Vì sao cát xê của nghệ sĩ lại nhiều

Mức thù lao diễn viên truyền hình Hàn Quốc được trả đã có những thay đổi rõ nét trong thập kỷ qua. Đi cùng với đó là nhiều vấn đề về bất bình đẳng.

South China Morning Post (SCMP) đưa tin 20 năm trước, khi phim truyền hình Hàn Quốc bùng nổ trên toàn châu Á, cát-xê của dàn tử, minh tinh xứ kim chi nhận được dao động trong khoảng 20-30 triệu won/tập phim.

Con số nhanh chóng tăng lên gấp ba, đạt ngưỡng 100 triệu won/tập từ năm 2007. Bae Yong Joon là tài tử đầu tiên được trả mức thù lao này với vai diễn trong Thái vương tứ thần ký. Từ đây, cuộc đua cát-xê giữa các ngôi sao màn ảnh nhỏ bắt đầu.

Loạt tài tử nhận cát-xê cao

Thập niên 2010, phim truyền hình Hàn Quốc tiếp tục là nguồn tài nguyên dồi dào cho các dịch vụ xem video trực tuyến đầu tư khai thác. Xu hướng đã châm ngòi cho cuộc chạy đua tài chính giữa các công ty để mời được những gương mặt hàng đầu thị trường vào dự án mới của mình.

Lee Byung Hun nhận 150 triệu won cho mỗi tập phim Quý ngài ánh dương. Ảnh: Netflix.

Khi này, thù lao trả cho mỗi diễn viên trong các series không đơn thuần ghi nhận công lao diễn xuất của họ. Nó còn là khoản tiền trả cho danh tiếng của nghệ sĩ.

Việc nắm trong tay những gương mặt với tầm ảnh hưởng lớn giúp nhà sản xuất dễ dàng kêu gọi đầu tư cũng như bán quảng cáo cho nhãn hàng. Lợi nhuận phát sinh từ những hoạt động này cũng được trả cho nghệ sĩ thông qua cát-xê.

Chỉ 11 năm sau Bae Yong Jun, Lee Byung Hun xác lập kỷ lục mới khi nhận 150 triệu won/tập phim cho Quý ngài Ánh dương (2018). Năm 2020, thù lao Kim Soo Hyun được trả khi góp mặt trong mỗi tập Điên thì có sao đã là 200 triệu won.

Tháng 3/2021, cùng với thông tin Kim Soo Hyun sẽ góp mặt trong phim truyền hình One Ordinary Day, mức cát-xê của anh cũng được tiết lộ. Gương mặt sinh năm 1988 khiến ngành giải trí Hàn Quốc ngỡ ngàng khi nhận 500 triệu won cho mỗi tập của tác phẩm mới.

Theo SCMP, một phần đáng kể trong con số 500 triệu won này là phí đại diện và lợi nhuận phát sinh từ các hoạt động kinh doanh khác. One Ordinary Day là dự án hợp tác giữa công ty quản lý của Kim Soo Hyun và dịch vụ xem video trực tuyến Coupang Play. Đây là nhánh nhỏ thuộc công ty thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc.

One Ordinary Day là dự án truyền hình lớn đầu tiên của Coupang Play. Do đó, không loại trừ khả năng hãng chấp nhận chi lớn để có được gương mặt ăn khách nhất nhì màn ảnh nhỏ Hàn Quốc trong tác phẩm quan trọng.

Kim Soo Hyun xác lập kỷ lục mới khi nhận thù lao 500 triệu won cho một tập phim. Ảnh: Naver.

Con số nửa tỷ won cho một tập phim truyền hình giúp Kim Soo Hyun vượt xa nhiều tài tử của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc như Hyun Bin hay Song Joong Ki.

Năm 2019, Hyun Bin được trả 150-180 triệu won cho mỗi tập Hạ cánh nơi anh. Về phần Song Jong Ki, thù lao của anh đã tăng từ 180 triệu won lên 200 triệu won kể từ Biên niên sử Arthdal (2019) tới Vincenzo (2021).

Những gương mặt khác, nhiều khả năng cũng nhận mức thù lao từ 100 triệu won cho mỗi tập phim mình góp mặt, còn có Lee Min Ho (Quân vương bất diệt), Lee Jong Suk (Khi nàng say giấc), Lee Seung Gi (Lãng khách), Park Bo Gum (Gặp gỡ)…

Thù lao cao và sự thiếu công bằng

Việc thù lao của các tài tử Hàn Quốc tăng chóng mặt sau 13 năm cho thấy lao động nghệ thuật của họ đã được ghi nhận xứng đáng. Nhưng mặt khác, nó cũng phản ánh sự mất cân bằng trong ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn.

Việc cát-xê trả cho các ngôi sao tăng lên cũng đồng nghĩa nhà sản xuất phải thắt chặt hầu bao ở khâu nào đó trong quy trình sản xuất. Theo thống kê của Hiệp hội Diễn viên truyền hình Hàn Quốc, từ năm 2019 tới 2015, mức thu nhập trung bình của diễn viên đã giảm 30%.

Trên thực tế, 79,4% thành viên của hiệp hội này kiếm được ít hơn 10 triệu won mỗi năm. Chỉ 4,8% diễn viên có thu nhập trên 100 triệu won/năm.

Thêm vào đó, việc các ngôi sao nhận cát-xê khổng lồ nhưng không phải gánh thiệt hại tài chính khi phim thua lỗ cũng làm gia tăng gánh nặng cho nhà sản xuất. Những năm qua, nhiều người hoạt động trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc đang kêu gọi một cách thức tính lương mới.

Họ đề xuất các diễn viên khi tham gia một dự án sẽ nhận thù lao dựa trên lợi nhuận thu về sau khi phim ra mắt cùng một khoản tiền nhỏ hơn gọi là phí trả trước. Đây là mô hình đã được Hollywood áp dụng thành công trong nhiều năm qua.

Nữ diễn viên Kim Hee Ae chỉ nhận cát-xê 70 triệu won cho mỗi tập phim Thế giới hôn nhân. Ảnh: Naver.

Tiếp đến, chênh lệch về thu nhập không chỉ gây ra bởi mức độ nổi tiếng của diễn viên mà còn là khác biệt giữa nam và nữ. Theo SCMP, tại Hàn Quốc, mới chỉ có hai nữ diễn viên từng được trả thù lao trên 100 triệu won cho mỗi tập phim mình tham gia. Đó là Jun Ji Hyun với Huyền thoại biển xanh và Lee Young Ae khi đóng Saimdang, Nhật ký ánh sáng.

Các nữ diễn viên chỉ được trả mức thù lao khiêm tốn hơn rất nhiều so với bạn diễn nam ở cùng vị trí. Tài năng, mức độ nổi tiếng hay cộng đồng người hâm mộ đông đảo của các nữ nghệ sĩ không ảnh hưởng quá nhiều tới khoảng cách này.

Năm 2020, có thông tin cho rằng nhiều nam diễn viên mới vào nghề đã yêu cầu cát-xê 70 triệu won cho vai chính đầu tay. Con số vừa bằng thù lao minh tinh Kim Hee Ae nhận được cho vai chính trong Thế giới hôn nhân. Đáng nói, Thế giới hôn nhân là series phim ăn khách nhất trên hệ thống truyền hình cáp Hàn Quốc.

Nhiều sao Việt có mức thu hàng trăm triệu mỗi show nhưng thuế TNCN họ nộp lại khá khiêm tốn. ĐBQH Nguyễn Đức Kiên đề nghị xem xét trách nhiệm cá nhân nghệ sĩ lẫn đơn vị thuê họ.

Ca sĩ, người mẫu, diễn viên tại Việt Nam được cho là nghề có thu nhập hậu hĩnh từ nhiều nguồn nhưng lại chưa kê khai thuế rõ ràng. Tình trạng thất thu thuế trong nhóm này đã được quan tâm từ lâu, nhưng có vẻ vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh và hiệu quả. 

Không thiếu cách để ngôi sao “né” thuế

Thực tế, giới nghệ sĩ luôn biết cách để giảm khoản thuế họ phải nộp. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, từng chỉ ra thực tế các ca sĩ thường thành lập doanh nghiệp, công ty để trốn thuế TNCN.

Theo quy định hiện hành, phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) dựa trên biểu thuế lũy tiến từng phần, tức thu nhập càng cao thì mức thuế suất áp dụng càng lớn. Cụ thể, tỷ lệ điều tiết của thuế TNCN cao nhất lên đến 35%, tương đương mức thu nhập tính thuế lớn hơn 80 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đa phần ở mức 20%, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của thuế TNCN. Đó là chưa kể doanh nghiệp khai báo lỗ, không phải đóng thuế. 

Các chuyên gia tài chính nhận định việc các nghệ sĩ thành lập doanh nghiệp chưa hẳn là để trốn thuế, nhưng cách thức này luôn có lợi cho các nghệ sĩ, đặc biệt khi nhìn từ góc độ nộp thuế TNCN.

Trào lưu lập công ty để hợp thức hóa chi phí bùng nổ gần đây, khi giới ca sĩ không còn được hưởng mức khấu trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN. Ảnh minh họa: Alamy.

Bằng chiêu thành lập doanh nghiệp, tiền thù lao hàng trăm triệu mỗi show diễn của nghệ sĩ biến thành doanh thu công ty. Các công ty cũng nhận đủ toàn bộ cát-xê thay vì khấu trừ 10% thuế tạm thu bởi công ty biểu diễn. Trong khi họ ghi nhận thu nhập đóng thuế trên sổ sách bằng tiền công, tiền lương, thưởng và thường "tự biên" giá trị hợp đồng xuống mức khiêm tốn. 

Công ty cũng dễ dàng kê khai cao chi phí hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thấp nhằm nộp thuế ít, thậm chí xuất hiện tình trạng doanh nghiệp quản lý ca sĩ không có lãi, thua lỗ, không phải nộp thuế TNDN. 

Trào lưu lập công ty để hợp thức hóa chi phí bùng nổ gần đây, khi giới ca sĩ không còn được hưởng mức khấu trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN cho các chi phí như đi lại, quần áo...

Nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM, ông Nguyễn Thái Sơn, chỉ ra một chiêu phổ biến khác để né thuế là thanh toán bằng tiền mặt, không hóa đơn. 

Khi đơn vị tổ chức biểu diễn bắt tay với nghệ sĩ, trả tiền không hóa đơn, hợp đồng, thì việc truy thu thuế là bất khả thi, một chuyên gia thuế ở TP.HCM nói với Zing.vn. Ngay cả khi sau đó họ nộp tiền vào tài khoản cũng khó có thể yêu cầu giới nghệ sĩ chứng minh nguồn tiền từ đâu mà có, gây mất kiểm soát.

Đại diện một công ty nghệ thuật kiêm tổ chức sự kiện ở Hà Nội và TP.HCM từng tiết lộ với báo giới các nghệ sĩ hạng A khi ký hợp đồng bao giờ cũng có câu cửa miệng “tiền cầm tay nhé”. Họ chỉ quan tâm đến số tiền “ba-rem” ứng với tên tuổi của họ, còn khoản nộp thuế thế nào là việc của bên tổ chức.

Một nữ diễn viên từng nói với Zing.vn rằng cô luôn có hợp đồng đầy đủ, quy định đơn vị tổ chức khấu trừ 10% hợp đồng, và vì thế mặc nhiên đã đóng thuế đủ. Cô và nhiều nghệ sĩ "quên" rằng đó chỉ là mức tạm khấu trừ, và căn cứ vào thu nhập thực tế của nghệ sĩ trong năm mà mức thuế áp dụng có thể lên tới 35%. 

Trong khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng trả lời báo chí rằng: "Bản tính của người nghệ sĩ vẫn thường phóng khoáng và hơi bất thường một tí nên chuyện đóng trước, đóng sau, nhớ nhớ, quên quên là chuyện rất bình thường".

Nhiều đề xuất thay đổi cách thu thuế được đưa ra thảo luận

Năm 2015, Cục Thuế TP.HCM lật lại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của 26 nghệ sĩ và truy thu 6,3 tỷ đồng. Năm 2016, cơ quan này truy thu thuế 6,7 tỷ đồng từ 12 nghệ sĩ. Tới năm 2017, theo Cục Thuế TP.HCM, trong số cá nhân chưa kê khai đầy đủ thu nhập có 6 văn nghệ sĩ, tổng số tiền thuế truy thu hơn 5,2 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, cơ quan thuế phát hiện 2 ca sĩ và thực hiện thu thêm hơn 2,2 tỷ đồng.

Thực tế, năm nào Cục Thuế TP.HCM cũng phải lo truy thu thuế những người nổi tiếng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn từng cho rằng nên sửa đổi quy định theo hướng khoán thuế TNCN cho nghệ sĩ thay vì tạm khấu trừ sau đó thu theo hướng lũy tiến. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế trong khi ngân sách lại thu được số thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn.

Cụ thể, ông Tuấn nhận định khi chi trả thu nhập cho nghệ sĩ bao giờ đơn vị chi trả cũng khấu trừ 10% nhưng sau khi khấu trừ cuối năm nhiều nghệ sĩ không quyết toán thuế để nộp thêm. Thứ trưởng Bộ Tài chính đưa ra phương án điều chỉnh mức khấu trừ tại nguồn lên 20%, nhằm giải quyết tình trạng trên mà cơ quan thuế cũng không phải truy thu như hiện nay.

Trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 20/5, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mới đây cũng cho biết Bộ Tài chính đã giải trình về các biện pháp để siết chặt thu thuế đối với hoạt động hoạt động quảng cáo trên mạng, hay biểu diễn nghệ thuật của ca sĩ, người mẫu...

Bà Hải cũng cho biết cử tri TP.HCM đề nghị sớm cải cách chính sách để giảm dần giao dịch bằng tiền mặt và tăng cường thanh toán qua thẻ tín dụng, ngân hàng.

Trao đổi với Zing.vn về việc sử dụng tiền mặt để trả thù lao cho giới nghệ sĩ, một cán bộ ngành thuế tại Hà Nội khẳng định đối với cá nhân hiện chưa có quy định giao dịch hạn mức bao nhiêu phải thanh toán qua ngân hàng, trong khi con số này của doanh nghiệp là 20 triệu đồng.

Vị cán bộ thuế này đề xuất khống chế mức sàn thanh toán tiền thù lao mà cá nhân buộc phải thanh toán qua ngân hàng, ví dụ ở mức 10 triệu đồng. Ngoài ra, vị này cho rằng cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi gian lận để phương án có tính thực tiễn cao.

Trong khi đó, khi được hỏi về thực trạng một số người mẫu, ca sĩ có thu nhập cao nhưng có biểu hiện không đóng đầy đủ thuế thu nhập, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm cần phải xem xét lại trách nhiệm công dân, trách nhiệm cá nhân của những đối tượng này.

“Chúng ta chưa đảm bảo những người nộp thuế hiểu được nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ. Họ chưa thấy nộp thuế là vinh dự và trách nhiệm. Cũng cần xem xét trách nhiệm cá nhân của họ” ông Kiên nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng nếu ca sĩ, người mẫu không nộp thuế thì phải phạt cả nơi trả tiền và người nhận. Nghĩa là phạt cả đơn vị thuê ca sĩ, người mẫu và chính họ.

“Cơ quan đó cần ghi rõ cá nhân trả hay cơ quan trả, hợp đồng như thế nào. Qua đó, cơ quan thuế có thể kiểm tra doanh thu của doanh nghiệp và biết được việc làm ăn như thế nào để quản lý thuế”, ông Kiên đề xuất.

Nhiều ý kiến cho rằng nên mạnh dạn bêu tên nghệ sĩ cũng như công khai số thuế của họ đã nộp trong năm để công chúng biết. Như vậy, dư luận sẽ đánh giá một ngôi sao đình đám, cát-xê ngất ngưởng nhưng số thuế thu nhập cá nhân nộp hàng năm chỉ vài chục triệu, thậm chí không kê khai thuế, khi đó chính ngôi sao bị bêu tên cũng sẽ cảm thấy xấu hổ và tự giác khai thuế.


Video liên quan

Chủ đề