Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình
TS.KTS Trần Thanh Bình:

Show
  • Sinh năm 1953 ở chiến khu Việt Bắc;
  • Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng Kiev (1977);
  • Bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ Trường Đại học Kiến trúc Moskva (1987);
  • Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (1997-2013);
  • Thiết kế, quy hoạch các công trình: Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hóa Vật liệu hạt nhân, Trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Âm nhạc quốc gia, Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, Trường Cao đẳng Sư phạm TW1, Trường Đại học Tiền Giang, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường – Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quốc gia Vientiane Laos…

KTS Vũ Hiệp: Thưa chú, xuất thân từ một gia đình có truyền thống chính trị và âm nhạc với những cái tên lừng lẫy, tại sao chú lại chọn nghề kiến trúc?

KTS Trần Thanh Bình: Hồi nhỏ, cũng như chị em trong nhà, tôi được học âm nhạc rất bài bản. Tuy nhiên, tính mình hơi ngang, trong khi cả nhà theo môn piano thì tôi học cello và mỹ thuật, rồi tốt nghiệp sơ cấp cả âm nhạc và mỹ thuật. Khi đang học trung cấp âm nhạc, tự nhận thấy rằng muốn đến đỉnh cao của nghiệp nhạc thì rất cần năng khiếu khác thường, mà mình thì không nổi trội lắm, nên tôi quyết định bỏ nhạc, tập trung học văn hóa, và như mọi học sinh cấp 3 thời ấy, mong trở thành nhà vật lý. Để mẹ khỏi buồn, tôi đã hứa với bà sẽ trở thành một giáo sư vật lý.

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Nhà học – Giảng đường – Học viện Kỹ thuật Quân sự (1996)

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Khu Công nghệ phần mềm – ĐHQG TP.HCM (2004)

KTS Vũ Hiệp: Vậy tại sao chú không trở thành Nhà Vật lý?

KTS Trần Thanh Bình: Cũng suýt trở thành Nhà Vật lý đấy. Năm 1970, do đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tuyển chọn học sinh đi học nước ngoài, tôi cùng hơn 20 bạn được đặc cách chọn ngành nghề theo học và được lên gặp Bộ trưởng Tạ Quang Bửu để đề đạt nguyện vọng. Hôm ấy, tôi hơi chậm chân nên “được” ngồi ngay sát bên phải Ông. Bộ trưởng hỏi từng người và cho lời khuyên lần lượt một vòng từ trái sang phải. Hầu hết các bạn đều chọn Vật lý, một vài người chuyển sang Hóa và Toán, đều là khoa học cơ bản. Đến lượt mình, người cuối cùng, đành phải trả lời rằng: “Thưa bác, cháu cũng muốn học Vật lý, nhưng các bạn chọn hết rồi. Giờ cháu cũng chưa biết chọn gì, nhưng cháu thích có ngành nào mà vừa nghệ thuật, vừa kỹ thuật thì có lẽ hợp với cháu ạ”. Nghe vậy, cụ Bửu nói ngay: “Thế thì có kiến trúc đấy! Cháu có biết KTS Le Corbusier rất nổi tiếng của Pháp có một câu thơ rằng: “Tôi xây những công trình theo vần điệu và tiết tấu của âm thanh…”. Rồi Ông lại hỏi: “Nhưng cháu có biết vẽ không?” Và khi biết tôi cũng từng được học mỹ thuật thì Ông say sưa nói về kiến trúc Đông, Tây cũng như những câu chuyện về tái thiết sau chiến tranh. Nghe hay quá nên tôi xin đăng ký nguyện vọng học kiến trúc ngay.

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Nhà làm việc – Hiệu bộ – Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (2004)

KTS Trần Thanh Bình: Mẹ tôi vốn không ép buộc con cái. Bà chỉ hơi buồn và nói rằng: “Nước mình đang chiến tranh thế này, con học thành KTS, không biết má có sống được đến lúc đó để xem công trình do con thiết kế hay không”. Nhưng rồi Bà vẫn tôn trọng và ký vào đơn xác nhận nguyện vọng của tôi.

KTS Vũ Hiệp: Và bà đã được toại nguyện rồi chú nhỉ!?

TS.KTS Trần Thanh Bình: Sau này, Mẹ tôi sống cùng em trai tôi ở nước ngoài, mỗi lần bà về nước, tôi thường đưa đi xem những công trình do mình thiết kế khắp các tỉnh thành. Mẹ tôi vui lắm, nhất là khi tới các giảng đường, phòng học, phòng hòa tấu…trong cơ ngơi mới của Học viện Âm nhạc Quốc gia, thay cho những lớp học cũ, nơi bà đã gắn bó nhiều năm trong cuộc đời mình. Đặc biệt, Bà xúc động đến lặng người trong đêm diễn khai trương Phòng hòa nhạc Lớn của Học viện.

KTS Vũ Hiệp: Nhắc đến TS.KTS Trần Thanh Bình, người ta thường nghĩ ngay đến những công trình trường đại học khắp đất nước do chú thiết kế. Cơ duyên nào khiến sự nghiệp của chú lại gắn bó với kiến trúc trường học?

KTS Trần Thanh Bình: Có lẽ là số phận. Đề tài đồ án tốt nghiệp của tôi là Thiết kế Trường Đại học Nghệ thuật Sân khấu Hà Nội, may mắn được GS N. A. Gusev nổi tiếng nhận hướng dẫn, mà ông này cũng chính là người thiết kế ngôi trường tôi học nên khiến tôi dần hiểu và đâm mê kiến trúc trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi được cử tu nghiệp 8 tháng ở Viện Thiết kế Quốc gia các trường đại học Moskva. Về nước, tôi về làm việc ở Viện nghiên cứu thiết kế trường học – Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ KTS thiết kế đến chủ trì… rồi Viện trưởng. Nhiều người nghĩ rằng, Viện mặc nhiên được nhận các công trình thiết kế trường học, nhưng thực ra phải “chiến đấu” rất quyết liệt với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khác. Mà ngay trong Viện, chúng tôi cũng khuyến khích sự cạnh tranh, thường xuyên cho thi tuyển phương án giữa các nhóm thiết kế.

KTS Vũ Hiệp: Chú có thể kể về công trình đầu tiên chú làm chủ trì thiết kế? Chắc hẳn cũng là một sự cạnh tranh?

KTS Trần Thanh Bình: Đúng vậy. Năm 1978, mới về nước một thời gian, tôi được tham gia nhóm thiết kế công trình Trụ sở Bộ Đại học và THCN. Mình cứ băn khoăn về phương án chính của chủ trì, chưa thấy ổn lắm, nên cứ “liều” đề xuất một phương án khác, và được tách ra làm riêng, như một phương án so sánh. Đến ngày đưa ra xét duyệt, hội đồng lại “chấm” phương án của mình để xây dựng. Rồi sếp lại gọi lên giao cho chủ trì một nhóm cũng còn “ngô ngọng” như mình để triển khai phương án. Vấn đề khó khăn ngay lập tức xảy ra khi tôi cùng các đồng sự đều chưa có kinh nghiệm quản lý kỹ thuật, bổ cấu tạo. Mình vừa học từ nước ngoài về nên chưa hiểu những thuật ngữ kiểu như “lát gạch lá nem hình chữ công…”, “vữa tam hợp, vữa xi măng mác này mác nọ…”. Hoang mang lắm. May sao, gặp được anh Đặng Thái Hoàng tận tình chỉ bảo, lại đưa cho bộ hồ sơ bản vẽ công trình Trường Đại học Bách khoa, vừa có tiếng Nga, vừa có tiếng Việt, đồng thời tranh thủ đêm ngày đến các công trường xây dựng để lấy kinh nghiệm thực tế. Và khó khăn đã được giải quyết.

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Trường Dự bị đại học và Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG Vientiane Laos (2007)

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Đại học Nông Lâm Tp.HCM (2010)

KTS Vũ Hiệp: Chú đã “chiến đấu” với rất nhiều các đơn vị tư vấn khác để giành hợp đồng thiết kế. Vậy chú có “chiến đấu” với chủ đầu tư để bảo vệ ý tưởng kiến trúc của mình?

KTS Trần Thanh Bình: Tôi vẫn nhớ khi thiết kế khu giảng đường chính của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Lần đầu, khi nhìn thấy bản vẽ, Hiệu trưởng Nhà trường, GS Đỗ Doãn Hải chưa thật ưng, muốn lái mình theo ý của anh ấy. Tôi liền vẽ một phương án theo ý tưởng của anh Hải ra so sánh, để cùng thấy rằng ý tưởng đó bất hợp lý ở những chỗ nào và đi đến thống nhất. Nói chung, mỗi khi chủ đầu tư muốn mình thực hiện ý tưởng chủ quan của họ, tôi thường vẽ thêm phương án để diễn tả ý của họ bằng ngôn ngữ kiến trúc để họ so sánh và hiểu ra vấn đề. Nhiều chủ đầu tư thân tình hay đùa rằng, “Ông lại hay áp đặt ngược cho thân chủ”.

KTS Vũ Hiệp: “Chiêu thức” đó giúp chú luôn thành công trước mọi chủ đầu tư?

KTS Trần Thanh Bình: Cũng có trường hợp tôi phải bỏ dự án vì không thể thay đổi được quan điểm của chủ đầu tư, mà mình thì không thể sửa theo ý họ được. Đó là khi tôi được mời đích danh thiết kế một Trường ĐH Dân lập lớn, nằm ở một vị trí có tầm nhìn khá lý tưởng. Ông hiệu trưởng muốn rằng kiến trúc của trường phải tái hiện được 3 công trình mà ông ấy rất thích là Thiên An Môn, Viện Viễn Đông Bác cổ và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không thể thuyết phục được “cụ” này, nên dù thiết kế phí được trả cao hơn mức bình thường nhưng sau vài lần thử, tôi vẫn phải từ bỏ. Tuy nhiên, các cụ nói đúng: “Không có mợ thì chợ vẫn đông”, mình không làm thì có nhiều người khác sẵn sàng làm. Rốt cục, hình ảnh Thiên An Môn, Viện Viễn Đông Bác cổ và Trường Đại học Tổng hợp vẫn được sử dụng ở công trình này, như chúng ta thấy ngày nay.

KTS Vũ Hiệp: Mới đây, chú đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Phòng hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam”. Chú có thể giới thiệu cho độc giả đôi chút về cuốn sách và công trình này, một phòng hòa nhạc đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam đảm bảo chất lượng âm thanh theo tiêu chuẩn quốc tế?

KTS Trần Thanh Bình: Đây là công trình cuối cùng, trọng tâm và là điểm nhấn kiến trúc trong toàn bộ quần thể Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây đồng thời cũng là một khán phòng hòa nhạc giao hưởng thính phòng có sức chứa hơn 800 chỗ theo chuẩn quốc tế về âm học được thiết kế xây dựng đầu tiên ở nước ta. Để thực hiện được một công trình đặc biệt khó này, tôi và các cộng sự đã phải tiếp cận, nghiền ngẫm một khối lượng tư liệu khổng lồ, khảo sát thực tế và học hỏi kinh nghiệm hàng chục khán phòng giao hưởng quốc tế…Cách đây gần 3 năm, khi có dịp sắp xếp lại tư liệu, tôi mới nảy ra ý định viết cuốn sách này, bởi bản thân từng thấy rất thích thú và hữu ích khi có được những cuốn sách kiến trúc về nhà hát mà mình từng được vào để thưởng thức âm nhạc. Khác với những cuốn sách chuyên khảo về các công trình nghiên cứu tôi từng viết, viết về một công trình đặc biệt và tâm huyết của mình, lại là một thể loại công trình chưa từng có ở Việt Nam theo đúng nghĩa thật sự là một thách thức. Vì vậy, bên cạnh những cái bất chợt hay cả quá trình hình thành ý tưởng của người sáng tác, tôi muốn trình bày cuốn sách theo cách tiếp cận khi thiết kế một công trình đặc biệt khó. Đó là quá trình: Nghiên cứu để hiểu – cơ sở hình thành ý tưởng; Ý tưởng và giải pháp; Kết quả thực tế. Theo đó cuốn sách có cấu trúc 3 phần:

  • Phần I – Tổng quan về các Nhà hát giao hưởng nói chung và Nhà hát – Phòng hòa nhạc trong các nhạc viện nói riêng nhằm giới thiệu quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm khác biệt của loại hình Nhà hát đặc thù gắn liền với sự phát triển của dòng nhạc giao hưởng thế giới nói chung và dàn nhạc giao hưởng cùng nghệ thuật trình tấu nói riêng cũng như những yêu cầu về âm học, đồng thời nêu hiện trạng khán phòng biểu diễn nhạc giao hưởng ở nước ta ;
  • Phần II – Thiết kế Phòng hòa nhạc Lớn, trình bày ý tưởng và giải pháp thiết kế, từ tổng thể đến chi tiết, những giải pháp tổ chức 2 không gian đặc thù nhất là Sân khấu và Khu vực chỗ ngồi khán giả. Đặc biệt là Giải pháp thiết kế âm học cũng như những quy định trong Quy trình thẩm tra âm học quốc tế, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, do Tư vấn quốc tế thực hiện;
  • Phần III – Giới thiệu những hình ảnh thực tế từ các góc nhìn khác nhau của công trình.

Cuối cùng, Phần Phụ lục phản ánh những hoạt động trình tấu mà chỉ khán phòng này mới đáp ứng được như các bản Giao hưởng thơ Strauss, Giao hưởng số 9 của Beethoven, Giao hưởng Phục sinh Mahler… hay 4 đàn grand piano cho 8 nghệ sỹ biểu diễn cùng dàn nhạc…và những ý kiến nhận xét, cảm tưởng của các nghệ sỹ nổi tiếng quốc tế và trong nước đã từng biểu diễn ở đây.

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Bìa sách Phòng Hòa nhạc Lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (2014)

KTS Vũ Hiệp: Chắc hẳn đó là công trình tâm đắc nhất của chú?

KTS Trần Thanh Bình: Công trình này gắn bó với tôi hơn 15 năm, từ những phác thảo sơ bộ cho đến buổi công diễn đầu tiên, biếnghệ thuật t bao nhiêu kỷ niệm trong quá trình thiết kế và xây dựng. Ở nó có cả 2 mạch sống theo tôi suốt cuộc đời: âm nhạc và trường học. Có lúc để bảo vệ một chi tiết được thực hiện đúng thiết kế đảm bảo chất lượng âm thanh, tôi phải viết tay 8 trang giấy để gửi cho Bộ trưởng. Nó lại đặc biệt có ý nghĩa khi đây là công trình tôi được có mặt thường xuyên để thưởng thức và cảm nhận như một người yêu âm nhạc.

KTS Vũ Hiệp: Gần 6 năm đi vào hoạt động với hàng trăm đêm diễn, vậy theo chú công trình đã hoàn hảo chưa ạ? Còn điều gì khiến chú vẫn còn trăn trở?

KTS Trần Thanh Bình: Phòng hòa nhạc đã được đánh giá rất tích cực từ những nghệ sĩ hàng đầu thế giới như Đặng Thái Sơn, Anne Sofie von Otto, Viktor Tretiakov… Tuy nhiên, cho đến nay, còn một số ý tưởng của tôi vẫn chưa thể thực hiện được như: Cây đàn đại phong cầm hạng trung (grand organ) trong khán phòng chưa được lắp dựng; Toàn bộ khu tầng hầm cao độ -3.6m và -5,3m với hệ thống phòng tập chuẩn quốc tế chưa được thi công; Ý tưởng đưa hội họa vào các khu vực sảnh, hành lang ở các tầng cũng chưa thể trở thành hiện thực. Đó chính là những điều còn mong muốn để công trình được trọn vẹn hơn.

KTS Vũ Hiệp: Qua nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, theo chú, có cách nào đánh giá chất lượng thiết kế của một công trình kiến trúc?

KTS Trần Thanh Bình: Tôi cho rằng có thể đánh giá chất lượng thiết kế thông qua công năng sử dụng bằng 3 mức “cảnh giới” (trên cơ sở ví dụ của công trình Phòng Hòa nhạc Lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thế này:

  • Đầu tiên, phải làm đúng yêu cầu công năng của công trình một cách thuận tiện và tối ưu nhất. Ví dụ, nhà hát giao hưởng thì phải nghe được với chất lượng âm thanh trực tiếp đạt yêu cầu cơ bản là nét và hay ở mọi vị trí. Sân khấu phải đáp ứng được những yêu cầu về quy mô và phương thức trình tấu của các loại hình biểu diễn giao hưởng thính phòng.
  • Thứ hai, công trình phải khuyến khích được người sử dụng tận dụng linh hoạt các chức năng hơn mức yêu cầu thông thường, kích thích người ta tự thay đổi phương thức hoạt động trong các không gian mặc định. Trong trường hợp Phòng Hòa nhạc Lớn, với không gian rộng lớn của sân khấu và các bậc nâng hạ khác nhau, đạo diễn chương trình và nghệ sỹ có thể thăng hoa khi tìm tòi những cách dàn dựng khác biệt, thậm chí cả phương thức giao tiếp với khán giả thông qua cách bố trí thêm chỗ ngồi ngay trên sân khấu.
  • Cuối cùng, phải dự báo và khơi gợi những hoạt động sáng tạo của người sử dụng. Các giải pháp tổ chức không gian của sân khấu và khu vực chỗ ngồi khán giả ở Phòng hòa nhạc lớn – Nhạc viện Quốc gia cho phép dự tính các hoạt động trình tấu quy mô khác nhau, có thể dàn dựng những tác phẩm giao hưởng đồ sộ nhất mà các nhà hát hiện nay ở nước ta không đáp ứng được. Thậm chí khuyến khích sáng tác và dàn dựng các tác phẩm khí nhạc cách tân. Bên cạnh đó, với khả năng công nghệ trang trí sân khấu tối giản, bước sải đường chéo sân khấu 26m có thể khơi gợi các nhà biên đạo Việt Nam và quốc tế dàn dựng những vở ballet hiện đại.

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Thư viện – Đại học Hải Phòng (2003)

Lý thuyết thiết kế trường học trần thanh bình

Cụm Giảng đường lớn – Đại học Tiền Giang (2015)

KTS Vũ Hiệp: Chú đến với nghề kiến trúc bởi một câu thơ của Le Corbusier về âm nhạc và kiến trúc mà khi xưa Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã đọc. Vậy âm nhạc đã ảnh hưởng thế nào đến những thiết kế của chú?

KTS Trần Thanh Bình: Trong tiềm thức, tôi vẫn cho rằng âm nhạc và kiến trúc ở đâu đó có chung một ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ làm không gian nâng tầm cho cái đẹp của âm thanh. Vì vậy mà dường như âm điệu, tiết tấu và cung bậc luôn ám ảnh tôi từ ngay trong những phác thảo thiết kế. Có lẽ chính câu thơ ấy là cái đích tôi luôn kiếm tìm. (Cười…) Cũng có thể vì thế mà tôi đặt tiêu đề cho buổi ra mắt cuốn sách về Phong Hòa nhạc Lớn là “Nơi Kiến trúc chắp cánh cho Âm nhạc”

KTS Vũ Hiệp: Goethe cũng từng nói: “Âm nhạc là kiến trúc dạng nước, kiến trúc là âm nhạc dạng băng”. Cám ơn chú về cuộc trò chuyện này.

KTS Vũ Hiệp (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2020)