Hướng dẫn thực hiện luật chính quyền địa phương năm 2024

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương) ra đời đã chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu.Tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Qua quá trình thực hiện đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:

1. Về vấn đề ủy quyền

Khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) quy định: “Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản. Theo quy định này thì Luật mới chỉ quy định Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể mà chưa quy định trường hợp ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong các nội dung ủy quyền cho người đứng đầu Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) thực hiện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, có sự không thống nhất trong quy định của Luật này, cụ thể như đã nêu ở trên tại khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019) quy định Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp, nhưng tại khoản 7 Điều 22 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh lại chỉ quy định được ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà không có Chủ tịch UBND cấp huyện.

2. Về bãi bỏ văn bản

Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định thẩm quyền của cơ quan/cá nhân cấp trên bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan/cá nhân cấp dưới mà chưa quy định cụ thể về quyền tự bãi bỏ văn bản trái pháp luật do mình ban hành. Thực tế, nhiều văn bản do cơ quan, cá nhân ban hành trái pháp luật, quá trình tự kiểm tra họ tự phát hiện văn bản do mình ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng Luật không quy định việc xử lý trong trường hợp này. Đồng thời Luật cũng chưa quy định đầy đủ các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật (mới có đình chỉ, bãi bỏ mà chưa có hình thức thu hồi, hủy bỏ) để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các văn bản chuyên ngành. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều địa phương còn lúng túng và cứng nhắc trong quá trình thực hiện.

3. Về việc ban hành Đề án

Theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 15/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư thì Đề án là một trong những hình thức của văn bản hành chính hình được thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 21 quy định nhiệm vụ của UBND tỉnh: xây dựng và tổ chức thực hiện “đề án của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Như vậy, theo quy định này, thì chỉ với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì UBND tỉnh mới xây dựng Đề án, còn các khu vực, địa bàn khác thì UBND tỉnh không xây dựng Đề án. Đồng thời quy định này cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây ra sự tùy tiện trong quá trình thực hiện.

4. Về nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền địa phương

Một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ. Việc sử dụng thuật ngữ “biện pháp” mang tính chất định tính, khó xác định, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất, tùy tiện trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cả cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp, như: Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn.../.