Vì sao chè tân cương thái nguyên lại ngon nhất

Việt Nam ta là Quốc gia có truyền thống uống chè lâu đời. Chè được sản xuất và tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên toàn quốc. Các loại chè tiêu biểu có thể kể đến như: Chè Tân Cương – Thái Nguyên, Chè Mộc Châu – Sơn La, Chè Shan tuyết – vùng Yên Bái – Hà Giang, Chè Thanh Bình – Mường Khương, Lào Cai, Chè Bát Tiên – Yên Sông, Tây Nguyên, Chè Vằng – Nghĩa Lộ , Quảng Trị. Mỗi loại chè ở mỗi vùng đều có vị ngon và bản sắc riêng. Tuy nhiên, chè Tân Cương Thái Nguyên có lẽ là loại chè cho chất lượng tốt nhất khi được đặt cho cái tên “đệ nhất danh trà” và được người Sành Trà trong và ngoài nước đánh giá cao.

Có khi nào bạn tự hỏi vì sao chè Thái Nguyên có tên gọi như vậy? Chất lượng vùng chè “đệ nhất danh trà” có gì đặc biệt? Chúng ta sẽ cùng Giải Đáp Viêt tìm hiểu điều này nhé!

Lịch sử của chè Thái Nguyên

Không có nhiều tài liệu ghi nhận về sự phát triển của văn hóa chè tại Việt Nam. Các nghiên cứu về sự phát triển của cây chè cũng có sự khác nhau tương đối. Nhưng tựu chung lại đều ghi nhận cây chè vườn đầu tiên xuất hiện tại Phú Thọ, và Phú Thọ cũng chính là quê hương của cây chè Thái Nguyên.

Nói đến chè Thái Nguyên mọi người thường liên tưởng ngay đến vùng chè nổi tiếng Tân Cương. Hiện tại vùng chè Tân Cương được quy hoạch trong ba xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân. Các xã lân cận và các vùng khác của Thái Nguyên cũng có sản xuất chè, tuy nhiên về chất lượng không thể đặc sắc được như vùng Tân Cương. Chúng ta sẽ đi nghiên cứu cụ thể hơn về chè Tân Cương

Người dân Tân Cương – Thái Nguyên đã suy tôn Cụ Vũ Văn Hiệt ( 1883 – 1945) là “ Ông tổ chè Tân Cương”. Chính cụ Hiệt là người đã có công phát triển thương hiệu chè Tân Cương từ lúc sơ khai đến bước đầu hình thành tên tuổi trong nước và Quốc tế. Có thông tin cho rằng Cụ Hiệt là người đã mang giống chè vườn từ Phú Thọ về Thái Nguyên. Cũng có thông tin cho rằng giống chè này đã có sẵn trên vùng chè Tân Cương khi Cụ Hiệt bắt đầu chuyển về Tân Cương sinh sống sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Tuy nhiên với thông tin nào thì vai trò của “ Ông tổ chè Tân Cương “ cũng không thay đổi. Ông đã khai phá mở đồn điền trồng chè và chế biến thành phẩm mang ra bán ở nhiều nơi.
Đối với cây chè ở thuở khai sơn mở đất ấy phải mất chừng 4, 5 năm người trồng chè mới được thu hoạch. Với truyền thống canh tác của người nông dân thời bấy giờ, việc bắt tay vào xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp 4,5 năm mới đem lại hiệu quả vẫn là điều đáng để suy nghĩ. Nó chúng tỏ một điều người nông dân của chúng ta thời đó đã bắt đầu có tầm nhìn vượt thời gian khi đưa cây chè thành thức uống đặc sản của người Việt.

Cụ Vũ Văn Hiệt ( 1883- 1945)

Năm 1925, các diện tích trồng chè tại Tân Cương đồng loạt cho sản lượng cao. Cụ Hiệt đã cho mở hiệu chè bán buôn, bán lẻ ở khu vực thành phố Thái Nguyên ngày nay và bắt đầu quảng cáo cho nhãn hiệu chè Tân Cương trên khắp 3 miền đất nước. Các tài liệu khoa học còn lưu giữ đến nay khẳng định, thương lái nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc,… đã có mối giao lưu mua bán với hàng chè của ông Đội Năm ( Cụ Hiệt ). Để khẳng định thương hiệu chè củ mình, ông Đội Năm lấy nhãn hiệu bao bì là “ Chè Con Hạc”. Có người giải thích con hạc mang hình tượng búp chè một tôm hai lá. Có người bình luận làng chè hướng về cội nguồn dân tộc, Hạc là loài linh điểu được thờ cúng của người Việt. Năm 1935, hàng chè “ Con Hạc” của ông Đội Nam đạt giải nhất trong cuộc thi đấu xảo ở Hà Nội, tương tụ giành huy chương vàng trong hội chợ thương mại ngày nay, mở ra một thời kì làm ăn phát đạt có ảnh hưởng khá lớn với thị trường trong nước và thế giới. Ẩm khách sành chè rất ưa dùng và tôn vinh là “ Đệ Nhất danh trà “ được lưu truyền từng là sản vật tiến vua, và vườn chè cổ vẫn còn nay đã 87 tuổi.

Nguồn gốc tên “ Đệ Nhất danh trà” là từ chất lượng chè không ai sánh bằng của chè Thái Nguyên nói chung và chè tân Cương nói riêng. Ở đầu thập kỷ 20, giao thương còn gặp nhiều khó khăn mà thương lái các nước đã tìm đến Thái Nguyên thì quả là có tiếng tăm. Bạn có tự hỏi vì sao chè Thái Nguyên có chất lượng tuyệt vời như vậy?

Những lý do khiến cho chè Thái Nguyên có chất lượng “đệ nhất”

a. Văn hóa và kỹ thuật làm chè.

Chè ở Thái Nguyên chủ yếu trồng theo hình thức hộ gia đình, mỗi hộ chỉ có một vườn chè nhỏ vài trăm mét vuông hoặc lớn hơn một chút. Hình thức đồn điền lớn hay quy mô sản xuất chè theo công nghiệp gần như không tồn tại. Chính vì vậy mà việc quản lý các khâu trồng và chế biến cũng dễ dàng hơn vì người trồng, chăm sóc, sản xuất hầu hết là những người trong gia đình. Cây chè cũng là loại cây có cách chăm sóc chế biến đặc biệt mà chỉ có chế biến thủ công mới mang lại chất lượng cao nhất và đặc trưng nhất cho sản phẩm.

Vườn chè không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là của cải để lại cho con cháu nên đa phần người làm chè cố gắng bảo tồn vườn của mình một cách tốt nhất có thể. Để bảo vệ chất đất và nguồn nước, các hình thức thuốc diệt cỏ hay phân bón hóa học kém chất lượng cũng được hạn chế tối đa.
Cây chè tại Thái Nguyên cũng có từ rất lâu, với hình thức cha truyền con nối nên kỹ thuật dần hoàn thiện hơn. Cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người nông dân hoàn thiện kỹ thuật canh tác và chế biến. Nhiều lễ hội hay cuộc thi xoay quanh chè được tổ chức để tôn vinh những người làm chè tốt và cũng là dịp để những người làm chè gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

b. Điều kiện tự nhiên

Thái Nguyên có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Hơn nữa khí hậu và đất đai của vùng đất này còn làm cho sản phẩm chè có chất lượng vượt trội hơn so với vùng khác. Đầu tiên phải kể đến chất đất. Những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên như Tân Cương, La Bằng hay Hoàng Nông chất đất đều có chứa những nguyên tố vi lượng phù hợp cho cây chè phát triển một cách tốt nhất. Vì đất ở đây được hình thành trên nền phù sa cổ và đá cát. Chính dạng đất sỏi pha với đất sét ở nơi đây khiến chè Thái Nguyên luôn có vị đượm và hậu ngọt kéo dài đặc trưng chỉ riêng nơi đây có.

Thứ hai là phải nhắc đến dãy núi Tam Đảo chạy từ Tây sang đông chia cắt ba tỉnh là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

Địa hình dãy Tam Đảo

Dãy Tam Đảo đóng vai trò như một lá chắn cao trên 1.000 m để chắn ánh mặt trời từ hướng Tây. Dãy Tam Đảo còn chặn hơi nước hay mây từ biển thổi vào khiến khu vực bên Thái nguyên luôn có lượng mưa ổn định, nhiệt độ mát mẻ và độ ẩm cao.

Giống như bất kì cây trồng nào thì cây chè Thái Nguyên luôn cần mưa. Thường thời điểm mà người dân Thái Nguyên hay gọi là mùa chè chính là khoảng tháng 4 âm lịch. Lúc này nhiều mưa và ổn định nên cây chè luông phát triển mạnh. Khoảng từ tháng 9 âm lịch trở đi thì nhiệt độ giảm xuống từ 22°C đến 25°C. Cây chè rất thích khoảng nhiệt độ như thế này nên thời điểm từ tháng 9 đến hết tết âm lịch thì cây chè thường có chất lượng tốt nhất trong năm.

Dãy Tam Đảo giữ nước giúp bên Thái Nguyên luôn có độ ẩm cao. Nhiệt độ theo đó cũng ổn định trong suốt một ngày, chênh lệch nhiệt độ lúc nóng nhất và lúc lạnh nhất cũng chỉ 1-2°C. Chính vì phát triển trong môi trường có nhiệt độ mát và ổn định trong suốt một ngày , nên kết quả thành phần dinh dưỡng của cây chè Thái Nguyên cũng cao hơn. Đồng thời hương vị cũng tốt hơn chè ở những vùng chè khác ở Việt Nam.

c. Tâm huyết của người làm chè

Để làm ra sản phẩm chè ngon, người làm chè phải thực sự có tâm huyết với nghề. Vì sao tôi nói như vậy? từ khi sinh trưởng phát triển đến lúc tạo ra thành phẩm là những búp chè khô, quá trình chăm sóc, phơi sấy đều cần sự tỉ mỉ kỹ lưỡng và sự đầu tư học hỏi rất lớn. Chè là một cây cực kì khó tính và nhạy cảm. Ngay cả một cây xoan mọc trong vườn sẽ làm cho hương vị của những cây chè dưới gốc khác đi. Người Thái Nguyên bón chè bằng phân vi sinh, thuốc sâu chế biến từ cây khổ sâm. Làm giảm tối đa những tác động hóa học vào cây chè để giữ được hương vị tự nhiên nhất của sản phẩm này.

Công đoạn hái chè cũng rất cầu kì. Chè phải được hái từ tinh sương đến giờ Ngọ ( 12 giờ trưa) Dụng cụ đựng phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang vào lán. Chè đựng bằng bao nilong và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Hái búp chè cũng phải đúng cách “ một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè. Điều này cũng tạo điều kiện cho chè lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn.

Thông thường công việc hái chè vẫn được phụ nữ đảm nhận vì cần có sự khéo léo trong quá trình hái. Chè xanh Thái Nguyên có yêu cầu trong lúc hái cao hơn. Chè hái xong không được để dập nát, ngay cả việc nắm chè trong tay bị gẫy hay gập lá chè cũng làm chè bị ôi khi chế biến. Công đoạn hái chè cũng rất cầu kì

Sau khi được thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bong râm chừng 3 giờ đồng hồ mới đem chế biến thì sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.

Búp chè hái về phải được chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kĩ thuật truyền thống; Sao , vò rồi lại sao mà phải làm liên tục gọi là sao suốt. Khi sao chè kị nhất mùi nước hoa, đặc biệt là mùi dầu cù là. Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà sản xuất chè để có được chè ngon; rồi sàng sẩy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu.

Trước đây sao chè bằng gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp. Người sao giỏi chỉ được 5 kg/ ngày, một lò sao lăn được 2 kg / giờ. Nay việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa.

Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi. Đun quá lửa chè bị khét, còn không đủ nhiệt chè bị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết được độ nóng của lò. Dù họ không dấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát cửa lò chứ đừng nói chuyện đảo vò chè bằng tay trần khi chè còn nóng bỏng. Người Thái Nguyên có bí quyết cha truyền con nối cảm nhận độ nóng qua bàn tay.

Chè búp Thái Nguyên có cánh nhỏ và cong như cái móc câu, có màu “ mốc “ đặc trưng. Khi pha, thả búp chè vào ấm sành cứ nghe tiếng roong roong. Để một dúm chè trong lòng bàn tay hà hơi vào đã thấy mùi thơm ngầy ngậy; nhai thử vài cánh chè cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà; nhả bã lấy ngón tay cái và ngón trỏ bóp, vặn thử thấy nước và bã xanh rờn như chè tươi, đấy là loại tốt. Có thể ướp búp chè với hoa ngâu, hoa sói, hoa lài, hoa sen để tạo thêm những hương thơm khác nhau tùy sở thích mỗi người, nhưng việc ướp phải tuân thủ đúng những quy định công phu, nếu không có kinh nghiệm sẽ làm giảm hương vị tự nhiên của chè

Các nghệ nhân vùng chè Tân Cương cho biết, chè ngon trong năm là chè thu hoạch vụ xuân. Mùi hương cốm chè tân Cương không nơi nào học được. Để có một kí chè Tân Cương thứ thiệt quả không phải là dễ. Lợi dụng điều này, rất nhiều cơ sở làm ăn kém uy tín thường lấy mác chè Tân Cương Thái Nguyên, nhưng thực chất là chè không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Để thưởng thức được những ly trà Tân Cương chính gốc, sạch và thơm ngon, bạn có thể tham khảo Sành Trà – Vị Đất Hương Trời, một thương hiệu chè rất uy tin đã được kiểm định an toàn để thưởng thức nhé!
Bạn thấy đấy, chè thái Nguyên không chỉ có lịch sử lâu đời mà trong quá trình lịch sử hình thành vùng đất chè đó, chất lượng của sản phẩm đã có sự hoàn thiện và nâng cao từng ngày một. Chè Thái Nguyên đậm vị chát, hậu vị ngọt khiến bất kì ai đã một lần thưởng thức đều nhớ mãi. Và đó chính là lí do chè Thái Nguyên được gọi là ”đệ nhất danh trà”.

Video liên quan

Chủ đề