Dưới triều Nguyễn ở nửa đầu the kỷ 19 Tình hình xã hội như thế nào

Cuộc tranh luận hơn thế kỷ

Hơn một thế kỷ nay (nếu chỉ tính từ khi vua Tự Đức qua đời) ở trong nước cũng như ở nước ngoài, người ta đã viết rất nhiều, tranh luận nhiều và có những cách nhìn khác nhau về chân dung đích thực của triều Nguyễn và xã hội Việt Nam thế kỷ XIX. Nói chung có ba loại ý kiến:


- Loại thứ nhất đánh giá cao công lao khôi phục lãnh thổ thống nhất của triều Nguyễn, công lao xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá…

Việt Nam thời Nguyễn là một xã hội ổn định và phát triển, cương giới lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị được bảo đảm.

- Loại thứ hai phê phán các vua Nguyễn đã thực hiện những chính sách cai trị lỗi thời, cố chấp, hẹp hòi, làm cho xã hội trì trệ, tiềm lực dân tộc hao mòn.

- Băn khoăn khi đối chiếu hai mặt ổn định và rối loạn của xã hội thời Nguyễn, lưỡng lự khi đánh giá những cố gắng của các triều Nguyễn và hiệu quả thực tế đối với đất nước. Tóm lại là chưa xác định được rõ nét triều Nguyễn đã thúc đẩy sự phát triển xã hội hay đã kìm hãm nó trước xu thế thời đại, đó là loại thứ ba.


Chúng tôi xin phép thử lướt qua các loại ý kiến nói trên, hy vọng rút ra những điều bổ ích để tiếp cận với chân dung đích thực của xã hội Việt Nam thế kỷ XIX.

Về các vua Nguyễn:

Nhiều ý kiến cho rằng vua Gia Long (và Nguyễn Ánh trước đó) là “một con người tài ba, kiên trì, rất biết dùng người”.

Phải ghi nhận công lao của các vua Gia Long, Minh Mạng trong sự nghiệp dựng nước, mở rộng cương vực.

“ Không một người Việt Nam nào thành thật yêu nước mà lại không coi Gia Long như một Henri IV đối với người Pháp hay một Jefferson đối với người Mỹ”(1) hoặc Gia Long là “một người không biết mệt mỏi chán nản, rất điềm tĩnh và mẫu mực” (2), “là một nhà cai trị lỗi lạc” (3)…

Vua Minh Mạng là ông vua hết sức thông minh, có lý luận, chỉ hơi nặng tư tưởng bành trướng, là một nhà tổ chức chính quyền xuất sắc, “một con người hoạt bát, đầy uy quyền và độc đoán” (4), “lên cầm quyền mới có 28 tuổi rưỡi, sức khoẻ không dồi dào, nét mặt lạnh lùng, nhưng nhà vua thông minh, cương quyết và rất tận tâm với nước với dân” (5).

Còn vua Tự Đức là “một vị hoàng đế lỗi lạc. Với cặp mắt sâu thẳm và phong cách đặc sắc, Tự Đức làm cho người ta liên tưởng đến một mẫu người Ai Cập cổ đại” (6). Đặc biệt, Tự Đức có cống hiến to lớn vào nền văn hoá dân tộc, “tạo lên quốc hồn quốc tuý Việt Nam ở thế kỷ XIX” góp công đầu hình thành nền “văn hoá Phú Xuân” mà dấu ấn của nó còn đậm nét trong văn hoá Nam bộ ngày nay. Rất nhiều di tích lịc sử, Đền Chùa đã được trùng tu, tôn tạo dưới các triều vua Nguyễn và Tự Đức nói riêng.

Ngược lại có nhiều ý kiến cho rằng Gia Long “không phải là một triều đại của sự ổn định, thái bình và cần lao…, thực ra Gia Long đã bị ngập chìm trong biến cố” (7). Còn như dưới triều Minh Mạng, “nhà vua với bàn tay sắt, đã biết đập tan mọi sự chống đối, dập tắt mọi sự bất phục, và hình như dân An Nam đang sống trong thái bình, nhưng lại là một kiểu thái bình nơm nớp lo sợ những cuộc đàn áp của vị hoàng đế tàn bạo hơn là sự yên tĩnh thực sự” (8).

Về chính sách cai trị:

Đánh giá cao nền thống trị của triều Nguyễn, có những tác giả cho rằng: Dưới triều Gia Long, Việt Nam trở thành một nước cường đại, từ xưa tới nay chưa hề từng thấy (9). Nhìn chung, suốt một thời kỳ dài (1802 - 1884), triều Nguyễn “đã có công lao to lớn đối với lịch sử dân tộc”.

Nhiều người nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh chính sách khẩn hoang của các vua Nguyễn, khẳng định ý nghĩa to lớn cũng như hiệu quả xuất sắc củ nó. Đặc biệt Bộ luật Gia Longlà một bộ luật tiến bộ, có tính độc lập cao, thể hiện những lỗ lực của triều Nguyễn nhằm giải quyết những vấn đề của nội bộ xã hội Việt Nam đương thời. Luật Gia Long phản ánh những nhân tố tư bản chủ nghĩa, nếu bộ luật tác động có hiệu quả hơn đối với xã hội thì những nhân tố này sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Có nhận xét khái quát hơn: “Ở giữa thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam đã tiến đến một thế quân bình…, đạt đến một nền dân chủ đối đa trong một chế độ chuyên chế tuyệt đối”, và “bộ máy quan lại xuất thân khoa cử của triều Nguyễn là một mẫu chính quyền mà biết bao triết gia phương tây của thế kỷ XVIII, XIX hằng mơ ước” (10).

Nhưng lại có những ý kiến coi Bộ luật Gia Longhầu như chỉ là bản sao chép bộ luật nhà Thanh, và xét về tính chất thì “chưa có một bộ luật nào phản dân chủ như Bộ luật Gia Long, nó không mang lại một chút vinh dự nào cho nền pháp chế Việt Nam mà chỉ là công cụ cho một chính sách chuyên chế” (11).

Riêng về mặt Văn hoá, nhiều ý kiến khẳng định: triều Nguyễn đã để lại cho lịch sử một di sản văn hoá khổng lồ. Riêng số lượng sách được viết ra trong 2/3 thế kỷ XIX nhiều hơn sách của 300 năm trước đó cộng lại.

Gần đây, có nhà lịch sử pháp Philippe Langiet lại cho rằng các vua Nguyễn đã “xây dựng nền văn hoá chính thống trên cơ sở ý thức hệ Khổng giáo rập khuôn Trung Hoa, thiếu hẳn bản sắc dân tộc”. Do vậy, “văn hoá chính thống của triều Nguyễn chưa ăn nhập bao nhiêu với tính kế thừa lịch sử dân tộc” (12).

Như vậy thì phải chăng nên có sự phân biệt về tính chất giữa văn hoá chính thống với văn hoá dân gian và với di sản văn hoá dân tộc nói chung?

Về cục diện xã hội thời Nguyễn:

Theo nhiều ý kiến, với triều Nguyễn “lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chế độ quân chủ chuyên chế đã phát triển đến độ cực thịnh và toàn diện”, “an ninh trật tự đã được vãn hồi trên khắp lãnh thổ”, “đại đa số dân chúng đã công nhận nhà Nguyễn…, một thế hệ mới đang lên với lý tưởng hào hùng của kẻ làm trai đã gắn liền sự nghiệp của mình với vinh quang của triều Nguyễn” (13). Và “nước ta thời Minh Mạng qua Thiệu Trị đến mấy năm đầu triều Tự Đức là giai đoạn tương đối yên trị nhất…, với một nền nông nghiệp tự túc cổ truyền, một nền cai trị tương đối lương hảo, xã hội Việt Nam giữ được thế quân bình trong sự sinh hoạt” (14).

Chỉ tiếc rằng nông dân và những lực lượng chống đối cứ hay nổi dậy “buộc triều đình phải đem quân đi đàn áp, làm cho làng xóm bị tàn phá, hoa màu bị thiêu huỷ, ruộng đồng bị bỏ hoang, đê điều không tu sửa được, do đó bị lụt đói”. Mặt khác triều đình phải tốn kém vào các cuộc đàn áp, làm hao cạn công quỹ, càng khuyến khích quân xâm lược đánh chiếm nước ta. Vua Tự Đức buộc phải ký hoà ước nhận những điều khoản do Pháp đưa ra cũng chỉ vì “để rảnh tay dẹp loạn” (15).

Ngược lại, nhiều người nghiên cứu khẳng định: Chưa ở thời kỳ nào các cuộc nổi dậy và chống đối của các tầng lớp dân chúng lại nhiều, rộng lớn và liên tục như ở thời Nguyễn. Cục diện này hẳn đã phản ánh nỗi căm oán của nhiều tầng lớp xã hội. Có ý kiến còn khẳng định hơn: Vua Gia Long chỉ thành công trong việc tiêu diệt Tây Sơn nhưng “hoàn toàn thất bại trong việc thu phục dân tâm toàn quốc” (16). Lại có những sử gia nước ngoài lưu ý rằng: Tìm hiểu xã hội Việt Namthời Nguyễn mà không tìm hiểu cục diện đấu tranh xã hội và phản ứng của các tầng lớp dân chúng thì chưa thể hiểu được thực chất xã hội Việt Nam thời đó. Ví như, theo Davit Marr: “Mặt tối của các tác giả phương tây là làm cho người ta thấy rõ việc người Pháp đã thâm nhập như thế nào (vào Việt Nam), nhưng mặt hạn chế là nó không mô tả được đầy đủ phản ứng cua người Việt Nam mà xét về mặt lịch sử thì phản ứng này lại là cái vế có ý nghĩa hơn của phương trình”(17).

Về nguyên nhân mất nước:

Không ít ý kiến khẳng định: Việt Nam mất vào tay Thực dân Pháp là một tất yếu lịch sử, hoặc ít ra cũng do trình độ dân trí Việt Nam quá thấp kém so với kẻ xâm lược, “nhà Nguyễn mất nước với tây phương chỉ là vì văn minh nông nghiệp của Á - đông hết sức lạc hậu, yếu hèn, mà văn minh khoa học cùng cơ giới của tây phương lại quá mạnh mà thôi”(18).

“Đã vậy thì không thể đổ trách nhiêm mất nước cho các vua Nguyễn, mà đó là nỗi của cả dân tộc, của cả thời đại. Hậu thế phải biết ơn vua Gia Long đã chủ động làm cho Đông - Tây nhích lại gần nhau. Chỉ tiếc rằng con người Việt Nam bấy giờ chưa đủ chin để tiếp thu tầm nhìn vượt trước thời đại của Nguyễn Ánh - Gia Long, chẳng khác nào con nhộng còn nằm trong vỏ kén, nó muốn chui ra khỏi kén nhưng chưa đủ năng lực để chọc thủng lưới bao” (19).

Nhưng cũng không hiếm ý kiến cho rằng Nguyễn Ánh đã “cong rắn cắn gà nhà” để rút cục Tự Đức “bán rẻ đất nước” cho thực dân. Vậy thì triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tội ác trời không dung, đất không tha, để cho tên tuổi của đất nước một lần nữa, sau hàng ngàn năm độc lập, bị quân cướp nước xoá khỏi bản đồ thế giới” (20).

Có lẽ những thế hệ hiện diện hôm nay đã có điều kiện để bình tĩnh hơn khi nhìn nhận vấn đề.Người ta cảm thấy dễ chấp nhận hơn khi cho rằng triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm “để mất nước”, và hậu thế không thể không phê phán Nguyễn Ánh trong việc ký hiệp ước với Versailles cũng như việc đưa quân Xiêm về Rạch Ngầm - Xoài Mút.

Mất nước không phải là tất yếu. Nhưng tại sao để mất? Nguyên nhân chính là vì bấy giờ không có người lãnh đạo. Cách đây ngót thế kỷ cũng đã có một sử gia Pháp - Gosselin - Suy nghĩ như vậy: “Những vị hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dân xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có quyền được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì hết” (21). Thực ra, không nên chỉ quy trách nhiệm cho các vua Nguyễn, mà còn phải quy cho cả đám quần thần. Nói cụ thể hơn, triều Nguyễn thua Pháp vì lúng túng về đường lối chính trị dẫn đến lung túng về quân sự; Tuy quân lực không yếu mà phải chịu thua. Sự lúng túng còn thể hiện trong nỗi lo sợ trước luồng tư tưởng mới đang tràn vào. Lo sợ, nhưng không có giải pháp hữu hiệu, đành “thu mình, đóng kín”.

Càng lúng hơn khi triều Nguyễn đồng thời phải đối phó với những mâu thuẫn nội tại rất nghiêm trọng, mà những mâu thuẫn này lại bị sự chi phối rất mạnh của các áp lực bên ngoài. Riêng đối với Gia - tô giáo thì triều Nguyễn đã từ lúng túng đi tới bế tắc, không đủ sức chuyển đổi tư duy để có biện pháp thích hợp.

Chính sách triều Nguyễn “mở cửa” hay “đóng cửa”?

Có một điểm hầu như được giới sử học nhất trí là: Bước sang thế kỷ XIX, xu thế phát triển của xã hội Việt Nam có những chuyển biến mới. Từ năm 1802, triều Nguyễn thống trị một quốc gia thống nhất, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - văn hoá, “mở cửa” cho đất nước vươn ra thế giới bên ngoài, kích thích sản xuất hàng hoá và giao lưu trong nước…

Nếu như một số tư liệu của những người nước ngoài có mặt ở nước ta thời Nguyễn đáng được tham khảo, thì hình như tình hình kinh tế và công thương nghiệp nói riêng, đặc biệt hoạt động ngoại thương Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX không phản ánh những yêu cầu và xu thế thời đại. Có thể dẫn ra đây vài đoạn ghi chép của một người Mỹ đến nước ta hồi cuối đời Gia Long tên là John white trong cuốn một chuyến hành trình đến xứ Cochinchina (A voyage to Cochinchina - Boston, 1823).

J. White đã viết về tình hình buôn bán dọc ven biển phía Nam như sau: “Việc buôn bán ven biển xứ này có vẻ hoạt động nhưng chỉ là giả tạo thôi, vì hàng hoá trên các thuyền bản địa không đáng bao nhiêu. Thuyền buôn không bao giờ đủ hàng để trao đổi, vì nhà vua buộc mỗi thuyền phải chở cho triều đình một số hàng, thường là gạo, thực phẩm cho quân lính, gỗ và vật liệu xây dựng, quân nhu cho các đạo binh”. Riêng về ngoại thương, tác giả viết: “Nền thương mại của xứ Cochinchina hiện nay chẳng còn gì so với trước kia (…). Tất cả số đường sản xuất năm 1819, từ Đồng Nai đến Nha Trang chỉ được hơn 2000 piculs (1 piculs = 62 kg 500) và hai chiếc tàu của chúng tôi đã mua hết. Việc buôn bán với Ma Cao hoàn toàn bị cắt đứt. Thời gian tôi ở Sài Gòn, có hai tàu Pháp đến Đà Nẵng và Huế. Bỏ neo năm tháng, họ chỉ được nửa số đường và một ít tơ sống, và đó cũng là sản phẩm chủ yếu hàng năm của các tỉnh phía Nam ”. Về hoạt động ở Hội An, Đà Nẵng, J. White cho biết: “Trên đường tới Đà Nẵng, chúng tôi qua cảng và thành phố Hội An. Trước đây, Hội An là thị trường của các tỉnh phía Bắc… Người Bồ (ở Ma Cao) và người Nhật đã từng có hoạt động thương mại rất nhộn nhịp ở cảng này. Nhưng bây giờ Hội An rất nghèo nàn, hoang phế, rất ít khi hoặc chẳng bao giờ được tàu bè đến thăm, ngoài các thuyền địa phương và vài thuyền nhỏ từ phía Bắc vào”. Còn Đà Nẵng “vốn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới (…), trước đây là một thành phố cảng đông đúc, nay chỉ còn là một thành phố tồi tàn, bẩn thỉu”.

Giải thích tình trạng ngoại thương sa sút, tác giả viết: “tính cách tham tàn, thất tín, chuyên chế và ức hiếp buôn bán của nhà cầm quyền đã biến xứ Cochinchina thành một nơi không được người ta ưa thích nữa. Vì vậy mà người Nhật từ bỏ buôn bán, người Bồ cũng chuyển hoạt động của họ sang hướng khác… Những ai vị tha, và cả thế giới văn minh nói chung, chỉ có thể nhận thấy ở đất nước có thiên nhiên tươi đẹp này không khác gì hơn là một nỗi ân hận và thương hại sâu sắc”.

Trên thực tế, ở nửa đầu thế kỷ XIX vẫn thỉnh thoảng có tàu buôn phương tây (Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ) đến đặt quan hệ thông thương, nhưng triều đình thì từ chối, quan lại các cấp thì ăn hối lộ trắng trợn. J. White viết: “Người ta có thể liệt kê một bảng danh mục vô tận về các chức quan cấp dưới, mà bất cứ ai muốn thương lượng một công việc buôn bán ở xứ này đều phải đút lót cho họ”.

Nếu những tư liệu trên đây phần nào tin cậy được, thì hình như các vua triều Nguyễn - từ Gia Long đến Minh Mạng - không có chủ trương “mở cửa” đất nước. Chỉ sau hai lần đến Việt Nam, J. White đã có những nhận xét về triều Nguyễn: “Một ông vua có hiểu biết và theo đuổi các quyền lợi thực sự của đất nước sẽ chưa xây dựng những kinh thành như Huế mà tìm nguồn lợi phong phú ở biển cả, dưới sự bảo vệ của thuỷ quân mạnh (…).Ông vua đó sẽ bãi bỏ những hạn chế phiền hà kìm hãm nền thương mại và mời các láng giềng cùng người nước khác tham gia vào việc phát triển xứ sở một cách tự do. Đó cũng là cách làm giàu cho đất nước ông, vừa du nhập được công nghệ văn minh, tiên tiến hơn. Nhưng e rằng điều này sẽ không sớm được thực hiện, vì thái tử kế vị ngai vàng xứ Onam (ý nói Minh Mạng) là một người keo kiệt hẹp hòi…”.

Tại sao không “mở cửa”?

Theo những tư liệu hiện có, hình như các vua Nguyễn đã không lựa chọn đường lối “mở cửa đất nước” mà chỉ tập chung vào những biện pháp bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ và an ninh chính trị.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là vì sao các vua nguyễn không chọn “quốc sách mở cửa”? Có ý kiến cho rằng: Hậu sinh chúng ta không thể đòi hỏi các vua Nguyễn “mở cửa”, vì một lẽ đơn giản rằng “bản chất của phong kiến là “đóng” chứ không phải “mở”, “mở” là nguy ngay. Và trên thực tế, xã hội Việt Nam cho đến năm 1990 chưa có yêu cầu “mở cửa”” .

Nhiều ý kiến khác trái lại, cho rằng Việt Nam ở thế kỷ XIX cần phải “mở cửa” mới phù hợp xu thế và yêu cầu thời đại, thậm chí đó là yêu cầu cấp bách, sống còn của dân tộc; nhưng phải tìm hiểu vấn đề trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nó. Không nên trách các vua Gia Long, Minh Mạng một cách quá đơn giản, vì bấy giờ “mở cửa” hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, trong đó có âm mưu và thách thức của tư bản Pháp.

Các vua Nguyễn không phải không ý thức được vấn đề “mở cửa”, nhưng không dám thực hiện vì “sợ mất độc lập, trong lúc một biện pháp thích hợp hơn thì lại chưa thấy”.

Vậy thì phải chăng ở đây lại có vấn đề “bản lĩnh” của người Việt Nam trước thách đố của thời đại? Về điểm này, có lẽ người Nhật có lợi thế hơn người Việt Nam chăng?

Có ý kiến thận trọng hơn: Vấn đề quả là phức tạp, vì triều Nguyễn bị nhiều chi phối, ràng buộc. Lựa chon quốc sách “mở cửa” chưa chắc tình hình đã diễn biến như Nhật Bản, nếu như “quốc sách” đó chưa thuyết phục được quần thần, sĩ phu và nhiều tầng lớp khác.

Những nguồn tư liệu khác nhau gợi cho chúng ta một thực tế như sau: Ngay khi còn dựa vào các thừa sai Thiên Chúa giáo và người Pháp, trong thâm tâm Nguyễn Ánh đã bắt đầu nghi ngờ, gớm sợ người Pháp và các thừa sai. Vì vậy, sau khi lên ngôi, Gia Long muốn xa lánh họ, hơn thế, muốn cự tuyệt họ. Phương hướng giải quyết của Gia Long trong ngót 20 năm ở ngôi là cố sức giữ gìn mối quan hệ êm thấm với người Pháp và các thừa sai, vì thấy rằng ở hoàn cảnh của mình thì chưa thể “trở mặt” với họ được. Gia Long muốn kéo dài tình trạng nhùng nhằng đó cho đến hết đời mình và chuyển giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề cho kẻ nối ngôi. Có thể nói Gia Long đã tiến hành khá êm đẹp chủ trương hai mặt này, êm đẹp đến mức nhiều người đương thời và cả sau đó nghĩ rằng đường lối đối ngoại của Gia Long là thân Pháp và rộng rãi đối với các thừa sai.

Nhưng dẫu Gia Long có thực hiện chủ trương hai mặt một cách khôn khéo và kiên trì đến mấy thì ý đồ thầm kín cũng không thể nào dấu mãi. Gia Long nguyên tắc là phải truyền ngôi và ông đã chọn Minh Mạng (trong khi về nguyên tắc là phải truyền ngôi cho người con của hoàng tử Cảnh). Nhiều đại thần như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt thắc mắc thì Gia Long giải thích: “khi người ta chết mà còn để lại những món nợ trên đời thì chủ nợ thường tìm đến con mình chứ không phải cháu mình (phụ trải tử hoàn). Vì vậy Trẫm không thấy sai trái khi chọn một đứa con mà không chọn một đứa cháu”.

Thực ra, vấn đề không phải là “chọn con hơn chọn cháu” mà là phải chuẩn bị người kế vị có thể giải quyết rứt điểm “món nợ” mà vua cha đã “trót vay” của người Pháp và các thừa sai.

Một số tác giả trước đây trách Gia Long “thiếu sáng suốt”, ví như tác giả Louvet cho rằng: “Ông vua kế vị quyết định cự tuyệt người phương Tây…Chưa bao giờ vua Gia Long lại thiếu linh cảm bằng cái ngày ông quyết định một sự lựa chọn như vậy” (La Cochinchine religieuse - Pari, 1885). Về điểm này, tác giả Buttinger đã tinh tế hơn khi nhận thấy chính sách của Minh Mạng “về thực chất chỉ là sự thực hiện đường lối chính trị cơ bản của Gia Long mà thôi” (The smller dragon - Niu York, 1958).

Nhưng có lẽ vì tình thế bức bách nên vừa lên ngôi Minh Mạng đã tỏ ra hơi vội vã, thậm chí cứng rắn, không theo đúng lời căn dặn của cha mình là phải hết sức thận trọng trong việc xa lánh, tuyệt giao với người Pháp và các thừa sai lãnh sự Pháp không được thừa nhận, đặc sứ Pháp không được tiếp kiến, thuyền trưởng Pháp không được lên bờ… Cùng các chỉ dụ cấm Đạo Thiên Chúa liên tiếp được ban hành. Tác giả Etienne Danis cũng ghi nhận thực tế này như sau: “Trong khi các nước láng giềng, kể cả Trung Hoa - hoặc tự nguyện, hoặc cưỡng ép - đã mở cửa cho tàu thuyền và ảnh hưởng phương Tây, thì chính sách của Minh Mạng là cự tuyệt thẳng thừng mọi tiếp xúc “bạch quỷ” phương Tây” (Bordeaux et la Cochinchine - Pari 1965).

Vậy thì phải chăng các vua Nguyễn né tránh “mở cửa” và chọn con đường “đóng kín” đất nước, trên thực tế vẫn không ngăn chặn nổi thách thức và âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Mặt khác, cũng vì “đóng kín”, “cô lập” với thế giới bên ngoài cho nên từng chính sách cụ thể của triều Nguyễn tuy có những kết quả mang tính chất bộ phận, nhưng về cơ bản không có tác dụng khai thông con đường phát triển đầy bức xúc của nông nghiệp, nhất là công thương nghiệp, theo hướng đẩy mạnh giao lưu, mở rộng kinh tế thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiên cho đông đảo nông dân và nhiều tầng lớp khác bứt ra khỏi sự ràng buộc của cơ chế cũ.

Minh Mạng muốn “mở cửa” nhưng đã muộn

Cho đến những năm cuối của đơi mình, Minh Mạng đã được “đánh thức” do những biến động ở Trun Quốc, cụ thể là cuộc chiến tranh thuốc phiện (1840 - 1842). Hình như nhà vua bắt đầu nhận ra rằng những điều ước mà các nước phương Tây thực hiện ở Trung Quốc thì họ cũng có thể thực hiện ở Việt Nam . Và bắt đầu Minh Mạng “hé cửa” thăm dò.

Theo một bức thư của giáo sĩ Régéreau ngày 25 - 4 - 1840, thì trước đó gần hai tháng, Minh Mạng đã cử hai chiếc tàu đi Calculta và đi Batavia đẻ thăm dò động tĩnh của người Anh và người Hà Lan ở hai nơi này. Đồng thời, mạnh dạn hơn, Minh Mạng lại cử một tàu đi thẳng sang Pari và Luôn Đôn tìm hiểu quân lực, tài lực các nước Pháp, Anh và thăm dò khả năng ký kết những hiệp ước thương mại với Pháp. Phái bộ gồm bốn người (Trần Viết Xương, Tôn Thất Tường và hai thông ngôn) đến Pháp tháng 11 - 1840. Nhưng phái bộ không được tiếp kiến vua Louis Philippe, vì vua Pháp “coi Minh Mạng là kẻ thù của Thiên Chúa Giáo, mặc dù những diễn từ của Trần Viết Xương nhấn mạnh rằng triều đình Việt Nam sẵn sang thương thuyết về những điều kiện bang giao giữa hai nước” (L’Ambassade de Minh Mang auprè de Louis Philippe - BAVH, 1928). Bị thất bại ở Pháp, phái bộ sang Luôn Đôn nhưng cũng không thu được kết quả gì, đành quay lại Pháp, rời cảng Bordeaux trở về Huế; Nhưng về đến nơi thì Minh Mạng vừa mất ngày 20 – 1 - 1841.

Thiệu Trị rồi Tự Đức kế tiếp nhau trị vì một đất nước “đóng kín”. Phải chăng những biến chuyển mới không thận lợi cho khả năng “mở cửa”, vì rằng ý đồ xúc tiến buộc can thiệp vũ trang của thực dân Pháp đã được xác định. Vua Tự Đức càng xoay xở càng lúng túng, không còn cách nào khác là dấn sâu thêm vào con đường mà vua Gia Long đã “lựa chọn” và Minh Mạng đã “triển khai”.

Tóm lại, phải nhận rằng các vua Nguyễn - từ Gia Long, Minh Mạng cho tới Tự Đức “đã làm hết sức mình” nhằm xây dựng và bảo vệ quốc gia. Nhưng do cách lựa chọn đường lối cơ bản không phù hợp những yêu cầu của xã hội Viêt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX, rút cuộc nền thống nhất quốc gia và an ninh chính trị vẫn không được bảo đảm, khối đoàn kết dân tộc vẫn không được củng cố, trí tuệ của dân chúng không được tập hợp, tiềm lực dân tộc không được bồi dưỡng…, và đất nước (dù muốn hay không) đã biến thành miếng mồi ngon cho thực dân pháp, trước khi họ thực sự nổ súng xâm lược. Quyền thống tri tuyệt đối của dòng họ Nguyễn do vậy cũng không thực hiện được.

(1)    Nguyễn Hựu, Trong France Asia, 1951.

(2)    Schreiner, Abrégé de L’ histoire d’Annam, Saigon, 1906.

(3)    J Buttinger, the smaller dragon, New York, 1962.

(4)    Lauvet, Histore génerale de la Socíeté de Missions Etrangères, T.II, Pari 1894.

(5)    (11) (15) (18) Phạm văn Sơn, Việt sử tân biên, Sài Gòn, 19…

(6)    Aubaret, Histore et description de la Basse, Cochinchine, Pari 1863.

(7)    M. Gaultier, Gia Long, Saigon1933.

(8)    J. Silvestre, L’Insurreectonde Gia Định, la révoilte de Khôi, Revue Indochinoise, 1915.

(9)    Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gon 1971 (tái bản).

(10)Lê Thành Khôi, Le Việt Nam, histoire et civilization, Pari, 1955.

(12) Ph. Langlet, L’Ancienne historiographie d’etat au Vietnam , T.I Pari, 1990.

(13) Các bộ sách giáo khoa Trung học của Phạm Cao Dương, Nguyễn Khắc Ngữ, Bằng Phong, Tăng Xuân An…

(14) Phan Khoang, Bài viết trên tạp chí Bách Khoa, số 67 (1959)

(17) D.G.Marr, Vietnamese anticolonialism 1885, 1925, 1971.

(19) Nguyễn Triều Vân, Luận văn Cao học - ĐH Văn khoa Sài Gòn, 1969.

(20) Lịch sử Việt Nam , T. I, UBKHXHVN, Hà Nội 1971.

(21) Gosselin L’ Empire d’ Annam , Pari 19…