Bài học kinh nghiệm của Đảng sau chiến thắng đbp năm 1954

* Nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ    Trước tiên phải kể đến sự lãnh đạo tài tình tình của Đảng và đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh của nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị cũng như trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, ngoại giao.      Trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta trên khắp mọi miền đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận.      Bên cạnh đó, quân đội ta đã có sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, cũng như trình độ tác chiến. Cùng với đó là các trang thiết bị quân sự và hậu cần được chuẩn bị tốt để bảo đảm cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có. Ngoài ra, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn có sự chi viện và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Đặc biệt là của các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.


     * Những ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ      Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi đã kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Chiến thắng này đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại.       – Đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam:       + Cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.       + Buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.       + Chiến thắng này đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời đã mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.       + Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.        – Đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới:       + Chiến thắng này đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.       + Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

      + Chiến thắng đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh giành độc lập, nhất là các nước châu Phi, châu Mỹ la-tinh. Đồng thời đã chứng minh một chân lý thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi.


 

QĐND - Cuộc Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức ngày 20-3. Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội thảo.

Cùng dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2; đồng chí Lò Mai Trinh, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Tham dự hội thảo còn có gần 300 đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí tướng lĩnh, nhà khoa học và nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Trước khi bước vào hội thảo, các đại biểu đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khẳng định đường lối lãnh đạo sáng tạo của Đảng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đã nêu bật mục đích, ý nghĩa và khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây tròn 60 năm đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Với tầm vóc lịch sử to lớn, việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định đường lối lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Tổng Quân ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung trao đổi với các đại biểu tại hội thảo.

Khái quát hệ thống, toàn diện về chiến thắng vĩ đại của dân tộc, Trung tướng Mai Quang Phấn trong báo cáo đề dẫn đã gợi mở thảo luận: “Với cách tiếp cận mới và độ lùi của thời gian, cuộc hội thảo tập trung phân tích nguồn gốc, cơ sở, những yếu tố chi phối và tác động đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ; về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, về huy động sức mạnh tổng hợp và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa lực lượng vũ trang ba thứ quân, giữa các chiến trường trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần khẳng định và làm rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…”.

Hơn 60 tham luận gửi đến hội thảo đi sâu phân tích, làm nổi bật vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chiến tranh tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch. Trước tình hình địch ráo riết triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn phương hướng chiến lược, nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, xác định phương châm tác chiến là: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt". Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng phân tích: Với những biến chuyển mới của tình hình chiến sự, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đây là chủ trương kiên quyết, táo bạo, kịp thời và đầy sáng tạo, là quyết tâm to lớn của Đảng. Tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - hình thức phòng ngự cao nhất của địch, ta sẽ phá được khâu quan trọng nhất trong kế hoạch tác chiến chiến lược của Na-va, đập tan ý đồ tạo chiến thắng quân sự quan trọng, mở đường cho giải pháp chính trị, đưa nước Pháp ra khỏi chiến tranh.

Trong khi tập trung vào mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường đồng loạt đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ với 5 đòn tiến công chiến lược ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc chúng phải phân tán binh lực, bị động đối phó. Tham luận của Trung tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2; Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 đã phân tích, chứng minh làm rõ sự đóng góp to lớn của quân và dân cả nước góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sức mạnh đoàn kết dân tộc và thời đại

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện rõ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc “cả nước đồng lòng, toàn dân chung sức”, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Với lực lượng gần 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) cùng với quãng đường từ 300 đến 500km, việc tiếp tế vô cùng khó khăn. Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, trong chiến dịch, nhân dân các địa phương đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. Đồng bào Tây Bắc nhiều nơi đã giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo ban đêm nuôi bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đồng chí Lò Mai Trinh đã khái quát: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu trước đây, nay là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ, của cải, vì mục tiêu chiến thắng, giải phóng đất nước, quê hương khỏi ách xâm lược; góp phần trực tiếp cùng quân, dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đoàn chủ tịch điều hành cuộc hội thảo.

Các đồng chí: Đại tá Đoàn Sự; Đại tá PGS, TS Hồ Khang; Đại tá, TS Trần Văn Thức... đã phân tích sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tăng cường đoàn kết quốc tế, sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt liên minh đoàn kết chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào, Cam-pu-chia, đã tạo nên sức mạnh to lớn trong chiến dịch.

Vận dụng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh của Quân đội ta được nhân lên gấp bội với tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, sự mưu lược của người chỉ huy chiến dịch và sự phát triển của nghệ thuật quân sự. Các tham luận đã khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.

Các tham luận gửi về hội thảo của Trung tướng, TS Phương Minh Hòa; Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn; Đại tá Mai Văn Quang, Đại tá Nguyễn Trường Giang, Đại tá Nguyễn Bá Thông… đi sâu làm rõ về sự độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam được sử dụng trong chiến dịch. Để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ủy mặt trận và cá nhân Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược tuyệt vời đã giải quyết thành công những vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến thắng lợi của chiến dịch. Đặc biệt là “quyết định khó khăn nhất” của Đại tướng, khi chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Đại tá Nguyễn Bội Giong đã nêu lên những nét nổi bật trong tư duy chỉ đạo năng động, tài ba mưu lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là trình độ nghiên cứu và phân tích sâu về địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, đối chiếu với những chỗ mạnh, yếu thực chất của các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lấy đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể, khoa học kế hoạch tấn công tiêu diệt quân địch; chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống, kể cả những tình huống khó khăn cho ta, không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ… Các cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Việt nêu những hồi ức về sự chỉ đạo của Đại tướng trong công tác thu thập thông tin tình báo phục vụ chiến dịch; Đại tá Đàm Tái Hưng nói về việc sử dụng pháo binh trong tác chiến…

Tại hội thảo, cựu chiến binh, nhà báo Phạm Phú Bằng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ đã kể lại một trong những sự kiện độc đáo trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam là tổ chức tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân và xuất bản báo ngay tại mặt trận phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhà báo Phạm Phú Bằng nhấn mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên, liên tục của Tổng quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đối với hoạt động của Báo Quân đội nhân dân tại chiến trường, bảo đảm tờ báo thực sự phát huy vai trò là một vũ khí đặc biệt trong chiến dịch, thông tin nhanh nhạy tình hình chiến sự, phân tích, định hướng, chỉ đạo hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội, dân công trên toàn mặt trận. Chỉ với 5 cán bộ, phóng viên, họa sĩ nhưng tòa soạn tiền phương đã tổ chức xuất bản, in và phát hành 33 số báo ngay tại mặt trận. Ngay trong hoàn cảnh chiến đấu cực kỳ ác liệt, báo đã tổ chức tốt đội ngũ cộng tác viên tham gia đưa tin, viết bài, cung cấp thông tin từ cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng làm nên thành công đặc sắc của Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận.

Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đúc kết: 60 năm qua, những bài học từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Những bài học đó đã được nghiên cứu, tổng kết, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bài học rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ là những bài học rất bổ ích không chỉ cho thời chiến mà cả cho thời bình, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác.

Bằng công sức và trí tuệ, chúng ta đã dày công nghiên cứu, phân tích, rút ra những bài học lịch sử rất sâu sắc về đường lối kháng chiến, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, về khoa học nghệ thuật quân sự, các mặt công tác chính trị - tư tưởng, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các binh chủng... Những bài học lý luận sâu sắc rút ra từ thực tiễn chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên giá trị đã và đang được kế thừa, phát triển trong điều kiện mới.

Bế mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung khẳng định ý nghĩa, bài học lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ và chỉ đạo: Các tham luận khoa học về Chiến thắng Điện Biên Phủ cần được hoàn chỉnh, xuất bản làm tài liệu để các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân. Những bài học rút ra từ Chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, phát triển vào thực tiễn huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Bài, ảnh: XUÂN DÂN
Tin, bài liên quan:
Chiến thắng Điện Biên Phủ - dấu mốc vàng trong trang sử dân tộc

Video liên quan

Chủ đề