Vì sao phim ấn độ thích slow motion

Cảnh chiến đấu trong phim Kondhana - Tanhaji: The unsung warrior (2020) - Ảnh: IMDb

Ở cuốn sách xuất bản năm 2004, giáo sư Tejaswini Ganti từng đặt vấn đề Bollywood có thể được phân thành một thể loại hoàn toàn riêng biệt. Nếu nhìn vào danh sách quy ước phân loại của điện ảnh, từ chính kịch, nhạc kịch, siêu nhiên đến tình cảm - hài, kinh dị... mỗi bộ phim Ấn Độ thích ôm trọn tất thảy thay vì nghiêng về một thể loại cụ thể.

Hầu như phim Ấn nào cũng có những điệu nhảy truyền thống bỗng dưng chen ngang mạch, không nhiều thì quá nhiều; hoặc các trường đoạn slow-motion (chuyển động chậm) dài đằng đẵng, đẩy một bộ phim điện ảnh lên mức trung bình 2 - 3 tiếng.

Vậy nên mới có chuyện, dẫu sản sinh ra nhiều tác phẩm danh tiếng, Ấn Độ tựu trung vẫn thường bị nhìn nhận là nền điện ảnh cấp thấp, sau Hollywood, Trung Quốc và có lẽ sau cả Iran (vài năm mới cho ra một phim), như thể tồn tại bức tường ngăn cách "phim Ấn Độ và phần còn lại của thế giới".

Một thập kỷ đột phá

Ấn Độ luôn trung thành với ngôn ngữ điện ảnh của mình. Khi nói phim lịch sử đang mang đến một Bollywood rất khác thì không phải phim Ấn đã thay đổi mà là cách nhìn của khán giả.

Sự đột phá của điện ảnh Ấn trong 10 năm trở lại đây gắn liền với tần suất dày đặc của các bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử.

Năm 2015, Sử thi Baahubali: The Beginning vừa ra mắt đã trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong lịch sử điện ảnh Ấn Độ. Phần 2 của bộ phim (năm 2018) thậm chí còn xô đổ kỷ lục trên.

Cảnh phim Baahubali: The Beginning

Dựa trên sử thi về cuộc đời Baahubali, bộ phim là khúc trường ca với những cuộc chiến hận thù kéo dài suốt hai thế hệ. Những đoạn slow-motion chiến đấu hoành tráng, chiến thuật có phần kỳ quái và các phân cảnh nhạc kịch với 1.000 diễn viên quần chúng đã tạo nên sức hút xuyên suốt bộ phim.

Khi làn sóng phấn khích dành cho Sử thi Baahubali còn chưa dứt, năm 2019, điện ảnh Ấn Độ đón thêm Kesari - một thiên anh hùng ca tái hiện trận chiến tại pháo đài Saragarhi, nơi 21 binh lính Sikh chiến đấu với 10.000 quân Afghanistan.

Dù dựa trên cuộc chiến có thật năm 1897, các nhà làm phim Kesari vẫn thể hiện phong cách sáng tạo phóng túng với những màn vây thành, đu người trên dây, ám sát.

Cảnh phim Kondhana - Tanhaji: The unsung warrior

Những trận đánh mãn nhãn tiếp tục mở đầu năm 2020 bằng Kondhana - Tanhaji: The unsung warrior.

Cuộc đời tướng Tanhaji Malusare (do nam tài tử Ajay Devgn thủ vai) hiện lên màn ảnh cùng cuộc chiến vệ quốc của người Maratha trước sự xâm lăng từ binh đoàn đế quốc Mughal. Người Maratha chiến thắng nhưng Tanhaji lại hi sinh.

Người anh hùng trong phim Ấn thường gắn với cái chết lẫm liệt, vì chỉ có vậy mới khiến họ trở thành những vị thần và tồn tại mãi trong hình dáng tôn giáo.

Chưa kể đến những cảnh tráng lệ ở Panipat (2019) hay sử thi Kochadaiiyaan (2014) - bộ phim Ấn Độ tiên phong sử dụng kỹ thuật ghi hình chuyển động, trong thập kỷ qua, hàng chục tác phẩm lấy cảm hứng lịch sử đã nở rộ ở xứ sở Bollywood và được công chúng thế giới hoặc đón nhận hoặc bị lòng hiếu kỳ thu hút.

Khung cảnh hoành tráng trong Sử thi Baahubali (2015) - Ảnh: IMDb

Sử thi - tiếng nói của điện ảnh Bollywood

Nhưng chính xác điều gì đã làm thế giới có cái nhìn khác về nền điện ảnh Bollywood? Không phải khán giả đã quá quen với cảnh nhảy múa lê thê, cũng không hẳn công chúng "thẩm thấu" được các trường đoạn quay chậm trong phim. Nói trắng ra, nếu không phải phim lịch sử, ít ai chịu được phong cách ấy của người Ấn.

Tuy nhiên, như đề cập ở trên, phim lịch sử là một thể loại đặc biệt, nơi sự hào nhoáng của điện ảnh Ấn không những hòa quyện mà còn thúc đẩy sự thăng hoa của phim.

Lọt thỏm giữa bối cảnh lịch sử, văn hóa, những điệu vũ truyền thống của người Ấn Độ không khiến người xem cảm thấy khó chịu vì sự gượng gạo, ngược lại, chúng là gia vị bản lề, chất dạo đầu cho những trận chiến tàn khốc tiếp sau.

Các nhà làm phim sử thi dùng âm nhạc để biểu thị những góc cạnh khác của người lính bên cạnh lòng dũng cảm, thứ được đề cao duy nhất trên chiến trường.

Còn Sử thi Baahubali hay Kondhana - Tanhaji: The unsung warrior, màn trình diễn nhảy múa giữa hàng ngàn người là không gian để thực hiện kế hoạch trà trộn, tập kích bất ngờ khi mà cả người xem và tuyến phim đang thả lỏng với âm nhạc.

Sử dụng nhạc kịch trong phim sử thi khiến công chúng dễ đồng thuận hơn là trong những thước phim mang bối cảnh thời hiện đại bởi người xem vốn quen với nền điện ảnh dùng ngôn ngữ diễn xuất, cử chỉ để khắc họa hơn là hát ca dài dòng.

Không chỉ tô vẽ lại sự huy hoàng cho những trận chiến trong quá khứ, các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tư tưởng còn được lồng ghép vào phim để tạo nên một đại ngôn về lịch sử Ấn Độ.

Cuộc chiến của vương triều Mughal và người Maratha, sự hận thù giữa người Ấn và thực dân Anh..., màn ảnh cho phép Ấn Độ diễn giải lại các mối quan hệ này không nhất thiết phục vụ mục tiêu chính trị mà chỉ là thể hiện tinh thần dân tộc thuần túy.

Có thể diễn giải sự đeo đuổi miệt mài của người Ấn đối với thứ ngôn ngữ điện ảnh lộng lẫy bằng một cảnh trong phim Kesari.

Dù chỉ có 21 chiến binh bảo vệ pháo đài Saragarhi trước cuộc tấn công của 10.000 quân Afghanistan, tướng Ishar Singh của người Sikh vẫn quyết cắt cử một binh sĩ làm nhiệm vụ tiếp nước cho những người bị thương, ở cả phía mình và địch. Họ đã mang nước đến kẻ thù cho đến tận khi ngã xuống vì đó là điều đúng đắn.

Câu chuyện ấy là phiên bản ẩn dụ của điện ảnh xứ Ấn với những nhà làm phim luôn kiên trì đến cố chấp để đi theo con đường riêng một khi đã biết đâu là chính mình. Và điện ảnh Bollywood giờ đây, thú vị thay, được chính lịch sử và văn hóa truyền thống của họ quay lại dẫn dắt.

Những màn biểu diễn vũ đạo truyền thống trong phim Ấn Độ giờ trở thành nơi sắp đặt các cuộc ám sát - Ảnh: IMDb

Đóng băng khoảnh khắc anh hùng

Khi những bộ phim lấy cảm hứng lịch sử ngày càng nhiều, người xem thấy hóa ra những pha quay chậm của Bollywood cũng không "chậm" hơn các bộ phim cùng đề tài của thế giới là mấy.

Slow-motion là đặc trưng của thiên anh hùng ca sử thi, lấy phim Troy (2004), 300 (2006) của Hollywood hay Đại chiến Xích Bích (2008) của Trung Quốc làm ví dụ. Các cảnh quay chậm làm đóng băng khoảnh khắc anh hùng và kích thích sức tưởng tượng của công chúng về những gì sắp xảy ra.

Ấn Độ bầu cử 'siêu lớn', 15 sao Bollywood ra tranh cử

MAI THỤY

Truyền hình Việt phủ kín phim Ấn

Từng có một thời, truyền hình Việt Nam là “mảnh đất” màu mỡ của những bộ phim Hàn Quốc đậm mùi “ngôn tình”. Trào lưu phim truyền hình Hàn Quốc kéo dài một thời gian khá dài và “chiếm sóng” của rất nhiều kênh truyền hình lớn bé, từ đài địa phương đến đài quốc gia. Đặc biệt, hàng loạt các dịch vụ ăn theo “cơn sốt” phim Hàn như: dịch vụ quà lưu niệm, thời trang, mỹ phẩm và đồ hitech cũng được dịp ăn theo.

Thời của phim Hàn đã qua, thay vào đó là "cơn sốt" phim Ấn đang tung hoành trên nhiều kênh truyền hình Việt vào khung giờ vàng. Ảnh là một cảnh trong phim "Mối tình kỳ lạ".

Tuy nhiên, cái thời của phim Hàn đã qua để nhường chỗ cho một “cơn sốt” mới mang tên “phim Ấn”. Nhiều người cho rằng, bây giờ cứ hễ bật truyền hình nào lên cũng có thể xem được phim Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên VTV3 đang phát sóng bộ phim truyền hình dài 70 tập “Không thể lìa xa” vào khung giờ 22h20 các ngày thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần; VTV9 từng “đổi món” phát sóng phim “Mãi mãi bên nhau” (75 tập), đang phát “Tình yêu và định mệnh (1300 tập) và “Hẹn tái hôn” (250 tập).

Các kênh truyền hình địa phương như: THVL 1 (Truyền hình Vĩnh Long) sau khi kết thúc bộ phim “Con gái của cha” đang phát sóng “Âm mưu và tình yêu” (717 tập); HTV3 phát “Mối tình kỳ lạ” (dài 192 tập); HTV7 cũng đang lên sóng phần 3 bộ phim “Trái tim mỹ nhân” (96 tập).

Ngoài ra, trên sóng của các kênh: TodayTV, Echanel và nhiều kênh khác của truyền hình cáp VTV, SCTV, K+, MyTV, HTVC, AVG cũng phát sóng rất nhiều bộ phim Ấn Độ.

Trong đó, đáng kể đến là những bộ phim đình đám như: “Cô dâu 8 tuổi”, “Vợ tôi là cảnh sát”, “Định mệnh”, “Bí mật gia đình họ Khan”, “Lời nguyền sắc đẹp”, “Mẹ chồng hắc ám”, “Mãi mãi bên nhau”, “Mưu đồ ẩn giấu”... cũng đã và đang làm mưa làm gió trên sóng truyền hình và được chiếu đi chiếu lại nhiều vòng. Đặc biệt, bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” là bộ phim đã gây nên nhiều hiệu ứng bất ngờ tại Việt sau khi phát sóng và hiện tại vẫn đang được nhắc đến thường xuyên với những câu cửa miệng đầy hài hước “Ôi, thần linh ơi”.

Bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" dài 2000 tập nhưng vẫn hút khán giả Việt. Ảnh: TL.

Theo ông Lâm Chí Thiện - Chủ tịch tập đoàn IMC, kênh truyền hình TodayTV thì trong vài năm qua kênh truyền hình này đã phát sóng không dưới 10 bộ phim truyền hình Ấn Độ. Và các bộ phim này đều có lượng rating (theo dõi) cao hơn hẳn so với phim của các nước khác. Quyết định khai thác phim truyền hình Ấn Độ nhiều hơn trên sóng TodayTV theo ông Thiện là nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các dòng phim được phát sóng cũng như nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của khán giả xem truyền hình.

Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Công ty Sóng Vàng, một đơn vị chuyên sản xuất và nhập khẩu phim truyền hình nước ngoài chia sẻ, trong 3 năm qua phim truyền hình Ấn Độ luôn dẫn đầu về lượng rating và chỉ số rating luôn đi lên theo hình mũi tên. Lợi nhuận thu về từ dòng phim này khá khả quan.

Vì sao phim dài, dở vẫn cuốn người xem?

Không ít người nhận định, các bộ phim truyền hình Ấn Độ thường rất dài bởi có “slow motion” - diễn biến câu chuyện rất chậm. Thậm chí, có kênh truyền thông còn “nhặt” ra tới 6 cái dở của phim truyền hình Ấn Độ như: cốt truyện phát triển quá rề rà; thường xuyên lặp cảnh “soi” cận mặt nhân vật trong một tập phim; cảnh khóc lóc nhiều như “cơm bữa”; phim quá dài; mô-típ phim na ná nhau và đặc biệt tình tiết rất thiếu cao trào. Chính những cái dở này khiến cho người xem, nhất là người xem Việt Nam đôi khi rất khó chịu nhưng lại vẫn muốn xem.

Cảnh trong phim "Con gái của cha". Ảnh: TL.

Theo ông Lâm Chí Thiện, sở dĩ phim Ấn Độ “hút” khán giả Việt là bởi so với mạch phim khá quen thuộc của: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines... phim Ấn Độ mang đến cái nhìn mới mẻ hơn, giống như một món ăn lạ trên bàn ăn vốn dĩ có quá nhiều món quen thuộc. Cốt truyện phim có chiều sâu, kịch bản được đầu tư tốt và bài bản, diễn xuất của các diễn viên cũng được chăm chút kỹ lưỡng, cách khai thác về góc nhìn văn hóa đầy sắc màu cũng để lại cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị... chính những điều này đã giúp phim Ấn Độ dễ thu hút được sự quan tâm và đón xem của khán giả.

Riêng NSƯT - đạo diễn Trọng Trinh phân tích rằng, các bộ phim truyền hình của Ấn Độ dù dài lê thê nhưng vì được phát trên các kênh truyền hình vào khung giờ vàng nên thu hút đáng kể các đối tượng khán giả. Nhiều khi trong gia đình, một bà mẹ ghiền phim này nên ngày nào cũng xem khiến những người trong gia đình cũng phải xem theo. Được cái, phim Ấn Độ không giới hạn đối tượng khán giả nên ai cũng xem được và xem rất dễ hiểu.

“Tôi nói cụ thể như phim “Cô dâu 8 tuổi” đang gây hiệu ứng hiện nay, bộ phim hơn 2000 tập nhưng lại thu hút được một lượng khán giả bình dân Việt Nam xem rất đông. Nếu xét kỹ thì thấy câu chuyện của phim cũng không nhiều nét tương đồng lắm với xã hội Việt Nam hiện tại, vậy sao bộ phim này cuốn hút đến vậy? Rõ ràng, tổng thể bộ phim xa lạ nhưng bên trong nó lại có rất chi tiết, câu chuyện, tình huống gần gũi với từng đối tượng khán giả. Từ cô dâu, chú rể, bố mẹ, ông bà… tất cả những xung đột xung quanh họ là những câu chuyện gia đình chúng ta có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày. Điều ấy nó làm cho khán giả Việt, nhất là các lớp khán giả nội trợ thích xem và lâu dần thành mê”, đạo diễn Trọng Trinh nói.

Một trong những điểm cộng của phim Ấn Độ là dàn diễn viên rất xinh đẹp, lộng lẫy, lung linh... Ảnh: TL.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền lại cho rằng, qua những bộ phim truyền hình tiêu biểu như: “Cô dâu 8 tuổi”, “Vợ tôi là cảnh sát”, “Cuộc chiến những nàng dâu”, “Con gái của cha”, “Trái tim mỹ nhân”… có thể thấy phim Ấn Độ có dàn diễn viên rất “hút” mắt. Tương tự như trước đây, phim Hàn Quốc “hút” khán giả Việt một phần cũng bởi dàn diễn viên phim đẹp lộng lẫy như truyện “ngôn tình”. Bên cạnh đó, hầu hết nội dung phim đều gần gũi với cuộc sống của người Việt: xung đột mẹ chồng - nàng dâu, xung đột tình yêu - hôn nhân, những hủ tục – định kiến đẩy người phụ nữ vào sóng gió, sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội, sự hy sinh và khát khao vươn tới hạnh phúc… Ngoài ra, việc xây dựng tình tiết lôi cuốn, kịch bản có kịch tính, thắt - mở đều hợp lý... và cách xử lý có phần lạ lẫm cũng khiến người xem dễ bị cuốn theo. Đó là chưa kể đến phim Ấn luôn có những màn nước mắt đi kèm với những màn nhảy múa rất vui nhộn, đó cũng là cách dẫn dắt cảm xúc của người xem trải qua những cung bậc khác nhau.

Bài 2: Liệu phim truyền hình Ấn Độ có khiến phim Việt bị “thất sủng”?

Hà Tùng Long

Video liên quan

Chủ đề