Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay liên hệ bản thân

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng, uy tín của đảng viên. Tự phê bình là vũ khí sắc bén, là thang thuốc “đặc trị” để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(1).

1. Tự phê bình và phê bình là “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên trong chế độ sinh hoạt của mỗi tổ chức cơ sở Đảng “như rửa mặt hàng ngày”, chứ không chờ “có việc” mới tiến hành tự phê bình và phê bình. Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, ráo riết, triệt để, nhưng “phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”.

Tự phê bình theo quan điểm của Người là “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”, là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Đó là cách mỗi người tự đánh giá để thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình, vừa tạo điều kiện để những người xung quanh đóng góp ý kiến, giúp bản thân sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Còn phê bình là “nêu ưu điểm, vạch ra khuyết điểm của đồng chí mình” là tham gia góp ý kiến, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức sửa chữa để, một mặt, cổ vũ đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt; mặt khác, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để cùng nhau ngày càng tiến bộ. Với ý nghĩa đó, tự phê bình và phê bình là thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, là “cuộc đấu tranh” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, để “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(2).

Cũng theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa, phát huy được tác dụng khi được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “Khi phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”. Theo đó, người phê bình cũng như người tiếp thu ý kiến phê bình của người khác đều phải xuất phát từ động cơ trong sáng, đúng đắn: Đó là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức.

Trong một tổ chức, sự đoàn kết và thống nhất trong ý chí và hành động chỉ có được khi mỗi thành viên tự phê bình phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình; phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể… Thái độ khi tiếp thu phê bình phải cầu thị, biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và quyết tâm sửa chữa. Trong mọi hoàn cảnh, người bị phê bình không chỉ cần lắng nghe, mà còn phải tránh bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, có lời nói thiếu văn hóa, hoặc có thái độ khiêu khích người phê bình. Trong mọi hoàn cảnh, người tiếp thu phê bình cần tránh hiện tượng nhận khuyết điểm một cách qua loa, vì vậy, thiếu ý thức và không quyết tâm sửa chữa, nên vẫn tiếp tục mắc phải những khuyết điểm đó. Trong trường hợp có ý kiến góp ý với mình chưa đúng, chưa trúng, thì phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn để trình bày… Còn người phê bình thì phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Muốn vậy, người làm nhiệm vụ phê bình phải lựa chọn phương pháp thích hợp, tế nhị trong cả lời nói, giọng nói, cách nói. Khi phê bình, cần tránh động cơ vụ lợi, phê bình không đúng đắn, vì thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích của nhau, nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, nhằm hạ uy tín, “hạ bệ” lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình.

Điểm cần lưu ý, trong khi thực hiện tự phê bình và phê bình cần tránh hiện tượng vin vào lý do sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo mà che giấu khuyết điểm, hoặc bao che, chạy tội cho đồng chí mình. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì như vậy, chẳng khác nào “cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa”... nể nang không phê bình để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình” (3). Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng mạnh, thì tự phê bình và phê bình tại mỗi tổ chức cơ sở Đảng phải tránh tình trạng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân; đồng thời cũng tránh tâm lý sợ “phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu” do đó phê bình chiếu lệ, một chiều, mang tính hình thức - thực chất là nói cho qua chuyện hoặc nói để lấy lòng nhau…

Nói về tự phê bình và phê bình, chúng ta không quên câu chuyện đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ từng kể lại. Đây là một kỷ niệm sâu sắc, một bài học nhẹ nhàng, nhưng không thể quên trong cuộc đời ông: “Ngày 19/5/1948, giữa rừng Việt Bắc. Ngày sinh nhật mà để Bác ngồi ăn cơm một mình, ông (Vũ Kỳ) không đành lòng, nên đánh bạo thưa: Thưa Bác, hôm nay cho phép cháu được ăn cơm với Bác. Bác nheo cặp mắt hiền từ nhìn ông, rồi tủm tỉm cười: Chú tự mời thì chú cứ đến.

Trong bữa ăn hôm đó, ông tâm sự với Bác một số vấn đề về đoàn kết của bộ phận phục vụ. Ông thưa với Bác: Cháu làm việc với Bác đã khá lâu, nhưng chưa lần nào thấy Bác nặng lời với cháu. Thế mà chỉ có mấy anh em Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi với nhau mà thỉnh thoảng cháu lại cáu gắt với anh em.

Nghe ông nói, Bác ôn tồn: Chú làm việc với Bác lâu, thì Bác làm việc với chú cũng lâu chứ, thế mà Bác thấy có bao giờ chú cáu gắt với Bác đâu. Hai bác cháu ta có gì khó khăn thì bàn bạc với nhau, cùng giải quyết, việc gì mà phải nặng lời, việc gì mà phải cáu gắt. Đó chính là do Bác tôn trọng chú, chú tôn trọng Bác. Vì vậy, chú cứ tự nghĩ xem, trong quan hệ chú đã thật sự tôn trọng anh em chưa? Theo Bác, sở dĩ chú hay cáu gắt với anh em, cái chính là do chú chưa tôn trọng anh em đúng mức.

Cũng trong bữa cơm hôm ấy Bác căn dặn: “Tự phê bình và phê bình phải đúng lúc, đúng cách. Và điều quan trọng là phải biết tôn trọng lẫn nhau. Bánh ga-tô ngon nhưng ăn không đúng lúc cũng không ngon, ăn không đúng cách lại càng không ngon. Suy ngẫm kỹ, ông càng thấm thía về những lời dạy của Bác. Nhiều khi cho rằng nóng là cá tính của mỗi người, nhưng tại sao chỉ nóng với cấp dưới chứ không bao giờ “dám” nóng với cấp trên!” (4).

Tự phê bình và phê bình là cần thiết, quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài, nhưng “đúng lúc, đúng cách” và “phải biết tôn trọng lẫn nhau” mới đúng với tinh thần của Hồ Chí Minh!

2. Giải pháp quan trọng vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên để xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người đời không phải thánh thần, ai cũng có tính tốt, tính xấu, nên khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Đảng ta cũng vậy. Đảng cũng từ nhân dân mà ra, nên không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Lịch sử hơn 80 năm xây dựng và phát triển của Đảng cho thấy, trong hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã từng “nếm mật, nằm gai”, vượt mọi gian khó để luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Từ trong khói lửa của chiến tranh, từ trong khó khăn của cuộc sống đời thường, đã có biết bao tấm gương những người con ưu tú của Đảng và nhân dân - những bông hoa đẹp, ngời sáng tấm gương đạo đức cách mạng. Họ đã không chỉ làm rạng ngời hình ảnh người cán bộ, đảng viên cộng sản mẫu mực: Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm; luôn gương mẫu đi đầu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, v.v... như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu và căn dặn.

Nhưng rồi, chiến tranh đã lùi xa, một đất nước Việt Nam đang ngày một đổi mới và phát triển trong thời kỳ hội nhập cũng đã có biết bao thay đổi. Đó là, cùng với sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, hệ lụy của nền kinh tế thị trường cùng tác động của bối cảnh toàn cầu hóa đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất. Họ đã dần dần rời xa nhân dân, sống “cách biệt” với nhân dân, không biết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, v.v... Không chỉ khiến nhân dân thất vọng, họ đã làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng. Họ, bằng cách này hay cách khác, biểu hiện này hay biểu hiện khác đã bị bả “vinh hoa, phú quý, quyền lực” của chủ nghĩa cá nhân quyến rũ, đã xa rời đạo đức cách mạng.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá đúng thực trạng “suy thoái” đó, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta trong sạch, khỏe mạnh, xứng đáng với vị trí tiền phong, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã ra đời.

Được quán triệt, được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn xã hội, Nghị quyết nêu rõ một trong những giải pháp để thực hiện, chính là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, mỗi tổ chức cơ sở Đảng phải vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục tiến hành tự phê bình và phê bình. Biện pháp này được thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 12 - Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”: “Sự tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là cấp Trung ương và người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị… Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là ở cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”, nhất định sẽ góp phần gột rửa sạch những dấu tích xấu xa của chủ nghĩa cá nhân. Để mỗi cán bộ, đảng viên sẽ không chỉ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời tư giản dị, trong sáng, mà còn gương mẫu trong hành động, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ “tận tụy”, thật trung thành của nhân dân, được nhân dân tin yêu và kính trọng.

Xuất hiện đúng lúc khi tình thế “đã chín muồi”, Nghị quyết cũng chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”. Chỉ rõ thực trạng suy thoái, Nghị quyết nhấn mạnh nguyên nhân là do: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ”. Và trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, đưa ra nhóm giải pháp thực hiện vừa “thiết thực vừa rõ ràng”, trong đó chú trọng: “Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên…”, có thể nói: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cùng với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị sẽ là phương thuốc đặc hiệu để chỉnh đốn lại Đảng, để Đảng ta “khỏe mạnh, chắc chắn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.

Vì vậy, để: “Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, thì tất yếu, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài là phải tiến hành “tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên” trong toàn Đảng.

Trên tinh thần đó, hơn bao giờ hết, tự phê bình và phê bình càng phải được chú trọng và phải thực hiện nghiêm túc “từ trên xuống”, từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Nói như nhà báo Hữu Thọ (5), thì không chỉ kịp thời ban hành một Nghị quyết chuyên đề, việc Đảng ta tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết này ở Mỹ Đình cho 1.000 người bao gồm “toàn bộ những cốt cán nhất của hệ thống chính trị” là một “đổi mới” quan trọng. Từ khi tham gia sinh hoạt Đảng đến giờ, ông chưa khi nào được thấy một hội nghị lớn như thế! Vì vậy, nói như ông: “Nếu 1.000 đồng chí mà thông suốt thì mọi việc sẽ dễ chuyển. Ở đó là tất cả các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, rồi mỗi tỉnh một số trưởng ban quan trọng nhất về xây dựng Đảng, rồi các đồng chí bí thư … các cấp đều có mặt. Tức là 1.000 người ấy quan trọng lắm. Nếu đồng tâm thì sức mạnh rất to lớn. Năm 1941, Bác Hồ có viết một bài thơ đăng trên báo Việt Nam độc lập: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”. Toàn Đảng đồng lòng, toàn dân đồng lòng thì lực lượng xấu sẽ bị đầy lùi”. Cho nên, tự phê bình và phê bình sẽ phát huy tác dụng khi được tiến hành nghiêm túc,  kỹ càng, cẩn trọng “không vội vàng”.

Bình sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải là cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn lãnh đạo hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(6), nên sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, không chỉ thể hiện ở việc hoàn thành nhiệm vụ, mà còn ở lối sống trong sạch, không sa vào hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân với các biểu hiện như: Tham nhũng, lãng phí, ham danh, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… Nguyên tắc “làm gương”, “nêu gương” là sự nhất quán, thể hiện rõ ở chỗ mỗi ý tưởng, mỗi quyết sách, mỗi việc làm của cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải “vì Đảng - vì nước - vì dân”, bởi đó là cái cốt lõi, tinh túy nhất của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, vì là người đứng đầu mỗi đơn vị, tổ chức, nên nguyên tắc “nêu gương” càng trở nên cần thiết và hữu ích. Cùng với trình độ chuyên môn tốt, khả năng quản lý điều hành giỏi, thì phẩm chất đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, luôn hướng đến chí công vô tư và đời tư trong sáng, giản dị… của người cán bộ lãnh đạo sẽ là tấm gương sáng cho quần chúng học tập, noi theo. Nhờ đó, có thể thu hút, tập hợp đoàn kết quần chúng, tạo nên sự thống nhất trong ý chí và hành động, để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó…

Để “học tập và làm theo” tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ và thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, gương mẫu về mọi mặt và nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Sự gương mẫu của người đứng đầu về tư cách đạo đức, về tinh thần nghiêm túc “tự phê bình mình” là chính, thực hiện phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự phê bình và tiến hành phê bình cấp dưới sau, sẽ góp phần xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức cơ sở Đảng.

Tự phê bình và phê bình để góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… nhằm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nên một mặt, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải tự giác, thành khẩn và gương mẫu; mặt khác, mỗi tổ chức Đảng phải chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh những hiện tượng không chấp hành nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Chú trọng tự phê bình và phê bình thường xuyên ở chi bộ trên tinh thần vừa cẩn thận, vừa kịp thời tiến hành kiểm điểm phân loại đảng viên theo định kỳ thật nghiêm túc. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nghiêm khắc với chính mình, tự viết bản tự kiểm rõ ràng, nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, để từ đó thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân của cả những ưu và khuyết, và nêu rõ biện pháp cùng thời gian khắc phục. Đồng thời, để tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả cao, thì còn cần một cơ chế động viên quần chúng tham gia và giám sát tự phê bình và phê bình trong mỗi tổ chức cơ sở Đảng theo định kỳ.

Tự phê bình và phê bình nghiêm túc, kịp thời nhưng cẩn trọng, chân thành với mình và chân thành với đồng chí theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn đây sẽ là giải pháp “đột phá” đưa Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào thực tiễn cuộc sống.

Theo tcdcpl.moj.gov.vn

Mừng Đảng, mừng xuân - Ảnh: Đăng Khoa

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.261.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.232.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.261.

(4) Tài liệu lưu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

(5) Nhà báo Hữu Thọ: Thẳng thắn và chân tình, Báo An ninh thế giới giữa tháng, tháng 3/2012, tr.8-9.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.5, tr.552.

Video liên quan

Chủ đề