Người phun thuốc trừ sâu được bao nhiêu một ngày năm 2024

Ngày đầu tháng 12, về thôn Chính Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Đàn, người đã nghiên cứu, sáng chế máy phun thuốc trừ sâu, thì người dân từ đầu đến cuối thôn đều nhiệt tình chỉ đến tận nơi. Thấy khách hỏi thăm về sáng kiến, anh Nguyễn Văn Đàn pha ấm trà nóng mời khách, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện thú vị về cơ duyên, cũng như hiệu quả mà sáng kiến mang lại.

Lan Giới là xã thuần nông, gia đình anh Đàn kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2020, nhiều người nông dân đến cửa hàng mua thuốc trừ sâu, trăn trở về việc sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất canh tác vì không đủ nhân công và thời gian để phun thuốc trừ sâu cho diện tích cây ngô đông lớn. Trước đó, anh Đàn cũng được nghe nhiều nhà nông chia sẻ về chi phí thuê nhân công, cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi phun thuốc trừ sâu. Từ đó, anh lên ý tưởng nghiên cứu, chế tạo máy phun thuốc trừ sâu phục vụ bà con trong vùng.

Trên cơ sở từ chiếc máy cày có thể dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình, kể cả nơi có đất ruộng lầy, lún và có thể chạy phun trên những cánh đồng mẫu lớn. Anh Đàn đã tận dụng kiến thức đã được học, cũng như trong thực tiễn để thiết kế, gắn thêm các bộ phận khác như, bình nhựa 200 lít để chứa nước đã pha thuốc trừ sâu, máy động cơ xăng có gắn thêm bộ điều khiển áp suất để bơm thuốc trừ sâu. Đặc biệt, máy được trang bị bộ điều khiển thủy lực nâng lên và thu lại 2 bên cánh, cùng dàn phun 2 bên dài 12 m.

“Xuất thân là nông dân nên tôi hiểu những khó khăn của nhà nông gặp phải trong quá trình canh tác. Chiếc máy phun thuốc trừ sâu đầu tiên được đưa xuống cánh đồng ngô chạy thử nghiệm, tôi dùng hệ thống thủy lực chỉ nâng lên, hạ xuống cho tay phun 2 bên cánh. Sau khoảng 1 năm dùng, tôi đã tư duy, cần phải thiết kế thêm tay phun 2 bên phải gập được vào thân máy cày cho gọn lại để cơ động lên bờ, sang cánh đồng khác hoặc về nhà. Sang năm tiếp theo, tôi đã kiên trì cải tiến, chế tạo thêm hệ thống thủy lực thu 2 bên cánh vào sườn chiếc máy cày. Máy đã được chế tạo thành công, trong khi đang phun thuốc trừ sâu có vướng vật cản, hay di chuyển sang cánh đồng khác sẽ cho thu cánh tay phun gọn lại, máy sẽ đi thuận tiện, không phải xuống dùng tay nhấc ra, nhấc vào như trước nữa.”, anh Đàn nói.

Năm 2022, anh Đàn thành lập HTX Sản xuất Nông nghiệp Tài Linh, với 5 thành viên, do anh làm Giám đốc, diện tích ban đầu 4,5 ha. HTX tham gia ký các hợp đồng sản xuất, liên kết và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Máy phun thuốc bảo vệ thực vật do anh Nguyễn Văn Đàn sáng chế đang phun thuốc trừ sâu trên cánh ngô của HTX Sản xuất Nông nghiệp Tài Linh, thôn Chính Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Chỉ tính riêng vụ đông năm 2023, HTX đang tham gia 02 mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân trong và ngoài xã gồm, mô hình sản xuất 22 ha cây ngô ngọt và mô hình sản xuất 20 ha cây khoai tây. Thời gian qua, với quy mô sản xuất lớn, đòi hỏi anh Đàn phải luôn tư duy đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm ngày công lao động, nâng cao hiệu quả ở tất cả các khâu, nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh.

Theo anh Đàn, đối với cây ngô ngọt, phải phun thuốc trừ sâu từ 5 - 7 lần/vụ, còn cây khoai tây cũng phải phun thuốc trừ sâu từ 2 - 3 lần/vụ. Bình quân mỗi một chu kỳ sâu nở chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày. Đối với cây ngô, nếu không được phun thuốc trừ sâu kịp thời, sâu sẽ ăn hết lõi ngô. Trong khi đó, với diện tích trồng ngô lớn như vậy, đòi hỏi phải cần hàng trăm nhân công phun thuốc mỗi ngày bằng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, lại ảnh hưởng tới sức khỏe của người nông dân khi trực tiếp phun thuốc trừ sâu. Vì thế, việc sáng tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu đã khắc phục được những hạn chế trên; đồng thời, tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật, cũng như nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh.

“Trong thời gian 1 tiếng, máy có thể phun được khoảng 4 mẫu ruộng ngô. Nhưng với sức người phun thuốc bằng phương pháp thủ công, 1 tiếng chỉ phun được 1 sào ruộng. Nếu 20 ha ruộng ngô mà dùng người phun bằng phương pháp thủ công, chắc phải cần từ 50 - 70 người phun trong một ngày chưa chắc đã xong. Nhưng riêng với chiếc máy này của tôi, một người từ khâu pha thuốc bảo vệ thực vật đến khâu điều khiển máy và phun thuốc thuốc trừ sâu, chỉ cần từ 1 - 1,5 ngày là xong cho 20 ha ruộng ngô. Từ khi có chiếc máy này, tôi đã chủ động được thời gian phun thuốc trừ sâu cho cây ngô và cây khoai tây, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất có thể.”, anh Đàn chia sẻ.

Với tư duy sáng tạo, sự đam mê, áp dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Đàn đã kiên trì cải tiến, chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất có hiệu quả, góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, năng suất thấp để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.