Học hướng nghiệp lớp 9

Tuy nhiên, công tác dạy học hướng nghiệp cho học sinh ở các trường hiện nay vẫn còn nhiều bất cập từ nội dung đến cách định hướng của giáo viên, nhà trường. Những hạn chế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong những năm học tới, nhất là việc đổi mới toàn diện giáo dục cần phải có một góc nhìn và cách làm thấu đáo hơn về vấn đề này.

Chủ trương đúng đắn…

Có thể khẳng định, việc đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông là cần thiết. Đó là chủ trương đúng đắn, hợp xu thế và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bởi việc trang bị kiến thức nghề cho các em học sinh lớp 9 chính là đem đến những nét mới trong tư duy người học. Các em có cái nhìn thấu đáo, đa chiều và thực tế hơn: Nghề đơn giản là hoạt động tạo ra thu nhập chính đáng chứ không phải là cái gì đó cao xa, xa rời thực tế.

Tuy nhiên, đôi lúc, không ít giáo viên lại có quan niệm dạy học sinh học cho giỏi sau này làm kĩ sư, bác sĩ. Kiểu dạy đó hiện nay đôi khi trở thành thiếu thực tế. Xã hội phát triển có nhiều nghề mới được sinh ra… và mỗi chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một nghề phù hợp. Đó chính là cách tiếp cận thực tế phù hợp với tư duy con người.

Chính nhờ chủ trương đúng đắn, định hướng ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp nhiều em chọn cho mình hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp THCS. Nhiều em dù năng lực học khá nhưng nhận thấy điều kiện gia đình không cho phép đã chọn vừa học bổ túc vừa học nghề, sau đó tìm kiếm cho mình những cơ hội việc làm theo nhu cầu.

Hay có em vì nhận thấy lực học hạn chế đã chọn học nghề sửa chữa ô tô, điện lạnh, cơ khí… sau khi tốt nghiệp THCS. Sau khi học nghề, các em vẫn có việc làm ổn định và thu nhập đủ nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Đó chính là kết quả đạt được của chủ trương giáo dục, định hướng nghề nghiệp trong trường học.

Học hướng nghiệp lớp 9
 Ảnh minh họa/ INT

Còn nhiều bất cập

Dù biết dạy hướng nghiệp là chủ trương đúng nhưng việc dạy học chương trình này những năm qua vẫn còn rất hạn chế.

Trước hết, số tiết dành cho nội dung này chưa nhiều. Theo khung chương trình hiện hành, nội dung hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 chỉ được dạy 1 chủ đề (tương đương 1 tiết) trong một tháng, quá ít so với nội dung dạy văn hóa của nhiều môn học khác. Thêm nữa, vì để đủ số tiết theo quy định, việc dạy hướng nghiệp thường được đại diện Bam giám hiệu (hiệu trưởng hoặc hiệu phó) dạy chung cho cả khối 9 trong trường.

Các em được tập trung ra sân trường rồi thầy cô trao đổi với vài ba câu hỏi trong vòng 45 phút. Việc dạy theo kiều “cho đủ” chương trình làm mất đi tính hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp vì cùng lúc học sinh học quá đông khó để quản lí lớp học và nâng cao được tính hiệu quả thực tế.

Cũng có trường giao cho giáo viên chủ nhiệm các lớp trực tiếp giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế không phải giáo viên chủ nhiệm nào cũng có những hiểu biết căn bản về nghề nghiệp để định hướng cho học sinh. Theo yêu cầu, việc giáo dục hướng nghiệp cần gắn với thực tế địa phương. Nghĩa là địa phương nào có những làng nghề hay các cơ sở sản xuất, hoạt động nghề nghiệp chủ yếu thì cần cho các em tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên để làm được việc này ở các trường học là rất khó, bởi đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan khác nhau. Do vậy, việc giáo dục hướng nghiệp thông qua trải nghiệm thực tế không được mấy trường tiến hành, có chăng cũng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” cho có để báo cáo, chưa phát huy được tính hiệu quả thực tế và cũng không thể đáp ứng được nhu cầu nghề của học sinh hiện nay.

Cần một hướng đi mới

Làm gì để việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 phát huy hiệu quả. Thiết nghĩ đó không hẳn là chủ trương nữa mà cần xem là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động giáo dục. Chỉ khi nào xem giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở GD thì việc dạy mới thiết thực được.

Trước hết, nên tăng tiết dạy học hướng nghiệp từ 1 tiết hiện hành lên 4 - 5 tiết một tháng, tương đương 1 tiết trong một tuần. Nội dung dạy học cần gắn với khu vực, địa phương. Thậm chí nếu được, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã định hướng biên soạn và áp dụng chung cho các trường trong địa bàn mình quản lí, phụ trách. Cần tăng cướng phối hợp giữa các cơ sở sản xuất, các trung tâm dạy nghề (hầu hết huyện thị nào cũng có trung tâm dạy nghề) địa phương trong việc dạy và định hướng nghề cho học sinh nhằm giúp các em có cơ hội trải nghiệm thực tế khi học nghề.

Nên hỗ trợ thêm cho giáo viên phụ trách dạy hướng nghiệp. Theo quy định hiện chỉ tính theo chế độ định mức tiết hiện hành thì giáo viên dạy chỉ hưởng 1 tiết trong một tháng. Chế độ đó chưa thật sự phù hợp và tương xứng với công sức mà giáo viên bỏ ra để dạy nghề nghiệp. Các trường cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các buổi tư vấn hướng nghiệp với các trường nghề địa phương, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo… để tạo thêm sân chơi và sự lựa chọn cho học sinh.

Để việc giáo dục nghề nghiệp phát huy được tính hiệu quả, rất cần cái nhìn mới, cách làm mới của cả cộng đồng xã hội nhất là ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Sau khi tốt nghiệp THCS, hầu hết học sinh lớp 9 và gia đình các em đều có chung mong muốn sẽ được tiếp tục học lớp 10 THPT. Tuy đây là mong muốn, nguyện vọng chính đáng nhưng việc học sinh có đủ điều kiện, năng lực thi được vào lớp 10 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, công tác định hướng giúp học sinh có nhận thức đúng đắn, tự đánh giá được năng lực bản thân để cùng gia đình có sự lựa chọn hợp lý sau khi tốt nghiệp THCS có ý nghĩa quan trọng.

Những năm gần đây, thực hiện các mục tiêu về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có sự điều chỉnh giảm, bảo đảm sĩ số học sinh của các trường THPT không chuyên chỉ còn 40 học sinh/lớp. Những học sinh còn lại sẽ được định hướng vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Theo kế hoạch tuyển sinh hằng năm, khoảng giữa tháng 6, học sinh lớp 9 sau tốt nghiệp THCS có đủ điều kiện sẽ chính thức tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Biên Hòa và sau đó khoảng một tuần sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT không chuyên.

Hiện nay, các trường THCS đang trong giai đoạn vừa dạy vừa ôn tập cho học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022 - 2023, bắt đầu tổ chức tiết luyện tập cho học sinh làm quen với đề tuyển sinh. Các nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên trong quá trình giảng dạy phải chủ động định hướng, tuyên truyền, xác định các nguyện vọng và tư vấn chọn trường phù hợp với học lực của mỗi học sinh. 

Học hướng nghiệp lớp 9
Cùng với việc giảng dạy, giáo viên Trường THCS Tiên Hiệp (TP Phủ Lý) còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng cho học sinh lớp 9 về việc chọn trường, chọn nghề sau tốt nghiệp THCS.

Cô giáo Nguyễn Thị Vũ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm) cho biết: Năm học 2021 - 2022, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mặc dù cả gia đình, nhà trường, đội ngũ giáo viên và học sinh đều nỗ lực nhưng kiến thức học sinh tiếp thu được cũng không thể trọn vẹn như mọi năm. Vì vậy, nhà trường đã tư vấn, hướng dẫn một số nội dung giúp việc chọn trường, đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 phù hợp và hiệu quả. Trong đó, với sự hỗ trợ từ phía giáo viên các bộ môn, nhất là các môn học lấy làm bài thi tuyển sinh, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh phải tự đánh giá được thực lực, sức học của mình. Vào thời điểm ôn tập nước rút, nhà trường tiến hành họp phụ huynh toàn khối 9 để bàn bạc, trao đổi kế hoạch ôn tập nói chung và thông báo cụ thể cho phụ huynh nắm bắt thực tế năng lực học tập của con em họ. Đồng thời, căn cứ theo sự đánh giá, phân hóa học sinh, các thầy cô giáo chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cách thức, mục tiêu chọn trường cho phụ huynh. Điều này vô cùng quan trọng để giúp học sinh và cha mẹ các em có sự thống nhất cao trong việc chọn trường, hạn chế tính áp đặt của cha mẹ hoặc lựa chọn mục tiêu không sát thực của học sinh.

Theo chia sẻ của một giáo viên dạy Toán lớp 9, bên cạnh kết quả học tập các môn học trong cả năm, học sinh có thể tự đánh giá năng lực, sức học của bản thân lấy điểm thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi kiểm tra học kỳ II, hoặc bài thi thử với dạng đề thi vào lớp 10 và tham khảo ý kiến giáo viên bộ môn xem khả năng có thể đạt được điểm số này không. Khi đã đánh giá được tương đối thực lực của mình, có sự đối chiếu với điểm chuẩn tuyển sinh vào 10 của các trường THPT năm trước thì học sinh và cả các bậc phụ huynh sẽ không còn quá lúng túng, băn khoăn trong việc chọn thi vào trường THPT nào hay đi học nghề sẽ phù hợp. 

Công tác tuyên truyền, định hướng và tư vấn tuyển sinh của các nhà trường luôn là việc làm cần thiết giúp phụ huynh và bản thân học sinh nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực học tập của mình để quyết định đăng ký thi vào lớp 10 trường chuyên, lớp 10 trường không chuyên hay sẽ theo học tại một trung tâm GDNN-GDTX, một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào đó… Hơn thế, trong hoạt động tư vấn, định hướng của giáo viên và nhà trường chưa có tình trạng yêu cầu phụ huynh có con học yếu tự nguyện viết đơn xin cho con không thi vào lớp 10, ép học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 vì thành tích và ngành giáo dục cũng không xét thi đua các nhà trường về kết quả thi lớp 10 THPT. 

Tuy vậy, việc tư vấn, định hướng của giáo viên và các nhà trường hiện vẫn chưa nhận được nhiều đồng thuận của phụ huynh. Nhiều phụ huynh có con học lớp 9 đều có mong muốn, kỳ vọng và dành hết tâm lực để con có thể thi đỗ vào lớp 10 của các trường THPT. Không ít cha mẹ học sinh áp đặt mong muốn của mình cho con, bằng mọi cách bắt con thực hiện được mục tiêu của mình mà không quan tâm nhiều tới mong muốn, nguyện vọng cũng như năng lực và sức học của con. Từ đó, vô tình cha mẹ đã đặt lên vai con mình những áp lực không hề nhỏ, buộc con phải bước vào “guồng quay” học ôn, học thêm cực kỳ mệt mỏi. 

Học hướng nghiệp lớp 9
Học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm) được đánh giá năng lực thường xuyên để có sự lựa chọn phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS rất đúng đắn và cần thiết nhưng nên thực hiện có lộ trình, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, cha mẹ học sinh thay đổi tư duy, nhận thức về việc lựa chọn trường, nghề cho con em mình. Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục và được toàn xã hội quan tâm. Bởi lẽ, nếu thực hiện tốt được các mục tiêu về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ giúp định hướng và tạo điều kiện để học sinh được tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, bảo đảm phù hợp nhất trình độ, năng lực, sở trường và nhu cầu của mỗi học sinh. Rộng hơn, từ hiệu ứng tích cực của phân luồng học sinh sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu về cả trình độ, ngành nghề đào tạo và việc chuyển dịch cơ cấu nhân lực. 

Mục tiêu phân luồng giáo dục có khoảng từ 70% học sinh học lớp 10 các trường THPT mỗi năm và giảm còn 60% vào năm 2025 sẽ hoàn toàn có thể thực hiện được nếu giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Quan trọng là số học sinh không thi được vào lớp 10 THPT có tham gia học trong các trung tâm GDNN-GDTX hay học nghề như mục tiêu đề ra, hay sẽ học tiếp lớp 10 tại các trường THPT dân lập? Sau tốt nghiệp THCS, dù được định hướng vào 4 luồng chính, gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình GDTX; trực tiếp tham gia thị trường lao động nhưng việc chọn luồng giáo dục nghề nghiệp chỉ là giải pháp của không nhiều học sinh. Nguyên nhân của thực tế này chủ yếu do công tác nắm bắt thị trường lao động của nhiều đơn vị GDNN chưa tốt; bất cập về chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường; sự thiếu thốn, không đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở GDNN; năng lực dạy hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh THCS còn hạn chế; thiếu hệ thống thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng sau THCS; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo...

Vì thế, cần có sự quan tâm nhiều hơn việc cung cấp thông tin nghề nghiệp cho học sinh lớp 9; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phụ trách tư vấn, hướng nghiệp ở các trường THCS; huy động các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn học sinh. Hơn thế, các trường THCS và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có sự phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi dần nhận thức và tâm lý xã hội, giúp học sinh tự tin vào học các trường nghề sau tốt nghiệp THCS, góp phần giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.