Cầu Cần Thơ làm hết bao nhiêu tiên?

Sáng nay, 24-4, tại ĐBSCL diễn ra một sự kiện quan trọng: Cầu Cần Thơ chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và cũng là cây cầu lớn cuối cùng nối xuyên suốt hệ thống cầu đường trên tuyến QL 1 - trục giao thông quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay. Vượt qua biến cố, thử thách, đội ngũ hàng ngàn người gồm chuyên gia, kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc đã hoàn thành công trình trong niềm vui tột cùng của người dân miền sông nước Cửu Long.

Cầu Cần Thơ làm hết bao nhiêu tiên?

Cầu Cần Thơ trước giờ khánh thành. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ước vọng trăm năm...

Đầu năm Canh Dần (mồng 6 Tết), về thăm công trường cầu Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, đã khẳng định: “Ước mơ bao đời nối liền 2 bờ sông Hậu của nhân dân đã thành hiện thực. Đây là niềm tự hào của Việt Nam; đồng thời là sự kiện rất có ý nghĩa, nhất là đối với người dân khu vực này”.

Ngày 23-4, chúng tôi có mặt tại đường dẫn vào cầu Cần Thơ phía Vĩnh Long, nhiều băng-rôn, khẩu hiệu rực màu đỏ thắm treo dọc hai bên đường. Tại ấp Phù Ly I, xã Đông Bình (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), bà con dân tộc Khmer vui mừng bàn chuyện chiếc cầu nối liền đôi bờ Vĩnh Long- Cần Thơ.

Ông Sơn Vàng, 77 tuổi, cho biết: “Từ lúc sinh ra cho đến giờ, tôi mới tận mắt chứng kiến cây cầu lớn như vậy!”.

Từ sáng sớm ngày 23-4, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về Cần Thơ, vào đường dẫn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Cần Thơ.

Hai lão nông Nguyễn Văn Sáu (68 tuổi) và Nguyễn Văn Tám (64 tuổi) từ vùng nuôi tôm sú xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau từ 2 giờ sáng đã đi vỏ lãi ra QL1A, đón xe đò lên xem cầu Cần Thơ. Ông Sáu hồ hởi: “Cả đời làm nông dân, anh em tôi mơ ước một ngày đi qua cầu Cần Thơ cho đã thèm. Anh em tôi sẽ ở lại tới sau lễ khánh thành rồi cùng đi bộ một vòng qua cây cầu thế kỷ này mới về quê”.

Cầu Cần Thơ làm hết bao nhiêu tiên?

Những chuyến phà cuối cùng. Ảnh: TRẦN THANH

Trên chuyến phà Hậu Giang ngày cuối cùng chờ thông xe cầu Cần Thơ, mọi người, ai cũng như ai, đều hướng nhìn về cây cầu thế kỷ, rồi cười nói với nhau: “Sắp có cầu rồi, khỏi lụy phà nữa”.

Anh Lê Thành Đức, lái xe tải loại 11 tấn chuyên chở thức ăn cho tôm tuyến Vĩnh Long-Cà Mau, hồ hởi: “Khi hay tin khánh thành cầu Cần Thơ, tôi và những đồng nghiệp mừng không thể tả. Đó là mơ ước từ hơn 15 năm làm nghề lái xe của tôi”.

Nhớ lại những lần kẹt phà, anh thở dài: “Từ khi lái xe cho đến giờ, cảnh kẹt phà làm tôi ấn tượng nhất là vào ngày 28 Tết Canh Dần. Kẹt xe kéo dài 20 km, tôi ở bến phía Vĩnh Long từ 5 giờ sáng mà cho đến 21 giờ đêm vẫn chưa qua được bờ Cần Thơ”.

Cầu Cần Thơ làm hết bao nhiêu tiên?

Cầu Cần Thơ lộng lẫy trong đêm. Ảnh: TRẦN THANH

Đòn bẩy bứt phá

Nhận định về tầm vóc cầu Cần Thơ đối với ĐBSCL, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Sự kiện này đánh dấu thời khắc phát triển mới của cả ĐBSCL”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu kỳ vọng: “Cầu Cần Thơ sẽ tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Vĩnh Long với TP Cần Thơ và các tỉnh Nam sông Hậu. Đặc biệt sức hút đầu tư vào các KCN, nhất là thúc đẩy cho khu công nghiệp Bình Minh (cặp sông Hậu, dưới chân cầu Cần Thơ) phát triển mạnh. Đây là động lực lớn thúc đẩy kinh tế- xã hội Vĩnh Long tăng tốc”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL phấn khởi: “Cầu Cần Thơ xóa đi cách trở ngăn sông bao đời nay. Khi lưu thông thuận lợi thì hàng hóa nông sản của nông dân ĐBSCL nâng cao chuỗi giá trị, có thêm lợi thế cạnh tranh”.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ khẳng định: “Cầu Cần Thơ chính là động lực lớn thúc đẩy ĐBSCL tăng trưởng kinh tế, phát triển mạnh đầu tư, dịch vụ”.

Từ năm 1996-2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL bình quân 8%/năm nhưng năm 2000-2005 (có cầu Mỹ Thuận hoàn thành và đưa vào sử dụng) thì mức tăng trưởng vọt lên 10,5%/năm và lên tới 13%/năm từ giai đoạn 2006 đến nay. Về thời gian, trước đây đi từ Cần Thơ - TPHCM mất 6-7 giờ, nay rút ngắn còn 3-4 giờ, tiết kiệm thời gian 30% - 40% là cực kỳ lớn.

Hiện nay, cầu Mỹ Thuận chỉ góp được chừng 20% – 30% hiệu quả về giao thông cho ĐBSCL. Khi cầu Cần Thơ hoàn thành thì hiệu quả của hai cây cầu này mang lại từ 70% - 80%.

Cầu Cần Thơ làm hết bao nhiêu tiên?

Cầu Cần Thơ (ảnh chụp ngày 23-4-2010). Ảnh: GIẢN THANH SƠN

BÌNH ĐẠI-LÊ CHINH-ĐÌNH TUYỂN

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện hữu khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85 km, trong đó phần cầu chính vượt sông Hậu dài 2,75 km, rộng 23,1m; tốc độ thiết kế 80km/h với 4 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1 km với 9 cầu, trong đó 4 cầu trên đất Vĩnh Long và 5 cầu trên địa phận TP Cần Thơ).

Dự án cầu Cần Thơ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam với tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (khoảng 37,006 tỷ Yen Nhật).

Dự án được chia thành 3 gói thầu: Gói thầu 1 - Đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41km do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long – CIENCO 8 – CIENCO 6 thi công; Gói thầu 2 - Phần cầu chính qua sông Hậu và cầu dẫn dài 2,75km do Liên danh các nhà thầu Nhật Bản Taisei – Kajima – Nippon Steel thi công; Gói 3 - đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69km do Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (CSCEC) đảm nhiệm thi công.

T.M.T


Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Tự hào chinh phục sông lớn của thợ cầu đường Việt Nam

Nhân sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ, PV Báo SGGP đã gặp và ghi lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng.

Khánh thành cầu Cần Thơ là sự kiện trọng đại đối với các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành GTVT, là niềm vui lớn của chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Chúng ta càng vui hơn khi công trình được đưa vào khai thác đúng dịp cả nước kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cầu Cần Thơ, cây cầu lớn cuối cùng trên tuyến đường xuyên Việt, được hoàn thành đã thỏa nỗi khát khao chinh phục các dòng sông lớn của biết bao thế hệ thợ cầu đường Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành mới của ngành xây dựng giao thông về khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong thi công những dự án cầu lớn. Cầu Cần Thơ còn là biểu tượng của tình hữu nghị hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, là sản phẩm của lao động trí tuệ, thông minh sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt – Nhật.

Tôi có thể tự hào mà nói rằng, sau hơn 20 năm đổi mới, từ chỗ chỉ chủ yếu xây dựng được các công trình cầu nhịp nhỏ, trung bình và một số các cầu thép, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn đến nay ngành xây dựng cầu Việt Nam đã ứng dụng hầu hết công nghệ thiết kế, xây dựng cầu bê tông cốt thép dự ứng lực hiện đại như đúc hẫng cân bằng nhịp lớn từ 70 đến 150m (cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Hàm Luông…), đúc đẩy (cầu Hiền Lương, Quán Hàu…), đúc trên đà giáo chống và đà giáo di động (Thuận Phước, Thanh Trì…), cầu dây văng nhịp lớn (cầu Mỹ Thuận, Bãi Cháy, Rạch Miễu, Cần Thơ…), cầu treo nhịp lớn (cầu Thuận Phước), cầu vòm ống thép nhồi bê tông (cầu Đông Trù)…

Trong đó, kỹ sư, cán bộ, công nhân Việt Nam đã tự thiết kế, thi công nhiều công trình cầu lớn, có kỹ thuật phức tạp như cầu Rạch Miễu, Hòa Bình, Vĩnh Tuy, Hàm Luông, cầu có chiều cao trụ tới gần 100m như cầu Pá Uôn, Hang Tôm… Những công trình này đã khẳng định thương hiệu và trình độ thực tế ngang tầm khu vực của ngành xây dựng cầu Việt Nam.