Tình yêu tổ quốc của cô gái mở đường trong đoạn thơ gợi cho anh chị những suy nghĩ gì

ĐỀ SỐ 29

I. ĐỌC HIỂU

Tình yêu tổ quốc của cô gái mở đường trong đoạn thơ gợi cho anh chị những suy nghĩ gì

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận.
Em đã lấy tình yêu
Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy làn bom…

[…] Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh

Có phải làn da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những làn mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em – Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trải tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài.

(Khoảng trời hố bom, Lâm Thị Mĩ Dạ)

Câu 1. Câu thơ nào gợi lên sự hi sinh anh dũng của cô gái mở đường trong đoạn thơ trên?
Câu 2. Dấu (…) ở cuối câu thơ “Đánh lạc hướng thù, hứng lấy làn bom..nói lên điều gì?
Câu 3. Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ và tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó.
Câu 4. Đoạn thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về nhan để bài thơ?

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng: “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ.”

Câu 2. Đánh giá về thơ Huy Cận, có ý kiến cho rằng: Nếu như Xuân Diệu là nhà thơ của cảm thức thời gian, thì Huy Cận lại là nhà thơ của những ám ảnh không gian. Tràng giang là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Huy Cận.
Anh/ Chị hãy phân tích hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong hai khổ đầu bài thơ Tràng giang của nhà thơ Huy Cận để làm sáng tỏ nhận định trên.

*GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Câu thơ gợi lên sự hi sinh anh dũng của cô gái mở đường:

                  Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

                  Đánh lạc hướng thù hứng lấy làn bom…

Câu 2. Dấu (…) tạo nên khoảng trống chứa đựng nỗi đau, nỗi tiếc thương của tác giả trước sự hi sinh anh dũng của cô gái mở đường.
Câu 3. – Biện pháp nói giảm, nói tránh, so sánh: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất: Đêm đêm tâm hổn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh; Trái tim em là mặt trời, vầng dương. (Tác dụng: Biểu thị nỗi tiếc thương của tác giả và ngợi ca vẻ đẹp tâm hổn cũng như sự bất tử của cô gái). – Biện pháp ẩn dụ: trái tim em trong ngực soi cho tôi bước tiếp quãng đường dài (tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của cô gái đã thành vầng sáng soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho nhân vật trữ tình). – Hình ảnh liên tưởng: Làn da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng; Tác dụng: Gợi lên vẻ đẹp trắng trong, thanh khiết, cao cả và sự bất tử của người con gái mở đường cho xe đi.

Câu 4. Nhan đề nhắc đến hai hình ảnh tương phản: khoảng trời và hố bom. Hố bom là hiện thực chiến tranh khốc liệt, là đau thương, mất mát. Khoảng trời trước hết gợi tâm hồn thanh khiết, cao cả của người con gái đã hi sinh, còn là biểu tượng của bình yên, của hòa bình. Vì hòa bình của dân tộc, người con gái ấy đã hi sinh. Cho nên chọn hai hình ảnh này đặt tên bài thơ, tác giả đã gợi ra một tứ thơ đẹp.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Có thể lựa chọn các nội dung sau đây để viết đoạn văn:

a. Giải thích – Hình ảnh “vùng đất khô cằn sỏi đá”: Gợi liên tưởng, suy nghĩ về môi trường sống khắc nghiệt, đầy gian khó. Nói cách khác, đó là nơi sự sống khó sinh sôi, phát triển. – Hình ảnh “cây hoa dại”: Loại cây yếu ớt, nhỏ bé, cũng là loại cây bình thường, vô danh, ít người chú ý. – Hình ảnh “cây hoa dại vẫn mọc lên và nở hoa rực rỡ”: Cây hoa dại sổng giữa tự nhiên lặng lẽ mà kiên cường. Nó thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên điều kiện khắc nghiệt để sống và nở hoa. Những bông hoa là thành quả đẹp đẽ, kết tinh từ sự chắt chiu, thể hiện sức sống mãnh liệt.

– Câu nói mượn hiện tượng thiên nhiên mà gợi ra suy nghĩ về thái độ sống của con người. Cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Con người cần phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

b. Phân tích – chứng minh – Hiện tượng tự nhiên: “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ.” Hiện tượng trên có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong thế giới tự nhiên quanh ta. Cây cối, cỏ hoa xung quanh ta luôn ẩn chứa một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Chúng sẵn sàng thích nghi với mọi điểu kiện sống khắc nghiệt. (Dẫn chứng: + Nơi sa mạc nóng bỏng, cây xương rồng vẫn mọc lên, vẫn nở hoa, những bông hoa nép mình dưới xù xì gai nhọn. + Ở cánh đồng băng Nam Cực, các nhà khoa học sững sờ khi phát hiện dưới lớp băng dày vẫn có những đám địa y.. – Những thử thách, những khó khăn của thực tế đời sống luôn đặt ra đối với mỗi con người Cuộc sống không bao giờ phẳng lặng, luôn chứa đựng những bất ngờ, biến cố ngoài ý muốn. Vì vậy, quan trọng là cách nhìn, thái độ sống của con người trước thực tế đó. Ta không nên đầu hàng hoàn cảnh, không buông xuôi, phó thác cho số phận. Trong hoàn cảnh “khắc nghiệt”, những con người mạnh mẽ vẫn vững vàng vươn lên. – Nghị lực và sức sống của con người mang đến những điều kì diệu cho cuộc sống Chính trong thử thách của hiện thực cuộc sống, nghị lực và sức sống của con người càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đóng góp, cống hiến hay những thành tựu, kết quả đạt được trong điều kiện đó rất cần được tôn vinh như những tấm gương sáng cho mọi người học tập. (Dẫn chứng: + Có thể lấy dẫn chứng từ những tấm gương hi sinh anh dũng của cô gái mở đường trong đoạn thơ trên trong văn học và trong thực tế cuộc sống…

+ Nhiều tấm gương chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt để sống và vươn lên, thể hiện những ước mơ cao đẹp. ..)

c. Đánh giá, mở rộng – Câu nói miêu tả một hiện tượng thiên nhiên mà trong đó hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc, gợi ra nhiều suy tưởng. Đó là biểu tượng của nghị lực và ý chí vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt. Đây là một bài học quý báu, bổ ích về thái độ sống của con người. – Phê phán những kẻ sống trong mối trường, điều kiện thuận lợi, nhưng ỷ lại, không nỗ lực cố gắng, chỉ biết hưởng thụ, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, tâm huyết, tình cảm của người thân. Sự lãng phí ấy là vô cùng đáng trách.

– Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, có người lại dễ sinh ra chán nản, buông xuôi và dẫn tới thất bại. Trường hợp này có thể cảm thông, song không nên đồng tình vì tuy hoàn cảnh có vai trò quan trọng nhưng những nỗ lực cố gắng của con người càng quan trọng hơn.

d. Bài học – Nhận thức + Con người thật bất hạnh khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu trong cuộc sống, nhưng sẽ bất hạnh hơn nếu như chúng ta thôi không cố gắng. + Cũng như cây hoa dại kia, rễ của nó đã đâm sâu dưới đất cằn sỏi đá nhằm tìm nguồn nước – dẫu ít ỏi để tiếp tục tổn tại mà nở những chùm hoa đẹp. – Hành động + Để có thể vượt qua khó khăn mà có những đóng góp, cống hiến trong cuộc sống, con người cần có nghị lực, ý chí, năng lực. Song cũng rất cần sự động viên, khích lệ, tình yêu và niềm tin của những người thân và cả cộng đồng.

+ Cộng đồng nên có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về những đóng góp của những người ở hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời nên có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để họ nhanh chóng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Câu 2. – Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của học sinh, đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương của mình để làm bài. – Học sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, phân tích không được thoát li tác phẩm.

* Có thể tham khảo những ý sau để làm bài:

a) Nêu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
b) Phân tích khổ thứ nhất – Cảnh: sông nước mênh mông, vươn xa, mở rộng, đối lập là những hình ảnh bé nhỏ, lạc loài: thuyền, củi. – Tâm trạng: nỗi buồn, cô đơn của con người trước tạo vật vô cùng, nỗi buồn của cái tôi Thơ mới. – Nghệ thuật: đối lập, đảo ngữ, sáng tạo hình ảnh, từ láy, từ Hán Việt…

c) Phân tích khổ thứ hai

– Cảnh: đôi bờ sông hiu hắt, không gian mở rộng thêm nhiều chiều. – Tâm trạng: nỗi buồn hiu hắt, cô đơn, bé nhỏ trước tạo vật vô cùng. – Nghệ thuật: đối lập, từ láy, lấy động tả tĩnh, dùng từ sáng tạo…

d) Đánh giá chung


Bằng biện pháp sắp đặt các sự vật của vũ trụ trong “mối quan hệ vô quan hệ”, các thủ pháp nghệ thuật tu từ và tạo ra mối tương quan giữa các từ ngữ trong bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã đem đến cho người đọc nhiều khoái cảm thẩm mĩ mới lạ về không gian vũ trụ và con người với ý thức cá nhân bừng tỉnh mà trước đây chưa từng có; đưa người đọc vào nỗi ám ảnh không gian dai dẳng lạ thường.

(Nguồn: Câu hỏi trắc nghiệm và tự luận Ngữ văn 11, tập 2, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

>>> Xem thêm : Đề luyện thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD120129 tại đây