Cách tính thời gian phục vụ trong quân đội

Chồng của bà Đinh Thị Kim Nan (Hà Nội) sinh ngày 27/7/1961, nhập ngũ tháng 12/1980 tại mặt trận 379 Lào, ra quân tháng 4/1984. Sau khi xuất ngũ, chồng bà Nan xin vào làm bảo vệ tại Công ty Thuỷ điện sông Đà. Năm 1990, chồng bà viết đơn xin nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình.

Năm 2008, chồng bà Nan xin vào lái xe tại Công ty Viglacera cho đến nay. Công ty có đóng bảo hiểm cho chồng bà.

Bà Nan hỏi, theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp công tác của chồng bà có được cộng nối thời gian đi bộ đội tại Lào để hưởng chế độ không?

Về vấn đề này, Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (trong đó có Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ) thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết chế độ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần mà không hưởng chế độ trợ cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg) thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng BHXH.

Căn cứ quy định trên, đối chiếu nội dung hỏi của bà Đinh Thị Kim Nan, nếu chồng bà Nan không hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg và không hưởng trợ cấp xuất ngũ khi về phục viên thì thuộc đối tượng được xem xét, công nối thời gian công tác trong quân đội trước đó với thời gian có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Chinhphu.vn


THÔNG TƯ

Quy định về việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam

______________

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1990, 1994 và năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 54/CP ngày 07 tháng 8 năm 1995 của Chính phủ ban hành Điều lệ phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Nghị định số 17/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1.   Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về điều kiện, thủ tục hồ sơ, chế độ chính sách; quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

2.   Đối tượng áp dụng

Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Quy định về xuất ngũ

1.   Xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ là thực hiện chuyển ra khỏi biên chế lực lượng thường trực của Quân đội sang phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

2.   Xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ gồm:

a)   Xuất ngũ đúng thời hạn;

b)  Xuất ngũ sau thời hạn;

c)   Xuất ngũ trước thời hạn.

3.   Khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được hưởng quyền lợi theo chế độ, chính sách của Nhà nước.

4.   Thời điểm bắt đầu thời hạn phục vụ tại ngũ và thời điểm kết thúc thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như sau:

a)   Thời điểm bắt đầu thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày cấp có thẩm quyền quy định và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;

b)  Thời điểm kết thúc thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định xuất ngũ.

Điều 3. Điều kiện xuất ngũ

Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời hạn phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đủ các điều kiện quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì được xuất ngũ.

1.   Xuất ngũ đúng thời hạn:

a)   Thời gian phục vụ tại ngũ đủ 18 tháng gồm:

-  Hạ sĩ quan, binh sĩ không thuộc diện phục vụ tại ngũ 24 tháng;

-  Hạ sĩ quan, binh sĩ đã có chuyên môn kỹ thuật trước khi nhập ngũ được sử dụng đúng ngành nghề.

b)  Thời gian phục vụ tại ngũ đủ 24 tháng gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ được huấn luyện tại đơn vị, đào tạo trong các trường quân đội thuộc danh mục các chuyên nghiệp quân sự theo quy định tại Quyết định số 146/2006/QĐ-BQP ngày 28 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Ban hành danh mục hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo trong thời bình có thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng.

2.   Xuất ngũ sau thời hạn: Hạ sĩ quan, binh sĩ đủ thời gian phục vụ tại ngũ theo Khoản 1, Điều này, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định giữ lại phục vụ tại ngũ thêm một thời gian theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

3.   Xuất ngũ trước thời hạn khi có một trong các điều kiện sau đây:

a)   Không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ phục vụ tại ngũ được quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế-Bộ Quốc phòng, đã được Hội đồng giám định sức khoẻ cấp sư đoàn và tương đương hoặc Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền giám định, kết luận;

b)  Hoàn cảnh gia đình khó khăn theo quy định tại Điều 29 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2005, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là ủy ban nhân dân cấp xã) và Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban chỉ huy quân sự cấp huyện) xác nhận;

c)   Không đủ tiêu chuẩn chính trị, đạo đức theo quy định tại Thông tư liên tịch số 76/2006/TTLT BQP-BCA ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Bộ Quốc phòng-Bộ Công an hướng dẫn tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội;

d)  Trường hợp đặc biệt khác thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

e)   Hạ sĩ quan, binh sĩ có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữ lại phục vụ thêm một thời gian theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự tại Khoản 2, Điều này, nhưng trong thời gian đó lại phát sinh điều kiện xuất ngũ trước thời hạn theo quy định của Điểm a, b và c, Khoản 3, Điều này, thì vẫn được xuất ngũ theo quy định tại Khoản 3, Điều này.

Điều 4. Hồ sơ quân nhân xuất ngũ

1.   Xuất ngũ đúng thời hạn và sau thời hạn

a)   Quyết định xuất ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được lập thành 05 bản và được bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự cấp huyện: 01 bản; cơ quan Tài chính đơn vị: 01 bản; lưu tại đơn vị giải quyết xuất ngũ: 01 bản; hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ: 02 bản (cá nhân giữ 01 bản và nộp cho cơ sở dạy nghề nơi quân nhân xuất ngũ học nghề 01 bản);

b)  Hồ sơ quân nhân xuất ngũ, gồm:

-  Lý lịch nghĩa vụ quân sự;

-  Phiếu sức khoẻ nghĩa vụ quân sự;

-  Phiếu quân nhân;

-  Quyết định xuất ngũ;

-  Các giấy tờ khác (nếu có).

2.   Xuất ngũ trước thời hạn

a)   Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ dưới 01 tháng, đơn vị không ra quyết định xuất ngũ, chỉ làm văn bản nêu rõ lý do không đủ điều kiện phục vụ tại ngũ, kèm theo hồ sơ nhập ngũ bàn giao trả về địa phương quản lý;

b)  Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ từ 01 tháng trở lên do không đủ điều kiện phục vụ tại ngũ thủ tục hồ sơ gồm:

-  Quyết định xuất ngũ (quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều này) ghi rõ lý do được xuất ngũ trước thời hạn;

-  Hồ sơ quân nhân (quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều này) kèm theo biên bản giám định sức khoẻ hoặc biên bản giám định y khoa nếu xuất ngũ trước thời hạn vì lý do không đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ (quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Thông tư này); giấy xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nếu xuất ngũ trước thời hạn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn (quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 3 Thông tư này) hoặc bản thẩm tra lý lịch

kết luận không đủ tiêu chuẩn chính trị, đạo đức theo quy định tại Thông tư liên tịch số 76/2006/TTLT BQP-BCA ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Bộ Quốc phòng-Bộ Công an (quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 3 Thông tư này).

Điều 5. Chế độ, chính sách được hưởng khi xuất ngũ

1.   Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được hưởng 100% phụ cấp quân hàm của tháng ký quyết định xuất ngũ; tiền ăn được hưởng đến ngày xuất ngũ; được đơn vị tổ chức tiễn và đưa về địa phương hoặc cấp tiền tàu xe (loại thông thường) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

2.   Chế độ, chính sách, quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng theo quy định tại Thông tư số 213/2006/TT-BQP ngày 23 tháng 12 năm 2006 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 122/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và Thông tư số 75/2009/TT-BQP ngày 18 tháng 9 năm 2009 của Bộ Quốc phòng về sửa đổi, điều chỉnh một số chế độ phụ cấp, trợ cấp và định mức chi tiêu trong Quân đội.

3.   Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 6. Quyền hạn, trách nhiệm

1.   Quyền hạn:

a)   Tổng Tham mưu trưởng quy định thời gian xuất ngũ và số lượng hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ hằng năm;

b)  Chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên được quyền ký quyết định xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền;

c)   Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn do chỉ huy cấp sư đoàn và tương đương trở lên quyết định;

d)  Trong thời hạn 12 tháng nếu hạ sĩ quan, binh sĩ đã xuất ngũ về địa phương có nguyên vọng đổi quyết đinh xuất ngũ để thực hiện chuyển ngành, khi được tiếp nhận vào làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cả 5 chế độ, thì việc đổi quyết định xuất ngũ do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đó cư trú quyết định.

2.   Trách nhiệm:

a) Chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm thực hiện giải quyết xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền; thông báo thời gian xuất ngũ trước 01 tháng cho hạ sĩ quan, binh sĩ, ủy ban nhân dân cấp huyện và đơn vị cơ sở nơi hạ sĩ quan, binh sĩ cư trú hoặc làm việc trước khi nhập ngũ; tổ chức tiễn và đưa hạ sĩ quan, binh sĩ về bàn giao cho Uy ban nhân dân cấp huyện nơi giao quân; không được giữ lại hạ sĩ quan, binh sĩ đã phục vụ tại ngũ trên hạn định, khi chưa có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ giúp người chỉ huy đơn vị giải quyết đầy đủ thủ tục, hồ sơ, chế độ, chính sách cho hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi xuất ngũ; lập danh sách hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ gửi cho Ban chỉ huy quân sự cấp huyện để quản lý và đăng ký vào ngạch dự bị;

b)  Ban chỉ huy quân sự cấp huyện tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương theo quy định;

c)   Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm thực hiện đổi quyết định xuất ngũ cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã xuất ngũ về địa phương có nguyên vọng đổi quyết định xuất ngũ để chuyển ngành theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2012; thay thế Quyết định số 2528/2000/QĐ-BQP ngày 02 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng - Bộ Quốc phòng quy định việc thực hiên xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Tổng Tham mưu trưởng và chỉ huy các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này; quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quap, đơn vị phản ảnh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Quân lực) để xem xét, giải quyết.