Xử lý tình huống kỹ năng sống

1. Kỹ năng xử lý tình huống áp dụng khi nào? 

Bất cứ đâu có sự hiện diện của con người đều sẽ xuất hiện sự trao đổi, hợp tác, giao tiếp qua lại. Trong quá trình đó, những tình huống bất ngờ, những sự cố phát sinh không mong muốn sẽ xảy ra. Và khi đó, kỹ năng xử lý tình huống sẽ được tận dụng triệt để để giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa nhất.

Như vậy có thể nói, cơ hội áp dụng kỹ năng xử lý tình huống hiện diện hằng ngày, hằng giờ. Vì không hề được hẹn thời gian trước, không được thông báo trước nên việc trang bị thường xuyên, trau dồi liên tục, sẵn sàng “xuất chiêu” ngay khi cần là rất cần thiết.

Xử lý tình huống kỹ năng sống

>>>> Xem thêm: Top 10 kỹ năng cứng và mềm được nhà tuyển dụng chú trọng nhất

2. Những nguy hại khi thiếu kỹ năng xử lý tình huống 

Dù chúng ta ai cũng mong cuộc đời sóng yên biển lặng, cầu được ước thấy, nhưng thực tế không bao giờ êm ả như vậy. Nếu không muốn rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, không ai ép bạn, nhưng sự cố, vấn đề, khó khăn vẫn sẽ xuất hiện, khi đó sẽ rất nguy hại cho cuộc sống và công việc:

2.1. Bị động, không biết cách phân tích xử lý 

Thiếu kỹ năng xử lý tình huống, đồng nghĩa bạn sẽ không thể phân tích nhanh vấn đề ngay khi đối mặt. Lúc này trong đầu bạn có thể chỉ là những câu hỏi “Tại sao lại như vậy, tại sao lại xảy ra với mình…” hay chỉ là những lời than thân trách phận, hoàn toàn không thể nghĩ ra một hướng tích cực nào để giải quyết vấn đề.

Không phải vì bạn không muốn mà vì thường ngày, những dữ liệu bạn thu thập, những trải nghiệm xử lý tình huống quá ít, khiến sợi dây liên kết thông tin trong não bộ bị rời rạc nên mới dẫn đến tình trạng này.

2.2. Tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh khác 

Sự cố phát sinh thường xuất hiện trong lúc những nhiệm vụ thường nhật đang được diễn ra. Kỹ năng xử lý tình huống giúp bạn giải quyết nhanh sự cố đó để tiếp tục quay trở lại với công việc bình thường. Nhưng nếu thiếu kỹ năng này, bạn cứ mãi loay hoay, lo lắng cho sự cố, dẫn đến sự trì trệ những nhiệm vụ khác. Kết quả hiệu suất làm việc sẽ đi về đâu chắc không cần quân sư TalentBold mô tả nữa.

2.3. Không ngăn cản được tổn thất 

Tình huống không mong đợi thường đi kèm thiệt hại, tổn thất không mong đợi. Chỉ cần kéo dài thời gian xử lý tình huống đã đủ gây ra thiệt hại rồi, chưa nói đến việc xử lý sai cách còn có thể khiến mọi thứ tệ hơn. Kỹ năng xử lý không hẳn sẽ xóa tan mọi tổn thất xảy ra nhưng chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại, hoặc mang đến cơ hội để bù đắp hoàn toàn thiệt hại.

2.4. Bị đánh giá kém năng lực  

Những việc làm hấp dẫn

Chuyên môn bạn giỏi cỡ nào mà sự linh hoạt khi áp dụng chuyên môn không hiệu quả thì kết quả đánh giá năng lực làm việc cũng không thể nào tốt được. Đây cũng là lý do mà nhà tuyển dụng rất chú trọng khai thác kỹ năng mềm nơi ứng viên.

Xử lý tình huống kỹ năng sống

>>>> Bạn xem thêm: Ví dụ về kỹ năng giải quyết vấn đề

3. Bật mí cách rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống khéo léo 

Lý thuyết tốt chỉ là nền tảng, thực hành tốt mới thật sự thấm nhuần và trở thành tố chất nhạy bén. Lần đầu có thể chưa tốt nhưng lần hai, lần ba chắc chắn sẽ ngày càng hoàn hảo. Dưới đây là những bật mí rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống khéo léo mà quân sư TalentBold muốn gửi đến bạn:

3.1. Đừng ngại va chạm 

Sợ va chạm, sợ tranh luận, thế là bạn quyết định bó hẹp bản thân lại, tránh né những nguy cơ xảy ra tình huống cần xử lý. Đừng như vậy! Càng trưởng thành, càng có nhiều việc ta buộc phải đối mặt chứ không có cơ hội lựa chọn thích hay không thích đối mặt nữa. Vì vậy, bạn càng né tránh nhiều, thời gian sẽ càng kéo dài, đến lúc buộc phải đối mặt, bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối “phải chi mình chịu rèn luyện sớm hơn thì bây giờ đã biết nên xử lý thế nào”. Hãy tự tin mở rộng thế giới xung quanh mình ra, hãy đối mặt mọi hỉ nộ ái ố, từng bước từng bước chiêm nghiệm và đúc kết bài học xử lý phù hợp cho chính mình.

3.2. Tích lũy kinh nghiệm từ người khác 

Không nhất thiết phải trực tiếp vấp ngã mới rút ra được bài học cho chính mình. Mặc dù sự vật sự việc quanh ta muôn màu muôn vẻ nhưng cũng sẽ có nhiều nét tương đồng. Vì vậy, học từ vấp ngã của người xung quanh, ghi nhớ bài học xử lý hay từ họ cũng chính là cách giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sự lăn xả, nhưng vẫn phát triển đều đều năng lực xử lý tình huống.

“Người xung quanh” có thể là đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm… nhưng cũng có thể là những nhân vật trong phim ảnh, trên mạng xã hội… Tất cả đều góp phần không nhỏ vào giáo trình rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống do bạn tự thiết kế.

3.3. Bổ sung kiến thức đa dạng 

Kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kiến thức mạng internet …. hãy cập nhật nhiều và đa dạng nhất có thể. Khi cần “xuất chiêu” gì bạn sẽ đều có sẵn “bí kíp” cả, đừng chỉ tập trung vào một khía cạnh công việc, như vậy, tài nguyên giúp bạn xử lý tình huống sẽ bị hạn chế.

Quân sư TalentBold từng chứng kiến một chị đồng nghiệp trong bộ phận hành chính bị hủy đơn đặt xe du lịch cho đội ngũ Sales đi khảo sát thị trường. Phía nhà xe đồng ý đền hợp đồng vì lỗi do họ, dù vậy thì vẫn phải có xe cho đoàn khảo sát theo kế hoạch. Bạn biết không, chị ấy trong tích tắc nhớ ra trên facebook, thông qua một người bạn, chị có biết một anh, nhà có 02 xe du lịch 45 chỗ. Gọi cầu may, ai ngờ nhà anh ấy còn có một chiếc 28 chỗ, vừa chở khách từ Đà Lạt về. Vậy là giải quyết xong êm ru.

3.4. Học cách nhờ vả khi cần 

Ngại ngùng, sợ phiền người khác, sợ người ta chê mình dở… Lúc “dầu sôi lửa bỏng” rồi thì hãy tạm gác những tâm trạng này lại mà mở lời nhờ sự giúp đỡ từ những người giàu kinh nghiệm hơn. Nếu bạn không nhờ, tự mình xử lý, tốt thì không nói, không tốt là coi như bạn lãnh đủ. Lúc đó thì mới thật sự đáng để sợ, để lo. Còn nhờ vả giúp đỡ, vừa giải quyết tốt được công việc, không gây tổn thất, không ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp, thì tương lai còn rất nhiều cơ hội để bạn chứng minh năng lực của bản thân. Giống như câu “muốn sống đúng nghĩa thì trước tiên phải tồn tại cái đã”

  • Nếu bạn ngại đồng nghiệp thì hãy mở lời với người quản lý, với Sếp.

  • Nếu ngại phụ huynh thì có thể nhờ anh, chị mở lời giúp hoặc ngược lại.

  • Nếu ngại người bạn nào đó thì trung gian qua đứa bạn thân để mở lời

Xử lý tình huống kỹ năng sống

>>>> Có thể bạn quan tâm: Kỹ năng giải quyết vấn đề trong công việc

3.5. Lưu trữ bài học kinh nghiệm xử lý tình huống 

Nhiều doanh nghiệp có hẳn nhật ký phòng ban hoặc hệ thống nội bộ riêng. Trong đó, ngoài những số liệu công việc thì những dữ liệu xử lý sự cố cũng được lưu trữ lại. Thế hệ nhân viên sau gặp phải trường hợp tương tự có thể dựa theo để giải quyết.

Nếu doanh nghiệp của bạn có sẵn rồi thì quá tốt, còn nếu chưa có, bạn có thể đề xuất, doanh nghiệp triển khai thì mọi người cùng thu thập, cùng góp vào kho dữ liệu những bài học kinh nghiệm xử lý, còn nếu doanh nghiệp không để tâm thì tự bạn vẫn có thể thiết lập cẩm nang cho riêng mình. Từ đâu ư?

  • Từ những câu chuyện sai sót trong công việc của đồng nghiệp

  • Từ những sự cố bạn đã gặp và xử lý hiệu quả

  • Từ những yêu cầu hay cách xử lý đặc thù theo đúng yêu cầu của khách hàng do bạn quản lý…

Nếu ít, bạn nhớ cũng được, nhưng lượng công việc sẽ ngày càng nhiều, lưu trữ lại trên file Word hay Excel sẽ dễ truy xuất hơn, mà cũng chuẩn xác hơn.

Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, có điều kiện kinh tế, công việc, các mối quan hệ… khác nhau nên những tình huống chúng ta gặp phải cũng không hoàn toàn giống nhau. Do vậy, cách rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống khéo léo mà quân sư TalentBold đề cập đến, bên cạnh việc ghi nhận bài học xử lý hay từ thế giới xung quanh thì chính bản thân chúng ta cần chủ động lăn xả, chủ động đón nhận những tình huống tréo ngoe để qua đó khích lệ não bộ vận động tìm hướng giải quyết. Chúc bạn luôn thành công trong mọi quyết tâm rèn luyện!

Xử lý tình huống kỹ năng sống

-----------------------------------
Chi tiết liên hệ:

Talentbold - We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail:
Add: Tầng 12A3, Tòa nhà MD Complex, 28 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Nguồn ảnh: internet 


Xử lý tình huống kỹ năng sống

Talentbold

TalentBold là nền tảng hợp nhất trong Quảng bá, Thu hút và Quản lý Tuyển dụng nhân tài giúp Doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ phần mềm Quản lý tuyển dụng