Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam

Như một trang sách dài vô tận, Quảng Bình – mảnh đất miền Trung bền bỉ gánh hai đầu đất nước – đã ghi dấu biết bao thăng trầm lịch sử của dân tộc. Đồng thời, vùng đất này lại hội tụ hàng ngàn nét văn hóa đặc sắc khi là nơi trú ngụ của nhiều dân tộc anh em sống hòa mình với đại ngàn Trường Sơn, là quê nhà của bao thế hệ dân chài lưới thấm đượm mặn mòi biển cả và cũng chứng kiến sự phát triển của những làng quê thơm hương lúa đồng bằng Bình Trị Thiên. Tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa ấy đã hợp thành một hệ thống di tích, di sản quý báu và độc đáo, vượt qua thời gian mà trường tồn đến ngày nay. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa, di tích lịch sử ở Quảng Bình là hết sức quan trọng.

Quảng Bình có hệ thống di tích, di sản phong phú

Là một phần của đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, Quảng Bình cũng tự hào với hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đồ sộ. Mỗi năm, nhiều nhà nghiên cứu và những người dân vẫn luôn nỗ lực góp sức để làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, lịch sử của quê nhà.

Những di tích lịch sử Quảng Bình đầy ý nghĩa

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Di tích lịch sử hang Tám Cô trong không khí trang nghiêm và xúc động

Một phần linh hồn của mảnh đất xứ Quảng là các di tích lịch sử, nơi lưu giữ những mốc son chói lọi, những chiến tích, những sự hy sinh và những thành tựu từ bao đời của ông cha. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể kể đến những di tích như Quảng Bình Quan, Bến đò và tượng đài mẹ Suốt, trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh, chiến khu Thuận Đức, đình Hòa Ninh, đình Phù Trịch, điện Thành hoàng Vĩnh Lộc, di tích Mai Lượng, vụ thảm sát B52, làng chiến đấu Cự Nẫm, hang Tám Cô, chiến khu Trung Thuần, Hang Lèn Hà, bến phà Long Đại, chùa An Xá, lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh,…

Tự hào với những di sản văn hóa đặc sắc

Là kết tinh mồ hôi, công sức, trí tuệ và sự sáng tạo của nhân dân bao đời, những di sản văn hóa ở Quảng Bình luôn khiến nhiều thế hệ con dân xứ Quảng cũng như các du khách đến đây cảm thấy yêu mến và ấn tượng. Những di sản văn hóa ấy rất đa dạng, độc đáo, có những lễ hội như Lễ hội rằm tháng 3 tại huyện Minh Hóa, Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của người dân Lệ Thủy dịp Quốc Khánh, Lễ hội cầu ngư ở Hải Ninh, Cảnh Dương, Lý Hòa, Lễ hội tưởng niệm thành hoàng và các bậc khai canh thôn Thượng Phong hay những điệu hát dân gian như hát Ca trù ở làng Đông Dương,… Thêm vào đó là Bát danh hương Quảng Bình, tám làng văn vật nổi tiếng với lịch sử lâu đời và bảo tồn vô vàn những truyền thống trân quý của dân tộc từ hàng trăm năm.

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Buổi biểu diễn của các nghệ nhân ca trù làng Đông Dương

>> Tìm hiểu thêm các Di tích lịch sử, di sản văn hóa nổi tiếng tại Quảng Bình

Các công tác trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử

Trùng tu những di tích lịch sử lâu đời 

Quảng Bình được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều địa điểm du lịch lịch sử nổi tiếng, các di tích lịch sử ở Quảng Bình chính vì vậy cũng được chú trọng tu bổ và bảo tồn. Không để những giá trị lịch sử quý báu phai mờ, mai một theo thời gian, Đảng bộ, chính quyền thuộc tỉnh Quảng Bình đã có nhiều hoạt động tích cực để gìn giữ và tôn tạo những di tích. Tiêu biểu là công tác tôn tạo bia di tích lịch sử “Chi bộ Phố” trị giá hơn 600 triệu đồng của nhân dân, chính quyền và Đảng bộ Thành phố Đồng Hới vào năm 2020. Nhờ vậy, bao thế hệ sẽ ghi nhớ giá trị lịch sử đặc biệt của “địa chỉ đỏ” lưu dấu sự kiện trọng đại thành lập Chi bộ Đảng Đông Dương đầu tiên cũng như thêm hiểu rõ về một giai đoạn lịch sử hào hùng của ông cha và nuôi dưỡng được lòng tự hào, lòng yêu nước sâu sắc.

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Đoàn đến thăm di tích “Chi bộ Phố”

Gìn giữ và bảo tồn những di sản đã được công nhận

Một di tích cũng được nhiều người quan tâm là Tượng đài Mẹ Suốt cao đến 7m nằm bên bến đò sông Nhật Lệ được xây dựng và khánh thành vào năm 2003. Đến nơi đây, ai cũng nghẹn ngào xúc động khi nghe câu chuyện về một người mẹ đã gần 60 nhưng tinh thần hiên ngang, bất khuất của mẹ thì không gì sánh bằng. Dù chỉ lặng lẽ chèo đò đưa vũ khí, cán bộ, thương binh qua sông và đảm bảo đường dây liên lạc nhưng mẹ đã góp phần làm nên chiến thắng to lớn, vẻ vang. Những hy sinh của mẹ đã đi vào thơ ca, đi vào lòng mỗi lớp người và xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước” năm 1967. Những khách du lịch từ mọi miền sau khi thăm người mẹ anh hùng còn có thể ghé đến tưởng nhớ mẹ ở di tích bến đò mẹ Suốt nằm ở thôn Trung Bính, Bảo Ninh cách đó không xa được người dân giữ gìn và bảo vệ.

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Tượng đài mẹ Suốt cao 7m nằm bên bờ sông Nhật Lệ

Cùng với đó Thành phố Đồng Hới cũng không ngừng tổ chức khoanh vùng, cắm mốc khu vực bảo vệ các di tích lịch sử, có thể kể đến chiến khu Thuận Đức, trận địa pháo binh Quang Phú, Nhà lao Đồng Hới. Đặc biệt, đề án phân cấp quản lý di tích danh thắng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình phê duyệt cuối năm 2020 càng góp phần đẩy mạnh công tác quản lý các di tích một các hiệu quả, chặt chẽ và đúng hướng. Đồng thời, với đề án này, các nguồn lực xã hội, những người dân cũng được huy động và khuyến khích chung tay bảo tổn, quản lý và phát huy giá trị của các di tích. Ngoài ra, “Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” đã cho thấy tỉnh Quảng Bình rất chủ động trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích khi tổng số vốn đầu tư dành cho các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích là 123,5 triệu USD. 

Không ngừng tôn vinh những di tích của quê hương

Cùng với nhiều dự án, kế hoạch trùng tu các di tích lịch sử, các cấp chính quyền ở tỉnh Quảng Bình cùng với Bảo tàng Tổng hợp cũng tích cực rà soát, kiểm kê và lập hồ sơ di tích để các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng công nhận giá trị của các di tích, di sản. Nhờ những nỗ lực không ngừng để tôn vinh các di tích của quê hương đó mà đến năm 2020, trên toàn tỉnh Quảng Bình đã có đến khoảng 200 di tích và chỉ tính từ năm 2015 thì đã có 25 di tích được xếp hạng với 3 di tích đặc biệt cấp Quốc gia, 2 di tích Quốc gia và 20 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Điển hình như Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2019 . 

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

>> Tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, Lệ Thủy, Quảng Bình mừng tết Độc Lập

Những hành động để phát huy những giá trị tích cực và truyền lại đến ngàn sau

Cùng với nhiều nơi khác trên khắp Việt Nam, Quảng Bình cũng nhận thấy có tính cấp thiết của vấn đề không chỉ bảo tồn và giữ gìn các di tích lịch sử, di sản văn hóa mà còn cần phát huy được giá trị của những điểm di tích, di sản đó trong cuộc sống hiện tại để mai sau dù qua bao đổi thay thì giá trị truyền thống của dân tộc vẫn không bị quên lãng.

Gắn công tác bảo tồn với hệ thống giáo dục

Để có thể truyền lại các nét truyền thống văn hóa, các giá trị lịch sử hào hùng cho lớp trẻ thì không gì hiệu quả việc gắn công tác bảo tồn với việc giáo dục thế hệ trẻ Quảng Bình về những di sản của cha ông để lại. Giáo dục không chỉ gói gọn trong những tiết giảng lịch sử, những bài học trên sách vở mà các trường học, các đoàn thanh niên ở các khu vực trên khắp tỉnh Quảng Bình đã có những sáng tạo đổi mới. Đáng kể đến là những hoạt động thực tế đa dạng được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên đón nhận như gặp gỡ, giao lưu và lắng nghe chia sẻ của chứng nhân lịch sử, dâng hương khu Lăng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng thăm các di tích lịch sử.

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Đoàn đến thăm và dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngoài ra, các cuộc thi bổ ích, thiết thực cũng được tổ chức rộng rãi như “Tìm hiểu lịch sử 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình”, “Tìm hiểu về di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”, Tìm hiểu truyền thống 50 năm đánh thắng trận đầu”. Đặc biệt, một số Trường Trung học Cơ sở như Trường THCS Lộc Ninh Đồng Sơn ở thành phố Đồng Hới, Trường THCS Hiền Ninh ở huyện Quảng Ninh, cùng với những trường THCS khác ở huyện Lệ Thủy đưa dân ca Bình Trị Thiên, Hò khoan Lệ Thủy vào học đường như một môn học ngoại khóa đặc biệt, giúp gìn giữ bản sắc tuyệt đẹp này. Thông qua những hoạt động ngoại khóa khuyến khích học hỏi những giá trị về lịch sử, văn hóa, thế hệ trẻ sẽ nuôi dưỡng được lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự giác trong việc bảo tồn, giữ gìn cũng như tự ý thức về trách nhiệm của bản thân với xã hội, cộng đồng.

Gắn công tác bảo tồn với du lịch

Để có thêm nhiều người biết và hiểu về các giá trị di tích lịch sử, đồng thời góp phần phát triển kinh tế của tỉnh nhà thì Thành phố Đồng Hới đã khẩn trương huy động nguồn ngân sách của chính phủ và các đơn vị nhà nước cũng như kêu gọi tinh thần đoàn kết góp từ các tổ chức, cá nhân. Hơn 12 tỷ đồng đã được đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, công trình văn hóa trong suốt thập kỷ vừa qua.

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Di tích lịch sử Quảng Bình Quan nổi tiếng – biểu tượng ghi dấu một thời oai hùng của tỉnh Quảng Bình

Những nỗ lực to lớn ấy đã giúp các di tích tránh được tình trạng xuống cấp cũng như duy trì được hiện trạng ban đầu và đảm bảo được mức độ an toàn cần thiết cho công trình. Nhờ vậy, nhân dân có thể thoải mái, an tâm sinh hoạt văn hóa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cùng với việc công nhận Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử như khu Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình Quan, … cũng được đánh giá là những điểm du lịch tiềm năng. Chính những di tích sau khi được phục hồi, tôn tạo đã trở thành những điểm đến nổi tiếng thu hút lượng lớn khách du lịch mỗi năm đến tưởng niệm, dâng hương và tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế và xã hội của toàn tỉnh được phát triển mạnh trong những năm gần đây.

>> Khám phá di tích lịch sử Quảng Bình Quan

Tăng cường quảng bá

Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa không chỉ dừng lại ở công việc sửa chữa, tu bổ mà còn hướng đến tuyên truyền, quảng bá rộng khắp toàn quốc và toàn thế giới. Tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với nhiều đơn vị để đề ra rất nhiều dự án, chương trình nhằm giới thiệu các di sản văn hóa, các di tích lâu đời. Điển hình là các chương trình truyền hình như “Khám phá Việt Nam” của đài truyền hình VTV, “Quảng Bình điểm đến” của QBTV; các ấn phẩm truyền thông như tập ảnh “Đồng Hới – Tiềm năng hội nhập và phát triển”; bộ sách gồm 3 cuốn “Quảng Bình ẩn tích thời gian”,…

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Bộ sách gồm 3 cuốn “Quảng Bình ẩn tích thời gian”

Nghiên cứu kỹ lưỡng và không ngừng phát triển

Một di tích, di sản muốn được công nhận và cấp phép trùng tu, bảo tồn không hề đơn giản mà cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, lập hồ sơ lịch sử bài bản. Chính vì vậy, công tác duy trì và tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương rất cần đến việc nghiên cứu khoa học. Một công trình tiêu biểu được Sở Văn hóa và THông tin tỉnh Quảng Bình triển khai là nghiên cứu đề tài khoa học “Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển tỉnh Quảng Bình” làm nhằm phục vụ cho công tác quản lý, phục hồi, tổ chức hoạt động lễ hội cầu ngư trên khắp các địa phương trong tỉnh. 

Vùng đất Quảng Bình đang gìn giữ những truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam
Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Ý nghĩa của việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị di tích lịch sử, văn hóa là vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy gian nan bởi mỗi một di tích lịch sử, mỗi một lễ hội truyền thống, mỗi một công trình văn hóa đều cần những điều kiện duy trì khác nhau. Quảng Bình nói riêng và các tỉnh thành khác ở Việt Nam nói chung đều đối mặt với bài toán trong việc phân bổ hợp lý nguồn lực giữa công tác bảo tồn lịch sử, văn hóa và công cuộc phát triển kinh tế, giữa hội nhập thế giới hiện đại với gìn giữ những nét truyền thống. Và với sự đồng lòng của toàn thể các cấp và nhân dân thì gần 200 di tích, di sản của dải đất hẹp nhất miền Trung sẽ luôn trường tồn với thời gian. 

⏩⏩⏩    BÀI VIẾT LIÊN QUAN    ⏪⏪⏪