Ngữ văn 6 bài sơn tinh thủy tinh luyện tập

  • Thể loại: Truyền thuyết
  • Bố cục: 3 phần
    • Phần 1: Từ đầu đến “mỗi thứ một đôi: =>Hùng Vương kén rể
    • Phần 2: Tiếp theo đến “thần nước đành rút quân” =>Cuộc giao tranh giữ hai vị thần
    • Phần 3: Còn lại => Sự trả thù hàng năm của Thủy Tinh.
  • Chuỗi sự việc chính:

1 - Vua Hùng kén rể

2 - Sơn Tinh-Thuỷ Tinh đến cầu hôn.

3 - Vua Hùng ra điều kiện chọn rể.

4 - Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.

5 - Thuỷ Tinh đến sau tức giận dâng nước đánh Sơn Tinh.

6 - Hai bên giao chiến hàng tháng trời -> Thuỷ Tinh thua.

7 - Hàng năm, Thuỷ Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh.

Trả lời:

  • Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm 3 đoạn:
    • Phần 1: Từ đầu đến “mỗi thứ một đôi: =>Hùng Vương kén rể
    • Phần 2: Tiếp theo đến “thần nước đành rút quân” =>Cuộc giao tranh giữ hai vị thần
    • Phần 3: Còn lại => Sự trả thù hàng năm của Thủy Tinh.
  • Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh được gắn với thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu lịch sử Việt Nam.

Trả lời:

Hai nhân vật chính: Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Hai nhân vật này được miêu tả:

  • Sơn Tinh: ở núi Tản Viên có tài vẫy tay về phía Đông, phía Đông nổi cồn bài. Vẫy tay về phía Tây, phía Tây mọc lên từng dãy núi đồi, có thể "dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành luỹ đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu"..=>Chúa vùng non cao
  • Thủy tinh: ở miền biển Đông, có tài gọi gió gió đến, hô mưa mưa về, ó thể "hô mưa, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời".=>chúa vùng nước thẳm

Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật:

  • Sơn Tinh: Tượng trưng cho sức mạnh, khát vọng chống thiên tai và ước mơ chiến thắng lũ lụt của ông cha ta.
  • Thủy Tinh: Tượng trưng cho mưa bão, lũ lụt, thiên tai uy hiếp cuộc sống của con người.

Trả lời:

Ý nghĩa của chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

  • Thủy Tinh là đại diện cho sức mạnh của mưa gió, bão lụt khủng khiếp hàng năm xảy ra ở lưu vực sông Hồng, gây phá hoại mùa màng và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
  • Sơn Tinh phản ánh sức mạnh vĩ đại đắp đê ngăn lũ của nhân dân, đồng thời nói lên ước mơ chiến thắng thiên tai của người xưa.

==> Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

Trả lời:

Việc củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng và phát triển trồng rừng mới là chủ trương rất đúng đắn của Nhà nước. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho hàng năm nước ta xảy ra nhiều thiên tai, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Việc trồng rừng sẽ góp phần điều hòa nguồn nước, chống xói mòn đất và làm cho bầu không khí thêm trong lành hơn.

Nội Dung

  • Văn bản
    • 1. Thể loại
    • 2. Nội dung
    • 3. Tóm tắt
    • 4. Bố cục
    • 5. Nghệ thuật
  • Đọc – Hiểu văn bản
    • 1. Trả lời câu hỏi 1 trang 33 sgk Ngữ văn 6 tập 1
    • 2. Trả lời câu hỏi 2 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1
    • 3. Trả lời câu hỏi 3 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1
  • Luyện tập
    • 1. Trả lời câu hỏi 1 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1
    • 2. Trả lời câu hỏi 2 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1
    • 3. Trả lời câu hỏi 3* trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1
  • Các bài văn hay
    • 1. Phân tích truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh
    • 2. Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh
    • 3. Kể diễn cảm truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh
    • 4. Em hãy kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bằng lời văn của em
    • 5. Bằng lời của Sơn Tinh hãy kể lại chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
    • 6. Em hãy kể tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
    • 7. Tóm tắt và phân tích ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
    • 8. Phân tích nhân vật Sơn Tinh
    • 9. Thuỷ Tinh báo thù
    • 10. Thuỷ Tinh nhớ lại mối hận thù xưa
    • 11. Chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh bốn ngàn năm sau

Hướng dẫn Soạn Bài 3 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một. Nội dung bài Soạn bài Sơn Tinh Thủy Tinh sgk Ngữ văn 6 tập 1 bao gồm đầy đủ bài soạn, tóm tắt, miêu tả, tự sự, cảm thụ, phân tích, thuyết minh… đầy đủ các bài văn mẫu lớp 6 hay nhất, giúp các em học tốt môn Ngữ văn lớp 6.


Văn bản

Ngữ văn 6 bài sơn tinh thủy tinh luyện tập
Soạn bài Sơn Tinh Thủy Tinh sgk Ngữ văn 6 tập 1

1. Thể loại

Truyền thuyết:

– Truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ.

– Tác phẩm nghệ thuật truyền miệng nên nó thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

– Thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.


2. Nội dung

Vua Hùng kén rể và cuộc thi tài của Sơn Tinh và Thủy Tinh.


3. Tóm tắt

Biết tin Hùng Vương thứ 18 kén rể cho Mị Nương, Sơn Tinh (thần núi), và thủy Tinh (thần nước) cùng đến cầu hôn. Trước hai chàng trai tài giỏi nhà vua bèn ra điều kiện kén rể. Hôm sau Sơn Tinh mang lễ vật đến trước nên rước được Mị Nương về, Thủy Tinh đến sau bèn đùng đủng nỏi giận đuổi đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh đành rút quân. Từ đấy hằng năm, Thủy Tinh vẫn làm mưa bão lũ lụt để trả thù Sơn Tinh.


4. Bố cục

Phần 1: Từ đầu đến mỗi thứ một đôi: điều kiện kén rể.

Phần 2: tiếp đến Thần nước đành rút quân: Cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh và kết quả.

Phần 3 còn lại: Cuộc trả thù của Thủy Tinh và kết quả.


5. Nghệ thuật

– Tình huống truyện độc đáo

– Miêu tả sinh động hấp dẫn.

– Trí tưởng tượng phong phú, độc đáo

Dưới đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Sơn Tinh Thủy Tinh sgk Ngữ văn 6 tập 1. Các bạn cùng tham khảo nhé!


Đọc – Hiểu văn bản

Giaibaisgk.com giới thiệu với các bạn đầy đủ phương pháp, lời hướng dẫn, câu trả lời các câu hỏi có trong phần Đọc – Hiểu văn bản của Bài 3 trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập một cho các bạn tham khảo. Nội dung chi tiết câu trả lời từng câu hỏi các bạn xem dưới đây:


1. Trả lời câu hỏi 1 trang 33 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?

Trả lời:

Truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” gồm 3 phần:

– Phần 1: Từ đầu đến “ một đôi”: vua Hùng kén rể.

– Phần 2: Tiếp theo đến “rút quân”: Sơn Tinh – Thủy Tinh cầu hôn và cuộc giao tranh của hai vị thần.

– Phần 3: Còn lại: Thủy Tinh trả thù hằng năm.

Truyện gắn với thời đại Hùng Vương thứ 18.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Trong truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” nhân vật chính là ai? Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?

Trả lời:

Nhân vật chính trong truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”:

– Sơn Tinh: thần núi Tản Viên.

– Thủy Tinh – thần nước.

Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo:

Sơn Tinh: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồ.

Thủy Tinh: gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về.

Trong cuộc giao tranh:

– Thủy Tinh hô mưa, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh.

– Sơn Tinh: dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi dâng lên bấy nhiêu.

Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật:

– Thủy Tinh là hiện tượng mưa to, bão lớn, lũ lụt hằng năm. Sơn Tinh là lực lượng cư dân Việt cổ đắp đê chống lụt, là ước mơ chiến thắng thiên tai của người xưa được hình tượng hóa.

– Tài năng, tầm vóc và khí phách của Sơn Tinh là biểu tượng cho chiến công của người Việt cổ trong đấu tranh chống bão lụt ở vùng lưu vực sông Đà và sông Hồng.


3. Trả lời câu hỏi 3 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hãy nêu ý nghĩa của truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.

Trả lời:

Ý nghĩa của truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”:

– Giải thích hiện tượng lũ lụt

– Thể hiện sức mạnh, mong ước của người Việt cổ chế ngự thiên tai.

– Suy tôn công lao dựng nước của các vua Hùng.


Luyện tập

1. Trả lời câu hỏi 1 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hãy kể diễn cảm truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.

Trả lời:

Muốn kể chuyện diễn cảm em phải nắm vững các sự việc và xác định giọng điệu thích hợp.

 – Vua Hùng kén rể → Giọng hân hoan

 – Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đến cầu hôn → Giọng điệu ngạc nhiên

 – Vua Hùng ra điều kiện chọn rể→ Giọng điệu thể hiện sự băn khoăn

 – Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đánh nhau → Giọng sôi nổi, dồn dập, hào hùng.

 – Kết quả trận đánh → Giọng trầm xuống, lắng đọng.

 – Đoạn cuối → Giọng chậm rãi.


2. Trả lời câu hỏi 2 trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Từ truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, em nghĩ gì về chủ trương xây dựng, củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng đồng thời trồng thêm hàng triệu héc-ta rừng của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Trả lời:

Truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh” mượn hình ảnh hai thần để giải thích hiện tượng giông bão, lũ lụt xảy ra hằng năm trên đất nước  ta. Chính vì thế, nhà nước có chủ trương xây dựng củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng đồng thời trồng thêm hàng triệu héc-ta rừng là những việc làm hết sức tích cực để đẩy lùi lũ lụt và ngăn chặn nó.


3. Trả lời câu hỏi 3* trang 34 sgk Ngữ văn 6 tập 1

Hãy viết tên một số truyện kể dân gian liên quan đến thời đại các vua Hùng mà em biết:

Trả lời:

– Con Rồng, cháu Tiên.

– Bánh chưng, bánh giầy.

– Thánh Gióng.

– Chử Đồng Tử.

– Sự tích quả dưa hấu.

– Hùng Vương chọn đất đóng đô.

– Thành Phong Châu.

– Con voi bất nghĩa.

– Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

– Vua Hùng trồng kê tra lúa.

– Vua Hùng đi săn.


Các bài văn hay

1. Phân tích truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh

Bài làm:

Truyền thuyết Việt Nam là bức tranh đẹp đẽ về đời sống, về trí tưởng tượng tài hoa của ông cha xưa. Trong kho tàng ấy có biết bao câu chuyện làm say đắm các thế hệ người nghe, người đọc và một trong những tác phẩm đó là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Tác phẩm là một thần thoại cổ đã được lịch sử hóa khi gắn với thời đại Hùng Vương và trở thành truyền thuyết trong thời đại các vua Hùng.

Tác phẩm tập trung thể hiện hai nội dung chính: cuộc giao tranh của Sơn Tinh và Thủy Tinh để giải thích hiện tượng mưa bão hàng năm và sự việc Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh phản ánh khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta.

Câu chuyện được bắt đầu bằng việc vua Hùng kén rể cho người con gái yêu của mình là nàng Mị Nương. Trong vô vàn những người kiệt xuất, ưu tú thì Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai chàng trai xuất sắc nhất.

Sơn Tinh là thần núi Tản Viên, có nhiều phép lạ “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”, Thủy Tinh cũng không hề kém cạnh, chàng là chúa vùng nước thẳm cũng có những tài năng kì lạ “gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về”.

Quả thực tài năng hai người ngang tài ngang sức nhau, trước tình thế đó vua Hùng không biết lựa chọn ai, bèn đưa ra sính lễ: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”, ai mang đến sớm vua Hùng sẽ gả con gái yêu của mình cho người đó.

Nhìn vào số đồ sính lễ này ta có thể dễ dàng nhận ra ưu thế đang nghiêng về chàng Sơn Tinh, và bất lợi đang nghiêng về phía chàng Thủy Tinh, đồ sính lễ đều thuộc địa phận cai quản của Sơn Tinh. Và kết quả Sơn Tinh mang sính lễ đến trước và rước được Mị Nương về.

Thủy Tinh vô cùng giận dữ đem quân đuổi theo đánh Sơn Tinh, cuộc giao tranh diễn ra vô cùng quyết liệt. Thần nước “hô mưa gọi gió, làm thành dông bão, rung chuyển cả đất trời” nước mỗi ngày một dâng cao nhằm đánh bại Sơn Tinh.

Nhưng trước sự hung hãn của Thủy Tinh, Thần núi vẫn không hề nao núng, Sơn Tinh “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ”. Cuối cùng Thủy Tinh yếu thế đành phải rút lui. Cuộc giao tranh giữa hai vị thần không đơn thuần là cuộc giao tranh để đòi lại người đẹp (Mị Nương) mà nó còn phản ánh sức mạnh của dân tộc ta trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, bão lụt.

Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên hung bạo, Sơn Tinh đại diện cho sức mạnh quật cường của dân tộc Việt. Trước những thiên tai bão lũ dân tộc ta không chịu lùi bước, luôn kiên cường chống đỡ. Đồng thời bằng trí tưởng tượng của mình, các tác giả dân gian còn dùng cuộc đấu tranh giữa hai vị thần về hiện tượng mưa bão, lũ lụt hàng năm.

Tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm ta không thể không kể đến sự góp công của các yếu tố nghệ thuật. Trước hết là việc xây dựng cốt truyện với tình huống truyện gay cấn, sự kiện sinh động. Không chỉ vậy, xây dựng các nhân vật với tài năng phi thường, các yếu tố kì ảo làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn.

Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp hài hòa giữa các yêu tố tưởng tượng kì ảo với yếu tố hiện thực lịch sử. Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm này.

Sơn Tinh Thủy Tinh là một truyền thuyết lí thú trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện vừa thể hiện cách giải thích của nhân dân ta về hiện tượng mưa bão hàng năm nhưng đồng thời cũng phản ánh sức mạnh, mơ ước chế ngự thiên tai, bảo vệ và xây dựng cuộc sống của nhân dân ta.


2. Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Từ đó, em có suy nghĩ gì về chủ trương xây dựng, củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bài làm:

Trong những truyện thần thoại đã đọc, em rất thích truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bởi sự cuốn hút, hấp dẫn lạ thường của nó. Truyện mượn thần thánh để giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ và gửi gắm vào đó ước mơ chiến thắng thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của người xưa, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

Cách đây mấy ngàn năm, khi tổ tiên người Việt từ vùng rừng núi chuyển xuống sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ thì năm nào cũng gặp phải một trong những thiên tai đáng sợ là nạn lụt. Nạn lụt do nước lũ từ các con sông, chủ yếu là sông Hồng, sông Đà gây ra. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, nhân dân ta đã dũng cảm, mưu trí, bền bỉ tìm cách chống lụt. Việc đắp đê ngăn nước chính là biểu hiện của tinh thần đó.

Từ chuyện chống lũ lụt để bảo vệ mùa màng và đời sống, người xưa đã tưởng tượng thành một câu chuyện với nhiều tình tiết li kì : Hai vị thần cùng muốn cưới một công chúa xinh đẹp làm vợ ; rồi người được vợ, kẻ không được vợ, dẫn đến cuộc giao tranh dữ dội. Cuối cùng, bên thắng, bên thua. Kẻ thua cuộc ôm lòng thù hận khôn nguôi, hằng năm vẫn gây sự đánh trả.

Thực tế là hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ, cứ đến mùa mưa bão là nước dâng to, nhưng chưa bao giờ làm ngập nổi núi đồi. Cuối mùa lũ, nước rút đi, sông suối trở lại hiền hòa. Người xưa cho rằng đó là Thần Nước đánh nhau với Thần Núi để giành lại Mị Nương … Quả là trí tưởng tượng của họ vô cùng phong phú và bay bổng.

Truyện có hai nhân vật : Sơn Tinh – chúa tể của vùng non cao và Thủy Tinh – chúa tể của vùng nước thẳm. Cả hai đều có tài năng phi thường. Sơn Tinh vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây lập tức hiện ra những dãy núi đồi. Thủy Tinh gọi gió, gió tới ; hô mưa, mưa về. Cả hai vị thần đều tài giỏi. Điều ấy khiến nhà vua băn khoăn không biêt chọn ai, đành ra điều kiện : Ngày mai, nếu ai mang lễ vật đến sớm thì được cưới Mị Nương.

Ngay trong truyện thách cưới, có lẽ ý nhà vua đã nghiêng về phía Sơn Tinh. Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chính hồng mao. Rồi trăm ván cơm nếp, trăm nệp bánh chưng … Tất cả đều là sản vật của đồng ruộng, núi rừng. Vì vậy, kẻ thắng cuộc tất nhiên phải là Sơn Tinh. Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, cưới được Mị Nương và đưa nàng về núi Tản Viên. Sơn Tinh thật xứng đôi với nàng công chúa xinh đẹp.

Không cưới được Mị Nương, Thủy Tinh đùng đùng nổi giận. Chàng phô bày hết sức mạnh tàn bạo của mình trong cuộc giao tranh với Sơn Tinh. Gió bão rung chuyển cả đất trời. Mưa làm nước sông hồ dâng lên cuồn cuộn, ngập tràn đồng ruộng, mùa màng, cuốn phăng cây cối, nhà cửa, súc vật. Nước dâng lên sườn đồi, sườn núi làm trốc cây, lở đá … Thủy Tinh muốn nhấn chìm đỉnh núi để tiêu diệt Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương.

Nhưng Sơn Tinh cũng trổ hết tài bốc đồi, dời núi, dựng thành ngăn nước. Nước dâng cao bao nhiêu, núi đồi cao lên bấy nhiêu. Suốt mấy tháng trời, cuộc tấn công của Thủy Tinh thật là dữ dội : giông bão, sấm chớp, mưa như trút nước, đồng ruộng hóa thành sông, sông thành biển cả. Ấy vậy nhưng Sơn Tinh không hề nao núng, vẫn bình tĩnh, sáng suốt chống trả một cách quyết liệt và thắng lợi. Cuối cùng kiệt sức, Thủy Tinh phải rút lui.

Cả hai vị thần đều có tài cao, phép lạ. Nhưng Thủy Tinh dù phép thuật cao cường vẫn phải khuất phục trước Sơn Tinh dũng mãnh và mưu trí. Những chi tiết nghệ thuật kì ảo, hoang đường về Sơn Tinh, Thủy Tinh và khí thế hào hùng của cuộc giao tranh giữa hai vị thần thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người xưa.

Cuộc giao tranh không chỉ xảy ra một lần mà nhiều lần, năm nào cũng vậy. Nhưng kết cục thì không thay đổi : thần Núi chiến thắng thần Nước. Mị Nương vẫn sống hạnh phúc bên Sơn Tinh trên đỉnh Tản Viên cao vòi vọi. Thủy Tinh không sao giành lại được nàng.

Sơn Tinh, Thủy Tinh là những nhân vật hoàn toàn tưởng tượng nhưng lại có ý nghĩa rất thực vì đã khái quát được hiện tượng lũ lụt, đồng thời phản ánh những kì công trong sự nghiệp dựng nước của nhân dân ta dưới triều đại các vua Hùng.

Tất cả những chi tiết kì ảo trên đều nhằm để giải thích hiện tượng lũ lụt và việc chống lũ lụt hằng năm của nhân dân ta ở đồng bằng Bắc Bộ. Có một chi tiết quan trọng là Sơn Tinh dựng thành ngăn nước. Đó là công việc đắp thành bằng đất của con người – khởi đầu cho những con đê lớn sau này chạy suốt hai bờ những con sông lớn để ngăn lũ. Người xưa để cho Sơn Tinh thắng Thủy Tinh là gửi gắm vào đó ước mơ có được sức mạnh thần kì để chế ngự được nạn lũ lụt – một tai họa lớn của con người.

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có giá trị nội dung và nghệ thuật rất đặc sắc.

Thủy Tinh là hiện tượng mưa gió, bão lụt ghê gớm hằng năm đã được hình tượng hóa thành kẻ thù hung dữ, truyền kiếp của Sơn Tinh.

Sơn Tinh là hiện thân của người dân Việt cổ cần cù đắp đê phòng chống lũ lụ, là ước mơ chiến thắng thiên tai của người xưa. Tầm vóc vũ trụ, tài năng và khí phách của Sơn Tinh là biểu tượng sinh động cho chiến công của người Việt cổ trong cuộc đấu tranh chống bão lụt ở vùng lưu vực sông Đà và sông Hồng. Đây cũng là kì tích dựng nước của thời đại các vua Hùng và kì tích ấy cho đến nay vẫn được tiếp tục phát huy mạnh mẽ.

Ước mơ xưa giờ đây đã thành hiện thực. Những công trình thủy lợi lớn như hệ thống đê điều, mương máng, những hồ nước, đập nước điều hòa dòng chảy của sông Đà, sông Hồng đã thực sự chế ngự được sức tàn phá ghê gớm của nước lũ. Hạt lúa, củ khoai do bà con nông dân đổ mồ hôi làm ra đã được bảo vệ. Ngày nay, con cháu của Sơn Tinh đã và đang thực hiện ước mơ của tổ tiên ngày trước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, cháy rừng diễn ra rất nghiêm trọng trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới sinh thái, môi trường của đất nước ta. Hiện tượng thiên tai lũ lụt xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, phần lớn nguyên nhân là do cháy rừng, phá rừng.

Mất rừng, Sơn Tinh sẽ mất hết sức lực và phép lạ, làm sao chống chọi được với Thủy Tinh ?!

Nhà nước ta hiện nay đang có chủ trương vận động nhân dân tích cực xây dựng, củng cố đê điều ; nghiêm cấm nạn phá rừng, đi đôi với việc trồng thêm hàng triệu hecta rừng phủ xanh đất trồng, đồi trọc. Đây là chủ trương đúng đắn và hợp lí, được mọi người đồng tình.

Chẳng lẽ Sơn Tinh lại thua Thủy Tinh ? Chuyện xảy ra từ ngàn xưa nhưng vẫn là bài học thiết thực trong cuộc sống hôm nay, cháu con cần ghi nhớ.


3. Kể diễn cảm truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

Bài làm:

Chuyện xưa kể rằng Hùng Vương thứ mười tám sinh được một cô công chúa đẹp người đẹp nết tên là Mị Nương. Nàng được vua cha hết mực yêu thương, chiều chuộng. Khi Mị Nương đã đến tuổi trưởng thành, Hùng Vương có ý kén chọn cho con gái một người chồng xứng đáng.

Tin Hùng Vương muốn kén rể liền loan truyền khắp trong thiên hạ. Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn. Chàng thứ nhất người vùng núi Tản Viên, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, sức khỏe phi thường. Đó là Sơn Tinh. Sơn Tinh có tài lạ : vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Chàng thứ hai sống ở miền biển, hình dạng cổ quái tên là Thủy Tinh. Thủy Tinh có phép gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng. Điều đó làm cho nhà vua phân vân khó xử, không biết chọn ai.

Sau khi bàn bạc và hỏi ý kiến các Lạc hầu, Lạc tướng, Hùng Vương bèn phán rằng:

– Hai người đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một cô con gái. Thôi thì ngày mai ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới Mị Nương.

Sơn Tinh, Thủy Tinh tâu hỏi đồ sính lễ gồm những gì, vua phán:

– Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.

Hôm sau, Sơn Tinh đem đầy đủ lễ vật đến từ lúc mặt trời chưa mọc. Hùng Vương vui lòng gả con gái cho chàng. Sơn Tinh rước Mị Nương về núi Tản Viên. Hai người thật xứng đôi vừa lứa.

Thủy Tinh đến trễ, không cưới được Mị Nương liền đùng đùng nổi giận đuổi theo. Thủy Tinh làm mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, dâng nước sông lên cuồn cuộn ngập đồi ngập núi để đánh Sơn Tinh.

Với bản lĩnh cao cường, Sơn Tinh không hề nao núng. Chàng dùng phép lạ và tài năng của mình nâng cao đồi núi. Nước dâng tới đâu, núi cao lên tới đó. Suốt mấy tháng ròng, cuộc chiến xảy ra ác liệt. Quân lính của Sơn Tinh từ trên cao lao cây, ném đá xuống sông, tiêu diệt quân của Thủy Tinh. Cuối cùng, Thủy Tinh thua trận đành rút chạy.

Từ đó trở đi, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám là Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp lại Mị Nương. Nhưng chưa bao giờ Thủy Tinh thắng nổi Sơn Tinh. Cho đến nay, vợ chồng Sơn Tinh – Mị Nương vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau trên đỉnh núi Tản Viên hùng vĩ.


4. Em hãy kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bằng lời văn của em

Trả lời:

Mở bài:

Giới thiệu ngắn gọn câu chuyện em định kể.

Thân bài: Cần đảm bảo các ý sau:

– Vua Hùng kén rể.

– Sơn Tinh và Thủy Tinh đến cầu hôn.

– Vua Hùng ra điều kiện kén rể.

– Sơn Tinh đến trước được vợ.

– Thủy Tinh đến sau, tức giận dâng nước đánh Sơn Tinh.

– Hai bên giao chiến hàng tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh thua đành rút quân về.

Kết bài:

– Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại.

– Suy nghĩ của bản thân về câu chuyện.

Bài tham khảo:

Trong các truyền thuyết đã được học ở đầu lớp 6, em thích nhất truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Câu chuyện có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo đã góp phần thêm sinh động cho cuộc cầu hôn đầy gay cấn để tranh giành nàng Mị Nương xinh đẹp giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.

Hồi đó, vua Hùng Vương thứ mười tám có duy nhất một nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần tên là Mị Nương. Năm ấy, Mị Nương đã đến tuổi lấy chồng, nhà vua muốn kén cho

con gái mình một chàng rể thật tài ba, xứng đáng với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của công chúa. Hay tin nhà vua kén rể, thần núi Tản Viên là Sơn Tinh và thần nước Thuỷ Tinh đều đến thành Phong Châu để cầu hôn. Sơn Tinh có phép lạ: vẫy tay về phía Đông, phía Đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía Tây, nơi đó mọc lên từng dãy núi đồi. Thuỷ Tinh cũng không kém phần thần thông, chàng ta có thể hô mưa gọi gió. Hùng Vương phân vân vì hai người đều vừa lòng vua, liền mời các Lạc hầu vào bàn chuyện. Xong, vua phán:

– Hai chàng đều xứng đáng làm con rể ta, nhưng ta chỉ có một người con gái không thể lấy cả hai được. Thôi thì ngày mai ai đem sính lễ tới trước, ta sẽ gả con gái cho. Sính lễ gồm có: một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.

Sáng hôm sau, đã thấy Sơn Tinh đến, đem đầy đủ lễ vật và rước được Mị Nương về. Mãi đến gần trưa Thuỷ Tinh mới đến, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, thần hoá phép đuổi đánh Sơn Tinh. Thuỷ Tinh hô mưa gọi gió, làm thành dông bão, nước từ biển cuồn cuộn chảy ngược về đất liền.

Nước mỗi lúc một cao, làm ngập cả ruộng đồng, nhà cửa, nước ngang lưng đồi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước. Sơn Tinh không hề nao núng. Chàng dùng phép bốc từng dãy núi, ngọn đồi đắp thành một con đê khổng lồ, vững chắc ngăn dòng nước lũ. Cuộc chiến kéo dài mấy tháng trời, Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thuý Tinh đã đuối, thần liền rút quân về.

Từ đó, oán nặng thù sâu, hằng năm, Thuỷ Tinh vẫn thường dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp được Mị Nương. Nhưng năm nào cũng vậy, Thuỷ Tinh chán chê cũng không thắng nổi Sơn Tinh, đành rút quân về.

Em rất yêu thích câu chuyện này – câu chuyện đầy cao trào của cuộc chiến. Truyện phần nào giúp em hiểu rõ hơn về hiện tượng bão lũ hằng năm, ước mơ chế ngự thiên tai của người Việt cổ.


5. Bằng lời của Sơn Tinh hãy kể lại chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

Bài làm:

Cách đây đã lâu, vào thời vua Hùng Vương thứ XVII, vua có một người con gái tên là Mị Nương nổi tiếng là xinh đẹp nết na.

Khi nàng đến tuổi lấy chồng Hùng Vương đã truyền tin kén rể. Tin loan truyền đi khắp nơi một cách nhanh chóng.

Tất cả các chàng trai tới đều đến để xin cầu hôn với Mị Nương. Nhưng vua chẳng vừa ý ai cả. Ta liền chọn một ngày đẹp trời xin cầu hôn. Hôm đó, ta tưởng như chỉ có mình ta nhưng lại có một người nữa đã đến trước ta, người này tên là Thuỷ Tinh. Tài của hắn là: gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Nhưng tài của ta cũng không kém. Ta vẫy tay về phía đông thì mọc lên cồn cát, vẫy tay về phía tây thì mọc lên những dãy núi đồi. Vua Hùng băn khoăn không biết chọn ai bèn mời các Lạc hầu vào bàn bạc và phán:

–   Cả hai người đều ngang sức, ngang tài và đều vừa ý ta, nhưng ta chi có một đứa con gái mà thôi. Cho nên ngày mai, hễ ai đem sính lễ đến trước thì ta gả con gái cho.

Sính lễ gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.

Sáng hôm sau, khi trời vừa tờ mờ sáng ta đã đến trước và đem đầy đủ lễ vật. Sau đó ta được rước Mị Nương về núi. Thuỷ Tinh đến sau không lấy được vợ hắn tức giận sai quân đuổi theo đánh ta hòng cướp lấy Mị Nương. Trận đấu giữa ta và hắn rất quyết liệt. Hắn hô mưa, gọi gió, làm thành giông bão rung chuyển đất trời, nước dâng cao mãi tràn ngập cả nhà cửa, ruộng nương. Nước lên đến lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu lúc bấy giờ nổi lềnh trên một biển nước.

Sau đó ta mới dùng phép bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi để ngăn chặn dòng nước. Thuỷ Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì ta lại biến phép cho đồi núi cao bấy nhiêu. Cuộc đọ sức giữa ta và hắn kéo dài mấy tháng liền. Sau đó Thuỷ Tinh thua cuộc đành rút quân về. Từ đó trở đi cứ hằng năm hắn lại làm mưa gió, bão lụt để đánh ta. Lần nào cũng thua cuộc nhưng có lẽ mối thù xưa mà hắn không thể nào quên được nên hàng năm hắn vẫn  thường làm giông bão, dâng nước làm các dòng sông lũ lớn để báo thù ta.


6. Em hãy kể tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

Bài làm:

Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng

Một người là Sơn Tinh – chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh – chúa vùng nước thẳm. Để lựa chọn được chàng rể xứng đáng, Vua Hùng bèn đặt ra điều kiện:”Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng,voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thi ta sẽ gả con gái cho”. Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến truớc, cưới được Mị Nương.Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nồi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho thành Phong Châu ngập chìm trong nuớc. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép bốc từng quả đồi, dời tùng dãy núi, đắp thành dựng luỹ, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua. Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn làm mưa gió, bão lụt,dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào cũng mang thất bại trở về.


7. Tóm tắt và phân tích ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

Bài làm:

Vua Hùng thứ XVIII có nàng công chúa tên là Mị Nương, mình ngọc, mặt hoa, đẹp tuyệt trần. Vua cha muốn kén được một chàng rể tài giỏi, nhưng chưa có một chàng trai nào thật xứng đáng.

Một hôm, cùng một lúc, bỗng có hai vị thần cùng xuất hiện tại cung điện và xin cầu hôn. Một người tự xưng là Sơn Tinh có tài dời non lấp bể, dựng núi xây đồi. Một người tự xưng là Thuỷ Tinh có phép lạ như dâng nước, hô mây, gọi gió, nổi sóng, gây mưa… Vua Hùng băn khoăn ngẫm nghĩ, rồi phán: Cả hai thẩn rất tài giỏi, thật vừa ý ta. Nhưng… ta chỉ có một ái nữ, biết gả cho thần nào? Thôi thì ngày mai, hễ ai đem sính lễ đến trước, ta khắc cho làm rể và cưới con gái ta….

Mờ sáng hôm sau, Sơn Tinh đến trước mang theo voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi, kèm theo một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng… Vua
Hùng vui vẻ nhận lời, rồi cho phép Sơn Tinh làm lễ cưới, rước Mị Nương về núi.

Thuỷ Tinh chậm chân đến sau, không lấy được Mị Nương, đùng đùng nổi giận. Thần lập tức hô mưa, gọi gió, giông bão mịt mù, dâng nước lên đánh Sơn Tinh, quyết dành lại người đẹp. Cả một vùng Phong Châu rộng lớn chìm trong biển nước. Thuỷ Tinh dâng nước lên cao hao nhiêu thì Sơn Tinh lại hoá phép nâng núi lên cao bấy nhiêu. Hai bên kịch chiến suốt ngày đêm. Núi Tản Viên, sông Đà trở thành bãi chiến trường ác liệt, cây đổ, đất đá ngổn ngang, xác ba ba, thuồng luồng, rắn rết bị giết chết nổi đầy sông. Đánh mãi không được, Thuỷ Tinh hậm hực rút quân về.

Từ đó, Thuỷ Tinh ôm mối hận thù khôn nguôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7 tháng 8 ta, Thuỷ Tinh lại đem quân đánh Sơn Tinh để rửa hận, gây ra cảnh mưa gió, bão lụt khắp nơi…

Truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh mượn chuyện hai thần tranh giành người đẹp để giải thích hiện tượng giông bão, lũ lụt hàng năm xảy ra trên vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc nước ta.
Sơn Tinh đã đánh thắng Thuỷ Tinh. Điều đó nói lên ước mơ và khát vọng của người Việt cổ xưa muôn có sức mạnh thần kì, vô địch đế đẩy lùi và chế ngự thiên tai lũ lụt, để bảo vệ và phát triển nghề trồng lúa nước lâu đời.

Hình tượng Sơn Tinh hoá phép nâng núi lên cao, lên cao mãi để chiến thắng Thuỷ Tinh là một trong những hình ảnh thần kì tráng lệ trong truyện cổ dân gian Việt Nam.


8. Phân tích nhân vật Sơn Tinh

Bài làm:

Sơn Tinh Thủy Tinh là truyền thuyết nổi tiếng gắn bó với tuổi thơ mỗi người. Tác phẩm đã cho thấy người anh hùng Sơn Tinh tài năng, dũng cảm đã chiến đấu chống lại sự đánh trả quyết liệt của Thủy Tinh. Sơn Tinh đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Nếu như Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh thiên nhiên hung bạo, dữ dội thì Sơn Tinh lại là đại diện sức mạnh của nhân dân, cộng đồng.

Tác phẩm được bắt đầu bằng câu chuyện kén rể của vua Hùng. Nhà vua có một người con gái tên là Mị Nương đã đến tuổi lấy chồng, bởi vậy vua cha muốn kén cho con gái yêu của mình một người chồng thật xứng đáng cả về tài năng lẫn phẩm chất. Trong vô vàn những người đến cầu hôn, có hai chàng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh khiến nhà vua ưng ý hơn cả.

Thủy Tinh đến từ vùng biển cả có tài hô mưa gọi gió; Sơn Tinh lại là chúa vùng non cao có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Tài năng của hai chàng chẳng ai kém ai khiến nhà vua vô cùng băn khoăn. Trước tình thế đó, vua Hùng đã đưa ra yêu cầu sính lễ, ai đem đến trước sẽ được rước Mị Nương về làm vợ.

Sính lễ bên cạnh những sản vật bình dị như cơm nếp, bánh chưng còn có những sản vật kì dị, quý hiếm “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Ngay từ sính lễ ta đã thấy phần nào chiến thắng nghiêng về phía Sơn Tinh. Và quả đúng như vậy, hôm sau, Sơn Tinh mang sính lễ đến sớm, rước nàng Mị Nương về làm vợ.

Thủy Tinh vô cùng tức giận, đến sau không lấy được Mị Nương, chàng đã đem quân đánh trả. Trước sự hung hãn của Thủy Tinh, để bảo vệ vợ yêu, bảo vệ người dân Sơn Tinh đã bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi ngăn chặn dòng nước lũ. Trận chiến kéo dài hàng tháng trời, sau Thủy Tinh đuối sức đành phải bỏ về. Nhưng hàng năm Thủy Tinh vẫn quay lại báo thù Sơn Tinh.

Với việc xây dựng nhân vật Sơn Tinh nhân dân ta đã thể hiện truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Đồng thời với nhân vật này, cùng với sự việc hàng năm Thủy Tinh vẫn tiến đánh Sơn Tinh là cách dân gian giải thích về hiện tượng mưa bão hàng năm.

Ngoài ra, Thủy Tinh chỉ nhận lại sự thất bại trong cuộc chiến với Sơn Tinh đã phản ánh ước mơ, khát vọng chiến thắng thiên tai, bão lũ của nhân dân ta.

Để xây dựng nhân vật Sơn Tinh các tác giả đã vận dụng trí tưởng tượng tài hoa tạo nên xuất thân thần kì, những chiến công vĩ đại của nhân vật (thần núi Tản Viên, có nhiều phép lạ: bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi,…). Cùng với đó là việc xây dựng cốt truyện kịch tính, sự kiện sinh động đã góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.

Qua truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, đặc biệt là qua nhân vật Sơn Tinh các tác giả dân gian đã gửi gắm niềm mơ ước, khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta. Sơn Tinh là một hình tượng đẹp đẽ trong lòng người đọc.


9. Thuỷ Tinh báo thù

Bài làm:

Sau hàng ngàn lần dâng nước đánh tôi, Thuỷ Tinh đều thất bại, đành lui về ẩn mình trong thuỷ cung, uống rượu suốt ngày để cố quên đi mối hận. Được tin ấy, tôi vừa hả hê, vừa thoả mãn nghĩ có lẽ đã đến lúc mình có thể xả hơi.

Đặc biệt tôi đi đến đâu cũng nghe những lời ca tụng về mình. Họ còn viết cả một câu chuyện về tôi để đưa vào chương trình phổ thông dạy cho các em như nêu một tấm gương sáng để răn dạy chúng. Tôi trở thành thần tượng của lớp trẻ. Nghe những lời ngợi ca xưng tụng về mình, lúc đầu tôi hơi ngượng, nhưng sau đó, tôi đã quen với những lời tán dương. Trí tự mãn, tự đại ngấm dần vào người tôi như một căn bệnh.

Tôi tự cho mình cái quyền được nghỉ ngơi để hưởng thụ vinh hoa phú quý. Suốt ngày tôi mê mẩn bên nhan sắc của Mị Nương. Thậm chí, tôi còn tuyển thêm vào trong vương phủ biết bao nhiêu mĩ nữ để cùng bọn họ thong dong đạo chơi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng.

Một hôm, vừa tỉnh dậy buổi sáng, đã có mấy Sơn thần chầu chực chờ vào yết kiến. Họ hốt hoảng:

– Bẩm Đại Vương, dân đốt rừng làm nương rẫy nhiều lắm. Xin Đại Vương hãy ban lệnh cấm ngay ạ.

Tôi mĩm cười bảo họ:

– Ồ, tưởng chuyện gì. Thần dân của ta chăm chỉ, sáng tạo như vậy, tất đời sống sẽ được ấm no. Dân cường thì nước thịnh mà.

Mấy vị Sơn thần càng hốt hoảng hơn:

– Bẩm Đại Vương thế này thì chẳng mấy mà hết rừng ạ. Đất sẽ bị sói mòn mà sụp lở, nguy hiểm lắm ạ. Nếu Thuỷ Tinh đánh lên thì sao? Làm sao chống nổi.

Tôi cười khẩy:

Các ngươi thật to gan dám coi thường cả ta. Các ngươi không biết ta có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Ta đã từng bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi để dựng thành luỹ chặn Thuỷ Tinh là gi? Hàng nghìn năm nay có bao giờ ta thua?

Mấy vị Sơn thần bị tôi quở trách, mặt cứ tái xám, miệng lắp bắp điều gì không rõ rồi cáo lui.

Từ đó, chẳng có ai bẩm báo điều gì?

Một hôm, tôi nghe phong phanh có bọn Lâm tặc chặt phá các cánh rừng đại ngàn rất đữ. Thế nhưng, khi ta hỏi đến thì lại nhận được những lời tán dương:

– Dạ, muôn tâu Đại Vương, hạ thần được Đại vương tín nhiệm, đâu có dám lơ là nhiệm vụ ạ. Đại Vương anh minh lỗi lạc trong giang sơn của Người cai quản, có kẻ nào lại dám to gan làm bậy? Dạ xin Đại Vương đừng tin những lời đồn tấu của những kẻ ghen ăn ghét ở ạ. Dạ, họ là những người lương thiện số một ạ.

Mọi người tiếp tục phỉnh nịnh tôi với những lời tâng bốc khiến tôi như đi trên mây, cái gì hắn nói tôi cũng tin là thật.

Mấy ngàn năm trôi qua, tôi mải mê vui thú đến nỗi những cánh rừng đại ngàn ven biến đã mất, cả những khu rừng nguyên sinh đầu nguồn cũng không còn, mà tôi cũng không hay biết gì.

Một đêm, tôi đang say sưa trong giấc nồng thì có tiếng gõ cửa gấp:

– Bấm Đại Vương, nguy rồi! Một giọng kinh hoàng vang lên.

– Bẩm… lũ quét ạ.

Tôi vùng dậy thét:

– Tại sao thế? Hắn từ mãi biển khơi luồn theo đường sông lên tận đầu nguồn đánh xuống mà các ngươi không biết gì à?

– Bẩm, rừng không còn, hắn tiến quá nhanh chúng thần không chặn kịp ạ.

Tôi ra lệnh rồi thần thông ba bước tôi đã tới thượng nguồn sông Đà, chặn trước mặt Thuỷ Tinh. Tôi vội bốc từng dãy đồi, dời từng dãy núi chặn Thuỷ Tinh lại. Nhưng Thuỷ Tinh cùng bầy tôi tớ vẫn lao tới như những dòng thú không gì chặn lại nổi. Hắn phóng qua tôi rồi lao nhanh về phía biển.

Trước mắt tôi là một thảm cảnh kinh hoàng: Phố xá, làng mạc bị cuốn trôi; xác người và xác xúc vật nổi lềnh bềnh. Số sống sót thì chịu cảnh màn trời chiếu đất, không còn gì để ăn, kêu khóc thảm thiết.

Tôi chết lặng người Ngọc Hoàng giao tôi sứ mệnh trông coi vùng thượng nguồn sông Hồng tươi đẹp. Thế mà giờ đây…! Tôi đưa mắt nhìn quanh, cả một vùng đồi trọc trơ trọi, thảo nào quân của Thuỷ Tinh dễ dàng vượt qua!

Tội tôi quá lớn, không biết liệu Ngọc Hoàng có khoan dung?


10. Thuỷ Tinh nhớ lại mối hận thù xưa

Bài làm:

Hồi ấy cách đây khoảng hai nghìn năm, vua Hùng Vương thứ nười tám có một người con gái nổi tiếng nết na, xinh đẹp tên là Mị Nương. Năm ấy vua loan truyền tin kén rể cho con gái yêu của mình.

Tin truyền đi khắp nơi, các chàng trai háo hức về cung xin được cầu hôn Mị Nương, nhưng vua chưa ưng ý ai. Ta chọn một ngày đẹp đến xin cầu hôn nàng. Nhưng lạ thay hôm ấy đứng trước bệ rồng, còn một người nữa cũng đến xin cưới Mị Nương. Hắn là Sơn Tinh ở vùng núi Tản viên. Hắn cũng rất tài giỏi, hắn vầy tay về phía đông, phía đông nối cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi.

Đến lượt ta, ta cũng tự giới thiệu về mình là Thuỷ Tinh sống ở vùng biển. Tài năng của ta cũng chẳng thua kém Sơn Tinh. Ta gọi gió, gió đến, hô mưa mưa về. Hai người cân tài cân sức xem chừng vua Hùng khó xử nên chưa nhận lời gả Mị Nương cho ai. Vua đã gọi các Lạc hầu đến để bàn bạc, ít sau đó vua phán rằng:

–    Hai chàng đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái biết gả cho người nào? Thôi thì ngày mai, ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới Mị Nương về làm vợ.

Không để lâu ta liền hỏi ngay:

–   Thưa ngài cho con biết sính lễ gồm những gì ạ!

Vua liền cho biết là Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.

Đối với ta đồ sính lễ ấy rất khó kiếm. Nhưng suốt đêm đó ta sai người băng mọi cách tìm kiếm cho bằng đủ. Đến sáng ngày hôm sau, trời còn tờ mờ, ta cùng các lính hầu đem đồ lễ đến thành Phong Châu trong lòng ta tin chắc mình sẽ cưới được nàng Mị Nương xinh đẹp làm vợ. Nhưng thật quá bất ngờ Sơn Tinh đã rước nàng về núi rồi, lúc bấy giờ ta vô cùng đau đớn vì không lấy được người mình yêu.

Ta vô cùng tức giận, chẳng hề suy nghĩ liền cho quân lính đuối theo cướp lại Mị Nương. Ta hô mưa, gọi gió làm giông bão cả đất trời  dâng nước lên cuồn cuộn quyết đánh Sơn Tinh để chiếm lại Mị Nương.

Cả thành Phong Châu chìm trong biển nước mênh mông. Hắn không chịu thua hoá phép đánh lại ta. Hắn ném đất, ngăn chặn dòng nước lũ. Ta cho nước sông dâng lên cao bao nhiêu thì hắn cũng dâng đồi núi lên bấy nhiêu. Ta không quản ngại huy động mọi lực lượng quyết đánh thắng hắn.

Nhưng ròng rã mấy tháng trời sức hắn vẫn không hề lay chuyển mà ta thì sức đã kiệt: Cuối cùng ta đành rút quân về.

Từ đó, mỗi năm cứ đến dịp mùa hạ ta lại nhớ mối hận thù xưa không thể quên được. Càng nhớ tới nàng Mị Nương xinh đẹp thì lòng ta càng căm giận Sơn Tinh nên ta lại làm mưa to gió lớn dâng nước lũ đế đánh Hắn cho hả giận. Dẫu biết rằng không thắng được hắn nhưng mối thù này không bao giờ xoá được trong tâm trí ta.


11. Chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh bốn ngàn năm sau

Bài làm:

Sau khi thắng Thuỷ Tinh giòn giã hàng trăm lần, Sơn Tinh đâm ra tự mãn, càng coi thường Thuỷ Tinh ra mặt. Từ khi câu chuyện về Thần được dân gian xưng tụng viết thành một truyền thuyết đẹp Sơn Tinh- Thuỷ Tinh, Thần núi càng sinh ra kiêu ngạo. Thần tự nhủ: Trăm ngàn các vị thần được Ngọc Hoàng thượng đế cắt cử cai quản trăm phương, đã mấy ai được như mình.?.

Nhất là từ khi câu chuyện ấy được các nhà biên soạn sách tuyển chọn đưa vào chương trình phổ thông để dạy bọn trẻ, rồi mỗi khi đi tuần thú, nghè các giáo viên say sưa ca ngợi tài trí và công đức của mình, chê bai chế giễu Thuỷ Tinh Thần Núi càng thêm kiêu ngạo. Trong con mắt của thần, Thuỷ Tinh chì là cây cỏ thấp đứng bên cạnh cây đại thụ là Thần Núi.

Càng ngày, Sơn Tinh càng được Ngọc Hoàng tín nhiệm. Ngọc Hoàng giao cho Thần Núi mở rộng quyền lực cai quản ra khắp các vùng núi phía Bắc Việt Nam. Quyền lực càng lớn Sơn Tinh càng cảm thấy uy phong của mình lớn thêm, càng không sợ Thần Nước. Ngoài Thần Núi sai khuân đá, đúc bê tông thành từng tảng nặng hàng ngàn tấn dựng một thành luỹ cao ngất trời ở vùng trung du sông Đà để chặn đường tiến quân của Thuỷ Tinh.

Quả thực từ ngày Sơn Tinh dựng được bức thành kiên cố ấy, Thuỷ Tinh càng khó báo thù, nhiều lần Thuỷ Tinh tiến quân nhưng đành ngậm ngùi rút lui.

Từ sau ngày dựng được bức thành kiên cố, Sơn Tinh không lo đi tuần thú nữa, chỉ vùi đầu vào những tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, hoặc cùng người đẹp Mị Nương thong dong dạo chơi ngắm hoa thơm cỏ lạ, hoặc nghe những bọn nịnh thần vây quanh tâng bốc lên tận mây xanh…

Thời gian trôi đi mà Thần Núi không tiếc, không bận tâm đến một chuyện gì, ngay cả việc dân tình đốt rừng làm nương. Các vị Sơn thần cấp dưới đến bẩm báo ngài cũng tậc lưỡi: Ôi dào, sức người ăn thua gì con người nhỏ bé thế mà lại chỉ có hai bàn tay yếu ớt, có đến hàng vạn năm vẫn củng chẳng phá nổi rừng.

Vả lại, họ nghèo khó quá ta đâu lỡ phạt họ, đâu lỡ triệt kế sinh nhai của họ, thế mới xứng với lời ca tụng của người đời ràng ta là vị thần nhân từ, yêu dân như con mình chứ! Mỗi người chỉ chặt mất có vạt rừng bé tẹo, thấm thoát gì?

Nhưng con người đâu chỉ làm cái nương mà họ vừa có được từ vạt rừng xanh suốt đời. Vài ba năm sau, nương dãy bạc màu họ lại bỏ cái nương đó đốt vạt rừng khác để làm nương mới.

Cứ thế, hàng chục, rồi hàng trăm năm, hàng nghìn năm rừng thu hẹp dần. Cả một vùng bạt ngạt rừng giờ đây chỉ còn bé tẹo.

Thần Núi hốt hoảng vội nghĩ ra kế Giao đất giao rừng và rừng thi nhau mọc lên. Tuy không phải là rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh nhưng cũng là rừng vải, rừng nhãn, rừng bạch đàn…

Ngăn chặn được dân đốt phá rừng thì bọn lâm tặc lại nổi lên. Bọn này thực là nguy hiếm. Chúng không đốt rừng nên đâu dễ phát hiện. Chúng luồn sâu vào các cánh rừng đại ngàn còn sót lại nơi dầu nguồn, len lỏi trong rừng tìm những nơi có gỗ quý để Khai thác.

Vì chúng cưa bằng loại máy rất êm, lại ở sâu trong rừng nên các vị Sơn thần thổ địa đi tuần tra phía ngoài bìa rừng cũng khó phát hiện. Khi chúng chuyên chở ra thì dùng cả những gì to tướng, lao vun vút, các vị Sơn Thần thổ địa không tránh xa chỉ có mà tan xác .Chỉ có Sơn Tinh là có thể trị được chúng thì ngài lại ở xa quá, đang mải tiệc tùng.

Về phía Thuỷ Tinh, sau nhiều lần dâng nước đánh Sơn tinh đều bị thua đậm, đành nuốt hận lui về chốn Thuỷ Cung đợi thời cơ. Và Thuỷ Tinh cứ chờ. Năm năm… Mười năm… Một trăm năm… Một ngàn năm…

Một hôm, Thuỷ Tinh đang nhớ lại chuyện năm xưa thì có tiểu thần Ba Ba xin vào yết kiến.

–    Bẩm Đại Vương, phía thượng nguồn sông Đà bây giờ đã biến thành vùng đồi trọc rồi ạ.

Thần nước reo lên giọng đầy hả hê:

–   Trời giúp ta rồi! Lão Thần Núi kia thử hỏi liệu có thắng ta nữa không?

Tiểu thần Thuồng Luồng đứng gần đó cũng tham gia câu chuyện:

–    Bẩm, nhưng ta làm sao mà vượt qua được bức thành luỹ kiên cố mà lão Thần Núi dựng lên ạ?

–    Các ngươi chớ có lo, ta đã có cách.

Rồi Thuỷ Tinh chia quân ra nhiều toán nhỏ, lặng lẽ, bí mật luồn sâu vào các mạch suối ngầm, tiến lên mai phục ở thượng nguồn sông Đà, khi trời nổi mưa gió sẽ hành động.

Trận báo thù thứ nhất diễn ra một cách chớp nhoáng nhưng sức tàn phá thì thật là khủng khiếp. Từ sâu trong lòng đất, ở tận mạch nước ngầm, quân của Thuỷ Tinh bất ngờ ào lên, chúng lướt qua các quả đồi trọc những khu rừng thưa một cách dễ dàng, ào ào như những dòng thác không gì cản lại được.

Rồi sau khi càn quét một vùng vài ki lô mét, chúng lại nhanh chóng lui binh ẩn sâu vào trong mạch nước ngầm. Khi chúng rút đi nhà cửa đổ ngổn ngang, hoa màu bị cuốn trôi, xác người xác súc vật la liệt.

Sau trận báo thù thứ nhất của Thuỷ Tinh, Sơn Tinh vô cùng hốt hoảng, Thần Núi mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng phấp phỏng chờ Thuỷ Tinh tới để quyết chiến.

Nhưng Thuỷ Tinh không cần đánh lớn, chỉ đánh du kích. Những trận đại hồng thuỷ diễn ra bất ngờ và chớp nhoáng (mà con người gọi là lũ quét) đến nỗi Thần Núi Sơn Tinh không kịp trở tay.

Rồi trận tập kích hồi tháng bảy năm ngoái, Thuỷ Tinh bất ngờ từ dưới suối ngầm chui lên đỉnh núi Tản Viên, ào xuống cướp lấy Mị Nương rồi lại lặn sâu vào suối ngầm, đưa Mị Nương về Thuỷ Cung.

Sơn Tinh bàng hoàng trước tai hoạ khủng khiếp với chính ngài. Nhưng hối hận thì đã muộn.


Bài trước:

  • Soạn bài Tìm hiểu chung về văn tự sự sgk Ngữ văn 6 tập 1

Bài tiếp theo:

  • Soạn bài Nghĩa của từ sgk Ngữ văn 6 tập 1

Xem thêm:

  • Các bài soạn Ngữ văn 6 khác
  • Để học tốt môn Toán lớp 6
  • Để học tốt môn Vật lí lớp 6
  • Để học tốt môn Sinh học lớp 6
  • Để học tốt môn Lịch sử lớp 6
  • Để học tốt môn Địa lí lớp 6
  • Để học tốt môn Tiếng Anh lớp 6
  • Để học tốt môn Tiếng Anh lớp 6 thí điểm
  • Để học tốt môn Tin học lớp 6
  • Để học tốt môn GDCD lớp 6

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Sơn Tinh Thủy Tinh sgk Ngữ văn 6 tập 1 đầy đủ và ngắn gọn nhất. Chúc các bạn làm bài Ngữ văn tốt