Đánh giá đổi mới phương pháp dạy học

Hơn lúc nào hết, việc đôi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay mà Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết qủa giáo dục theo hướng đánh giá năng lực của người học”...Định hướng nêu trên tạo tiền đề, cơ sở và môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học theo định hướng năng lực người học. Từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, nhất định phải thực hiện thành công việc chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Vì vây, chúng tôi cho rằng việc đổi mới phương pháp dạy ở các bậc học là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cần thiết trong yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Bài viết sẽ tập trung vào các nội dung sau:

- Thực trạng vận dụng việc đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian qua

Trong thực tế vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa “nhập cuộc”, vẫn lên lớp giảng dạy với những phương pháp rất đỗi quen thuộc: chỉ thuyết trình hoặc thuyết trình kết hợp một số rất ít các câu hỏi đàm thoại. Thực tế ấy có thể do giáo viên ngại đổi mới mà cũng có thể là do giáo viên lúng túng chưa biết nên đổi mới phương pháp ra sao. Vấn đề đặt ra là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh là thế nào? Vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại ra sao? Phương pháp dạy học truyền thống có nên sử dụng nữa hay không? Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn như thế nào cho hiệu quả, để mỗi giờ dạy lại đem đến cho học sinh niềm vui, sự hứng thú mới mẻ?

- Mục đích của việc đổi mới phương pháp dạy học là nhằm chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh

Một trong những trọng tâm của đổi mới giáo dục hiện nay là đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện dạy học dựa vào hoạt động tích cực, chủ động của học sinh với sự tổ chức và hướng dẫn đúng mực của giáo viên nhằm phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, góp phần hình thành phương pháp và nhu cầu tự học, bồi dưỡng hứng thú học tập, tạo niềm tin và niềm vui trong học tập. Luật Giáo dục khẳng định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”.

          - Đề xuất một số giải pháp để việc đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả

          Có thể khẳng định, đổi mới phương pháp dạy học theo dạy và học tích cực là một trong những mục tiêu chung và cũng là một tiêu chuẩn về giáo dục hiệu quả, hướng dẫn cho việc đổi mới cả phương pháp đào tạo giáo viên và việc dạy học ở các trường phổ thông. Theo chúng tôi, để đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả phải được đặt trong trong mối quan hệ biện chứng với đổi mới mục tiêu, nội dung dạy học, đổi mới cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; đổi mới các hình thức tổ chức dạy học; đổi mới môi trường giáo dục để học tập gắn với thực hành và vận dụng; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh qua đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, xây dựng các bộ công cụ đánh giá, phối hợp kiểu đánh giá truyền thống với trắc nghiệm khách quan đảm bảo đánh giá khách quan, trung thực mức độ đạt được mục tiêu giáo dục của từng học sinh: Đó là khuyến khích phát triển năng lực lập luận logíc, năng lực trừu tượng hoá và chiếm lĩnh vững chắc những nội dung giáo dục cần thiết cho việc học sinh tiếp tục học lên ở các bậc học khác hoặc rèn luyện được thái độ tích cực đối với lao động sản xuất, giúp học sinh hướng nghiệp và chọn nghề; chuẩn bị năng lực xử lý những tình huống của đời sống thực tế cá nhân và xã hội; phát triển thái độ tích cực và năng lực sáng tạo, hướng trí tuệ và sự sẵn sàng của tuổi trẻ vào thực tiễn đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hiện nay./.

Tác giả: Th.S Trần Ngọc Có Email:

Nguồn:nhien.camlam.edu.vn Copy link