Chủ trương đổi mới về kinh tế được Đại hội Đảng lần thứ 6 đề ra là gì

NHÌN LẠI 12 KỲ ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC CỦA ĐẢNG

Cập nhật: 18:44, 26/01/2021 (GMT+7)

Đại hội VI là bước ngoặt lịch sử vĩ đại, khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.

Thời gian: 15 đến 18/12/1986

Địa điểm: Thủ đô Hà Nội

Số lượng đại biểu tham dự Đại hội: 1.129

Số lượng đảng viên trong nước:  gần 1,9 triệu

Có 32 đoàn đại biểu quốc tế đến dự

Đại hội bầu:

+ Tổng Bí thư: Đồng chí Nguyễn Văn Linh

+ Ban Chấp hành TƯ: 124 Ủy viên chính thức và 49 Ủy viên dự khuyết

+ Bộ Chính trị: 13 Ủy viên chính thức và 01 Ủy viên dự khuyết

+ Cố vấn BCH Trung ương: 

Các đ/c Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ.

BỐI CẢNH CHUNG

- Hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng, khó khăn nghiêm trọng. Phong trào độc lập dân tộc phát triển mạnh; phong trào không liên kết trở thành lực lượng chính trị rộng lớn có vai trò ngày càng quan trọng.

Hố ngăn cách giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng sâu rộng. Sự bóc lột ngày càng nặng nề của các nước đế quốc chủ nghĩa khiến nhiều nước Á, Phi, Mỹ La tinh ngày càng bần cùng và nợ nần chồng chất. Phong trào công nhân của các nước tư bản có bước phát triển mới.

Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá các lực lượng sản xuất.

-  Trong nước tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, 10 năm đầu tiên của thời kỳ quá độ, nền sản xuất cũ, hậu quả của các cuộc chiến tranh, tàn dư của chế độ cũ đã cản trở sự phát triển của đất nước. Chúng ta chưa tiến xa được mấy so với điểm xuất phát quá thấp. Những sai lầm và khuyết điểm đã mắc phải càng làm cho tình hình thêm khó khăn.

QUYẾT TÂM ĐỔI MỚI

 Ðại hội lần thứ VI đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Ðại hội khẳng định những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, đồng thời chỉ rõ: Tình hình kinh tế-xã hội đang có những khó khăn gay gắt: Sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt; lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình của đất nước, Ðại hội nghiêm khắc tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm. Ðổi mới tư duy, nhận thức rõ hơn về những quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và những năm đầu khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Ðại hội đề ra đường lối đổi mới.

Ðại hội xác định: Ðảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ðể tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Ðảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

Ðại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Ðiều lệ Ðảng cho phù hợp tình hình mới.

Ðổi mới toàn diện thật sự là ý Ðảng, lòng dân. Nghị quyết Ðại hội VI vào cuộc sống là quá trình thể nghiệm, tìm tòi, từng bước cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện những định hướng lớn. Ðảng và Nhà nước vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, vừa thực hiện đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên.

SỰ KIỆN TRONG NƯỚC

- Ngày 10/7/1986: Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ngày 14/7/1986: BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp phiên đặc biệt, bầu đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước  làm Tổng Bí thư.

- 25/5/1987: Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của đồng chí N.V.L  (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) trên báo Nhân Dân ra đời, khơi dậy phong trào báo chí cả nước đấu tranh đẩy lùi lãng phí, tiêu cực.

SỰ KIỆN QUỐC TẾ

- Ngày 11 và 12/10/1986: Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ R.Reagan với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev tại Reykjavik bàn về vũ khí hạt nhân.

- Ngày 27 và 28/1/1987: Tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Bí thư Gorbachev tuyên bố đường lối cải tố (perestroika) và công khai hóa (glasnost)

XUÂN HOÀNG
Nguồn: daihoidang.vn

Thứ tư, 27/01/2021 10:00

Đại hội lần thứ VI của Đảng: Mở đầu công cuộc đổi mới đất nước

Từ ngày 15 đến 18-12-1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự, có 32 đoàn đại biểu quốc tế.

Đại hội nhận định, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V là những năm đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn gay gắt; mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp,… Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội nhấn mạnh, trong những năm qua việc nhìn nhận, đánh giá tình hình cụ thể về các mặt của đất nước có nhiều thiếu sót, dẫn đến nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi. Đó là những sai lầm nghiêm trọng kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, nhất là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận.

Khẳng định đổi mới là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với nước ta, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế; thực hiện ba chương trình kinh tế về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu. Việc cải tạo xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp; phải xuất phát từ thực tế của nước ta và vận dụng quan điểm của Lê-nin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả ba mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đại hội xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo. Để biến mục tiêu đó thành hiện thực, điều quan trọng hàng đầu là đổi mới chính sách kinh tế, chính sách xã hội, nhằm khai thác nhanh và có hiệu quả mọi khả năng hiện có và tiềm tàng của nền kinh tế. Cụ thể là, bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Phát huy mạnh mẽ và đồng bộ khoa học - kỹ thuật. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại,...

Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội xác định, để chuyển biến tình hình, Đảng ta trước hết phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Nâng cao chất lượng đảng viên và sức mạnh chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Đi đôi với việc xác định đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý của các cấp, các ngành, phải đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết; bầu Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Theo Báo Nhân Dân

(LLCT) - Qua hơn 35 năm đổi mới, mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được Đảng ta nhận thức và giải quyết phù hợp với từng giai đoạn. Bài viết làm rõ nhận thức của Đảng ta về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, và sự vận dụng vào thực tiễn ở tỉnh An Giang.

Chủ trương đổi mới về kinh tế được Đại hội Đảng lần thứ 6 đề ra là gì

Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: angiang.gov.vn

1. Nhận thức của Đảng ta về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị từ Đại hội VI đến Đại hội XIII của Đảng

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) diễn ra trong bối cảnh có sự “giảm sút của sản xuất vào những năm 70 cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, nhất là bố trí đầu tư và xây dựng cơ bản của 5 năm 1976-1980, đã để lại hậu quả nặng nề”(1). Trong bối cảnh ấy, Đại hội đề ra nhiệm vụ tập trung vào đổi mới kinh tế, cụ thể; “phải thực hiện những biện pháp có hiệu quả để nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đưa mọi mặt hoạt động vào quỹ đạo phát triển bình thường và tiến hành những cuộc cải cách về tổ chức, quản lý, thiết lập cơ cấu sản xuất và cơ chế quản lý kinh tế - xã hội”(2). Trên cơ sở đó, đưa ra nhiệm vụ đổi mới chính trị, trước hết tập trung vào “PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”(3).

Đại hội VII của Đảng tiếp tục nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị: Phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy ngày càng tốt quyền làm chủ và năng lực sáng tạo của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Đại hội VIII của Đảng rút ra 6 bài học kinh nghiệm, trong đó có: “Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”(4). Đảng ta đã tập trung vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới các mặt khác của đời sống xã hội.

Việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, bắt đầu từ giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, đây là việc rất cần thiết nhưng đặc biệt phức tạp không thể để xảy ra sai sót.

Như vậy, mặc dù chưa xác định rõ mối quan hệ giữa đối mới kinh tế và đổi mới chính trị, nhưng trong thực tiễn quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã chỉ ra nội dung, phương pháp, cách thức giải quyết có hiệu quả mối quan hệ này, khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với đường lối, chính sách của Đảng, những thắng lợi của công cuộc đổi mới(5).

Những quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội IX, X của Đảng với mục tiêu: “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp”. Nội dung cơ bản là: “đổi mới tất cả các mặt của đời sống xã hội nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội”(6). Nội dung này bao hàm mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và chính trị, trong đó vẫn lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đánh dấu 20 năm thực hiện Cương lĩnh, lần đầu Đảng ta đặt vấn đề phải nghiên cứu các mối quan hệ lớn gắn với tổng kết việc thực hiện các mối quan hệ đó trong thực tiễn nhằm bảo đảm thực hiện được tám phương hướng xây dựng CNXH, phấn đấu “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(7). Trong tám mối quan hệ lớn đó, có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cụ thể là: “Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển”(8).

Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã nhấn mạnh, “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị”(9). Do đó, để thúc đẩy mạnh hơn quá trình này, trước hết cần tập trung đổi mới thể chế phát triển cả kinh tế và chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiều chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện; về kinh tế có 3 đột phá chiến lược: cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Về chính trị, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tạo bước tiến và thành quả rõ rệt trong chống quan liêu, tham nhũng. Đại hội XII của Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”(10).

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định cần xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị.

Về đổi mới kinh tế, “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”(11).

Về đổi mới chính trị, “tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”(12); Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Những thành tựu 35 năm đổi mới chứng minh, việc giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình xây dựng CNXH, sự nghiệp đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại, trong đó có thành tựu nhất định trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Giải quyết mối quan hệ này phải gắn kết chặt chẽ, biện chứng với việc giải quyết các mối quan hệ khác trong thực tiễn. Bên cạnh đó vẫn còn những điểm cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, nhận thức đúng đắn, nhất là vấn đề xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế và thể chế chính trị.

2. Đảng bộ tỉnh An Giang triển khai chủ trương của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Quán triệt đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, Đảng bộ tỉnh An Giang cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào thực tiễn của tỉnh. Đại hội IV Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 1986-1990) với quyết tâm đổi mới, nhất là “đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, mở đường giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, trọng tâm là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”(13).

Về đổi mới kinh tế, Đảng bộ xác định cơ cấu kinh tế lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thực hiện nhiều khâu đột phá trong phát triển kinh tế so với cả nước. Thực hiện chủ trương trên, An Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ, đưa tỉnh thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, từng bước phát triển.

Về đổi mới chính trị, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, Mặt trận và chính quyền, thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhân dân lao động làm chủ, chính quyền quản lý. Phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị Đại hội IV Đảng bộ tỉnh đề ra trong bất kỳ tình huống nào(14).

Trong giai đoạn này, mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và chính trị chưa được xác định rõ. An Giang tập trung tháo gỡ khó khăn về kinh tế là trọng tâm, song vẫn tập trung cho công tác xây dựng Đảng, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho công cuộc kiến thiết tỉnh nhà sau đổi mới: “phải tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới tư duy toàn diện, nhất là tư duy kinh tế, đi đôi với kiên quyết xóa bỏ cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”(15), đồng thời phát huy được bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng ta: phát triển kinh tế, hợp với lòng dân…

Giai đoạn (năm 1991-1996), toàn Đảng, toàn dân ra sức đưa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH vào thực tiễn cuộc sống. Theo tinh thần đó, Đại hội V Đảng bộ tỉnh An Giang đã đề ra nhiều chương trình hành động, giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp sau 10 năm đổi mới, chính sách “tam nông” đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ, là tỉnh đứng đầu trong khu vực về sản xuất lương thực, giai đoạn này. Tỉnh tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chính trị tư tưởng, giữ vững an ninh chính trị, phòng, chống “diễn biến hoà bình”… nhất là khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Đại hội VI (1999-2001) và VII (2001-2005), Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu: “trong những năm tới, nền kinh tế - xã hội của tỉnh phải phát triển theo chiều sâu, đồng bộ, nhanh và bền vững với cơ chế kinh tế hợp lý nhằm khai thác cao nhất tiềm năng hiện có. Tăng trưởng kinh tế đi liền với cải thiện đời sống vật chất và văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… Muốn vậy, phải xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý và quan tâm chất lượng công tác xây dựng Đảng”(16) ; “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống…”(17).

Bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh CNH, HĐH theo tinh thần Đại hội VIII của Đảng, Đảng bộ bước đầu vận dụng sáng tạo vào đặc thù tỉnh, hiện đại hoá trong nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn.

Qua 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân An Giang tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xuất phát từ chủ trương “lấy dân làm gốc”, mọi chủ trương chính sách của Đảng bộ đều vì lợi ích của nhân dân; xác định sản xuất nông nghiệp - lương thực là nền tảng kinh tế, là mặt trận hàng đầu, nông dân là chủ thể, nông thôn là địa bàn hoạt động. Tuy nhiên, kinh tế phát triển tốc độ chưa cao, thiếu ổn định, bền vững, chuyển dịch còn chậm; công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị, tư tưởng đôi lúc chưa thật sự chủ động, thiếu tính thuyết phục và chiến đấu.

Đại hội X Đảng bộ tỉnh An Giang, khẳng định: “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển. Phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định biên giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”(18).

Phương hướng của Đảng bộ thể hiện sự quán triệt giữa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, trong đó kinh tế là trọng tâm. Với việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị gắn với thực tiễn của tỉnh, An Giang đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể: Kinh tế tăng trưởng qua từng năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng đô thị và diện mạo nông thôn phát triển khá đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện… Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên. Hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu lực, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, tin cậy trong cán bộ nhân dân(19).

Nhất quán tinh thần các đại hội trước về đổi mới kinh tế, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh khẳng định “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(20).

Về định hướng đổi mới, phát triển kinh tế, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định: “Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách... Tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững”(21).

Về định hướng đổi mới chính trị, Đại hội Đảng bộ quán triệt quan điểm “Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển của Tỉnh”(22).

Triển khai chủ trương của Đảng, Đảng bộ tỉnh An Giang giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Tỉnh An Giang đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới, lấy nông nghiệp, chính sách “tam nông” là mặt trận hàng đầu, làm khâu đột phá, cùng với đó củng cố hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Sau 35 đổi mới, dù kinh tế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân nhân tỉnh, các cấp, các ngành và nhân dân An Giang đã làm tốt công tác phòng chống dịch, trên địa bàn, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã ổn định và phát triển. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp sản xuất thuận lợi, có mức tăng trưởng cao; các ngành dịch vụ phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. An sinh, trật tự xã hội được giữ vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 GRDP của tỉnh đứng trong top 5 tỉnh trong khu vực với mức tăng trưởng 5,79%(23). Trong quá trình nhận thức và thực tiễn giải quyết mối quan hệ đổi mới kinh tế và chính trị không tránh khỏi những khó khăn, thách thức nhất định. Song, với sự đoàn kết toàn dân, An Giang đã giữ vững phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn liền với ổn định chính trị, phát huy dân chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

__________________

(1), (2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47 Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.695, 723, 723-724, 791, 805.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.312.

(5) Hội đồng Lý luận Trung ương, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2020, tr.55-56.

(6) ĐCSVN: Ban chấp hành Trung ương, Ban chỉ đạo tổng kết lý luận, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Hà Nội, 2005, tr.129-130.

(7), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.71, 99-100.

(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.75, 68.

(11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.114-115, 118-119.

(13), (14), (15) ĐCSVN: Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang tập III (1975-2005), Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ An Giang, 2010, tr.92, 94, 96-97.

(16), (17)  Đảng bộ tỉnh An Giang: Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, 1-2001, tr.182, 35.

(18), (19) Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, 10-2015, tr.41-42.

(20), (21), (22) Tỉnh uỷ An Giang, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, 10-2020, tr.55-56.

(23) Tổng cục Thống kê, Cục thống kê tỉnh An Giang, Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2021.

ThS LÊ HỮU LỢI

Trường chính trị Tôn Đức Thắng, An Giang