Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng 8

QĐND - 68 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng 8
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (tháng 8-1945). Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khôn khéo của Đảng ta, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất - một điểm sáng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng 8
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (tháng 8-1945). Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, là một bước ngoặt lịch sử, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 là "những tư tưởng bất hủ", những "lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Con người ở đây phải là mọi người. Trước hết là những người lao động bị áp bức bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thực sự là một mũi đột phá vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành được thắng lợi đầu tiên ở thế kỷ XX, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta", như Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ khi Người mới tìm thấy con đường cứu nước. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là một đóng góp có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam vàoviệc mở ra một thời đại thắng lợi của độc lập dân tộc, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sự kết thúc, mà mới chỉ là sự mở đầu cho thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ sau tháng Tám năm 1945 đã chứng thực điều đó. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã buộc phải chiến đấu chống thù trong giặc ngoài suốt 30 năm liền, vượt qua muôn trùng hiểm nguy, có khi như "ngàn cân treo sợi tóc" để bảo vệ nền độc lập mới giành được, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, để giành thắng lợi từng bước và đi đến thắng lợi cuối cùng. Phải 9 năm sau Cách mạng Tháng Tám với thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc Việt Nam mới hoàn toàn được giải phóng. Nhân dân Việt Nam lại phải đi tiếp một chặng đường dài hơn 20 năm nữa mới giải phóng được miền Nam với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, mới hoàn thành được sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH. Cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Hồ Chí Minh, đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu cho sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới trong thế kỷ XX. Cùng với cuộc chiến đấu thắng lợi của Việt Nam, phong trào giải phóng dân tộc đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.

Chính vì vậy, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhằm mục tiêu trực tiếp là giành độc lập cho dân tộc, nhưng lại mở đường để Việt Nam đi lên CNXH khi những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã cơ bản hoàn thành. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại những bài học vô cùng to lớn. Đó là bài học về xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của Đảng lãnh đạo; đó là bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ; đó là bài học xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; đó là bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hóa kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; đó là bài học về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng. Thời đại mới mà Cách mạng Tháng Tám mở ra đã đi tiếp một chặng đường dài hơn nửa thế kỷ qua với nhiều mốc son mới trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục, rèn luyện, luôn gắn bó với dân tộc và không ngừng phấn đấu hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân. Trong mọi chặng đường cách mạng, trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhờ bản lĩnh chính trị của một Đảng dày dạn kinh nghiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng, nắm vững nguyên tắc Đảng, được tôi luyện trong thực tiễn, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nên Đảng ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Giờ đây, đất nước thực hiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đã và đang đặt ra yêu cầu mới rất cao về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của đội ngũ đảng viên. Dù không phải đối mặt với đạn bom như trong chiến tranh, nhưng sức công phá của "danh lợi, vật chất, tiền tài", cộng với sự chống phá nham hiểm của các thế lực thù địch bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", thì những thử thách đối với cán bộ, đảng viên là không thể xem thường. Bởi vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã phân tích, đề ra một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; trong đó, quan trọng và xuyên suốt nhất là các nội dung, giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và chăm lo xây dựng.

Theo Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu thường xuyên của Đảng bởi vị trí, vai trò của Đảng ta đối với dân tộc, sự phát triển của tình hình nhiệm vụ cách mạng và đặc biệt là thành phần xuất thân của đội ngũ đảng viên chủ yếu là nông dân ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Chính vì vậy, Đảng phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong, gương mẫu cho đảng viên. Để các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, Đảng phải đặc biệt coi trọng vấn đề tự phê bình và phê bình. Theo Người, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng của sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng và là biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người khẳng định: Mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, yêu cầu đối với mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng là phải trung thực, chân thành với mình cũng như với người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí" (1) cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng; "mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng". Người khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chín chắn, chân chính". Người đặc biệt phê phán các biểu hiện che giấu khuyết điểm, sợ tự phê bình và không dám phê bình; thái độ nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác… Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng đó của Người, Đảng ta luôn chú ý thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, nhờ đó, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên luôn được xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo quần chúng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong những năm qua, chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng giảm sút. Không ít cán bộ, đảng viên thiếu tự giác trong tự phê bình và phê bình; có khuyết điểm nhưng không thành thật, quanh co đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể, cho cơ chế. Một số người biết rõ lỗi phạm của mình nhưng vẫn "lý sự" để che giấu khuyết điểm. Đặc biệt, một số đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương mắc khuyết điểm nhưng không thành thật nhận lỗi hoặc có nhận thì chỉ qua loa, đại khái. Trong lúc đó, tổ chức đảng thì nể nang, không dám đấu tranh trực diện hoặc chỉ phê bình qua loa. Nhiều đảng viên, do thiếu bản lĩnh, nên không dám đấu tranh, vì sợ mất việc, mất địa vị, không được đề bạt, nâng lương. Một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức và chưa có biện pháp hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện, kiểm tra và xử lý những đảng viên vi phạm… Đây chính là một trong những thiếu sót, khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng, làm cho vai trò của tổ chức đảng trong giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên bị lu mờ, dẫn đến các hành vi tham nhũng, hối lộ, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, xa rời quần chúng… Nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó, như Đảng ta đã chỉ ra, là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của CB, ĐV, nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bị buông lỏng và đặc biệt: "Nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém"1.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện "nói đi đôi với làm" thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, bên cạnh việc xây dựng những phẩm chất đạo đức. Trung với nước, hiếu với dân, phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, thương dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng nêu trong tư tưởng của Người, chúng ta còn phải đấu tranh quyết liệt chống các tệ nạn xã hội nảy sinh đang làm phương hại đến phẩm chất, đạo đức cách mạng của CB, ĐV. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sự nguy hiểm của bệnh "cá nhân", đó là nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn tiêu cực tham ô, lãng phí, quan liêu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ. Người coi những tệ nạn đó là tội ác, là kẻ thù khá nguy hiểm của nhân dân, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là thứ "giặc nội xâm", "giặc ở trong lòng" phá từ trong phá ra. Người đã chỉ rõ tội lỗi của những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu cũng nặng như tội lỗi "Việt gian, mật thám". Người cho rằng: "Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót".

Nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, góp phần tích cực làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đời sống đạo đức của xã hội. Hai mặt đó phải tiến hành song song. Phải khắc phục các nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn tiêu cực; càng phải khắc phục nguyên nhân đã để cho các tệ nạn tiêu cực phát triển. Trong cuộc đấu tranh này, phải lấy việc xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt, như đã được nêu ra trong nhiều nghị quyết của Đảng. Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn "Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay".

Thượng tướng, Viện sĩ, TS Nguyễn Huy Hiệu