắc, giáo viên hướng dẫn phân tích chi tiết đó trên tất cả các phương diện như vị trí, tần suất xuất hiện… Ví dụ: từ gợi ý về vị trí tiếng trống thúc thuế trong tác phẩm Vợ nhặt: xuất hiện giữa bữa ăn thê thảm ngày đói, trong không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người… học sinh có thể phát hiện chi tiết này góp phần đẩy đẩy căng mâu thuẫn. Trong khi cái đói đã lên đến đỉnh điểm, nhiều nhà phải ăn cám, nhiều nhà không có cám mà ăn thì người dân vẫn phải đóng thuế… Tất cả dồn đẩy người nông dân đến bước đường cùng, họ chỉ còn một cách tự cứu bản thân mình là đi theo Cách mạng. Trên cơ sở đó, hình ảnh lá cờ đỏ thấp thoáng trong óc Tràng xuất hiện hết sức tự nhiên, hợp lí nhằm mở ra hướng giải thoát cho cuộc đời các nhân vật.

Khi phân tích, cũng có thể tìm ra những bất thường (nếu có), hoặc đặt chi tiết trong các mối quan hệ với nhân vật, hoàn cảnh… để tìm hiểu ý nghĩa. Ví dụ, học sinh cần phát hiện được những bất thường xung quanh chi tiết: “Mị đứng lặng trong bóng tối” (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) như: Câu văn được đặt thành một dòng, hoàn toàn riêng rẽ với các phần văn bản trước và sau nó. Đây chính là dụng ý nghệ thuật của Tô Hoài nhằm tạo quãng ngắt, là khoảng lặng bề ngoài cho những đấu tranh dữ dội trong nội tâm nhân vật: cuộc đấu tranh giữa thói quen sống nô lệ, những nỗi sợ hãi vô hình với khát vọng sống, khát vọng tự do. “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ mới chỉ kịp đánh thức lòng đồng cảm, tình thương, sự căm giận bè lũ thống trị độc ác chứ chưa đánh thức sức sống mạnh mẽ trong Mị (Mị vẫn nghĩ: “ta là thân đàn bà, nó bắt ta về trình ma ở nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”). Phải đến khi “A Phủ quật sức vùng lên, chạy” – bên cạnh một sức sống bừng bừng như thế, Mị mới bàng hoàng rồi sực tỉnh. Phút đứng lặng kia của nhân vật quý giá biết bao, chính nó đã tạo ra chuyển biến quan trọng trong tâm hồn người con dâu gạt nợ: cô dũng cảm vùng lên, cắt đứt sợi dây trói của thần quyền, cường quyền, tìm đến với cuộc đời tự do.

Nhằm làm sâu hơn sự phân tích, có thể thực hiện thao tác đối sánh đơn giản ngay trong giờ giảng văn. Để việc làm đúng trọng tâm, giáo viên cần gợi ý cho học sinh những hướng liên hệ đối sánh, học sinh tiếp tục phát hiện những điểm tương đồng và dị biệt, khám phá thêm những tầng ý nghĩa ẩn sâu của chi tiết. Sự đối sánh có thể tiến hành với những chi tiết trong cùng một tác phẩm hoặc với những chi tiết ở các tác phẩm khác nhau. Ví dụ, khi phân tích quang cảnh mới mẻ trước mắt Tràng trong buổi sáng hôm sau (Vợ nhặt – Kim Lân), có thể lựa chọn phân tích một âm thanh khỏe khoắn, vui tươi: “tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất” và liên hệ so sánh với “tiếng cười nói của mấy người đàn bà đi chợ” trong Chí Phèo (Nam Cao). Đó đều là những thanh âm giản dị của sự sống thường ngày, nhưng vì những bất thường (cái đói trong Vợ nhặt, những trận say và sự tha hóa trong Chí Phèo) mà các nhân vật chưa bao giờ được nghe hay để ý tới. Chúng đánh thức khát vọng về cuộc sống với hạnh phúc mộc mạc đơn sơ. Cùng là những âm thanh sự sống thường ngày song ở Chí Phèo, nó (kết hợp với những âm thanh, hình ảnh khác) gợi nhắc về mơ ước xa xôi trong quá khứ, kéo theo nhiều trạng thái phức tạp phía sau còn ở Vợ nhặt, nó gợi lên ở Tràng ý thức vun vén gia đình và khát vọng hướng tới tương lai.

Tổ chức cho học sinh phát hiện, phân tích chi tiết nghệ thuật nói chung, chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự nói chung trong giờ giảng văn là cần thiết. Tuy vậy, do thời lượng dành cho mỗi bài học là có giới hạn nên việc lựa chọn phân tích luôn luôn phải có định hướng rõ ràng, tránh tham lam, phân tích lan man, làm loãng, rối mạch ý của bài học.

3. Hướng dẫn học sinh làm các dạng đề văn về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự.

a) Dạng đề yêu cầu phân tích, cảm nhận về chi tiết nghệ thuật.

Khi làm bài văn phân tích, cảm nhận về chi tiết nghệ thuật cần đảm bảo các nội dung chính sau:

- Giới thiệu chi tiết nghệ thuật (nêu xuất xứ, vị trí của chi tiết trong tác phẩm, tái hiện chi tiết và có thể nói qua tác động của chi tiết đó đối với diễn biến của truyện.

- Phân tích giá trị nội dung của chi tiết (ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa nhân văn) trong quan hệ với diễn biến của truyện, trong quan hệ giữa các nhân vật, trong quan hệ với chính bản thân nhân vật (số phận và tính cách)

- Phân tích giá trị nghệ thuật của chi tiết (nghệ thuật xây dựng hình tượng, nghệ thuật điển hình hóa, nghệ thuật kết cấu…)

- Cuối cùng, đánh giá chung về chi tiết (góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm như thế nào, làm bật lên giá trị hiện thực, nhân đạo, tầm tư tưởng của tác giả, thể hiện phong cách nghệ thuật của nhà văn ra sao v.v…)

Khi làm bài, học sinh có thể kết hợp phân tích với giải thích, bình luận làm sáng tỏ, sâu sắc hơn sự phân tích.

Ví dụ:

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ Văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), giữa đêm mùa đông, nhân vật Mị đã nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ.

Hãy phân tích ý nghĩa hình ảnh dòng nước mắt trên của A Phủ.

Hướng dẫn làm bài:

Bài làm của học sinh cần đảm bảo được các nội dung cơ bản sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và chi tiết nghệ thuật “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”.

* Phân tích:

- Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết dòng nước mắt của A Phủ:

+ Do sơ ý để hổ bắt mất bò, A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng, bỏ mặc cho đói rét suốt mấy đêm liền giữa kì sương muối khắc nghiệt ở Hồng Ngài, còn Mị sau bao năm bị đọa đày cùng cực cũng đã trở nên chai lì. Những đêm trước, tuy vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay, nhìn thấy A Phủ bị trói nhưng Mị chỉ dửng dưng, vô cảm.

+ Đêm ấy, trong nỗi bất lực, bế tắc và hoàn toàn tuyệt vọng, A Phủ đã khóc, đúng lúc đó, Mị nhìn sang và bắt gặp dòng nước mắt của A Phủ.

- Về nội dung, chi tiết dòng nước mắt của A Phủ có ý nghĩa:

+ Trực tiếp bộc lộ những cảm xúc: đau đớn, tuyệt vọng… trong hoàn cảnh cùng đường của A Phủ. Đó cũng là một dạng “biểu hiện lộn trái” của lòng yêu đời, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật. Chàng trai trẻ, khỏe, phơi phới sức xuân lại sắp phải chịu cái chết bi thảm (chết trong tư thế bị trói đứng). Đây cũng là bằng chứng tố cáo sự tàn ác của giai cấp thống trị miền núi.

+ Tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tâm lí nhân vật Mị:

Mị nhớ lại lần cũng bị hành hạ như thế, mà xót thương mình, từ đó đồng cảm với nỗi đơn độc và tuyệt vọng của A Phủ.

Từ mối đồng cảm ấy, Mị càng hiểu sâu sắc hơn sự độc ác của cha con thống lí Pá Tra, thấy rõ sự nguy khốn đang ập xuống A Phủ, lòng trắc ẩn của người phụ nữ bỗng chốc thức dậy đã đem lại sức mạnh cho Mị, khiến Mị dám liều mình cứu A Phủ.

Khi tình thương người được giải tỏa thì lòng thương mình trỗi dậy, Mị vụt chạy theo A Phủ, tự cắt những sợi dây trói vô hình để giải phóng chính mình.

- Về nghệ thuật, chi tiết dòng nước mắt của A Phủ đã thúc đẩy xung đột truyện lên đến cao trào, là đầu mối của một loạt những hành động bất ngờ làm thay đổi cuộc đời các nhân vật, vừa tạo sự vận động, phát triển của tính cách nhân vật vừa tạo sự vận động cho cốt truyện.

* Đánh giá chung:

- Chi tiết góp phần thể hiện giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm (phản ánh hiện thực cuộc sống đau khổ của người lao động, phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn các nhân vật như khát vọng sống, tình yêu thương…)

- Chi tiết nghệ thuật độc đáo thể hiện biệt tài phân tích tâm lí nhân vật của Tô Hoài (trực tiếp bộc lộ tâm trạng, cảm xúc nhân vật A Phủ, tạo cơ sở cho chuyển biến tâm lí nhân vật Mị một cách tự nhiên, hợp lí), bộc lộ cảm quan nhân đạo cách mạng của nhà văn.

b) Dạng đề yêu cầu phân tích, cảm nhận về các chi tiết nghệ thuật trong thế đối sánh.

Bài văn phân tích, cảm nhận về các chi tiết nghệ thuật trong thế đối sánh có thể được tiến hành làm theo hai cách: cách thứ nhất là phân tích lần lượt từng đối tượng rồi chỉ ra điểm giống, điểm khác nhau và lí giải nguyên nhân. Cách thứ hai là tiến hành so sánh đồng thời với việc phân tích, phần thân bài của bài viết được chia làm ba luận điểm lớn: Luận điểm thứ nhất là điểm giống nhau; luận điểm thứ hai là điểm khác nhau, (trong mỗi luận điểm lại có những phương diện so sánh phù hợp); luận điểm thứ ba là lí giải nguyên nhân. Dù tiến hành theo cách nào thì bài làm cũng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

- Giới thiệu các chi tiết nghệ thuật cần phân tích, cảm nhận trong thế đối sánh

- Làm rõ các đặc điểm của từng chi tiết như xuất xứ, vị trí, ý nghĩa… (tham khảo mục II.3.a)

- Làm rõ những điểm tương đồng, dị biệt giữa các chi tiết, lí giải được nguyên nhân sự tương đồng, dị biệt đó.

Ví dụ:

“Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động. Mắt Từ giàn giụa nước.”

(Đời thừa – Nam Cao)

“Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”

(Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)

Cảm nhận của anh (chị) về “dòng nước mắt” của hai người phụ nữ trong những câu văn trên.

Đáp án, thang điểm:

1. Vài nét về tác giả và tác phẩm (0,5 điểm)

- Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại; “người kết thúc vẻ vang cho trào lưu văn học hiện thực phê phán”. Một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông là Đời thừa. Trong tác phẩm, bên cạnh những giọt nước mắt đau khổ, ân hận của Hộ người đọc còn xúc động trước những giọt nước mắt của Từ - người vợ hiền lành, đáng thương. (0,5 điểm)

-