1 tân phúc âm hóa nghĩa là gì năm 2024

Trong năm nay, chúng ta sống chủ đề mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Tân Phúc-Âm-hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu Tân Phúc-Âm-hóa là gì? và Tân Phúc-Âm-hóa cách nào?

  1. Tân Phúc Âm hóa là gì?

Từ ngữ Phúc Âm “evangelium”, có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp là “euangelion” có nghĩa là Tin Mừng hay Tin Tốt. Được dịch ra từ Hán Việt là Phúc Âm. Phúc: Điều lành; âm: Tin báo. Vậy Phúc Âm là Tin Mừng hay Tin Vui, Tin Tốt, Tin Lành.

– Trong Cựu Ước danh từ “Tin Mừng” lúc ban đầu được dùng theo nghĩa bình thường là phần thưởng dành cho người đưa tin về một cuộc chiến thắng trên kẻ thù (x. 2 Sm 4,10; 18,22), người loan báo Tin Vui thắng trận (2 Sm 18,20). Về sau động từ “loan báo Tin Mừng” được dùng theo nghĩa tôn giáo đó là loan báo ơn cứu độ Chúa ban vào thời cánh chung (x. Is 52, 7; 60, 6).

– Trong Tân Ước danh từ “Tin Mừng” hay “Phúc Âm” được dùng để chỉ sứ điệp cứu độ mà Đức Kitô mang đến. Nội dung chính yếu mà Chúa Giêsu rao giảng là: Tin Mừng Nước Thiên Chúa. “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15).

– Chính Chúa Kitô là Tin Mừng cứu độ cho toàn dân. Trong đêm Giáng Sinh các Thiên Thần đã loan báo: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavid, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10-12). Nhất là qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, Ngài là Tin Mừng vĩ đại, Đấng đã đổi mới mọi sự, Đấng chiến thắng tội lỗi, sự dữ và thần chết.

– Phúc Âm Hóa (Evangelizatio, Evangelization, Évangélisation): Phúc Âm Hóa chính là tiến trình loan truyền Phúc Âm trên toàn thế giới cho toàn thể nhân loại. Việc làm này bao hàm tất cả mọi hoạt động mà mỗi thành phần trong Hội Thánh có thể thực hiện để giới thiệu Phúc Âm của Chúa Giêsu cho người khác qua đời sống chứng tá và lời rao giảng. “Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21,5). Như vậy Phúc Âm Hóa không những công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô-giáo mà còn đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt và các nền văn hóa của các dân tộc.

– Tân Phúc Âm Hóa: Thư chung của HĐGMVN, ““Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả””.

– Tân Phúc Âm Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ: Tân Phúc Âm Hóa Cộng đoàn giáo xứ nghĩa là làm cho giáo xứ được: Thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Làm sao để cộng đoàn giáo xứ có thể gặp gỡ cá vị với Đức Kitô và để Chúa Kitô đổi mới khuôn mặt của cộng đoàn giáo xứ.

  1. Tân Phúc Âm hóa cách nào?

Để thực hiện Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ, Thư Chung 2014 đã đề nghị chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42):

2.1. Giáo xứ phải là cộng đoàn siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh.

– Cần tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ cách ý thức và sống động hơn: Muốn vậy, mỗi người giáo dân thể hiện bằng việc đi tham dự thánh lễ đúng giờ, đừng lấy bớt của Chúa. Đi lễ thì vào nhà thờ không đứng bên ngoài. Đi lễ với y phục đứng đắn, không mang theo điện thoại, nếu có mang theo thì phải tắt điện thoại trước khi bước vào nhà thờ. Có lòng ước ao rước Chúa. Dọn mình xứng đáng để lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Tham dự thánh lễ sống động là cùng thưa kinh, cùng hát cộng đoàn, tích cực tham gia trong phụng vụ như đọc Lời Chúa, lời nguyện, dâng lễ vật …

– Đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật không phải để chu toàn luật buộc, mà là mong muốn gặp gỡ Chúa thật sự, xin Chúa biến đổi cuộc sống thật sự.

2.2. Giáo xứ là cộng đoàn biết lắng nghe Giáo Huấn của các Tông Đồ. Chân thành lắng nghe Lời Chúa, đón nhận và ghi khắc bài giảng của vị chủ tế, rút ra bài học đem thực hành. Lắng nghe với niềm tin và lòng khiêm tốn để Lời Chúa thấm nhập và đổi mới tâm hồn. Tích cực học hỏi giáo lý, đào sâu giáo lý đức tin để sống và loan báo niềm tin của mình cách tích cực và phong phú như Thư Chung có nói đến “người tín hữu ngày nay cần có căn bản về giáo lý, để vững vàng và sâu sắc trong đức tin, hơn thế nữa, còn để làm chứng cho đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo”. Tham gia và cổ vũ cho công tác dạy giáo lý, nâng đỡ các giáo lý viên. Lưu tâm nhắc nhở con em học giáo lý.

2.3. Cộng đoàn Giáo xứ luôn hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Trên nền tảng của Bí Tích Rửa Tội mỗi người đều là con Thiên Chúa, bình đẳng với nhau về phẩm giá, nên cần tôn trọng lẫn nhau. Tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Cụ thể tránh não trạng địa phương, người làng. Tránh óc bè phái, tạo thành nhóm chống đối gây chia rẽ. Có tinh thần đón nhận nhau và làm việc chung, cộng tác trong tình thân ái, tương trợ trong các công tác của giáo xứ. Chia sẻ công việc cho nhau, giúp nhau hoàn thành công việc mặc dầu có sự phân công. Các cộng đoàn tu sĩ hiện diện trong giáo xứ sống hiệp thông bằng tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, phục vụ trong tình yêu thương và chia sẻ công việc mục vụ với chủ chăn. Sự hiệp thông còn lan tỏa ra bên ngoài qua sự cộng tác làm việc với những người thiện chí không Công giáo, để đem lại phúc lợi chung cho cộng đồng nhân loại.

2.4. Cộng đoàn Giáo xứ không ngừng cầu nguyện. Tân Phúc Âm Hóa Cộng Đoàn Giáo Xứ đòi hỏi cộng đoàn giáo xứ canh tân về việc cầu nguyện. Lời cầu nguyện chính là hơi thở của linh hồn, làm cho ta nối kết với Thiên Chúa. Giáo xứ phải là cộng đoàn cầu nguyện, cầu nguyên riêng và cầu nguyện chung. Trong những dịp lễ có tính chất truyền thống, cần thể hiện đời sống cầu nguyện mang tính cộng đồng bởi đức tin được lớn lên nhờ hiệp thông với lời cầu nguyện của cộng đoàn. Những dịp như vào tháng 5 kính Đức Mẹ mọi người cùng tham dự lần Hạt Mân Côi Kính Đức Mẹ có thể kết hợp dâng hoa. Hoặc kiệu Đức Mẹ đến từng gia đình. Dịp tháng sáu kính Trái Tim Chúa Giêsu, có thể đọc kinh liên gia trong gia đình Liên Minh Thánh Tâm. Dịp tháng mười một kính nhớ các đẳng linh hồn có thể đọc kinh tại nhà mồ. Hoặc lần hạt chung cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta cũng cần xem lại, trong những dịp cộng đoàn cầu nguyện như thế, ta có để Lời Chúa thấm nhập trong lời cầu nguyện? Đặc biệt cầu nguyện trước Thánh Thể, hay giờ chầu Thánh Thể cộng đoàn có tham dự đông đảo và sốt sắng không? Chúng ta có ý thức rằng tham dự những giờ cầu nguyện chung của cộng đoàn làm tăng thêm đức tin, tình liên đới và sự hiệp thông?

Kết luận.

Trở lại với hình ảnh sống động của cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai được diễn tả trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47). Cộng đoàn giáo xứ nếu để Tin Mừng thấm nhập vào trong đời sống của cộng đoàn; đổi mới nội tâm, biết năng đón nhận Mình Thánh Chúa, sống hiệp nhất và yêu thương, cộng đoàn giáo xứ sẽ là lời chứng mạnh mẽ loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho anh chị em và đưa nhiều người về với Chúa.

Câu hỏi gợi ý.

(1) Loan Báo Tin Mừng là việc quan trọng và cần thiết cho ngày hôm nay. Bạn có thể làm gì để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em?

(2) Khi đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, bạn đã dâng Thánh Lễ với tâm tình nào?

(3) Bạn có thấy cầu nguyện là cần thiết không? Bạn có quyêt tâm đọc, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày không?

Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa

***

  1. Tc. HĐGMVN – ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2011, 271, 343; x. Tc. HARDON JOHN A, Pocket Catholic Dictionary, Image Books, New York 1985, 295.