Điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Quy định pháp luật về cho vay chính sách

  • 1. Cho vay chính sách là gì? Đối tượng chính sách được vay vốn là ai?
  • 1.1. Cho vay chính sách là gì?
  • 1.2. Đối tượng chính sách được vay vốn là ai?
  • 2. Mục đích sử dụng vốn vay chính sách là gì?
  • 3. Điều kiện và mức vay vốn cho sinh viên từ 15/06/2017
  • 4. Lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung

Cơ sở pháp lý

- Nghị định 78/2002/NĐ-CP

- Luật hỗ trợdoanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017

- Luật việc làm năm 2013

- Thông tư 41/2014/TT-NHNN

1. Cho vay chính sách là gì? Đối tượng chính sách được vay vốn là ai?

1.1. Cho vay chính sách là gì?

Điều 1 Nghị định 78/2002/NĐ-CP quy định Cho vay đối tượng chính sách là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sốhg; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội.

1.2. Đối tượng chính sách được vay vốn là ai?

Người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi gồm: hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm; các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; thuộc khu vực II, III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135); các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ như người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương. (Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP)

Ngân hàng Chính sách xã hội được giao nhiệm vụ cho vay đối với các đối tượng nêu trên.

Trừ các đối tượng vay vốn để giải quyết việc làm và các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc Chương trình 135, người nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn không phải thế chấp tài sản. Riêng đối với hộ nghèo, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. (Điều 3 Nghị định 78/2002/NĐ-CP)

2. Mục đích sử dụng vốn vay chính sách là gì?

Vốn cho vay được sử dụng vào các mục đích sau: (Điều 14 Nghị định 78/2002/NĐ-CP)

+ Đối với hộ nghèo; hộ sản xuất kinh doanh thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để: mua sắm vật tư, thiết bị, giông cây trồng, vật nuôi, thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch, học tập;

+ Đối với các tổ chức kinh tế thuộc hải đảo, thuộc khu vực II, III miền núi và các xã thuộc Chương trình 135, sử dụng vốn vay để chi phí cho sản xuất, kinh doanh theo chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sử dụng vốn vay để mua sắm phương tiện học tập và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập tại trường;

+ Đối với đối tượng chính sách đi lao động có thòi hạn ỏ nước ngoài, sử dụng vốn vay để trả phí đào tạo, phí dịch vụ, tiền đặt cọc, vé máy bay;

+ Người vay là các đôì tượng khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ.

Pháp luật quy định một số trường hợp cho vay, bảo lãnh có tính chất chính sách. Đó là việc cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước; cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với việc cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thì áp dụng một số chính sách ưu đãi. Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. (khoản 1 Điều 20 Luật quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017)

Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tiến tới đủ bù đắp chi phí về vốn, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. (Điều 10 Luật Việc làm năm 2013)

Ngoài ra có một số quy định cho vay khác mang tính chính sách như cho vay vốn hộ nông dân, chủ trang trại, đại diện hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối vay vốn đến 20 triệu đồng để sản xuất nông sản hàng hóa, hoặc vay dưới 50 triệu đồng để sản xuất giống thủy sản không phải thế chấp tài sản; hợp tác xã, doanh nghiệp vay dưới 50 triệu đồng để sản xuất giống thủy sản không phải thế chấp tài sản. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với người sản xuất, doanh nghiệp theo quy định hiện hành. (Thông tư số 05/2002/TT-NHNN)

3. Điều kiện và mức vay vốn cho sinh viên từ 15/06/2017

Chào công ty luật Minh Khuê, mong luật sư giải đáp giúp tôi vướng mắc sau đây ạ. Con tôi đang theo học đại học dưới Hà Nội. Nhà có mình tôi là lao động chính nên không có đủ thu nhập để lo cho con học với các khoản học phí và thuê nhà ở dưới thủ đô. Tôi có nghe nhiều người khuyên vay vốn sinh viên cho cháu đi học nhưng không nắm rõ. Vậy luật sư cho tôi hỏi pháp luật quy định điều kiện như thế nào sẽ được vay và mức vay được bao nhiêu? Rất mong được giải đáp. Xin cảm ơn! (Thoa - Tuyên Quang)

Chào bạn, vướng mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

TheoQuyết định 751/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng về việc điều chỉnh mức cho vay với học sinh, sinh viên, từ ngày 15/6 mức vay tối đa với mỗi em là 1.500.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng so với quy định cũ. Việc này áp dụng với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định có hiệu lực.

Các quy định về đối tượng vay vốn, thủ tục cho vay, lãi suất và hạn trả… vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó:

Đối tượng được vay vốn gồm:

- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

- Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Điều kiện vay vốn

- Học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay có đủ các tiêu chuẩn nêu trên

- Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường

- Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Phương thức cho vay

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với học sinh, sinh viên theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên là 0,5%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Thời hạn trả nợ

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Trong thời hạn phát tiền vay đối tượng được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; lãi tiền vay được tính kể từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc.

Đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học. Mức trả nợ mỗi lần do Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn và được thống nhất trong hợp đồng tín dụng.

Nếu người vay trả nợ trước hạn, có thể được ưu đãi lãi suất. Nếu người vay gặp khó khăn, có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn.

4. Lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung

Thưa luật sư, luật sư cho tôi hỏi lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được quy định như thế nào? Mong được luật sư giải đáp. Xin cảm ơn! (Ngọc Hùng - Quảng Nam)

Chào bạn, thắc mắc của bạn chúng tôi nghiên cứu và giải đáp như sau:

Lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được quy định tại Điều 5 Thông tư 41/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành. Cụ thể là:

Lãi suất cho vay áp dụng là 3%/năm.

Căn cứ nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét và quyết định mức cho vay, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng/hộ gia đình

Căn cứ quy định trên đây thì lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung là 3%/năm.

Ngoài ra, thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc, lãi là 05 năm tính từ thời điểm hộ gia đình bắt đầu nhận khoản vốn vay đầu tiên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "cho vay chính sách là gì? Đối tượng vay chính sách là ai?"

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập)

Video liên quan

Chủ đề