Trẻ bị rụng tóc vành khăn là gì năm 2024

Đây là tình trạng tóc bị rụng nhiều ở vùng sau gáy giống hình vành khăn quấn quanh đầu trẻ. Tóc trẻ thường rụng mất cả chân và rụng thành từng đám sau gáy. Tình trạng này thường gặp ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi. Không chỉ rụng tóc, trẻ sẽ thường kèm theo một số biểu hiện bất thường như:

· Quấy khóc, đổ mồ hôi và khó ngủ.

· Hay bị giật mình khi ngủ đêm.

· Phần thóp (đỉnh đầu) của bé rộng và lâu đóng thóp.

· Xương sọ mềm và có thể bị bẹp bất thường.

· Trẻ thường kèm táo bón.

Thông thường những trẻ bị vấn đề này sẽ có thể trạng kém hơn các trẻ cùng lứa tuổi. Một số hoạt động có thể chậm phát triển hơn bình thường như biết lẫy, bò, mọc răng hay đi.

Nguyên nhân gây rụng tóc vành khăn

Để xác định chính xác nguyên nhân trẻ rụng tóc vành khăn, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Tìm ra nguyên nhân là điểm mấu chốt giúp trẻ khỏi bệnh. Trẻ bị rụng tóc vành khăn có thể do nhiều nguyên nhân:

Hormone cơ thể giảm

Trẻ sơ sinh tóc rụng thường xuất phát từ sự mất cân bằng hormone từ khi bé chào đời. Nguyên nhân có thể do cơ thể mẹ bị rối loạn hormone hoặc bản thân trẻ bị thiếu dinh dưỡng. Rụng tóc do nguyên nhân này thường được phát hiện cùng với biểu hiện rụng tóc sau sinh của mẹ.

Còi xương, suy dinh dưỡng

Đây là một trong những nguyên nhân cần chú ý nhất. Trẻ bị rụng tóc vành khăn do không được tắm nắng, lười ăn hoặc sữa mẹ không đủ dinh dưỡng. Điều này khiến trẻ bị thiếu vitamin D hoặc canxi dẫn đến rụng tóc mảng lớn sau gáy. Tình trạng này cũng là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng. Ba mẹ không nên chủ quan, cần thay đổi chế độ ăn để tránh tác động tiêu cực lên sự phát triển của trẻ. Nếu đã đi khám và đo nồng độ canxi bình thường, bạn cần cân nhắc các nguyên nhân dưới đây.

Tư thế nằm ngủ của trẻ

Các bé thường được bố mẹ cố định tư thế ngủ bằng cách chèn gối, chăn để tránh trẻ lăn, lật nguy hiểm. Tuy nhiên điều này vô tình để trẻ chỉ nằm được một tư thế, chẳng hạn như nằm ngửa. Phần lớn thời gian da đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối khiến cho tóc khó mọc hơn do tóc ở khu vực đó không được thông thoáng, cộng thêm mồ hôi tiết ra rất có thể khiến tóc dễ bị rụng.

Trẻ bị ốm hoặc sốt cao

Trẻ bị ốm hoặc sốt cao ngoài việc khiến trẻ bị chán ăn thiếu hụt dinh dưỡng thì thuốc sử dụng có thể gây tác dụng phụ tới sự phát triển của nang tóc.

Bệnh nấm da đầu

Nấm da đầu có thể gặp ở trẻ từ 3-14 tuổi. Bệnh này có thể viêm hoặc không. Nấm viêm gây mảng rụng tóc có vảy có màu xám. Trường hợp không viêm gây rụng tóc kèm mảng mụn mủ, vảy tiết. Đôi khi có thể xuất hiện thể Favus đặc trưng bởi các mảng đỏ, ít vảy, tóc xỉn màu. Nấm da đầu có vảy tiết hình lòng chảo, mùi hôi khó chịu, tóc thường gãy sát chân.

Rụng tóc do bệnh tự miễn

Trẻ bị rụng tóc vành khăn hoặc tóc trở nên thưa hơn do các bệnh tự miễn như viêm mạn tính; bạch biến; lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp; nhược cơ;… Bệnh tự miễn là cơ thể tự coi tế bào của mình là dị nguyên nên tiến hành đào thải. Cũng như vậy, tóc bị coi là chất lạ đối với trẻ và bị đào thải dẫn đến rụng tóc. Với nguyên nhân này, chỉ có thể trị rụng tóc bằng cách điều trị các bệnh này trước.

Cần làm gì khi trẻ bị rụng tóc vành khăn

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé

Nếu do các nguyên nhân mang tính di truyền như rối loạn hormone, rất khó để điều trị. Tốt nhất nên ngăn ngừa ngay khi mẹ mang thai để tránh rụng tóc cho cả mẹ và bé. Dinh dưỡng cần bổ sung cho phụ nữ mang thai bao gồm protein, các vitamin và nước. Ngoài ra, khi mẹ mang thai cần có người bên cạnh chăm sóc, chia sẻ để tránh rối loạn nội tiết do trầm cảm, stress.

Đối với trẻ, hãy đảm bảo sữa bạn lựa chọn có đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Thường xuyên cho trẻ tắm nắng buổi sớm để tổng hợp vitamin D cũng để tránh trẻ bị còi xương.

Thay đổi tư thế nằm cho trẻ

Với rụng tóc vành khăn do tư thế nằm, nên đặt bé ngủ ở những tư thế khác nhau. Bố mẹ cần cố gắng lật người trẻ sau một khoảng thời gian nhất định. Kết hợp thường xuyên thay gối, lau mồ hôi và để trẻ ngủ nơi thông thoáng. Nên tạo thói quen cho trẻ, sau 6 tháng, trẻ có thể tự điều chỉnh tư thế.

Đưa trẻ đi khám

Việc cần làm nhất khi trẻ bị rụng tóc vành khăn lâu, không cải thiện sau 6 tháng là đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán nguyên nhân. Đặc biệt với các dấu hiệu của bệnh tiềm ẩn như: da đỏ, bong vảy; da có đốm hói nhỏ đi kèm. Lưu ý tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hay thay đổi liều dùng đã được kê. Trẻ càng nhỏ thì việc sử dụng thuốc càng phải nghiêm ngặt tránh tác dụng phụ.

Rụng tóc vành khăn không phải là một vấn đề nguy hiểm, nhưng để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho trẻ, bố mẹ cần hết sức cẩn trọng và không nên chủ quan trước dấu hiệu này. Chăm sóc đúng cách và đưa trẻ đi khám sớm sẽ giúp xác định và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.