Chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì

VÌ SAO CẦN ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH?

Có thể nói Google chính là một biểu tượng kinh doanh thành công ở cấp độ toàn cầu. Nhưng ít ai biết rằng, trong quãng gian đầu hoạt động, Google đã gặp vô vàn khó khăn để tạo ra doanh thu từ việc bán thuật toán tìm kiếm của mình. Phải đến năm 2003, khi họ đưa ra Adwords, nền tảng quảng cáo trực tuyến dành cho các doanh nghiệp, thì hoạt động kinh doanh của họ mới thực sự cất cánh. Chính sự thay đổi trong mô hình kinh doanh này đã đưa Google trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và giữ vững vị trí của mình trong vòng gần hai thập kỷ qua.

Đổi mới sản phẩm và dịch vụ là cần thiết và cần được liên tục thực hiện bởi doanh nghiệp để duy trì lợi thế kinh doanh của mình, nhưng đổi mới mô hình kinh doanh mới thực sự mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn.

Trong vòng 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của mô hình kinh doanh đã giảm từ khoảng 15 năm xuống dưới 5 năm. Do đó, đổi mới mô hình kinh doanh hiện là một năng lực cần thiết cho các tổ chức đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng đột phá, phục hồi hoạt động kinh doanh cốt lõi tụt hậu hoặc bảo vệ chống lại sự gián đoạn hoặc suy giảm của ngành.

ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH LÀ GÌ?

Theo Boston Consultancing Group (BCG), đổi mới mô hình kinh doanh là nghệ thuật nâng cao lợi thế và tạo ra giá trị bằng cách thực hiện các thay đổi đồng thời và hỗ trợ lẫn nhau đối với cả đề xuất giá trị (value proposition) của tổ chức đối với khách hàng và mô hình hoạt động cơ bản của tổ chức. Ở cấp độ đề xuất giá trị, những thay đổi này có thể giải quyết việc lựa chọn phân khúc mục tiêu, cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ và mô hình doanh thu. Ở cấp độ mô hình hoạt động, trọng tâm là làm thế nào để thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị thông qua các quyết định này về cách cung cấp đề xuất giá trị:

  • Thay đổi ở đâu trong chuỗi giá trị
  • Mô hình chi phí nào là cần thiết để đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn
  • Cơ cấu tổ chức và năng lực nào là cần thiết để thành công

Đổi mới mô hình kinh doanh cũng rất quan trọng đối với việc chuyển đổi kinh doanh (Business Transformation). Nhiều tổ chức có chung mối quan tâm:

  • Loại hình đổi mới mô hình kinh doanh nào sẽ giúp đạt được hiệu quả đột phá?
  • Làm thế nào để tránh gây nguy hiểm cho hoạt động kinh doanh cốt lõi?
  • Làm cách nào để chúng ta xây dựng khả năng phát triển, nhanh chóng kiểm tra và mở rộng các mô hình mới?

Có rất nhiều tổ chức khiến cho quá trình này trở nên phức tạp và gây nguy hiểm cho tương lai của họ bằng cách không đổi mới những thứ phù hợp. Họ không lắng nghe khách hàng, nhân viên, thị trường hoặc toàn cảnh rộng hơn.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những sự đổi mới mang tính đột phá luôn xảy ra và nó sẽ không dừng lại. Ngày nay, việc tạo các mô hình kinh doanh mới và tiếp cận thị trường nhanh chóng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Không chỉ những các công ty lớn mới tạo ra những đổi mới mang tính đột phá, mà đôi khi sự đổi mới diễn ra trên toàn bộ lĩnh vực, đặc biệt trong cộng đồng khởi nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp thành công đã ra đời nhờ sự đổi mới trong mô hình hoạt động như Uber, Airbnb hay Facebook.

CÔNG CỤ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH KINH DOANH – BUSINESS MODEL CANVAS (BMC)

Có rất nhiều công cụ sẵn có giúp cho doanh nghiệp thực hiện quá trình đổi mới mô hình kinh doanh của mình, một trong những công cụ phổ biến đó là Business Model Canvas (BMC) – Khung mô hình kinh doanh.

Business Model Canvas (BMC) – Khung Mô Hình Kinh Doanh là một công cụ xây dựng mô hình kinh doanh được thiết kế bởi Alexander Osterwalder và Yves Pigneur vào năm 2008. BMC gồm có 9 thành tố tương ứng với 9 trụ cột tạo nên tổ chức của một doanh nghiệp. Mục đích chính của nó là hỗ trợ công ty hợp nhất các hoạt động kinh doanh bằng cách minh họa các tiêu chí đánh đổi tiềm năng.

9 trụ cột trong mô hình kinh doanh Canvas đại diện cho 4 mặt chính của một đơn vị (Khách hàng, Thành quả, Cơ sở vật chất và Năng lực tài chính), bao gồm:

  1. Phân khúc khách hàng (Customer Segments)
  2. Đề xuất giá trị (Value Propositions)
  3. Kênh cung cấp (Channels)
  4. Quan hệ khách hàng (Customer Relationships)
  5. Dòng doanh thu (Revenue Stream)
  6. Nguồn lực chính (Key Resources)
  7. Các hoạt động chính (Key Activities)
  8. Đối tác chính (Key Partnerships)
  9. Cơ cấu chi phí (Cost Structure)

Khung mô hình kinh doanh (BMC) hiện là bộ công cụ tiêu chuẩn không chỉ được sử dụng bởi các công ty khởi nghiệp mà còn được yêu thích và sử dụng thường xuyên ở cả các công ty lớn như Apple, Microsoft, GE, Mastercard, Intel, EY, MasterCard. Mục tiêu của BMC là nhìn xa hơn các bảng tính, nghiên cứu thị trường và các dự báo tài chính. Mặc dù trọng tâm chính của BMC là thiết lập nền tảng cho mô hình kinh doanh của bạn, nó cũng giúp nâng cao hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi nó phát triển.

Bài và hình ảnh được Đỗ Quyên lược dịch, tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet.

Chuyển đổi số (Digital transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ và đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây, mô tả quá trình ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. 

Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ các hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.

Để quá trình chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần quan tâm tới 4 yếu tố quan trọng: mô hình kinh doanh, văn hóa, công nghệ và quy trình.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì

MÔ HÌNH KINH DOANH – YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới. Chuyển đổi số mở ra những cách thức mới để phát triển sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mang lại giá trị cũng như tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tất cả những điều này có thể được kết hợp để thực hiện chuyển đổi số ở bất kỳ doanh nghiệp nào hiện nay.

Tuy nhiên, không phải công nghệ, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự thành bại của chuyển đổi số, từ đó quyết định tới thành công của doanh nghiệp trên thị trường.

Dự án Nghiên cứu và Điều hành Kinh doanh Kỹ thuật số Toàn cầu năm 2015 của MIT Sloan Management Review và Deloitte đã chỉ ra rằng, một chiến lược kinh doanh rõ ràng và đúng đắn sẽ tạo động lực cho chuyển đổi số. Ví dụ, các nhân viên ở độ tuổi khác nhau hầu hết đều muốn làm việc tại các doanh nghiệp có sự cam kết về tiến bộ công nghệ. Vì thế, nếu như các doanh nghiệp không chấp nhận rủi ro để xây dựng một mô hình kinh kinh doanh gắn với chiến lược chuyển đổi số, doanh nghiệp đó sẽ khó phát triển và có nguy cơ mất đi nhân tài trong công ty.

Để hiểu thêm về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu 2 ví dụ về chuyển đổi mô hình và chiến lược kinh doanh gắn với chuyển đổi số. 

Nhắc đến Netflix, công ty này đã sống sót sau sự bùng nổ của Internet những năm 80 và 90 mở ra ngành công nghiệp giải trí, trong khi những công ty hùng mạnh như Blockbusters đã bị loại khỏi cuộc chơi và đe dọa nhiều công ty khác. Sau đó, Netflix vươn lên dẫn đầu về dịch vụ phân phối DVD, với hiệu suất cao trong lĩnh vực hậu cần và phân phối. Công ty đang hoạt động tốt, nhưng họ nhận ra rằng thành công trong quá khứ không đảm bảo cho thành công trong tương lai và quyết định thay đổi một chiến thuật kinh doanh mới. 

Dựa trên dữ liệu được thu thập bởi thuật toán đề xuất của Netflix, họ đã tạo ra một dịch vụ phát trực tuyến thông qua Amazon Web Services, mang đến cho khách hàng sự lựa chọn để tùy chỉnh trải nghiệm của khách hàng, đó là phiên bản đầu tiên của dịch vụ xem TV SHOW và phim trực tuyến hàng đầu thế giới hiện nay. Netflix đã tạo ra một sản phẩm mới có giá trị cao để thay thế TV trong phạm vi bản địa kỹ thuật số, xây dựng một doanh nghiệp có khả năng mở rộng và sinh lời, đồng thời chuyển đổi thành công công ty. Đây là một ví dụ tuyệt vời khi một chiến lược kinh doanh sáng tạo được tạo ra trên cơ sở phát triển kỹ thuật số.

Một ví dụ khác với Starbucks, chúng ta có thể thấy một ví dụ về tầm quan trọng của chiến lược kinh doanh gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Trên thực tế, công ty này đang đi đầu trong các giải pháp hướng tới khách hàng, tăng lợi nhuận thông qua các sản phẩm ấn tượng trên các nền tảng kỹ thuật số. Đầu tiên, họ tạo một ứng dụng để thanh toán cà phê và đồ ăn trong nhà hàng của mình. Công ty đã kết hợp nó với chương trình khách hàng thân thiết, bắt đầu tạo ra các ưu đãi và trải nghiệm được cá nhân hóa cho những khách hàng được kết nối 24 giờ. Starbucks cũng phát triển các dịch vụ trên các nền tảng kỹ thuật số mới để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Và hiện tại, họ đã đạt được cách tiếp cận đa kênh được đánh giá rất cao trên thị trường. Hiện tại, Starbucks đang liên tục phát triển các dịch vụ và ưu đãi dựa trên nền tảng công nghệ mạnh mà họ đang xây dựng.

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH DOANH QUAN TRỌNG HƠN ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI

Chúng ta sẽ dễ có suy nghĩ rằng chuyển đổi số là áp dụng các công nghệ mới nhất. Cựu giám đốc điều hành của IBM – Irving Wladawsky-Berger khẳng định đó là một suy nghĩ sai lầm. Theo ông, việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới quan trọng hơn việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất (mặc dù công nghệ là tiền đề để xây dựng một mô hình kinh doanh mới). Berger giải thích rằng “Để tồn tại trong thị trường thay đổi nhanh chóng ngày nay, mọi doanh nghiệp – lớn hay nhỏ, khởi nghiệp hay lâu đời – phải có khả năng liên tục chuyển đổi và đổi mới”.

Các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết các giám đốc điều hành đều đồng ý với ý kiến này và trên thực tế, nhiều người tin rằng đổi mới mô hình kinh doanh thậm chí còn quan trọng hơn đối với thành công của công ty so với đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng không quá 10% đầu tư đổi mới tại các công ty đã thành lập là tập trung vào việc tạo ra các mô hình kinh doanh chuyển đổi. Hầu hết, các mô hình kinh doanh mới thành công đều đến từ các công ty khởi nghiệp. Bất chấp tài năng và nguồn lực của họ, những câu chuyện thành công về mô hình kinh doanh từ các công ty lâu đời là tương đối hiếm. Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế mà những thương hiệu giá trị nhất thế giới là bậc thầy của công nghệ, các phương thức kinh doanh đã giúp các công ty thành công trong quá khứ có nguy cơ không còn phát huy hiệu quả khi mà các yếu tố khác trên thị trường đã và đang chuyển đổi theo hướng số hóa. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp lâu đời một yêu cầu cấp bách: thay đổi mô hình kinh doanh gắn với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Vậy tại sao cần phải quan tâm tới vấn đề chuyển đổi số và mô hình cùng lúc, hãy cùng phân tích theo 2 khía cạnh: tầm quan trọng của số hóa dữ liệu và khía cạnh xây dựng mô hình kinh doanh.

BỐN DẠNG MÔ HÌNH KINH DOANH GẮN VỚI CHUYỂN ĐỐI SỐ

Stephanie Woerner, một nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Thông tin (CISR) tại Trường Quản lý MIT Sloan đã định nghĩa về mô hình kinh doanh trong chuyển đổi số rất đơn giản: sau khi áp dụng công nghệ, bạn sẽ tạo ra doanh thu như thế nào? 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã khẳng định rằng, dữ liệu là một nguồn tài nguyên quý giá; tuy nhiên, số hóa dữ liệu thành công để kiếm tiền thì cần cả suy nghĩ nghiêm túc và quản trị thay đổi một cách hiệu quả trong doanh nghiệp. Theo Woerner, các công ty cần hiểu biết đầy đủ về hai điều: khách hàng và thiết kế kinh doanh mong muốn của họ. Về khách hàng của họ, Woerner đề nghị các công ty nên đặt một số câu hỏi: “Bạn biết khách hàng của mình tốt như thế nào? Bạn có biết danh tính của họ và những gì họ đã mua không? Bạn có biết họ đã mua gì từ đối thủ cạnh tranh của bạn không? Bạn có biết điều gì đang thúc đẩy họ mua hàng của bạn không? Và, cuối cùng, bạn có biết họ đang cố gắng giải quyết những vấn đề gì không?”.

Về khía cạnh mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải trả lời được câu hỏi “Công ty có được tổ chức theo một chuỗi giá trị nhất định, nơi bạn đang cố gắng tạo ra hiệu quả, có một nhóm đối tác và nhà cung cấp ràng buộc, và bạn biết họ ở đâu trong chuỗi giá trị đó hay không? Hoặc, bạn sẽ hoạt động trên một nền tảng có rất nhiều mối quan hệ – thường là nhiều đối tác cho cùng một loại sản phẩm hoặc giao dịch – và nơi khách hàng là một phần của mô hình kinh doanh hay không?

Dựa trên hai khía cạnh này, Woerner và các đồng nghiệp đã xây dựng bốn mô hình kinh doanh trong các doanh nghiệp, được khái quát như sau:

Chuyển đổi mô hình kinh doanh là gì

  1. Mô hình nhà cung cấp: Mô hình nhà cung cấp, là nơi bạn đang bán sản phẩm thông qua các trung gian. Họ thường biết rất ít về khách hàng cuối cùng. Hiện tại một số tổ chức B2B vẫn đang sử dụng mô hình này.
  2. Mô hình đa kênh: Mô hình thứ hai là đa kênh, trong đó tổ chức sở hữu khách hàng, tập hợp các sản phẩm và dịch vụ – thường là các sản phẩm và dịch vụ đi kèm – để giải quyết vấn đề của khách hàng. Họ phải làm cho nó để khách hàng có thể tương tác liền mạch trên bất kỳ kênh nào và di chuyển giữa các kênh.
  3. Mô hình mô-đun: Loại thứ ba là nhà sản xuất mô-đun và chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều nhà sản xuất mô-đun. Đây là những tổ chức mà người điều khiển hệ sinh thái – công ty sở hữu nền tảng kỹ thuật số – sẽ hợp tác trên nền tảng của nó. PayPal có thể được coi là một công ty có mô hình mô-đun điển hình. Một loại mô hình mô-đun khác sẽ là các công ty tổ chức các chương trình khách hàng thân thiết.
  4. Mô hình điều khiển hệ sinh thái: đây là một mô hình các doanh nghiệp kết hợp với các công ty lưu trữ nền tảng này và sở hữu tất cả dữ liệu của khách hàng. Họ đóng vai trò trung gian, nơi tạo mối liên kết giữa khách hàng và đối tác, những người có thể cung cấp các sản phẩm mà khách hàng đang tìm kiếm, kể cả khi các doanh nghiệp đi đầu, điều khiển hệ sinh thái không cung cấp cho họ. Một ưu điểm cũng là nhược điểm của mô hình này đó chính là mọi dữ liệu giao dịch đều sẽ được ghi lại. Một “người đứng đầu hệ sinh thái” điển hình có thể kể đến Amazon và mô hình hoạt động hiện tại của công ty.

Woerner đánh giá mô hình điều khiển hệ sinh thái là mô hình cuối cùng vì nó “vượt trội hơn tất cả các yếu tố về hiệu suất kinh doanh được đo lường, đó là trải nghiệm khách hàng, thời gian tiếp cận thị trường, lợi nhuận và tăng trưởng”. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, Tất cả các mô hình đều là các mô hình phù hợp cho nền kinh tế chuyển đổi số và các mô hình có thể mang lại thành công cho doanh nghiệp. Quyết định áp dụng mô hình nào phù hợp nhất với doanh nghiệp sẽ xác định hành trình chuyển số của bạn sẽ như thế nào trong tương lai. 

Về cơ bản, mô hình kinh doanh là nền tảng kinh tế của chiến lược kinh doanh. Nói cách khác, chiến lược tạo nên sự khác biệt và đem lại lợi thế cạnh tranh, còn mô hình kinh doanh giải thích các khía cạnh kinh tế, cách thức mà tổ chức hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận. Bên cạnh đó, một chiến lược đúng đắn và mô hình kinh doanh hiệu quả gắn với chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và hơn nữa là tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường cho riêng mình, dựa trên xu thế số hóa và công nghệ trên thị trường hiện nay.

Với sứ mệnh đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi số thành công, OD CLICK là một trong những doanh nghiệp đi đầu về việc nghiên cứu về các vấn đề trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn phù hợp với từng doanh nghiệp, xây dựng mô hình chuyển đổi tổ chức hướng tới việc chuyển đổi số thành công trong thời đại mới.

Nguồn tham khảo:

  1. https://sloanreview.mit.edu/projects/strategy-drives-digital-transformation/
  2. https://www.businesswire.com/news/home/20181023005624/en/Analyzing-Real-Impact-Implementing-Digital-Transformation-Strategy
  3. https://www.enterrasolutions.com/blog/when-digital-transformation-means-changing-your-business-model/
  4. https://www.enterrasolutions.com/blog/when-digital-transformation-means-changing-your-business-model/