Đâu là khó khăn đặc trưng của học sinh thpt trong cuộc sống học đường?

Trắc nghiệm: Chọn đáp án đúng nhất Đối với học sinh trung học cơ sở, lĩnh vực nào sau đây có ảnh hưởng lớn nhất và gây nên nhiều khó khăn nhất cho các em trong đời sống học đường?

A. Khó khăn trong xây dựng hình ảnh bản thân và hình thành mẫu người lí tưởng

B. Khó khăn trong việc giải toả áp lực xã hội đối với thành tích học tập và sự ngộ nhận về khả năng của mình

C. Khó khăn trong giao tiếp – ứng xử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè xung quanh.

D. Khó khăn trong việc chuyển đổi và hình thành động cơ học tập đúng đắn

Trả lời:

Đáp án đúng: C. Khó khăn trong giao tiếp – ứng xử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè xung quanh.

Nội dung câu hỏi này nằm trong phần kiến thức về Đặc điểm tâm sinh lí và những khó khăn của học sinh trung học cơ sở trong cuộc sống học đường, hãy cũng Top Tài Liệu làm thêm một số bài tập để hiểu chi tiết hơn nhé!

– Lứa tuổi học sinh THCS bao gồm những em có độ tuổi từ 11 – 15 tuổi. Đó là những em đang theo học từ lớp 6 đến lớp 9 ở trường THCS. Lứa tuổi này còn gọi là lứa tuổi thiếu niên và nó có một vị trí đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ em.

– Đây là thời kì quá độ từ tuổi thơ sang tuổi trường thành, thời kì trẻ ở ba đường của sụ phát triển. Trong đó có rất nhiều khả năng, nhiều phương án, nhiều con đường để mỗi trẻ em trở thành một cá nhân. Trong thời kì này, nếu sự phát triển được định hướng đúng, được tạo thuận lợi thì trẻ em sẽ trở thành cá nhân thành đạt, công dân tốt.

– Ngược lại, nếu không được định hướng đúng, bị tác động bời các yếu tố tiêu cực thì sẽ xuất hiện hàng loạt nguy cơ dẫn trẻ em đến bên bờ của sự phát triển lệch lạc về nhận thức, thái độ, hành vi và nhân cách.

– Thời kì mà tính tích cực xã hội của trẻ em được phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc thiết lập các quan hệ bình đẳng với người lớn và bạn ngang hàng.

– Trong suốt thời kì tuổi thiếu niên đều diễn ra sự cấu tạo lại, cải tổ lại, hình thành các cấu trúc mới về thể chất về sinh lí.

– Tuổi thiếu niên là giai đoạn khó khăn, phúc tạp và đầy mâu thuẫn trong quá trình phát triển.

1. Khó khăn của học sinh trong hoạt động học tập, hướng nghiệp

– Học tập của học sinh trung học cơ sở khác rất nhiều so với học sinh tiểu học. Nếu như ở cấp tiểu học, việc học tập có mục tiêu cơ bản là giúp các em làm quen với hoạt động học, nội dung học tập chủ yếu là những sự kiện tự nhiên, xã hội gần gũi đối với học sinh, phương pháp học chủ yếu dựa trên cơ sở hành động, trực quan thì chuyển sang cấp trung học cơ sở, nội dung học tập là các môn khoa học.

– Học sinh trung học cơ sở phải làm quen và hiểu các khái niệm khoa học (tự nhiên, xã hội và tư duy); Phương pháp học tập đòi hỏi phải có cơ sở tư duy trừu tượng và lí luận. Vì vậy, đối với học sinh trung học cơ sở, việc học tập thực sự là hoạt động nghiêm túc và nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao và phải tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Đây chính là thử thách đối với đa số học sinh, đồng thời cũng là lĩnh vực xuất hiện nhiều khó khăn, thậm chí gây cản trở đến sự phát triển tâm lí hài hòa ở các em.

a. Khó khăn trong sự chuyển đổi và hình thành động cơ học tập đúng đắn.

– Bước sang lứa tuổi trung học cơ sở, để học tập thực sự là hoạt động chủ đạo và làm nền tảng cho học tập sau này và suốt đời, học sinh cần phải chuyển hoá và hình thành động cơ học tập bên trong.

– Đây là thực sự là khó khăn đối với nhiều học sinh. Hệ quả là xuất hiện sự phân hoá rất rõ về động cơ, hứng thú và kết quả học tập ở học sinh. Nhiều em đã hình thành và phát triển động cơ học tập đúng đắn cho bản thân nên có hứng thú trong học tập, nhưng cũng không ít học sinh không tìm được động cơ đúng đắn dẫn đến giảm động lực học, chán học, lười học, chỉ thích các hoạt động khác.

– Đây chính là khởi nguồn của các hành vi tiêu cực khác. Chuyển hoá và hình thành động cơ học tập đúng đắn và mạnh mẽ cho học sinh trung học cơ sở là công việc khó khăn không chỉ của học sinh mà còn khó khăn đối với cha/ mẹ và nhà trường. Tuy nhiên đây cũng là công việc quan trọng nhất trong nhà trường trung học cơ sở.

b. Khó khăn trong việc định hình phương pháp học tập khoa học

– Do tính chất học tập là học tri thức khoa học, đòi hỏi phải có phương pháp và phong cách học phù hợp. Tuy nhiên, chuyển từ cấp tiểu học lên cấp trung học cơ sở, học sinh chưa xác định được phương pháp cũng như chưa định hình được phong cách học tập cho riêng mình. Không ít học sinh tích cực tìm kiếm, thử nghiệm các phương pháp học nhưng vẫn chưa xác định được phương pháp học tập phù hợp với hoàn cảnh của mình, dẫn đến sự lo lắng, chán nản của nhiều học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả học tập.

– Khó khăn trong việc chuyển từ tư duy trực quan – cụ thể sang tư duy lí luận – trừu tượng

Ở lứa tuổi trung học cơ sở, học sinh chuyển từ trình độ tư duy trực quan, gắn với sự vật, hiện tượng cụ thể lên một trình độ mới – vận dụng các thao tác trên các mệnh đề ngôn ngữ có tính giả định. Đây là mức trí tuệ của người trưởng thành với sự trừu tượng hóa, khái quát hoá cao. Quá trình chuyển từ hai trình độ tư duy này thường xuất hiện hố ngăn cách, mà mọi học sinh buộc phải san lấp được. Đây là thách thức lớn của học sinh trung học cơ sở. Trên thực tế, rất nhiều học sinh gặp khó khăn trong quá trình khắc phục lỗ hổng này. Hậu quả là tạo ra cản trở trong việc học các môn đòi hỏi sự trừu tượng cao như Toán, Vật lí hay Địa lí v.v..

– Khó khăn trong giải toả áp lực xã hội đối với thành tích học tập và sự ngộ nhận về khả năng của mình

Nếu những khó khăn nêu trên thuộc về chính bản thân hoạt động học tập của học sinh thì khó khăn này thuộc về yếu tố xã hội và tâm lí cá nhân nằm ngoài hoạt động học tập. Ở đây có hai khía cạnh:

– Nhiều học sinh ngộ nhận về khả năng học tập của mình do thành tích học tập tốt ở cấp tiểu học, nhưng trong thực tiễn các em lại có kết quả không như kì vọng ở cấp trung học cơ sở. Điều này dẫn đến tâm lí thất vọng, mặc cảm, hoài nghi về năng lực học tập của bản thân.

– Sự kì vọng quá mức của gia đình, nhà trường đối với kết quả học tập của học sinh có thể dẫn đến tâm lí bất an, lo lắng, căng thẳng trong học tập của học sinh trung học cơ sở. Những áp lực đó hoàn toàn không mang lại lợi ích cho sự phát triển của chính học sinh, đôi khi làm giảm hứng thú và niềm vui thực sự trong việc học của các em. Nghiêm trọng hơn, vấn đề áp lực học tập còn có thể trở thành căn nguyên của những chấn thương tâm lí trầm trọng hơn như khủng hoảng, rối nhiễu hành vi ở học sinh trung học cơ sở.

– Khó khăn trong định hướng nghề nghiệp

+ Thái độ đối với nghề nghiệp tương lai là một biểu hiện mới trong sự phát triển tâm lí học sinh trung học cơ sở, đặc biệt là các em học sinh lớp 9. Một số em đã chú ý thu thập những thông tin và trao đổi, bàn luận với bạn thân về nghề các em quan tâm.

+ Tuy nhiên, biểu tượng nghề nghiệp của các em còn rất mơ hồ, cảm tính. Thông tin về nghề chưa thực sự trở thành thiết yếu đối với các em. Điều này ảnh hưởng đến tâm thế của việc chọn trường và chọn các lĩnh vực học tập phù hợp với định hướng nghề. Đối với những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc học lực không tốt, việc tư vấn chọn nghề cho các em là rất cần thiết vì khả năng học tiếp không cao, khả năng rẽ ngang sang học nghề là rất lớn. Với những học sinh như vậy rất cần được quan tâm trong công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhất là ở những địa phương giáo dục còn nhiều khó khăn như vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

– Trên đây là những khó khăn tâm lí phổ biến trong học tập của học sinh trung học cơ sở. Điều đáng lưu ý là những khó khăn trên không tồn tại và tác động riêng rẽ đến học tập của học sinh và không chỉ tác động trong phạm vi của hoạt động này. Trong thực tiễn, chúng kết hợp với nhau, là nguyên nhân của nhau và cùng tác động đến hoạt động học tập của học sinh. Đến lượt nó, các hoạt động của học sinh là căn nguyên tạo ra các khó khăn tâm lí khác, gây ra “hiệu ứng Domino” trong sự phát triển của các lứa tuổi học sinh. Vì vậy, gia đình, nhà trường, xã hội tổ chức tốt hoạt động học tập của học sinh sẽ là một liệu pháp cơ bản trong sự hỗ trợ các em phát triển.

c. Những khó khăn của học sinh trung học cơ sở trong hoạt động học tập – hướng nghiệp:

–  Khó khăn trong sự chuyển đổi và hình thành động cơ học tập đúng đắn

– Khó khăn trong việc định hình phương pháp học tập khoa học

– Khó khăn trong việc chuyển từ tư duy trực quan – cụ thể sang tư duy lí luận – trừu tượng

– Khó khăn trong giải toả áp lực xã hội đối với thành tích học tập và sự ngộ nhận về khả năng của mình

– Khó khăn trong định hướng nghề nghiệp

d. Khó khăn của học sinh trung học cơ sở trong các mối quan hệ giao tiếp

Đối với học sinh trung học cơ sở việc thiết lập và duy trì các quan hệ xã hội, giao tiếp và ứng xử là lĩnh vực quan trọng nhất; thậm chí, được ưu tiên hơn hoạt động học tập. Đồng thời lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn hơn nhiều so với học tập do tính phức tạp và do sự cải tổ lại các quan hệ của các em.

– Khó khăn trong giao tiếp ứng xử với cha/mẹ, anh chị em

+ Ở tuổi học sinh trung học cơ sở có sự cải tổ rõ ràng về mục tiêu và giá trị quan hệ giữa gia đình – nhà trường và bạn bè, do sự xuất hiện và phát triển nhanh nhu cầu giao tiếp với bạn ngang hàng. Sự chuyển đổi này trong quan hệ giữa học sinh trung học cơ sở với gia đình là căn nguyên dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn giữa học sinh với cha/ mẹ, người thân của mình.

+ Khó khăn do mâu thuẫn nảy sinh giữa cha/mẹ với con trong các lĩnh vực hoạt động của con. Trong nhiều gia đình, cha mẹ hiểu rõ đặc điểm phát triển của con, đồng cảm với con trong học tập, tu dưỡng và quan hệ, đồng hành cùng con thì mâu thuẫn giữa cha/ mẹ với con không những không xuất hiện mà còn là tác nhân trợ giúp con tháo gỡ các khó khăn khác. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu những đặc điểm lứa tuổi của con, không tìm được tiếng nói chung với con và làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái ngày càng xa cách. Việc thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm – sinh lí của con tuổi dậy thì, thiếu hiểu biết về xu thế phát triển của con và những khó khăn con đang trải qua; thiếu đồng cảm và đồng hành cùng con sẽ xuất hiện mâu thuẫn, xung đột với con, dẫn đến tạo ra áp lực lớn đối với con; gây trạng thái tâm lí căng thẳng của con; tạo ra những hiểu lầm không nên có giữa cha mẹ với con cái. Trong nhiều trường hợp, bên cạnh sự tư vấn, hỗ trợ cho học sinh, giáo viên cũng cần phải tư vấn và hỗ trợ cho các bậc cha mẹ để giúp họ có thêm những hiểu biết về sự phát triển của con, nâng cao kĩ năng làm bạn cùng con để xây dựng mối quan hệ tích cực – đồng cảm giữa cha mẹ – con cái trong gia đình

– Khó khăn trong giao tiếp – ứng xử với giáo viên

+ Giao tiếp giữa học sinh trung học cơ sở với giáo viên là thử thách thực sự đối với cả giáo viên và học sinh, đồng thời là lĩnh vực học sinh và giáo viên gặp nhiều khó khăn tâm lí.

+ Khó khăn này biểu hiện qua tâm lí ngại tiếp xúc, tâm sự, chia sẻ với giáo viên của nhiều học sinh (trong khi đó nhu cầu được chia sẻ, tư vấn của các em rất lớn); qua các hành vi phản ứng của học sinh được coi là “gai góc, thô lỗ, ngang bướng”, gây ức chế, khó chịu cho không ít giáo viên, như “cãi lại”, “soi mói”, “bình luận”, “hành vi hỗn hào, hư, không nghe lời” v.v.. Ngược lại, trước những ngôn từ và hành vi của học sinh như vậy, nhiều giáo viên thể hiện thái độ thiếu thiện cảm, thiếu tôn trọng các em.

+ Nguyên nhân chính về phía giáo viên có thể là do chưa thực sự thấu hiểu, thấu cảm và đồng cảm với những đặc trưng, sự biến đổi mang tính cải tổ trong các cấu trúc tâm – sinh lí của học sinh tuổi dậy thì; thấu hiểu hạn chế và khó khăn khách quan của học sinh trong hoạt động học tập, tu dưỡng và phát triển. Nhiều giáo viên chưa phân biệt rõ nguyên nhân của những ngôn từ và hành vi ứng xử của học sinh đâu là do đặc điểm có tính đặc trưng của lứa tuổi và đâu là do đặc điểm có tính cá nhân được hình thành trong cuộc sống. Về phía học sinh, nhiều em chưa được trang bị hiểu biết về đặc điểm tâm – sinh lí của chính lứa tuổi các em (tại sao mình lại có những suy nghĩ, ngôn từ và hành vi như vậy) và kĩ năng cần thiết để khắc phục những tác động tiêu cực do đặc điểm lứa tuổi gây ra. Nhiều học sinh chưa hiểu ở mức độ cần thiết tính phức tạp và khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp của người giáo viên, yêu cầu và áp lực tâm lí đến hành vi của giáo viên trong quan hệ và ứng xử với học sinh và phụ huynh. Nhiều học sinh không có tâm thế đồng cảm với thầy/cô giáo.

+ Mặt khác, trong giao tiếp và ứng xử của học sinh tuổi trung học cơ sở với giáo viên nói riêng, người lớn nói chung, các em có xu hướng cường điệu hoá các ngôn từ, hành vi của người lớn, của cô giáo, nhưng lại coi nhẹ ngôn từ, hành vi của mình.

e. Khó khăn trong giao tiếp với bạn

– Trong quan hệ với bạn cùng tuổi, học sinh trung học cơ sở có thể gặp nhiều khó khăn tâm lí với những biểu hiện như:

+ Khó khăn trong việc xác định các tiêu chí kết bạn, nhất là những năm đầu cấp trung học cơ sở. Nhiều học sinh chọn bạn theo các tiêu chí hình thức, dựa trên những biểu hiện cảm tính, không ổn định. Kết qủa là tình bạn thường xuyên bị xáo trộn, gây thất vọng, lo lắng, thậm chí bi quan về tình bạn.

+ Quan niệm phiến diện về tình bạn của học sinh có thể dẫn đến hành vi cực đoan, thậm chí tiêu cực trong quan hệ với bạn bè. Do xuất hiện và phát triển nhu cầu giao tiếp với bạn, tự ý thức, tự khẳng định bản thân… nên trong quan hệ với bạn, học sinh trung học cơ sở thường lí tưởng hoá các phẩm chất của tình bạn, dẫn đến tâm lí cực đoan ở các em. Nhiều em chưa nhận thức đúng về tình bạn chân chính, còn nhầm lẫn giữa việc quý mến, giúp đỡ bạn đúng cách với việc a dua, bao che cho bạn, dẫn đến vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức học sinh.

+ Trong giao tiếp với bạn, học sinh trung học cơ sở thường cường điệu hoá mối quan hệ bạn bè, nên xuất hiện mâu thuẫn với cha/ mẹ và thầy/ cô giáo về đối tượng kết bạn, cách giữ gìn tình bạn, thể hiện bản thân trong quan hệ với bạn… Trong nhiều trường hợp các em không đủ hiểu biết, kinh nghiệm cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc của mình, dẫn đến các hành vi quá khích như phản ứng tiêu cực đối với người lớn khi nhận xét, phê phán về bạn và quan hệ với bạn.

+ Trong quan hệ với bạn, học sinh trung học cơ sở hình thành các nhóm bạn theo các tiêu chí riêng, dẫn đến hình thành các nhóm tự phát. Nếu sự khác biệt giữa các nhóm quá lớn, sẽ dẫn đến mất đoàn kết trong tập thể, xuất hiện các biểu hiện về sự phân biệt về nhận thức, thái độ và hành đối xử giữa các học sinh. Thậm chí nhiều em bị lôi kéo vào những nhóm bạn không lành mạnh, bị khống chế bởi các học sinh chưa ngoan. Những nhóm bạn tự phát theo chiều hướng xấu (lệch chuẩn) nếu không được định hướng đúng đắn có thể gây nên những tác hại không nhỏ đến đời sống tâm lí và sự phát triển nhân cách của học sinh.

– Trong các mối quan hệ – giao tiếp, học sinh trung học cơ sở thường có những khó khăn:

+ Khó khăn trong giao tiếp ứng xử với cha/ mẹ, anh chị em

+ Khó khăn trong giao tiếp ứng xử với giáo viên

2. Khó khăn của học sinh trung học cơ sở trong phát triển bản thân

– Với học sinh trung học cơ sở, sự bận tâm thực sự trong thời kì này chính là câu hỏi: Tôi đang là gì trong mắt người khác, trong mắt bạn (đặc biệt bạn khác giới) và tôi sẽ là ai trong tương lai (nhiều cấp cha/ mẹ hiểu lầm khi cho rằng chuyện là đơn giản vì các em đã được người khác, gia đình chuẩn bị rồi, mà không để ý đến nội tâm của học sinh). Trong thực tế, sự phát triển bản thân của học sinh trung học cơ sở gặp khá nhiều khó khăn và luôn cần đến sự trợ giúp, định hướng của người lớn.

– Khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh bản thân

Đối với học sinh trung học cơ sở, hình ảnh bản thân là yếu tố quan trọng hơn nhiều so với tuổi tiểu học và việc xây dựng hình ảnh bản thân cũng khó khăn và phức tạp hơn. Các em quan tâm và lo lắng đến hình ảnh thân thể, đến những biến đổi nhanh chóng và thất thường của cơ thể do yếu tố dậy thì tạo ra. Lo sợ hình ảnh bản thân xấu đi trong mắt người khác, nhất là bạn bè, đôi khi chỉ vì các đặc điểm bên ngoài như mụn trên gương mặt, hình dáng (béo hoặc gầy), quá thấp hoặc quá cao, cơ thể không cân đối v.v.. cũng có thể trở thành nguyên nhân làm xuất hiện tâm lí lo âu, bi quan, căng thẳng quá mức ở các em. Những băn khoăn, lo lắng về cơ thể nếu không được tháo gỡ có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng hình ảnh bản thân của học sinh trung học cơ sở như: quá chú trọng đến vẻ ngoài mà coi nhẹ các phẩm chất, năng lực của bản thân dẫn đến việc xây dựng hình ảnh bản thân không thống nhất với những đặc điểm tính cách và tâm lí bên trong con người các em, thậm chí lệch lạc so với các chuẩn mực xã hội.

– Khó khăn trong hình thành mẫu người lí tưởng

Cuối cấp tiểu học và đầu cấp trung học cơ sở, việc hình thành mẫu người lí tưởng đã có tính khái quát hơn và rõ ràng hơn về những phẩm chất nhân cách mà các học sinh ngưỡng mộ. Quá trình xây dựng các hình tượng về những “phẩm chất nhân cách lí tưởng” của học sinh đều trải qua sự tìm kiếm, trăn trở,”cân lên đặt xuống”. Câu hỏi “mình là ai?” luôn thường trực trong suy nghĩ và hành động của học sinh cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây thực sự là quá trình rất tích cực, khó khăn và nhạy cảm đối với học sinh. Bên cạnh những em tự tìm ra cho mình những mẫu người lí tưởng có nhiều điểm tốt đáng ngưỡng mộ và học hỏi thì một bộ phận học sinh trung học cơ sở lại đề cao những mẫu người nổi tiếng theo hướng tiêu cực (phát ngôn gây sốc, hình ảnh kì dị, lối sống lập dị…) để hướng tới.

– Khó khăn trong phát triển khả năng tự khẳng định bản thân

Tự khẳng định bản thân là cấu trúc tâm lí đặc trưng ở tuổi trung học cơ sở. Trong việc hình thành và phát triển khả năng tự khẳng định bản thân, học sinh trung học cơ sở gặp những khó khăn tâm lí sau:

+ Khó khăn trong việc tự đánh giá bản thân

Do đặc điểm lứa tuổi, học sinh trung học cơ sở có xu hướng tự đánh giá bản thân cao hơn thực tế. Do đặc điểm tâm lí này nên khi gặp thất bại trong một hoạt động hay lĩnh vực nào đó có thể dẫn đến tâm lí thất vọng, nhận thức sai lệch các giá trị của bản thân học sinh. Mặt khác, trong khi tự đánh giá bản thân về lĩnh vực học tập, sự phát triển trí tuệ và các biểu hiện của năng lực có tính khách quan hơn thì tự đánh giá về các phẩm chất của học sinh trung học cơ sở lại gặp một số khó khăn, trở ngại. Ý thức về các phẩm chất của bản thân của học sinh trung học cơ sở được hình thành qua thực tiễn hoạt động, qua sự nhận xét, đánh giá của người khác, nhất là của cha/mẹ, giáo viên và bạn bè về các em. Trong các trải nghiệm thực tế đó, nhiều học sinh đã bộc lộ, thể hiện được ý thức, niềm tin và khả năng thực tế của mình, từ đó tạo ra sự tự tin và bản lĩnh. Tuy nhiên, không ít học sinh không đủ kinh nghiệm sống, không đánh giá đúng bản thân nên khi trải nghiệm sự thất bại có thể khiến các em có tâm lí bi quan, tự ti về khả năng của mình. Nếu không được giáo viên kịp thời trợ giúp, giải toả sự lo âu, sẽ dẫn đến trạng thái suy sụp, mất niềm tin vào bản thân trong cuộc sống ở nhiều học sinh.

+ Hạn chế về khả năng tự khẳng định bản thân

Khi tự ý thức về bản thân, đôi khi học sinh trung học cơ sở còn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa tự khẳng định bản thân với tính cố chấp, bướng bỉnh. Do nhu cầu tự khẳng định cao, kết hợp với việc mở rộng các mối quan hệ giao tiếp nên trong ứng xử với người khác, nhiều học sinh đã đồng nhất tự khẳng định với tâm lí “tự mình, do mình”: tự mình làm mọi việc, không muốn và không cần sự hỗ trợ của người lớn; không muốn người lớn can thiệp vào mọi hoạt động và sinh hoạt của mình; có các hành vi phản ứng lại người lớn; tính phê phán, chống đối, làm khác đối với các tác động của người lớn v.v.. Trong khi đó, trên thực tế học sinh chưa đủ kinh nghiệm và trải nghiệm để nhận ra hậu quả của những suy nghĩ và hành động nhất thời của mình. Điều này dẫn tới hậu quả là nhiều em gặp khó khăn trong hoạt động học tập, tu dưỡng, các mối quan hệ và đời sống do không sẵn sàng tiếp nhận sự quan tâm, trợ giúp của người lớn.

+ Khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và các hành vi không mong đợi

So với các lứa tuổi khác trong suốt cuộc đời cá nhân, tuổi học sinh trung học cơ sở là giai đoạn xuất hiện nhiều nhất các cảm xúc với cường độ mạnh và nhiều khi có tính chất cực đoan. Do ảnh hưởng của quá trình hưng phấn của hệ thần kinh diễn ra mạnh mẽ hơn so với quá trình ức chế, học sinh thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân. Cũng trong giai đoạn lứa tuổi này, những hành vi không mong đợi đợi từ những phát ngôn thiếu suy nghĩ, đến các hành vi phá phách, bạo lực, chống đối lại cha/ mẹ, thầy cô giáo, bỏ tiết, bỏ học v.v.. diễn ra thường xuyên hơn, gây nên những trở ngại nhất định cho công tác giáo dục và dạy học trong nhà trường.
Trong thực tiễn, giáo viên cần nhận diện sự khác nhau giữa các hành vi không mong đợi của học sinh: Thứ nhất, hành vi cố ý do động cơ không lành mạnh (làm hại người khác, trả thù, thói quen kiểm soát và bắt người khác phục tùng). Thứ hai, hành vi không mong đợi xuất phát từ khả năng kiểm soát kém. Những hành vi này có nguyên nhân từ sự biến động mạnh của các yếu tố sinh lí thần kinh (hiện tượng dậy thì, sự linh hoạt, hưng phấn mạnh của hệ thần kinh, sự thay đổi các hoocmon…); Thứ ba, hành vi không mong đợi diễn ra do xu hướng vươn lên làm người lớn và sự phát triển mạnh mẽ của nhu cầu tự khẳng định, trong khi khả năng kiểm soát cảm xúc còn hạn chế… Nếu được trợ giúp, tư vấn kịp thời, phù hợp sẽ giúp học sinh trung học cơ sở hiểu về sự phát triển của mình hơn, có khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi hiệu quả hơn.

– Ngoài ra, còn có một số em học sinh – do ảnh hưởng bởi đặc điểm tâm lí tuổi dậy thì, kết hợp với những yếu tố môi trường xã hội tiêu cực (sự phát triển của Internet, các trào lưu văn hóa của giới trẻ thiếu chuẩn mực…) có thể dẫn đến các hành vi giới tính không phù hợp như quan hệ tình dục sớm, thực hiện hành vi lệch lạc giới tính (thủ dâm quá thường xuyên), hoặc có những trò chơi tính dục khác v.v..

– Khó khăn của học sinh trung học cơ sở trong phát triển bản thân

+ Khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh bản thân

+ Khó khăn trong hình thành mẫu người lí tưởng

+ Khó khăn trong phát triển khả năng tự khẳng định bản thân

3. Các yếu tố tác động đến tâm lí học sinh trung học cơ sở trong bối cảnh xã hội mới

a. Tác động của Internet và mạng xã hội đến tâm lí học sinh trung học cơ sở

– Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển với nhiều thành tựu vượt cấp, chúng ta không thể phủ nhận những tác động tích cực mà Internet và mạng xã hội mang đến cho con người. Với trẻ em nói chung và học sinh trung học cơ sở nói riêng, Internet, mạng xã hội cũng có những vai trò to lớn và tác động tích cực đến sự phát triển tâm lí của các em:

+ Tạo ra tài nguyên vô cùng phong phú và vô tận thông tin; tạo ra hệ thống dữ liệu, mà dù thông minh, năng lực phi thường đến đâu cũng không thể khai thác hết được. Nói một cách hình ảnh, học sinh có thể “tha hồ” vùng vẫy trong thế giới thông tin – nguồn thức ăn vô tận cho hoạt động nhận thức và trí tuệ;

+ Giúp cho nhận thức của nhân loại luôn được “làm mới” một cách nhanh chóng. Nhờ mạng xã hội, những phát minh, sáng chế và các thông tin hữu ích nhanh chóng được lan truyền, phổ biến. Điều đó góp phần gia tăng sự nhận thức, hiểu biết về khoa học và làm cho cuộc sống của con người nói chung, của học sinh nói riêng ngày càng trở nên văn minh hơn, khoa học học.

+ Là công cụ học tập, công cụ sáng tạo và góp phần giúp học sinh phát triển hơn các tiềm năng, năng lực của bản thân mình. Nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, giới trẻ và học sinh trung học cơ sở nói riêng được tiếp thu thành tựu của nhân loại, phục vụ cho việc thể hiện trí thông minh, sức sáng tạo của học sinh. Phát triển phương thức học phi truyền thống hỗ trợ phương thức học truyền thống và dần dần trở thành phương thức học cơ bản trong thời đại số và kết nối mạng.

+ Giúp phát triển năng lực hợp tác, tương tác trên quy mô rộng lớn hơn; xoá nhoà khoảng cách về không gian, khắc phục bất bình đẳng về tầng lớp và hoàn cảnh, tạo ra sự đoàn kết mang tính quốc gia, quốc tế.

– Tuy nhiên, do tác động của việc sử dụng Internet, mặt trái mạng xã hội, học sinh trung học cơ sở cũng đứng trước các nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực đến đặc điểm tâm lí lứa tuổi như:

+ Loạn thông tin, dẫn đến biến học sinh thành “thùng thông tin” nếu không được định hướng cách thức xử lí, sàng lọc và khai thác.

+ Nguy cơ nhiễm độc từ các thông tin xấu, tiêu cực, phi giáo dục, thiếu tính nhân văn

+ Nguy cơ trở thành tội đồ của mạng do thiếu ý thức, không làm chủ hành vi của mình; theo thói quen a dua mạng; dẫn đến lệch lạc về nhận thức, hành vi; xuất hiện bạo lực, khủng bố mạng (ngôn ngữ, hành vi), gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, phẩm giá, thậm chí tính mạng của người khác.

+ Trở thành nạn nhân của mạng xã hội do bị khống chế, đe doạ, lừa đảo, lợi dụng, lạm dụng và ép buộc bởi các đối tượng xấu.

+ Nguy cơ nghiện mạng xã hội dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập quan hệ xã hội (với cha mẹ, thầy cô, bạn bè); sống ảo, gắn với nhu cầu tương tác cao với các mạng. Hậu quả trở thành con người thiếu cảm xúc nhân bản, khuyết thiếu về quan hệ xã hội và lệch lạc, ảo tưởng về nhân cách do quá lệ thuộc và bị chi phối bởi thế giới ảo.

– Những vấn đề đặt ra đối với tâm lí học sinh trung học cơ sở khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Từ năm học 2020 chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai với học sinh lớp 1 trong cả nước. Theo lộ trình trong những năm học tiếp theo học sinh ở các cấp sẽ thực hiện chương trình này với những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cũng như sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá. Định hướng thay đổi một cách đồng bộ, toàn diện từ nội dung, phương pháp đến hình thức kiểm tra, đánh giá trong hoạt động giáo dục và dạy học sẽ đặt ra hệ thống yêu cầu mới, qua đó, giúp hình thành ở học sinh trung học cơ sở những năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tính tích cực và vai trò của người học được đề cao nên học sinh có cơ hội được:

+ Phát triển toàn diện các năng lực và phẩm chất cần có của người công dân trong xã hội hiện đại.

Giảm tải kiến thức, chú trọng thực hành – trải nghiệm là một sự chuyển biến rõ rệt, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người học. Các em học sinh sẽ được tiếp cận với một chương trình gắn liền với các năng lực và phẩm chất cần có, nhưng được thực hiện bằng các phương pháp sinh động, gợi mở và với nội dung gắn với đời sống học đường hơn.
Được phát triển các năng lực hành động của bản thân (bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể) qua việc thực hiện các chuyên đề học tập liên môn, trong đó tập trung vào các năng lực cốt lõi.

+ Được phát huy đến mức tối đa sự tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. Học sinh vừa được học tập các môn học/chủ đề cơ bản, đồng thời còn có sự phân hóa sâu khi thực hiện những chuyên đề học tập, dự án.

Tuy nhiên, để Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được hiệu quả, cũng đặt ra một số yêu cầu nhất định đối với học sinh trung học cơ sở:

+ Để thích ứng với những yêu cầu đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi khả năng thích ứng, linh hoạt và sáng tạo ở nhiều học sinh.

+ Mặc dù kiến thức hàn lâm được giảm tải, nhưng sẽ đòi hỏi học sinh phải rèn luyện và trang bị cho mình nhiều kĩ năng xã hội hơn; học tập đào sâu hơn và cũng đồng thời đáp ứng những mục tiêu phát triển các phẩm chất mà chương trình đặt ra. Điều này có thể là một thử thách với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, học sinh nông thôn, học sinh khuyết tật, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

+ Học sinh phải hình thành phương pháp học tập vừa khoa học, vừa phù hợp với tính chất môn học và nhất là phù hợp với những đặc điểm riêng về phong cách, phương pháp học tập, tư duy của bản thân.

+ Tính tích cực, tự giác của học sinh được phát huy đến mức tối đa, đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển kĩ năng hợp tác và giải quyết vấn đề. Với những học sinh đầu cấp trung học cơ sở thì đây cũng có thể là một khó khăn cần đến sự tư vấn, hỗ trợ của giáo viên.

+ Chương trình mới chú trọng phát huy tinh thần hợp tác, kĩ năng làm việc nhóm nhằm khuyến khích học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập có tính chất tích hợp và phân hóa một cách hiệu quả nhất. Đây vừa là cơ hội để học sinh phát triển bản thân, nhưng cũng là thách thức đối với nhiều học sinh trung học cơ sở hiện nay.

b. Tác động của môi trường kinh tế – văn hóa hội nhập quốc tế

Việt nam là một trong những quốc gia có chủ trương về hội nhập sâu và rộng. Hội nhập quốc tế được thể hiện trong những lĩnh vực sau: Hội nhập về kinh tế; hội nhập về thể chế quản lí hành chính; các sinh hoạt văn hoá; chia sẻ thông tin và cơ hội; hợp tác trên phạm vi khu vực, toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề và đối phó với những nguy cơ của nhân loại. Hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lí học sinh nói chung, học sinh trung học cơ sở nói riêng.

c. Những tác động tích cực:

Hội nhập quốc tế có tác động tích cực đến tâm lí học sinh trên các phương diện sau:

–  Phát triển các năng lực công nghiệp như trí tuệ công nghiệp, tư duy công nghiệp; các phẩm chất tâm lí cá nhân phù hợp với sản xuất công nghiệp và công nghệ.

– Tiếp cận và tiếp thu các thành tựu văn minh, văn học, nghệ thuật và khoa học của nhân loại và của các dân tộc khác trên thế giới thông qua các loại hình trường lớp có yếu tố quốc tế và các chương trình hiện đại

– Hình thành và phát triển các năng lực hợp tác trong công việc và trong các lĩnh vực khác của đời sống

– Phát triển các phong cách, tác phong công nghiệp, công nghệ trong học tập và ứng xử xã hội.

– Chia sẻ những giá trị văn hoá của dân tộc thông qua các hoạt động giao lưu

d. Những tác động tiêu cực:

– Cùng với việc tiếp thu những giá trị tốt đẹp, những thành tựu khoa học, công nghệ tiến tiến, những năng lực công nghệ hiện đại của nhân loại, việc hội nhập quốc tế cũng có mặt trái tác động đến sự phát triển tâm lí học sinh như lối sống thực dụng, máy móc, duy lí; thậm chí cực đoan xa rời những giá trị văn hoá cốt lõi của dân tộc.

– Với những trào lưu văn hóa mới của giới trẻ, trong số đó có những xu hướng không phù hợp với chuẩn mực, giá trị của dân tộc lại được thanh thiếu niên nói chung, học sinh trung học cơ sở nói riêng đón nhận và hưởng ứng.

– Sự tác động của hội nhập quốc tế có thể xóa nhà ranh giới giữa những giá trị toàn cầu và giá trị dân tộc. Hệ giá trị của học sinh trung học cơ sở đang trên con đường phát triển và hoàn thiện, các em rất dễ “du nhập” những hệ giá trị mới mà không có bất cứ sự đề phòng, chắt lọc nào.

* Tóm lại: Những tác động của bối cảnh xã hội mới đến đặc điểm tâm lí của học sinh trung học cơ sở vừa mang tính tích cực, lại vừa có những ảnh hưởng tiêu cực. Ở một giai đoạn mà học sinh luôn nhạy cảm với cái mới lạ, chưa có nhiều kinh nghiệm xã hội để nhận biết đâu là những giá trị đáng quý, đáng trân trọng và có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển nhân cách của mình, thì sự tư vấn, hỗ trợ của các giáo viên trong nhà trường sẽ như là một cách phòng ngừa hiệu quả nhất trên bước đường trưởng thành của học sinh trung học cơ sở.

Video liên quan

Chủ đề